Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

6% cho nhà ở thương mại: Lợi ích quá lộ liễu

6% cho nhà ở thương mại: Lợi ích quá lộ liễu

Với những bất hợp lý, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã gây ra nhiều tranh cãi trong vài ngày qua. Thậm chí có thể làm nhiều người thất vọng hơn nữa khi đang trông đợi thị trường bất động sản trở về đúng giá trị thực.
Chia năm xẻ bảy
Ba chục ngàn tỷ đồng đã gây tranh cãi diện rộng như thời gian vừa qua, thử hỏi làm sao “giải cứu” được cái thị trường bất động sản đang khốn quẫn này?
Mãi cuối cùng Ngân hàng nhà nước mới chịu tung ra một văn bản về thuê mua và thuê nhà ở xã hội. Tuy vậy, văn bản này lại chưa thành hình mà chỉ là dạng dự thảo thông tư. Điểm hấp dẫn duy nhất của văn bản này có lẽ không hẳn nằm ở gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, mà là mức lãi suất 6%.
Dù gói tín dụng trên được coi là “chỉ như muối bỏ bể” và chưa có triển vọng nào sẽ làm ấm lại thị trường nhà ở, chưa nói đến chuyện hồi phục nó, nhưng ngay từ khâu soạn thảo nội dung đã có vấn đề khi chỉ có lợi cho “nội bộ”, thay vì phổ cập cho nhiều đối tượng xã hội.
Nếu theo đúng tinh thần dự thảo thông tư của Ngân hàng nhà nước, những người muốn mua nhà ở xã hội sẽ không thể vay được vốn với lãi suất 6%. Quy định này thoạt nghe có vẻ hợp lý nếu “làm đúng như Nghị quyết 02 của chính phủ” như một giải thích của Ngân hàng nhà nước trước sức ép rộng khắp của dư luận, nhưng hệ lụy cuối cùng lại là việc ngay cả những người được coi là “đối tượng thu nhập thấp” sẽ không thể có điều kiện để tiếp cận với gói tín dụng kia.
Không những thế, một đề xuất của Bộ Xây dựng còn muốn làm cho gói tín dụng nhỏ nhoi trên bị chia năm xẻ bảy, với 35% gói này dành cho các chủ đầu tư vay để tiếp tục triển khai dự án. Như vậy, chỉ còn khoảng 20.000 tỷ đồng có thể “tiếp cận với công chúng”. 
Vốn càng tồn ứ
Từ quý 1 năm ngoái đến nay, thị trường tín dụng đã chứng kiến một chiến dịch công khai và quy mô của các ngân hàng với nhiều chương trình cho vay tín dụng mua nhà, nhưng không mấy thành công.
Vào thời điểm cuối năm 2012, ngay cả những ngân hàng lớn như BIDV, ACB, Sài Gòn Thương Tín… cũng phải thừa nhận chỉ có một phần nhỏ trong các gói “ tín dụng ưu đãi” của họ được giải ngân.
Tình hình thị trường đã trầm lắng, nhưng tâm lý khách hàng còn trở nên khó hiểu lạ lùng. Thay cho thời sốt trào vào những năm 2007 và 2009, giờ đây khách hàng chỉ như muốn quay lưng lại thị trường. Dù một số gói tín dụng mua nhà ở đã được ngân hàng giảm về mức lãi suất 7%, mà khởi đầu là Eximbank, nhưng chỉ có rất ít khách hàng chấp nhận vay vốn với mức lãi suất đó để rồi phải mua căn hộ cao cấp do chính ngân hàng chỉ định.
Không thể cho vay đại trà mua bất động sản, ngân hàng càng ngập chìm trong tình thế vốn liếng bị chất đống và tồn ứ. Trong vòng một năm qua, tuy chưa có con số thống kê chính thức từ phía Ngân hàng nhà nước (và có lẽ sẽ thật khó để có con số này), nhưng khó có thể cho rằng tỷ lệ bình quân cho vay vốn của các chương trình cho vay mua nhà ở tại các ngân hàng thương mại vượt quá 20% - một kết quả quá khiêm tốn so với giai đoạn những năm trước và với rất nhiều cố gắng mà họ phải bỏ ra trong năm 2012.

Không còn cái thời khách hàng lệ thuộc vào ngân hàng. Thậm chí giám đốc một số chi nhánh ngân hàng phải săn tìm “khách hàng tiềm năng”, kể cả khách vay mua nhà lẫn những doanh nghiệp có khả năng trả nợ khi vay.
Vào năm 2012, đã có ước tính con số tồn vốn của khối ngân hàng thương mại lên đến 200.000 tỷ đồng. Con số này lại tương đương với một con số về giá trị tồn kho bất động sản ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Nếu tính đúng và đủ, giá trị tồn vốn và bị ngâm vốn tại các ngân hàng đang lên đến ít nhất 400.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số ước tính trên vẫn chưa thể thích hợp với thực tế, khi chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành còn ước tính nợ xấu tại các ngân hàng thương mại đang có thể lên đến trên 500.000 tỷ đồng.
Càng thất vọng
Bài toán đặt ra giờ đây càng có thêm ẩn số. Không chỉ phải tống táng vốn tồn ứ ra thị trường, mà muốn làm được điều đó, ngân hàng lại phải làm mọi cách để thị trường được sưởi ấm, nền kinh tế có đôi chút sức sống, thay cho tình trạng chết lâm sàng trong hơn hai năm qua. Khi đó may ra sức mua mới tăng lên.
Doanh nghiệp cần vay vốn hay cần thị trường? Câu hỏi này gần đây đã được báo chí đặt ra, và tuy còn tranh cãi, nhưng một số ý kiến từ doanh nghiệp hoạt động thực tế đã cho thấy hơn lúc nào hết, doanh nghiệp trước mắt cần thị trường tiêu thụ.
Tỷ lệ hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá cao, bất chấp hàng loạt đợt mở bán khuyến mãi và đại hạ giá vào cuối năm trước và ròng rã cho tới nay. Trong bối cảnh đó, nếu không thể tiêu thụ được hàng tồn kho, dĩ nhiên doanh nghiệp sẽ “không biết vay vốn để làm gì”.
Đó cũng là bài toán của Ngân hàng nhà nước, với quá nhiều lúng túng và bất cập của cơ quan này suốt từ cuối năm 2011 đến nay.
Muốn làm cho thị trường bất động sản “sôi động” trở lại, ít ra phải “hà hơi” cho thị trường này. Nhưng kích thích vào đâu? Điều thiên vị là ngay từ đầu, khối ngân hàng thương mại đã chỉ chăm bẵm vào các dự án căn hộ cao cấp và trung cấp mà họ đang “ôm”, và làm sao để gói tín dụng 6% chỉ dành cho những ai buộc phải mua nhà ở thương mại, thay vì nhà ở xã hội.
Cho đến nay, có lẽ các chương trình xây dựng nhà ở xã hội và nhà cho người có thu nhập thấp đã thất bại hoàn toàn. Con số thống kê chính thức của Bộ Xây dựng từ cuối năm 2011 đã cho thấy chỉ có 1% kế hoạch xây nhà ở xã hội được thực hiện.
Cũng bởi thế, người dân và công luận đã hoàn toàn có lý khi cho rằng với các chương trình tín dụng ưu đãi mới, đặc biệt với gói 30.000 tỷ đồng, chỉ có người giàu hưởng lợi, còn người nghèo vẫn bị gạt ra rìa.
Tất cả càng làm cho giới chủ đầu tư và ngân hàng thêm khó trong chiến dịch giải phóng hàng tồn kho bất động sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét