Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Vì sao nhiều cha mẹ Việt hay đánh con?

Vì sao nhiều cha mẹ Việt hay đánh con?
Đừng đặt câu hỏi "Tại sao người phương Tây họ không đánh con mà chúng nó vẫn nên người?". Đó là sự so sánh không cân xứng bởi chúng ta đang nói đến một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt
Ở Châu Âu, các gia đình sống như các cá thể riêng lẻ, chuyện ai biết người đấy.
Vì cách sống cá thể nên môi trường xung quanh, hàng xóm thường ít tác động và ảnh hưởng đến trẻ em và con cái của họ.
Những yếu tố môi trường có thể làm ảnh hưởng đến trẻ em ít tồn tại hoặc bị quản lý chặt chẽ bởi nhà nước. Không có những quán xá điện tử mọc lên nhan nhản gần trường học, mua rượu hay các chất kích thích thì phải có chứng minh thư trên 18 tuổi...
Con không hư thì họ cũng chẳng cần phải đánh, và bản thân nhưng đứa trẻ lớn lên trong một xã hội như thế cũng hiểu nên làm thế nào cho đúng. Chúng nó cứ bắt chước cách mà người lớn đang sống thôi.
Ở Việt Nam, tôi thấy ra đường xảy chân cái là hư hỏng như chơi. Do đó cha mẹ thường lo lắng con cái mình trở nên hư hỏng và rất nghiêm khắc.
Đặc biệt, vì nước ta còn nghèo, nên nhiều người có những tư tưởng thoát nghèo hoặc mong muốn con sau này trở nên khấm khá hơn. Thế nên họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào con cái mình, càng kỳ vọng thì càng nghiêm khắc, càng muốn con học hành nên người. Khi chúng nó không nghe lời thì tìm mọi biện pháp để uốn nắn.
Ở Phương Tây thì không như vậy. "Nên người" có nghĩa là lớn lên không trở thành tội phạm, thế là đủ. Trẻ con lớn lên thích làm gì thì làm, thích học gì thì học. Có rất nhiều con đường để lựa chọn. Với cách nào thì hầu hết con trẻ vẫn có thể sống, thậm chí là sống tốt.

Ở Việt Nam thì không có ông bố bà mẹ nào muốn con mình lớn lên "tự nhiên" như thế được. Xã hội khác thì phải có cách đối xử khác thôi. Nhưng hơn tất cả, mọi người cũng phải hiểu, bên trong cái sự nghiêm khắc ấy là tất cả tình cảm, sự kỳ vọng của người làm cha làm mẹ đối với con cái của mình.

Ở Việt Nam, ba mẹ ít để cho trẻ sống theo bản năng của chúng. Có những lúc lời nói không nghe thì phải dùng đến roi vọt, điều đó là khó tránh khỏi. Đơn giản là chỉ nói thôi thì làm gì có đứa nào sợ, mà không sợ thì trẻ em vẫn tiếp tục hành động theo bản năng của chúng thôi. Hầu hết những người con từng bị cha mẹ dạy dỗ nghiêm khắc thì lớn lên đều thầm cảm ơn cha mẹ hết.

Tôi đã từng biết có một ông bố gốc Việt ở Úc, con hư không dạy được. Nói thì nó không nghe, đánh nó thì nó báo cảnh sát. Chán nản đành bỏ về Việt Nam sống, mặc kệ nó ra sao thì ra.

Cũng phải nói thêm, ở phương Tây cũng có một bộ phận nhỏ hư hỏng, những đối tượng này dùng lời thì cũng chẳng được nữa rồi. Cha mẹ bất lực và cũng chả thèm quan tâm đến chúng nó nữa. Chỉ mong chúng nó đừng gây chuyện và đủ 18 tuổi để không còn liên quan đến mình nữa ấy chứ.

Cá nhân tôi ủng hộ việc dùng roi vọt để dạy dỗ trẻ em. Nhưng nếu có sử dụng chắc cũng không nhiều và cần phân biệt, dạy dỗ chứ không phải thỏa mãn cơn nóng giận của mình.

Những trận đòn "vô cớ" sẽ làm trẻ oán hận, nhưng "hợp lý" thì có thể làm trẻ tuy giận mà vẫn thương. Vì vậy cần làm cho trẻ hiểu vì sao nó phải "ăn đòn"...


Dạy trẻ khác với bạo hành. Những người lớn lên oán giận cha mẹ, tôi nghĩ phần lớn rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành, phải hứng chịu những trận đòn vô cớ chỉ để thỏa cơn bực tức.

Bản thân tôi, khi còn nhỏ, bố tôi rất nóng tính. Khi nóng giận, ông đánh con có khi không dùng roi mà dùng tay chân. Tất nhiên bố tôi chỉ đánh khi tôi làm sai thôi. Nhưng mỗi khi đánh xong, bố tôi xót con lắm, chắc cũng biết mình nóng nên toàn dỗ dành.

Thế nên tôi vừa sợ bị đánh mà vừa thương bố vì biết bố rất thương tôi. Bố thường kể cho tôi nghe những câu chuyện về tình người, làm anh em phải thương yêu nhau.

Mặc dù bố đã mất khi tôi mới 8 tuổi, nhưng đến giờ, 28 tuổi, những câu chuyện đấy vẫn làm tôi nhớ, và tôi hiểu cuộc sống cần phải có tình người như thế nào.

Lê Xuân Thanh
http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/doi-song/2013/03/vi-sao-nhieu-cha-me-viet-hay-danh-con/



Đọc bài viết của cô/chú cháu không đồng tình lắm. Theo cháu điều quan trọng nhất là bố mẹ phải cho con trẻ tình cảm, theo sát từng bước chân và hướng dẫn, dìu dắt từ lúc còn rất nhỏ. Cháu thấy hầu hết gia đình có con hư đều không dành thời gian chăm sóc con cái mà đến lúc chúng hư rồi mới có roi vọt thì chẳng thể làm gì được nữa.Cháu năm nay 23 tuổi, từ bé đến lớn bố mẹ cháu ko đánh cháu roi nào nhưng cháu nghĩ là cháu vẫn ngoan. Tốt nghiệp loại giỏi BKHN, biết sống tình nghĩa, có chí... Cháu nghĩ là roi vọt không phải thứ quyết định.    
Ai nói người Tây phương không đánh con mà chúng vẫn nên người? Hãy qua Mỹ mà sống một thời gian để thấy sự nên người của trẻ như thế nào, và cũng thấy tại sao gia đình Mỹ hay li dị vì cái Tôi của họ lớn quá. Đánh đòn trong thương yêu như gia đình Việt Nam là hay nhất.    
Bài viết hay, khách quan. Thiết nghĩ, để cho con mình thích học gì thì học, làm gì thì làm như ở phương Tây thì hạnh phúc quá. Mong một ngày đất nước ta có thể làm được điều này, khi mà đồng lương từ việc đi làm 8 tiếng mỗi ngày đủ cho mọi người trang trải chi phí sinh hoạt.    
Nghiêm khắc không có nghĩa là phải đánh con.
Dùng roi vọt để dạy con sẽ làm tổn thương tình cảm của đứa trẻ, của cha mẹ và của nhiều người khác nữa.
Đánh dạy con thì không sao, nhưng đánh chửi con thì không nên. Cũng không nên lạm dụng đánh con vì dễ dẫn đến bạo hành. Tôi cũng có con và đôi khi cũng đánh dạy chúng khi cần thiết dù rằng không muốn. Nên nhớ quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ bất khả xâm phạm kể cả ba mẹ.    
Đánh con trẻ nghĩa là người lớn đã bất lực trong cách giáo dục chúng. TRẺ EM KHÔNG CHỈ CỦA RIÊNG AI, MÀ́ CHÚNG LÀ TƯƠNG LAI CỦA NHÂN LOẠI. Người lớn đôi khi còn làm sai. Huống chi những tâm hồn còn non nớt cần được dạy dỗ bằng SỰ KIÊN NHẪN, TÌNH YÊU THƯƠNG...
Tôi hoàn toàn không đồng ý. Việc đánh con chỉ thể hiện sự yếu kém, sợ hãi của cha mẹ trước những tình huống không biết nên xử lý như thế nào, lâu dần thành quen.
Bản thân tôi đã thấy rất nhiều gia đình ở VN không bao giờ đánh con mà con cái vẫn học giỏi và thành đạt. Điều quan trọng nhất theo tôi nghĩ là cách giáo dục, cách tâm sự và làm bạn với con để con ý thức được việc gì nên hoặc không nên làm.
Nếu phải dùng đến roi vọt thì phụ huynh phải là người nhìn nhận mình chưa đủ kỹ năng cần thiết để thấu hiểu và dạy dỗ con trẻ.    
Tôi ko đồng tình chuyện đánh con, thế thôi. Con gái tôi 2 tuổi rất lì lợm và bướng bỉnh nhưng tôi chưa bao giờ đánh con mà có đánh nó cũng không sợ vì từ bé đến giờ có biết ăn đòn là gì đâu.
Nhưng tôi có cách dạy của tôi, thay vì đánh con tôi cố gắng chỉ bảo nhẹ nhàng và nịnh con nên cũng có kết quả. Khi nào không dạy được thì tôi bắt đứng úp mặt vào tường khi nào không khóc nữa và xin lỗi thì tha cho.
 Hoặc là bỏ hết quần áo ra và nhốt vào trong tủ, khi nào xin lỗi thì tha.
Đến giờ, con gái tôi chỉ sợ bị bố nhốt hoặc bắt úp mặt vào tường không ai quan tâm, ngoài ra roi vọt chẳng là gì. Vậy tôi hỏi bạn, tôi không đánh con mà vẫn dạy được con như thế có được không trong khi con tôi rất bướng như tôi đã nói ở trên.    
Nếu muốn so sánh nền giáo dục cũng như văn hóa của Tây và Ta, tôi nghĩ ít nhất bạn nên trải nghiệm cuộc sống ở Tây trước rồi mới viết. Tôi đã sống cùng một gia đình nguời Anh có con gái 16 tuổi nghiệm rượu và thuốc lá, dùng cả thuốc phiện mỗi khi vào sàn.
Tôi thấy đánh giá của bạn chưa mang tính trải nghiệm mà chỉ là nhìn thấy qua phương tiện đại chúng.
Khi tôi ở Anh còn nhớ một cậu bạn trai người bản địa rủ cô bạn gái người TQ ra đồng cỏ chơi, người bố hỏi: "sao con không đưa nó đến những nơi thú vị hơn".
Người con trả lời: "con muốn cho nó xem cục phân ở nước Anh như thế nào, vì nó mới đến đây nên cũng tưởng cái gì cũng hoàn hảo".
Còn về việc dậy dỗ con cái, theo ý kiến riêng của tôi là do trình độ nhận thức và văn hóa của bố mẹ là chính. Bố mẹ nên trang bị kiến thức về nuôi dậy con ntn cho tốt ngay từ khi có ý định mang bầu, bởi vì 6 năm đầu đời của đứa trẻ là quan trọng nhất giúp hình thành tính cách của trẻ.
Nếu bạn dầy công uốn nắn cho con vào giai đoạn này thì cơ hội thành công là rất cao. Nếu cứ để buông thả ở giai đoạn này thì sau đó sẽ rất vất vả và roi vọt cũng chẳng giúp được gì nhiều ngoài việc làm hỏng con thêm.    
BẤT ĐẮC DĨ THÌ CŨNG PHẢI ĐÁNH
tôi năm nay 34 tuổi, con tôi cũng mới khoảng gần 6 tuổi nhưng thỉnh thoảng cũng phải đánh chứ nói nhiều mà cháu không nghe. Ngày trước tôi còn nhỏ, mẹ tôi rất nghiêm khắc và có nhiều lần đánh tôi bằng roi kể cả ban đêm, nhưng không vì thế mà tôi hận mẹ. Bây giờ nghĩ lại thầm cám ơn mẹ đã nghiêm khắc như vậy tôi mới có được như ngày hôm nay. các bạn tôi thì đa số được tự làm theo ý mình thì nay rất lận đận    
Không ông bố, bà mẹ nào muốn đánh con. Hư quá nên dùng tới roi. Văn hóa Phương Đông đừng so sánh với văn hóa phương tây.
Tôi không biết trường hợp nào là đáng đánh... Đi chơi game => đánh đòn, đánh nhau => đánh đòn. Không nghe lời=> Đánh đòn.... Có mấy khi cha mẹ đánh con mà nghĩ xem tại sao con mình làm thế hay chỉ đánh để nhanh chóng đạt được một mục đích là con mình không tái phạm nữa.
Và nếu như ngay cả đòn roi con bạn cũng không sợ nữa thì sao. Tôi thấy rằng đòn roi là thể hiện sự yếu đuối của bậc làm cha làm mẹ.
bạn Thanh thiếu thốn tình cảm của cha từ 8 tuổi là một sự mất mát lớn. Nhưng từ 8 tuổi đến bây h bạn có được nuôi dạy bằng đánh đòn không? Nói chung đòn roi với nhiều người vẫn là giải pháp hiệu quả.
 Còn riêng tôi thấy thì rất nhiều người dạy con mà không cần dùng đến đòn roi. Mà họ dạy bằng tình yêu thương, bằng cách làm gương tốt cho con trong cuộc sống. Đó là một cách dạy dỗ khó nhưng là cách bền vững để xây dựng nhân cách một con người.    
tôi đồng ý với ý kiến của cháu Tuấn, tôi hiện là bố của 2 đứa trẻ, đang cố gắng dạy các cháu bằng cách quan tâm, đồng hành cùng tâm lý của các cháu, hạn chế đến tối đa roi vọt và hy vọng giúp được các cháu nên người có ích, trước hết cho bản thân các cháu, cho xã hội!    
câu trả lời cho câu hỏi "Vì sao nhiều cha mẹ Việt hay đánh con?" của anh: vì đó là vòng luẩn quẩn trong nhận thức, ông anh đánh bố anh, bố anh đánh anh, và anh lớn lên tất nhiên nghĩ việc dùng đòn roi là bình thường và cần thiết
Bài viết rất hay, ông bà ta xưa nay nói ko có gì sai cả (thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào) ko ai thương con bằng cha mẹ. trẽ con khi mới sinh ra ai cũng như nhau, nhưng đa phần con trẽ thành đạt, và có đạo đức là sống trong gia đình có nề nếp và hưỡng được sự giáo dục cũa cha mẹ. chứ ko phải hầu hết từ con nhà giàu có hay con ông to bà lớn
Người VIỆT NAM ta sống ở đâu cũng nên giáo dục con cháu chúng ta bằng phương pháp cùa mình là tốt nhất    
@Tuấn: Có nhà có nhiều người con, đứa thì bị đánh thường xuyên, còn đứa thì không bao giờ bị. Đó là con ngoan thì không phải "nắn" nữa. Bạn có môi trường gia đình tốt, bạn bè tốt, sự "đề kháng" thói xấu của bạn tốt... cha mẹ không phải phiền lòng nữa. Chẳng cha mẹ nào muốn con mình đau cả đâu bạn.    
Ngày trước bố tôi hay dùng ngạn ngữ Pháp để dạy chúng tôi: "cái roi làm hư đứa trẻ". Đến giờ khi đã làm cha mẹ tôi thấy câu này thật đúng. Dùng đòn roi trong một số trường hợp có tác dụng rất nhiều. Nhưng đừng lạm dụng sẽ gây ra ảnh hưởng tâm lý không tốt cho trẻ
Những ai có con hư hỏng, khó bảo thì sẽ hiểu.
Đồng tình với bài viết này !
mỗi đất nước có những văn hóa riêng của đất nước đó, không thể so sánh được, nhưng bản thân làm cha mẹ thì mình cũng cố gắng làm những điều tốt nhất cho con cái vì bây giờ mỗi gia đình chỉ có 2 con, cũng nên học những cái hay của phương tây nhưng vẫn giữ nét văn hóa của dân tộc mình, đừng đẩy con độc lập sớm quá. Nếu cần thiết vẫn phải dùng roi nhưng sau đó làm cho con hiểu vì sao cha mẹ đánh con.    
Bài viết của tác giả tôi thấy chưa sát với thực tế. Ở mỗi nước có một cách giáo dục dạy con riêng và tuy nhiên cha mẹ ở đâu cũng thương con và mong con thành đạt tuy nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố để quyết định sự thành đạt của những đứa trẻ như điều kiện học tập, môi trường giáo dục, thực tế hoàn cảnh gia đình...    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét