Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

’Đừng tưởng bố mày cần mấy đồng bạc lẻ của mày, biến!’

Chúng ta đang sống ở đâu thế này? Ở Hà nội thời ông Thảo chứ làm gì có nơi nào khác được như thế. Xe buýt Hà nội thời ông Thảo:
’Đừng tưởng bố mày cần mấy đồng bạc lẻ của mày, biến!’
(Trái hay Phải) Chiếc xe buýt mở cửa, chần chừ một lúc rồi phóng vèo đi, để lại cậu bé khiếm thị và người lái xe taxi tốt bụng chưng hửng đứng ngây ra ven đường. Phố vẫn bụi và buồn như mọi khi.

Xe buýt Hà Nội thời ông Thảo
Trưa hôm kia, đi qua đường Nguyễn Chí Thanh, tôi gặp một chuyện đau lòng. Một cậu bé khiếm thị, chừng 17,18 tuổi ngồi chờ xe buýt đoạn gần trước cửa khách sạn Bảo Sơn. Một chiếc xe buýt trờ tới, chắc cậu đã hỏi được người bên cạnh đúng tuyến xe mình cần đi nên lập cập đứng dậy. Trước cửa khách sạn là một dãy taxi, các anh lái ra đậu xe rồi ra ngoài ngồi chờ khách, một người lái xe trung niên tốt bụng nhìn thấy cậu bé mù đang dò dẫm khua gậy ra xe buýt liên chạy ra đỡ lấy tay để giúp em đi cho nhanh.
Chiếc xe buýt dừng lại một chút, cửa đã mở ra, nhưng có lẽ vì nhìn thấy có mỗi một người khách, lại là người khiếm thị, lập cập mãi bao giờ mới tới nơi. Thế là xe chần chừ một lúc rồi phóng vèo đi, để lại cậu bé khiếm thị và người lái xe taxi tốt bụng chưng hửng đứng ngây ra ven đường. Phố vẫn bụi và buồn như mọi khi.
Tôi nhìn cảnh ấy mà ứa nước mắt, khốn nạn thế là cùng, sao người lái xe buýt lại có thể nhẫn tâm đến vậy? Có phải vì anh ta đang vội quá, có việc cần kíp quá nên không thể dừng lại để chờ cậu bé tội nghiệp? Cho dù thế nào, cũng không được phép cư xử máu lạnh với nhau thế chứ?

Cậu bé lại nhờ người lái xe taxi tốt bụng dẫn vào lề đường, cậu quyết định không chờ xe buýt nữa mà lập cập khua gậy đi bộ trên hè, chắc cậu đang rất buồn tủi trong lòng.

Mới cách đây ít lâu, tôi còn biết một chuyện cũng đau lòng không kém. Một phụ nữ Việt kiều với hai đứa con nhỏ về Việt Nam, cứ tưởng phương tiện giao thông công cộng ở đây cũng tiện lợi và tử tế lịch sự như ở Tây nên đã quyết định đi xe buýt. Rồi sau đó chị cũng đã phải thề sẽ cạch đến già.

Hôm ấy chị đi cùng hai đứa bé, một đứa chị phải dắt tay, đứa kia bé hơn đang phải ngồi trên xe đẩy, vướng víu làm sao. Thế nhưng khi xe buýt dừng lại, không một ai có ý định giúp đỡ để chị có thể lên xe cho nhanh, chị đưa đứa lớn lên trước, rồi loay hoay mãi mới bê được đứa nhỏ và cả cái xe lên chuyến xe chật chội. Tất nhiên, từng ấy công đoạn làm mất thời gian chờ đợi nên người phụ xe sừng sộ quát mắng, khi chị phản ứng lại một cách nhẹ nhàng, có văn hóa, hắn đã chỉ thẳng tay vào mặt chị: “Đừng tưởng bố mày cần mấy đồng bạc lẻ nhà mày, lần sau thì biến”. Và hai đứa trẻ thấy thế khóc òa lên, chúng sợ hãi tới rúm ró cả người.

Tôi đã khóc khi biết câu chuyện đó. Vì thương cho ba mẹ con, vì thương cho hai chữ “tình người” bị chà đạp, bị giày xéo, phỉ nhổ. Cùng là con người mà lại có thể đối xử với nhau như thế sao? Chúng ta đang sống ở đâu thế này?

Thời sinh viên, tôi đã từng một vài lần đi xe buýt và phải thừa nhận, hình như ở trên cái khoảng không chật hẹp của mỗi chiếc xe đó, người ta phải đứng áp sát vào nhau một cách đầy cưỡng ép nên không có chỗ cho tình thương, tình người tồn tại. Những người lái xe, phụ xe cáu kỉnh, không bao giờ nở một nụ cười, sẵn sàng văng tục chửi bậy, sừng sộ quát mắng những người từ tỉnh lẻ ra với rất nhiều lơ ngơ và hành lý luôn cồng kềnh.

Đi xe buýt ở Hà Nội, thật kiếm khi có chuyện người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai được nhường ghế, hầu như tất thảy đều trơ trơ mắt ếch nhìn nhau, đám thanh niên thì nhét tai nghe nhạc vào tai, bất cần xung quanh.

Sự nhẫn tâm của một số người lái xe, phụ xe buýt ở Hà Nội không phải tới bây giờ mới đáng báo động, mà từ cách đây khá lâu rồi, tôi đã đọc trên báo thấy rất nhiều trường hợp, nào là phụ xe đánh người, chửi người, bắt hành khách quỳ lạy.

Có phải vì một chiếc vé xe buýt quá rẻ, có phải vì người đi xe buýt toàn người nghèo, người nhà quê nên người ta tự cho mình cái quyền hành xử như thế? Lúc mới nhậm chức, ông Bộ trưởng Bộ GTVT đã hăng hái phát động phong trào đi xe buýt, nghe đâu đã đi “ví dụ” được một hôm, khen xe buýt tốt lắm, rồi từ đó về sau hình như không bao giờ đả động tới chuyện đó nữa.

Nếu ông Bộ trưởng Bộ GTVT hay rất nhiều Bộ trưởng khác mà cùng nhau thường xuyên đi xe buýt, chắc các ông sẽ thay khẩn cấp đội ngũ phụ xe, lái xe bằng những con rô-bốt đã được lập trình. Trong bộ vi xử lý của mỗi con rô- bốt ấy, người chế tạo sẽ cài đặt rất nhiều những thứ như “tình thương”, “sự lễ phép”, “lòng trắc ẩn”, “tính nhẫn nại”, “sự tử tế”... Bởi một khi những con người bằng xương bằng thịt, có trái tim và dòng máu ấm mà không thể làm được điều đó nữa, thì thà để cho lũ rô- bốt phục vụ lại còn tốt hơn.

Giá xăng lại vừa lên rồi, tăng cao tới mức kỷ lục, rồi đây nhiều người nghèo chắc sẽ phải bỏ xe máy để chuyển sang xe buýt cho rẻ hơn, để tiết kiệm tiền mà còn lo chuyện sinh nhai đang ngày một khó khăn hơn. Họ sẽ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài những chuyến “xe buýt không tình thương” đang lượn như mắc cửi ngoài phố.
Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét