TQ chống tham nhũng: Thực hay ảo?
Ngay khi trở thành Tổng bí thư, ông Tập Cận Bình đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng trong hàng ngũ quan chức - một trong những vấn nạn khiến người dân Trung Quốc bất mãn. Hàng loạt chỉ thị, lời thúc giục được đưa ra, và cuộc chiến ấy rốt cuộc đi tới đâu?
Ảnh: wordpress |
Trong cuộc họp với bộ Chính trị khóa mới, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi “làm trong sạch” đội ngũ lãnh đạo đảng. Thậm chí ông còn cảnh báo tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự ổn định của đảng cầm quyền.
Ông yêu cầu các đảng viên loại bỏ chi tiêu lãng phí và kiềm chế tình trạng quan liêu, gần gũi hơn với người dân, đi lại với đoàn tháp tùng gọn nhẹ, họp hành cũng như phát biểu ngắn gọn hơn, giảm mức độ truyền thông về hoạt động của các quan chức. Tổng bí thư Trung Quốc thừa nhận, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn rất cam go và nó sẽ nhằm mục tiêu vào mọi hình thức lãng phí của quan chức, thành viên trong đảng.
Thể hiện và che đậy
Kết quả là, ít nhất về diện mạo bên ngoài, Trung Quốc đã bắt đầu một kỳ họp quốc hội không tiệc, không hoa, không chào đón lễ nghi rườm rà, không ăn uống hoành tráng, không trưng diện xa xỉ. Quan chức, các đại biểu tỏ ra rất thận trọng, tránh phô trương và vung tay quá mức.
Thế nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, quan chức Trung Quốc không thực sự dè sẻn theo lời kêu gọi tiết kiệm của ông Tập Cận Bình. Họ đơn giản là che đậy tốt hơn. Vào tối 5/3 - ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa mới - các phòng ăn chung gần như trống rỗng tại khách sạn Bắc Kinh. Nhưng cầu thang máy thì không. Nó đầy ắp các đại biểu và khách lưu trú. Họ lên phòng riêng. Tại Tian Di Yi Jia, một nhà hàng xa xỉ gần đó mà các quan chức khá yêu thích, có cả chục chiếc Audi và BMW đỗ kín đáo phía ngoài. Bên trong, chỉ có một bàn ăn dành cho khách nước ngoài đặt ở phòng chính, nhưng số lượng người đặt chỗ trước ở rất nhiều phòng riêng đã kín chỗ trong suốt thời gian họp quốc hội (sẽ kết thúc vào ngày 17/3).
Một số thống kê đầu năm cho thấy ít nhiều kêu gọi của ông Tập có tác động khi doanh thu hàng hóa xa xỉ hay tiêu thụ rượu cao cấp sụt giảm. Tuy nhiên, theo Cheng Li, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại viện Brookings, điều đó không có nghĩa là các biện pháp tiết kiệm sẽ dẫn đến sự thay đổi thể chế và ràng buộc với các quan tham trong dài hạn. Phép thử tốt hơn với cam kết chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình sẽ là khả năng thông qua các điều luật buộc quan chức chính phủ và người thân của họ kê khai tài sản cũng như các hoạt động tài chính.
Chỉ có kỷ luật, không có đạo luật
Điều đáng nói là, tới tận bây giờ, các đạo luật liên quan ít được nhắc tới. Tuần qua, một quan chức chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc cho biết, cơ quan kỷ luật của đảng cầm quyền vẫn chưa có ý định đưa dự thảo luật chống tham nhũng đầu tiên lên bàn nghị sự cho dù có thường xuyên cam kết thúc đẩy quá trình này.
Theo các chuyên gia, một lý do chính của sự chậm trễ là mối lo lắng quan chức trong đảng có thể phải chịu sự giám sát từ bên ngoài. "Dự thảo luật chống tham nhũng chưa bắt đầu", Gan Yisheng, phó phụ trách Ủy ban Thanh tra, Kỷ luật Trung ương - người vừa mới nghỉ hưu, nói. "Chúng ta sử dụng kỷ luật của đảng để điều chỉnh hành vi quan chức, nhưng trong tương lai, chúng ta nên cố gắng điều chỉnh họ trên cơ sở luật pháp", ông nhấn mạnh.
Theo Wang Changjiang, người đứng đầu ban xây dựng đảng thuộc trường đảng trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh, vấn đề lớn nhất trong dự thảo luật là tham nhũng đã ăn sâu bám rễ trong đảng cầm quyền và sẽ rất khó khăn để xóa bỏ vấn nạn này mà không gây tổn thất. "Một mặt, đấu tranh chống tham nhũng là cách thức tốt để nâng cao uy tín, thẩm quyền của đảng, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi vì một đạo luật như thế có thể ảnh hưởng tới quyền lực của đảng cầm quyền", vị này cho biết. "Các quan chức phải chắc chắn rằng, luật chống tham nhũng sẽ không gây thiệt hại cho quyền lực của đảng trước khi nó được ban hành. Đó là một vấn đề rất phức tạp".
Ông Wang cũng là một đại biểu của Hội nghị hiệp thương chính trị cho hay, các vụ việc tham nhũng lớn cấp cao vẫn tiếp tục gia tăng, số tiền hối lộ cũng tăng vọt.
Chống tham nhũng là tâm điểm trong bài phát biểu đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi trở thành Tổng bí thư hồi tháng 11. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo trong phát biểu khai mạc kỳ họp quốc hội cũng nói rằng, chính phủ cần "kiên định chống tham nhũng và thiết lập các thể chế để chấm dứt sự tập trung quyền lực thái quá cũng như thiếu kiểm tra về thực thi quyền lực".
Rất nhiều nhà quan sát chính trị cũng như học giả cho rằng, kể cả khi luật chống tham nhũng được ban hành, nó có thể không có hiệu quả vì rất khó thực thi. Han Kang, một đại biểu Hội nghị hiệp thương chính trị nhấn mạnh, Trung Quốc có một lịch sử các đạo luật thông qua nhưng không được thực thi. Ông nói: "Người dân rất hy vọng vào sự thay đổi khi có lãnh đạo mới. Các nhà lãnh đạo cần thể hiện quyết tâm hơn trong chống tham nhũng trước khi quá nhiều người mất hy vọng rằng, giấc mơ của họ sẽ không thành hiện thực".
Thái An
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/112335/tq-chong-tham-nhung--thuc-hay-ao-.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét