Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Phải có chỗ cho sự tử tế tồn tại

Thật xúc động khi xem lại phim “Chuyện tử tế”.

Phải có chỗ cho sự tử tế tồn tại

(Trái hay Phải)-Cuối tháng 3 này, bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy được mang ra chiếu lại trong Liên hoan phim ngắn tại Hà Nội. Chắc không nhiều người quan tâm nên không thấy báo nào nói đến ngoài những dòng tin ngắn ngủn, ô hay, chẳng lẽ cuộc sống đã không còn chỗ cho chuyện tử tế nữa rồi?
Video phim "Chuyện tử tế"
Đạo diễn Trần Văn Thủy
Đạo diễn Trần Văn Thủy
Phim “Chuyện tử tế” được đạo diễn Trần Văn Thủy làm từ năm 1985, được coi là phần tiếp theo của một bộ phim nổi tiếng khác của ông, “Hà Nội trong mắt ai”. Phim làm xong nhưng bị “xếp kho”, phải đến năm 1987, sau một cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Văn Linh- Tổng Bí thư lúc đó, “Chuyện tử tế” mới được đem ra công chiếu.
Phim đã tạo nên dư luận rộng lớn đồng thời thu hút một lượng khán giả đông đảo khi chiếu rạp trong giai đoạn này. “Chuyện tử tế” đã đoạt giải Bạc tại LHP quốc tế Leipzig (Đức), gây dư luận trên báo chí nước ngoài, được hơn 10 đài truyền hình lớn trên thế giới mua bản quyền và được chiếu rộng rãi ở châu Âu, Nhật Bản, Úc và Mỹ...

Phim mở đầu bằng câu chuyện về nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết nhân ngày giỗ đầu của anh. Trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư, Đồng Xuân Thuyết đã đề nghị các bạn của mình thực hiện một bộ phim tài liệu thực sự có ý nghĩa về tình thương yêu giữa con người và con người hoặc xuất phát từ nỗi đau nhân thế, anh cũng đọc cho các bạn nghe một đoạn trích về tâm hồn con người trong tiểu thuyết Nga “Quy luật của muôn đời” của nhà văn Nodar Dumbatze.
Đoạn trích đó như sau: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi, bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của từng con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”.
Từ mong ước của người bạn, nhóm làm phim của đạo diễn Trần Văn Thủy đã bắt đầu cuộc hành trình với câu hỏi “Sự tử tế là gì” qua rất nhiều nơi, từ thành phố, thôn quê cho tới một làng phong, bởi có một nhân vật khẳng định: “Nếu không còn tình yêu thương nhau thì chỉ có mà đi ở với hủi”.
Nhưng người hủi có phải là ác quỷ không có trái tim không? Câu chuyện tiếp theo của một bà mẹ bị bệnh phong khiến khán giả không cầm nổi nước mắt. Chị lập gia đình, có một cậu con trai, nhưng vì phát hiện mắc bệnh phong mà chồng bỏ 2 mẹ con ra đi. Không chịu nổi nỗi đau tinh thần và thể xác, chị định trầm mình tự tử, nhưng thương đứa con côi cút bơ vơ trên đời, không có mái nhà tử tế che nắng mưa, chị lầm lũi ngày thì đi xin ăn về nuôi con, đêm thì đóng gạch.
Người mẹ ốm yếu bệnh tật đó đã đóng 18.000 viên gạch, trong bao nhiêu đêm đông giá rét, bao nhiêu đêm hè đổ lửa, để xây cho con trai một mái nhà, và còn làm thơ chép vào sổ cho con, những câu thơ cứa lòng bật máu.
Đoàn phim lại vào tiếp một trại phong, trại Quy Hòa để tìm xem liệu có phải nơi đó, chuyện tử tế không thể tồn tại. Nhưng không, ở đó họ gặp những bác sĩ rời ghế nhà trường từ khi tóc còn xanh, gắn bó với những bệnh nhân phong đến khi tóc trên đầu đã bạc. Gặp những bà sơ có khuôn mặt hiền hậu, yêu thương người phong như ruột rà máu mủ của mình. Chính họ, là những bằng chứng rõ ràng nhất về chuyện tử tế.
a
Cảnh người cựu binh chữa xe trong phim “Chuyện tử tế”
Chuyện tử tế đến từ những cảnh đời lam lũ, một người lính rời chiến trường để thành người đạp xích lô, thảng thốt hỏi tại sao những người nghèo khổ như chúng tớ sao bây giờ không còn được xuất hiện trong văn chương nghệ thuật nữa, hay là những người cần lao lam lũ ấy đã rủ nhau sang thế giới khác hết cả rồi?
Đó là một thầy giáo dạy toán giỏi phải chường mặt ra chợ bán từng mớ rau để nuôi thân, không muốn học trò quay cảnh nghèo túng của mình vì sợ “ảnh hưởng đến chế độ”. Là một người thợ chữa xe đạp với hàng đống những huân huy chương trong căn nhà nát, nguyện một lòng sống sao cho xứng đáng với những mất mát hy sinh của những đồng đội đã nằm lại chiến trường.
Khi con người còn có tình yêu thương nhau thì lúc đó chuyện tử tế còn tồn tại. Tôi nhớ mãi một lời bình trong phim, đại loại như sau “Con người ai cũng phải rồi tới lúc trở về với đất, tạo hóa cho họ cái quyền bình đẳng ấy, nhưng con đường để đi tới cái đích cuối ấy thì không phải ai cũng giống ai. Có người mang theo mình điều thiện, được người đời tiếc thương, có người mang theo những điều ác và những lời chê bai. Người tử tế ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình được mồ yên mả đẹp, vì nó an ủi được con người. Nhưng mong muốn hơn và an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế và tình thương yêu là công đức của người quá cố để lại cho đời. Đừng để mai mốt mang xuống mồ một nỗi buồn còn to hơn cả phần mộ của mình.
Cùng với người đào mồ, hãy nghĩ rằng làm sao khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế mà điều quan trọng là làm sao ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn, yêu thương hơn. Vậy ra, trên đời này không có một người nào là tử tế nếu không bắt nguồn từ tình yêu con người, trân trọng con người và đi từ nỗi đau của con người”.
Tôi nhớ mãi lời một nhân vật trong phim về sự tử tế: “Chống sự suy thoái của đời sống chính là chống sự xói mòn của nhân tính”. Chỉ đơn giản thế thôi mà vô cùng thấm thía. Bộ phim đã được làm cách đây gần 3 thập kỷ nhưng có thể khiến chúng ta đau đớn và rưng rưng ngay lúc này, bởi hôm nay, những câu chuyện tử tế đang ngày một ít đi, bởi con người đang mất dần nhân tính, đang bớt thương yêu nhau nhiều hơn.
Làm thế nào để những linh hồn trở nên bất tử nếu không xúm vào mà mang vác đi cùng nhau? Làm thế nào để một người khi rời bỏ cuộc đời không khiến những người còn lại thấy trống vắng, thấy cô đơn nếu mỗi người không gắng lên mà sống cho đúng với đạo làm người? Cuộc đời này, phải có chỗ cho sự tử tế tồn tại chứ, không thì chúng ta sống để làm gì?
Bạn ơi, dù không thể xem “Chuyện tử tế” một cách nghiêm chỉnh trên màn ảnh rộng, hãy vào trang youtube để tìm kiếm và dành ra ít phút để xem phim này. Rồi sau đó, hãy ngồi thật yên, hãy thở thật sâu để cùng tôi ngẫm nghĩ về những điều tử tế.
  • Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét