Những người khổng lồ biết chiều chuộng
Những người khổng lồ biết đúng giá trị của mình, của người và khai thác kinh doanh dựa trên yếu tố cho khách hàng "tự tôn", cho khách hàng một "đẳng cấp" khác với đám đông còn lại!
Cách đây chưa lâu, khi Facebook thêm tiện ích cập nhật trang cá nhân, người ta chưa hiểu rõ Facebook nghĩ ra điều gì để thay đổi đời sống của cư dân mạng. Chỉ ít lâu sau thì phục lăn. Những ông chủ trẻ tuổi của Facebook hình như biết cái thói sĩ diện hão của con người là vô tận, và họ chiều nó, chiều đến chân tơ kẽ tóc.
Nào, hãy lên Facebook của những người trẻ Việt chẳng hạn, xem họ đi đâu? Ngày nào cũng thấy họ xuất hiện ở những địa điểm sang trọng, khác nào những ngôi sao trong giới showbiz. Nay thì thấy địa điểm được đánh dấu là đang mua sắm, đi dạo ở Vincom, buổi chiều lại thấy cặp thêm các bạn A, B, C đến uống cà phê Starbucks hay Highlands.
Bọn trẻ còn đang học phổ thông nhưng trang cá nhân của chúng cũng đầy rẫy thông tin chúng đang cặp bồ giải trí ở MegaStar hay thưởng thức gà rán ở KFC. Facebook lan nhanh với lượng truy cập khổng lồ cũng nhờ những tiện ích tưởng như vô hại đó.
Nhưng xem cách "chiều khách" của Cà phê Starbucks đối với giới trẻ Sài Gòn mới thấy họ... tài thật. Không hiểu họ làm sao mà biết được người trẻ Sài Gòn thích khoe cho thiên hạ thấy mình rất văn minh, sẵn sàng xếp hàng dài để uống một ly cà phê Starbucks trong cái nắng gay gắt của tiết trời đang Xuân?
Trong lúc hàng ngàn quán cà phê truyền thống ở Sài Gòn giở đủ chiêu trò săn khách bằng các chương trình khuyến mãi, bằng tăng thêm độ sang trọng, bằng món uống mới, thì Starbucks ung dung để khách xếp hàng dưới nắng! Khách hàng của Starbucks với áo quần thời trang khác hẳn dòng người lầm lũi với mũ bảo hiểm, áo chống nắng và khẩu trang che kín mặt đang lướt qua trên đường.
Đội nắng xếp hàng để được thưởng thức café. Ảnh: T.S/ TTO |
Thật tuyệt vời phong thái tự tin của những người khổng lồ biết đúng giá trị của mình, của người và khai thác kinh doanh dựa trên yếu tố cho khách hàng "tự tôn", cho khách hàng một "đẳng cấp" khác với đám đông còn lại!
Trong lúc đó, mỗi dịp đầu Xuân, người Việt lại ái ngại trước cảnh chen lấn, cướp giật, lừa đảo và ở những lễ hội tâm linh đáng ra là nơi nuôi dưỡng niềm hy vọng, sự yên tĩnh, an lạc con người xứng đáng được hưởng trong mùa Xuân. Ngẫm nghĩ mãi vẫn không hiểu liệu có gì khác giữa những khách hàng của Facebook và Starbucks ở các thành phố lớn của Việt Nam và khách hành hương dự lễ hội.
Đều là người Việt, đều là "phú quý sinh lễ nghĩa", càng giàu có càng sính đặt nặng "cái tôi", bảo vệ "cái tôi sĩ diện" của mình trước thiên hạ và trước thần thánh. Nhưng cách thể hiện thì khác. Cái tôi sĩ diện được chăm sóc bởi những tên tuổi kinh doanh khổng lồ thì hào nhoáng, tự tôn. Còn "cái tôi" ở chốn tâm linh hiện nguyên hình là sự "chiếm lấy phần của mình" bằng mọi giá.
Chẳng thấy ai khoe trên Facebook rằng tôi vừa đi dán tiền vào tượng Phật, tượng thánh ở chùa này, đền nọ; tôi vừa bật bãi, nhảy tường vì đi thưởng Xuân ở lễ nọ, lễ kia.
Trong lúc ức vì thiên hạ ngoại quốc biết chiều cái thói "sĩ" của con người mà tạo dựng thành những tên tuổi toàn cầu, vừa hốt bạc vừa được khen có văn hóa, thì thời may tôi được thưởng thức cái Tết Nguyên tiêu Hội An. Một lễ hội Xuân mở đầu năm mới ở một nơi vừa được tạp chí du lịch nổi tiếng của Anh Wanderlust bầu là "điểm đến được ưa thích nhất thế giới".
Hội An đang trở thành một tên tuổi toàn cầu, thành "người khổng lồ" nhờ giữ được bản chất của văn hóa |
Những ngôi chùa Hội An nổi tiếng linh thiêng là điểm đến của du khách vào mỗi dịp 16 tháng Giêng để cầu tài lộc đầu năm. Một lượng người đông đúc bỗng chốc tràn ngập các con phố cổ, nhưng hình như Hội An biết cách kìm nén bản chất chụp giật, tranh đoạt tự nhiên của con người.
Trên Facebook, ta thấy chỉ có Hội An mới giúp con người thoát khỏi những sân si biểu diễn, thấy các bạn trẻ hồn nhiên ngồi trên thềm nhà cổ lắng nghe một bản nhạc, thấy các người mẫu xuýt xoa đăng những bức hình với những món ăn "vớ vẩn và dân dã" như bánh bèo, hoành thánh.
Những ngôi chùa vẫn yên tĩnh trước một đám đông đang trĩu nặng nỗi niềm nhân sinh. Cũng vẫn người Việt từ Bắc vào, Nam ra, đến đây thả hoa đăng trên sông Hoài để cầu may đầu năm, nhưng chẳng thấy ai tranh cướp một chỗ đứng tốt để ngọn đèn của mình không tắt.
Hội An rất dịu dàng chiều khách, như vừa dụ dỗ, vỗ về, vừa "thuần hóa" con người (dẫu trong chốc lát) bằng chiều sâu hồn cốt văn hóa của nó. Cái tầm thế giới của một di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy là ở chỗ đó. Chợt nghĩ ngợi mà biết xứ mình cũng còn có một Hội An đang trở thành một tên tuổi toàn cầu, thành "người khổng lồ" nhờ giữ được bản chất của văn hóa.
Theo Bích Hồng/ DNSG
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/112021/nhung-nguoi-khong-lo-biet-chieu-chuong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét