Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Nhật Bản: Dạy trẻ “ăn bằng mắt” qua những hộp cơm Bento dễ thương

Nhật Bản: Dạy trẻ “ăn bằng mắt” qua những hộp cơm Bento dễ thương
Nhắc đến văn hóa ẩm thực Nhật Bản không thể không nhắc đến văn hóa cơm hộp “Bento” xuất hiện từ những năm 1190 được người lớn cũng như trẻ nhỏ ưa chuộng. Ngay từ khi cắp sách tới trường, trẻ em Nhật Bản đã được dạy cách thưởng thức ẩm thực thông qua nghệ thuật “ăn bằng mắt”.
Bánh nếp Nhật níu chân du khách / Cùng làm bánh Yatsuhashi tại nhà


Người Nhật quan niệm mỗi bữa ăn đều phải đảm bảo “Tam ngũ - Ngũ vị, ngũ sắc và ngũ pháp”. Trong đó, ngũ vị bao gồm 5 vị - mặn, ngọt, chua, cay và đắng; ngũ pháp là 5 cách chế biến -sống, ninh, nướng, chiên và hấp, còn ngũ sắc bao gồm 5 màu - trắng, đen, vàng, đỏ và xanh để món ăn thêm bắt mắt. Như vậy, người Nhật không chỉ chú ý đến hương vị mà còn rất coi trọng hình thức các món ăn. Đối với trẻ em, hình thức đó lại được thể hiện đặc sắc qua cách trình bày dễ thương và sáng tạo trong những chiếc hộp nhỏ nhắn.
Cơm hộp Bento được làm từ những nguyên liệu khá đơn giản làm chủ yếu từ cơm, trứng, cá, rau chân vịt, rong biển và các loại củ quả. Tuy nhiên khâu trang trí thì lại khá cầu kỳ bởi các bà mẹ Nhật Bản vốn cầu toàn, luôn muốn con mình cảm thấy ngon miệng cũng như có một bữa trưa không thua kém gì chúng bạn. Họ thường mô phỏng các món ăn thành các nhân vật hoạt hình sống động, như anh chàng bánh mỳ “Anpanman” cùng 2 người bạn đồng hành là “Shokupanman” và “Currypanman”, cô bạn đậu hũ “Hannari Tofu”, cô bé hậu đậu “Tottochan”,  mèo máy “Doreamon”, “Hello Kitty” hay gấu “Teddy” … sao cho các món ăn có thể “ngon từ mắt ngon đi”.
Debra Samuels, một đầu bếp phương Tây sinh sống tại Nhật Bản từng bị cậu con trai bé bỏng của mình “chê” là “không khéo tay” khi những món ăn của cậu bé không đẹp bằng các bạn cùng lớp mẫu giáo. Điều đó khiến cô phải bỏ thêm thời gian tìm tòi để “hô biến” hộp cơm của cậu con cho hợp với thẩm mỹ của người Nhật.
Giống như đồng phục học sinh, một số trường học “nhà giàu” của Nhật Bản thậm chí còn chế biến những hộp cơm Bento giống hệt nhau gọi là “Kyushoku” để tránh sự phân biệt và kỳ thị trong trường học. Bởi không phải bà mẹ nào cũng có đủ thời gian chuẩn bị, đôi bàn tay khéo léo hay đủ tiềm lực để chuẩn bị những món ăn đắt tiền cho con cái. Mặc dù vậy, trẻ em Nhật Bản khá hài lòng với những hộp cơm “Kyushoku” được chế biến hợp khẩu vị và trang trí đẹp mắt. Thậm chí, các bậc phụ huynh còn phải gọi điện tới phòng bếp nhà trường để hỏi bí quyết nấu ăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét