Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Kiếm bộn tiền nhờ giới trẻ bỗng dưng thích... nhím kiểng!

Dạo gần đây giới trẻ Sài thành "sốt xình xịch" với thú nuôi nhím kiểng vì lý do... vừa giải trí vừa dễ dàng sinh lợi.
Nhím kiểng - vừa chơi vừa có tiền

Tôi tìm đến "trang trại" nuôi nhím kiểng của anh Bùi Thanh Hải, ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM đúng lúc anh đang cho nhím ăn bữa cuối trong ngày. Vừa tỉ mỉ "canh" nhím ăn, anh vừa đùa: "Nói "trang trại" cho oai vậy thôi, chứ chỗ nuôi nhím nhà mình rộng chưa tới 4 mét vuông. Được cái, nuôi nhím ít tốn diện tích lắm, chỗ này nhỏ như vậy mà cũng nuôi được tới 200 con luôn đó! ".
Anh Hải chia sẻ thêm: "Mới đầu thấy các bạn chơi nhím kiểng, mình cũng thấy hay hay nên mua một cặp về nuôi chơi thử. Mới nuôi khoảng ba, bốn tháng thì cặp nhím đó đẻ lứa đầu tới 5 con. Vì nuôi chơi không hết nên mình đem rao bán trên mạng, nào ngờ được rất nhiều người quan tâm hỏi mua.
Một "bé" nhím trưởng thành đang xù lông, co tròn trên tay anh Hải.
Thấy nuôi nhím kiểng cũng khá đơn giản, không mất nhiều thời gian, công sức để chăm bẵm như các loại thú cưng khác, lại được nhiều bạn trẻ ủng hộ, nên mình quyết định đầu tư kinh doanh nhím kiểng, đến nay đã được 4 năm".

Khách hàng của anh thường là các shop kinh doanh sinh vật cảnh và các bạn trẻ muốn nuôi nhím để làm thú cưng, hay nuôi để bán kiếm lời.

Được biết, anh Hải hiện đang là kế toán tại một công ty ở quận Phú Nhuận và nuôi nhím kiểng chỉ là nghề phụ của anh. Nói là "phụ", nhưng mỗi tháng anh Bùi Thanh Hải thu nhập từ việc bỏ mối nhím kiểng cho các cửa hàng sinh vật cảnh không dưới 25 triệu đồng.

Theo bạn Nguyễn Thanh Quang, sinh viên trường Đại học Công nghiệp, cũng là người tình cờ "bén duyên" với kinh doanh nhím, thì giá nhím kiểng khá cao, dao động từ 300 - 600 ngàn đồng /1 con tùy theo màu sắc.

Cũng như hầu hết những bạn trẻ kinh doanh nhím kiểng khác, Quang ban đầu cũng chỉ định nuôi chơi. Đến khi nhím sinh lứa đầu tiên, Quang ngạc nhiên phát hiện ra trong đàn có một con nhím lông màu cam hết sức lạ mắt.

Thấy lạ, nên Quang mang cho bạn bè xem. Sau có người biết tin, tìm đến Quang và trả giá cho con nhím lạ ấy tới hơn 2 triệu đồng.

"Nhím có màu lông lạ là nhím bị đột biến, rất hiếm mới có một con, nên giá thường rất cao, có khi gấp đôi gấp ba nhím bình thường. Các màu lông hiếm là màu hồng, màu cam, hay pintos, nghĩa là màu lông trắng đốm đen như lông bò sữa. Còn thông thường nhím chỉ có màu trắng, sô - cô - la, muối tiêu ...", Quang nói.

Nguyễn Thanh Quang cho biết thêm: "Khách hàng của em thường là bạn cùng trường cùng lớp, em cũng chưa muốn kinh doanh lớn, chỉ nuôi khoảng mấy chục "bé" nhím để kiếm thêm thu nhập thôi. Dạo này có nhiều bạn sinh viên muốn kinh doanh nhím kiểng như em lắm, các bạn hay tìm đến em mua nhím rồi hỏi kinh nghiệm luôn. Nếu được, em sẽ lập câu lạc bộ sinh viên kinh doanh nhím kiểng để cùng chia sẻ kinh nghiệm, mong rằng sẽ giúp được nhiều bạn có thêm kinh phí trang trải cuộc sống".

Thú chơi không dành cho những người "thích ôm ấp"

Anh Phan Quốc Minh, 29 tuổi, là một người kinh doanh nhím lâu năm, chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc nhím kiểng: "Ngày chỉ cần cho các "bé" nhím ăn 2 buổi, vào sáng sớm và chiều tối. Nhím lại hay "quậy" về đêm, ban ngày thường rất lười, chỉ ngủ thôi nên những bạn phải đi làm hay đi học đều có thể nuôi được.

Các "bé" nhím rất sợ lạnh, khi nhiễm lạnh nhím thường bị sổ mũi. Mỗi khi nhím bị bệnh, chỉ cần ra tiệm thuốc thú y mua thuốc sổ mũi về cho uống là hết. Để phòng tránh nên dùng đèn để sưởi ấm, không nên nuôi nhím kiểng trong môi trường máy lạnh, sẽ rất dễ bị bệnh".

Ngoài ra việc tăng cường sức đề kháng cho nhím cũng là một việc rất quan trọng, nên cho uống thêm Vitamin mua ngoài hiệu thuốc thú y. Khi tắm cho nhím xong cũng phải sấy khô cẩn thận.

"Nhím rất sạch sẽ, chỉ cần thức ăn bị bẩn là nó sẽ không ăn, nên khi cho ăn phải bỏ chút thời gian để canh "bé"...", anh Minh cho biết.

Được biết, Phan Quốc Minh còn được dân chơi sinh vật cảnh Sài thành gọi là Minh "nhím kiểng". Bởi lý do anh chính là một trong những người đầu tiên phát triển mô hình kinh doanh nhím kiểng tại TP. HCM.

Theo kinh nghiệm của anh Hải thì: "Nhím mẹ rất thính, và khá dữ dằn khi mới sinh con. Vì thế, nhím con mới sinh còn yếu ớt thì không nên chạm vào, vì chỉ cần ngửi được hơi người trên mình nhím con thì nhím mẹ sẽ sợ hãi đến nỗi cắn nhím con đến chết. Đến khi nhím con đã đủ lớn mới bắt đầu chơi đùa và thường xuyên chăm sóc nhím, vuốt ve, dỗ dành nó. Lông bụng dưới của nhím rất mềm, nên khi chơi với nhím hãy nhẹ nhàng luồn tay dưới bụng, để nhím ngửi thấy hơi tay mình rồi từ từ bắt lên. Nếu chụp ngay, nhím sẽ sợ hãi và xù gai lên khiến ta rất buốt tay.

Nhím rất nhạy cảm, nên phải mất một thời gian rất dài chăm sóc, vuốt ve thì nhím mới có thể quen hơi người, lúc đó nếu có thả nhím đi thì nó cũng theo hơi mình mà quay trở lại". Nói xong anh Hải nhẹ nhàng vuốt ve bộ lông... xù xì lộ rõ vẻ nguy hiểm của một "bé" nhím mập ú đang lim dim ngủ.

Muốn nhím không "xù lông", phải thuần phục từ nhỏ

Một nhím mẹ và đàn con mới sinh

Nhím kiểng tên khoa học là HedgehogsN, có tuổi thọ trung bình từ 3 - 4 năm. Nhím cái mỗi năm có thể đẻ từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con hoặc nhiều thì từ 8 - 9 con non. Thức ăn của nhím kiểng rất đơn giản, có thể là những loại côn trùng như châu chấu, kiến, mối ... hoặc thức ăn đóng hộp dành cho mèo. Nhìn anh Bùi Thanh Hải, bắt một "bé" nhím để trên lòng bàn tay rồi cười nói: "Các “bé” nhím rất nhát, chỉ cần ngửi thấy hơi người là đã co tròn và xù lông lên. Gai trên mình nhím kiểng ngắn, không gây chảy máu nhưng khi chạm mạnh sẽ rất buốt. Khách tới mua nhím thường chọn những con nào đã quen hơi người và hiền lành một tí. Muốn nhím quen hơi người thì phải thuần phục từ nhỏ. Dù có nuôi nhím để làm thú cưng hay để kinh doanh chăng nữa, cũng cần phải có sự chăm sóc, lòng yêu thương thật sự thì mới thành công".
Ngọc Giàu
http://www.nguoiduatin.vn/kiem-bon-tien-nho-gioi-tre-bong-dung-thich-nhim-kieng-a36379.html

Clip Cận Cảnh Mô Hình - Nghề kinh doanh nhím kiểng ở Sài Gòn - VnExpress









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét