Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Công thức hô biến nợ xấu: Xin - Cho

Ảnh: vietstock
Đề án nêu rõ, ngân hàng sau hợp nhất sẽ có vốn điều lệ 9.156,65 tỷ đồng, tổng tài sản 105.641,59 tỷ đồng. Huy động vốn dự kiến trong năm 2014 (sau hợp nhất) là khoảng 45.000 tỷ đồng, số dư tín dụng 35,000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng. Đây được xem là cái bắt tay của hai “con bệnh” ngành tài chính - ngân hàng: Một đơn vị vốn chỉ quen thu xếp tiền nong cho “người nhà” dầu khí, “ẩn số” kia hầu như chỉ tập trung rót tiền cho hai mảng thị trường đã xế bóng là bất động sản và thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, cùng với Habubank và nhiều đơn vị khác, PVFC - tiền thân là một công ty chỉ chịu trách nhiệm quản lý và thu xếp tài chính cho Tập đoàn Dầu khí và các doanh nghiệp thành viên - cũng ôm về một khoản nợ “lớn” từ “quả đấm thép” Vinashin và Vinalines. Cụ thể, tính đến ngày 31/5/2012, dư nợ gốc của Vinashin là 1.068 tỷ trong khi của Vinalines 1.745 tỷ đồng, tổng cộng là 2.813 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản nợ khổng lồ này không hề được tính là nợ xấu mà chỉ là “nợ cần chú ý”, còn nợ xấu chỉ có 1924,52 tỷ đồng, chiếm hơn 4,85%, và một nửa số đó là nợ có khả năng mất vốn (1.003,89 tỳ đồng). Đồng thời, thay vì tìm cách giảm nợ “có nguy cơ xấu” theo phương án kinh doanh đường hoàng, PVFC lại đi xin “không tính vào tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng hợp nhất, để Ngân hàng Hợp nhất có đủ điều kiện và thời gian tiến hành khắc phục theo lộ trình“. Ngoài ra, 2 bên còn xin thêm “không tính chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế so với vốn chủ sở hữu bình quân cũng như dư nợ của Vinashin và Vinalines trong khi thực hiện xếp loại tổ chức tín dụng và xét duyệt mở chi nhánh.
Còn nhớ, Vinashin chính là cái tên được nhắc đến đầu tiên khi nói về nguyên nhân cái “chết” của Habubank, song lý giải được PVFC đưa ra vẫn chỉ “bình cũ rượu cũ”: Do biến động không thuận lợi của thị trường vận tải thế giới, hai khách hàng này rơi vào trạng thái khó khăn trong việc thanh toán. Nếu chiếu theo lý do này, PVFC nên xóa toàn bộ tổng nợ 39.640,22 ra khỏi khối nợ của ngân hàng mới cho khỏi mang tiếng “thiên vị” nhà nước. Nguyên tắc hợp nhất đã chỉ ra rất rõ là ngân hàng mới sẽ phải tiếp nhận, thực thi và chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính do các bên đã xác lập trước đó. Do vậy, không có lý gì để vứt tạm khoản nợ của Vinashin lẫn Vinalines để ở một góc khuất nào đó sau khi tiến hành hợp nhất.
Thực ra, 2.800 tỷ này cũng không phải là PVFC đang tâm vứt bỏ, mà vẫn cố gắng tìm cách giảm nợ một cách đáng kể, ít nhất là theo PVFC nói vậy: thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, sử dụng nguồn quỹ dự phòng để trích lập dự phòng bổ sung, và sử dụng một phần lợi nhuận trong năm 2012 để bù đắp các tổn thất nếu có do hai khoản nợ này gây ra. Nhưng trong trường hợp ý tưởng táo bạo trên được phê chuẩn, dù PVFC không thể xóa hết sạch nợ xấu của Vinashin và Vinalines đi chăng nữa, nợ xấu vẫn được quyền biến mất, báo cáo tài chính của ngân hàng mới sẽ trở nên đẹp đẽ tinh tươm. Không cần biết là 2.800 tỷ này sẽ được vứt đi đâu, nhưng chỉ riêng nguyện vọng này đã cho thấy quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc xóa nợ nhà nước theo chiến lược “ỉm dần” của những chóp bu PVFC. Hóa ra cái lời giải cho bài toán nợ xấu mà báo giới râm ran nhiều ngày nay là như thế này. Xóa dễ thế thì cần gì phải lo nghĩ trăm kế nghìn sách làm gì, có mấy nghìn tỷ, cứ “delete” một cái là xong!
Không biết trước PVFC đã có đơn vị nào mạnh dạn làm công tác này chưa. Có lẽ rồi, nhờ thế mà mới chỉ trong vài tháng nợ xấu mới giảm một cách… đáng báo động như thế được. Quả là một tín hiệu đáng mừng. Một bài toán khó làm đau đầu bao chuyên gia kinh tế và các cấp ngành quản lý nhà nước suốt nhiều năm nay, PVFC chỉ cần một “kiến nghị” là đã xong xuôi. Đúng là “miệng nhà quan có gang có thép”, nói xóa là xóa, nhẹ tựa lông hồng. Còn những ai không có “diễm phúc” làm quan, thôi đành “ăn thèm vác nặng” vậy. 
Western Bank là một trong 9 ngân hàng được NHNN ưu ái yêu cầu tái cơ cấu do thanh khoản rất kém, nợ xấu cao. Là một ngân hàng với bề dày “ẩn số”, hoạt động cho vay của Western Bank còn được cho là liên quan nhiều tới cổ đông nội bộ và công ty sân sau.
Trong khi đó, PVFC là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) - cũng đang phải chịu áp lực lớn phải thoái vốn ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực tài chính. Thủ tướng cũng từng có lời yêu cầu “không duy trì” đối với PVFC.
 Lục Dương
http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/cong-thuc-ho-bien-no-xau-xin-cho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét