Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Chuyện chưa kể về ‘vòng tròn bất tử’ nơi Trường Sa

Chuyện chưa kể về ‘vòng tròn bất tử’ nơi Trường Sa
Ngày 14/3/1988, trước mũi súng quân Trung Quốc, những người lính Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma hiên ngang đứng thành một vòng tròn bảo vệ quốc kỳ, dấu mốc khẳng định chủ quyền của tổ quốc
Hình ảnh bi tráng của những chiến sĩ hải quân hy sinh ở Trường Sa trong năm 1988 đó sau này được tôn vinh là “vòng tròn bất tử”. Tên gọi tuy ngắn gọn nhưng vẫn diễn đạt trọn vẹn sự hy sinh cao cả của những người lính Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma nói chung và những người chiến sĩ đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Tuy nhiên, về “vòng tròn bất tử”, có một vài câu chuyện có thể không nhiều người biết tới. Cái tên “vòng tròn bất tử”, xuất hiện lần đầu vào khoảng tháng 4/2009, bắt đầu từ diễn đàn Trái tim Việt Nam (TTVNOL), sau khi trên Internet xuất hiện video clip về cuộc hải chiến 14/3/1988 do phía Trung Quốc ghi hình. Trong đó, có quay lại cảnh các tàu chiến Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Không rõ nguyên nhân nào dẫn tới việc phát tán video clip trên Internet, nhưng sự xuất hiện nó đã thổi bùng lên những luồng thảo luận về vấn đề chủ quyền – lãnh thổ trên các diễn đàn mạng của Việt Nam, đồng thời, thúc đẩy một bộ phận thanh niên có hành động thực tế, trước là để bày tỏ sự tưởng nhớ, biết ơn tới những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, sau là để tìm hiểu thêm thông tin về cuộc xung đột đã diễn ra ở Trường Sa vào năm 1988.
Đi đầu trong hoạt động như vậy là chương trình “vòng tròn bất tử - Tri ân chiến sĩ” do ban quản trị của Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (Hoangsa.org) tổ chức thực hiện. Anh Đỗ Vũ Lợi, quản trị viên của diễn đàn cho biết: "Nội dung của chương trình nhằm kêu gọi mọi người thăm hỏi, động viên những gia đình liệt sĩ đã hy sinh, những thương binh đã quên mình vì chủ quyền của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước".
Thành viên Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (Hoangsa.org) thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Tuấn Linh.
Dựa vào một bài viết trên báo Nhân Dân năm 1988, có đăng danh sách 74 chiến sĩ hy sinh tại Trường Sa, nhóm tình nguyện của Hoangsa.org cùng mạng lưới cộng tác viên tại nhiều địa phương trên cả nước, tìm kiếm địa chỉ gia đình của các liệt sĩ, thực hiện chương trình đầy ý nghĩa này. Cũng từ đây, những câu chuyện cảm động về “vòng tròn bất tử” lại được thế hệ trẻ viết tiếp.
Nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ, từ ngày 20/7/2009, nhóm tình nguyện của Hoangsa.org đã về Thanh Hóa, tới thăm, tặng quà gia đình và thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Lê Đình Thơ, Cao Xuân Minh, Đỗ Việt Thắng. Những ngày đầu tháng 3/1988, người chiến sĩ Lê Đình Thơ vừa trở về thăm vợ và con gái mới sinh được 9 tháng tuổi. Lẽ ra anh đã không tham gia chuyến đi định mệnh, nhưng vì một người bạn có vợ mới sinh, nên anh thay đồng đội lên đường làm nhiệm vụ và mãi mãi không có ngày trở lại, người mẹ già của liệt sĩ, không giấu nổi sự nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện về người con trai.
Đau thương nối tiếp đau thương, vợ liệt sĩ Lê Đình Thơ đã mất ngay sau đó vì quá đau buồn. Từ đó, con gái anh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hiện chị đang học tập tại Hà Nội và đã lập gia đình. Chồng chị là con trai của một đồng chí cùng đơn vị với bố. Đám cưới hạnh phúc của hai người được cả đơn vị cũ của liệt sĩ Thơ giúp đỡ tổ chức trong niềm hân hoan của những tấm lòng tri ân với người đồng đội đã khuất.
Còn liệt sĩ Cao Xuân Minh (khi đó mới 21 tuổi), hoa tiêu của tàu HQ 505, trước ngày tham gia chiến dịch chỉ kịp gửi cho gia đình một bức thư viết vội tại Nha Trang ngày 8/3. "Bức thư chưa kịp gửi về đến nhà thì Minh đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Lúc thư về đến nhà cũng là lúc gia đình nhận được giấy báo tử", ông Cao Xuân Điều, cha của liệt sĩ Cao Xuân Minh kể lại.
Trong chuyến đi hôm đó, phải nhờ một chút may mắn, nhóm tình nguyện mới tìm ra gia đình liệt sĩ Đỗ Việt Thắng, vì ở nhà mọi người gọi anh là Thanh. Liệt sĩ Đỗ Việt Thắng, lái trưởng tàu HQ 604 đã hy sinh khi chưa kịp nhìn mặt con gái mình...
Điều nuối tiếc nhất là vì đường xá xa xôi, trắc trở, thiếu kinh phí nên nhóm tình nguyện chưa đến thăm gia đình liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ 604. Trong chiến đấu, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã dũng cảm cho tàu chặn làn đạn của địch, bảo vệ đồng đội giữ cờ tổ quốc trên bãi đá, vì vậy, thuyền bị thủng nhiều chỗ và bị chìm dần. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng một số thủy thủ trên tàu đã tử trận cùng tàu HQ 604 ở khu vực bãi đá Gạc Ma.
Ngày 26/7/2009, các nhóm tình nguyện Hoangsa.org đã có chuyến đi về Hải Phòng và Quảng Trị thăm gia đình, thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền tổ quốc năm 1988.
Tại Hải Phòng, nhóm đã tới thăm gia đình liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch, Trung úy, quyền thuyền trưởng tàu HQ 605 và gia đình liệt sĩ Bùi Bá Kiên, Nguyễn Văn Hải, đều mang cấp bậc trung sĩ của tàu HQ 604. Cả bả liệt sĩ đều là con cả của gia đình và đều chưa kết hôn.
Giấy báo tử của liệt sĩ Bùi Bá Kiên, trong đó có ghi rõ đơn vị chiến đấu là Đảo Gạc Ma, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Ảnh: Tuấn Linh.
Tàu HQ 604 và HQ 605 là hai tàu vận tải, chở công binh của Hải quân nhân dân Việt Nam xây dựng cột cờ, mốc chủ quyền trên các bãi đá gần đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa. Sự hy sinh anh dũng của các anh trong chiến đấu đã góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai bãi đá Cô Lin và Len Đao.
Qua lời kể của gia đình, liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch (khi đó 29 tuổi), chỉ còn một tháng nữa anh Hoạch được nhận quyết định làm thuyền trưởng tàu HQ 601, nhưng với cương vị thuyền phó. Thế nhưng, khi xảy ra xung đột, anh đã thay mặt thuyền trưởng tàu HQ 605 (vừa được nghỉ phép) chỉ huy đồng đội dũng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Còn liệt sĩ Bùi Bá Kiên (khi đó 22 tuổi), đã không ngần ngại cùng đồng đội xung phong tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền, dù thời điểm đó, anh đang làm nhiệm vụ tại đảo Phú Quốc.
Tại Quảng Trị, một nhóm khác của Hoangsa.org đã tới thăm gia đình các liệt sĩ Tống Sĩ Bái, Hoàng Ánh Đông và thương binh Trần Thiên Phụng...Thương binh Trần Thiên Phụng cho biết, liệt sĩ Hoàng Ánh Đông và ông là hai người bạn thân thiết từ thưở nhỏ. Vì vậy, khi được phân công nhiệm vụ ở nơi khác, liệt sĩ Đông đã xin với cấp trên được ra Trường Sa để chiến đấu cùng bạn. Hiện, vợ chồng thương binh Trần Thiên Phụng sống dựa vào một quán ăn tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị.
Không chỉ dừng lại ở dịp tưởng niệm ngày Thương binh liệt sĩ của năm 2009, các nhóm tình nguyện của Hoangsa.org vẫn tích cực tìm kiếm thông tin để thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch CQ-88. Trong những chuyến đi như vậy, các bạn trẻ của Hoangsa.org vừa thu nhận thêm những trải nghiệm quý báu về cuộc sống, vừa thu nhận thêm bài học về tình yêu tổ quốc. Cũng trong những dịp như vậy, họ nhận ra những nhân chứng sống của sự kiện ngày 14/3/1988 hoặc gia đình của các liệt sĩ có mong muốn tha thiết là được gặp lại đồng đội cũ hoặc người thân của họ. Nhất là những người con của các liệt sĩ như anh Khoa, con trai liệt sĩ Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng HQ 604, chị Thủy, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, người mà trước khi hy sinh đã hô vang khẩu hiệu “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Nỗ lực của các bạn trẻ đã được ghi nhận khi đúng vào dịp Quốc khánh lần thứ 66 (2/9/2011), tại Đà Nẵng sẽ diễn ra cuộc gặp mặt lần đầu tiên của những người lính hải quân còn sống trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Cuộc gặp mặt mang tên "Vòng tròn bất tử - Vòng tay đồng đội" là hoạt động tiếp theo trong chương trình “Vòng tròn bất tử - Tri ân chiến sĩ”. Không chỉ là cuộc gặp gỡ đơn thuần của những người đồng đội gắn bó với nhau trong hoàn cảnh lịch sử hết sức khắc nghiệt. Cuộc gặp còn là sự nối tiếp thế hệ giữa những người con của các liệt sĩ, giúp họ hiểu hơn về chính cha anh mình qua những người đồng đội đã cùng sống và chiến đấu trong những thời khắc khó khăn của cả đất nước.
Câu chuyện về “vòng tròn bất tử” không dừng lại ở đây, nó sẽ được viết tiếp bởi những hoạt động thiết thực khác của các bạn trẻ, những người tràn ngập lý tưởng yêu nước và tinh thần trách nhiệm với chủ quyền của tổ quốc.
Trong năm 2010, các bạn trẻ của Hoangsa.org đã có chương trình “Hướng về Lý Sơn”, từng là nơi xuất phát của Hải đội Hoàng Sa dưới thời Nguyễn. Chương trình đã thực hiện cuộc bán đấu giá bức tượng của Hải đội Hoàng Sa có chữ ký của nhà sử học Dương Trung Quốc, TS Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu bản đồ cổ Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu Đông Nam Á Đinh Xuân Phúc,… Kết quả, bức hình được đấu giá 13 triệu đồng, tuy còn khiêm tốn nhưng đã góp thêm một phần nhỏ vào việc động viên bà con ngư dân bám biển, kiên trì xác lập chủ quyền của Tổ quốc trên biển đảo.
Chia sẻ về các hoạt động của Hoangsa.org, chị Nguyễn Đài Trang, một trong những quản trị viên của diễn đàn chia sẻ với báo chí, chúng tôi chỉ mong muốn tri ân những người con đã ngã xuống vì Tổ Quốc. Hơn nữa, nếu những người thuộc thế hệ chúng tôi còn mơ hồ về câu chuyện đấu tranh vì chủ quyền biển đảo, thì hoạt động của chúng tôi sẽ giúp họ thay đổi nhận thức. Chí ít là họ bớt mơ hồ và bàng quan đi. Mỗi người, qua nhận thức của mình, phải đóng góp một cách thiết thực vào sự nghiệp chung của cả dân tộc.
AN DƯƠNG
Theo Infonet
http://news.zing.vn/quan-su/chuyen-chua-ke-ve-vong-tron-bat-tu-noi-truong-sa/a308084.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét