'Đại biểu QH, ngoài tầm, cần một chữ tâm'
15 năm làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH), GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân (đứng thứ 2 trong bộ tứ “nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”) để lại nhiều ấn tượng trên nghị trường. Ông được biết đến là một ĐBQH có trí tuệ sắc bén, dám chất vấn, dám tranh luận và nhiều tâm huyết.
Sau 15 năm cống hiến, ông trở về với khoa học, với các công trình nghiên cứu, nhưng ông vẫn chưa thôi trăn trở về những gì mình chưa làm được, những gì Quốc hội cần tiếp tục đổi mới và những vấn đề cử tri đang mong đợi.
Phỏng vấn giữa Người đưa tin và ông Nguyễn Ngọc Trân.
"Tôi còn nợ dân rất nhiều"
Sau 15 năm cống hiến trên nghị trường, nhưng khi nhìn lại những chặng đường đã qua, vì sao ông cho rằng mình còn nợ dân rất nhiều?
Khi còn là một ĐBQH, tôi luôn cố gắng để làm tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên nhìn lại 15 năm làm ĐBQH, tôi tự thấy mình chưa đóng góp được gì nhiều. Quốc hội còn phải đổi mới nhiều hơn nữa cùng với yêu cầu đổi mới chung của đất nước.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân đi khảo sát hiện trường tại
Đồng Tháp Mười (Long An) vào đầu tháng 2/2013
Ông có thể nói rõ hơn?
Đất nước ta đang từng ngày đi tới. Nhưng các nước khác trên thế giới đâu đứng tại chỗ. Tiến bộ khoa học và công nghệ diễn ra ngày càng nhanh. Việt Nam còn rất nhiều thách thức phải vượt qua, nắm bắt lấy những thời cơ để vươn tới giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo tôi, tiềm năng và khả năng của dân tộc ta còn rất lớn, đang chờ được khai phá, phát huy. Nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển cơ bản theo chiều rộng, dựa trên khai thác tài nguyên là chính. Hàng hóa phần lớn còn chế biến thô, xuất thô, giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh không cao trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa.
Rất nhiều dự án đầu tư công nhìn lại là lãng phí, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, chất lượng của phát triển không cao. Tôi đã lưu ý Quốc hội và Chính phủ về vấn đề này ngay từ các khóa X, XI khi mà tốc độ phát triển GDP còn trên 7%/ năm. Với những ai biết các dự án đầu tư là lãng phí mà không ngăn lại được, nỗi đau lớn lắm.
Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng trên nhiều lĩnh vực, cơ chế thị trường đang vận hành còn hoang dã, sơ khai như ở vào thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản.
Thế giới đã bước vào nền kinh tế tri thức. Chúng ta thì sao? Với sự lựa chọn các ngành thi vào đại học của sinh viên trong những năm vừa qua, những ai quan tâm đến tương lai của đất nước không thể không báo động. Không thể đi vào kinh tế tri thức mà không có khoa học cơ bản và kỹ thuật! Tôi mong rằng xã hội sớm nhận thức điều này, và ngành giáo dục có những điều chỉnh cần thiết trước khi quá muộn!
Thang giá trị đạo đức xã hội có nhiều xáo trộn, nếu không nói là đảo lộn, đáng lo ngại những năm gần đây. Phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ làm mất sự ổn định xã hội.
Có vẻ như ông nhìn bức tranh chung không được tươi sáng lắm?
Những thành tựu đã được nói nhiều. Phải thấy cho hết những khó khăn, thách thức đúng như hiện trạng. Không phải để bi quan mà để từ đó nhận ra các vấn đề và có giải pháp đúng. Tôi tin ở dân tộc Việt Nam, cũng như tôi tin ở sự sáng suốt, tính tiên phong gương mẫu, lo trước dân, hưởng sau dân, mà Đảng phải chăm lo gìn giữ như con ngươi của mắt mình, để xứng đáng với niềm tin của dân.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân khi còn là đại biểu Quốc hội
Giáo dục chưa bao giờ ổn định
Được biết, giáo dục cũng là một trong những vấn đề ông tâm huyết cả đời, ông có thể chia sẻ về điều này?
Trước khi về nước, tôi là nghiên cứu viên trong trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học của Pháp rồi là giáo sư đại học Poitiers. Tôi về nước năm 1976, được phân công giảng dạy ở khoa Toán trường đại học Tổng hợp ở TP.HCM. Đến năm 1980, tôi ra Hà Nội làm Phó chủ nhiệm ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Tôi rất tiếc không đứng trên bục giảng lâu hơn, công việc mà tôi rất yêu thích từ khi còn ở nước ngoài. Tuy vậy, dù ở các cương vị khác tôi vẫn quan tâm theo dõi và góp ý cho nền giáo dục nước nhà.
Việc cải cách giáo dục bằng biện pháp đổi mới chương trình sách giáo khoa có phải là hướng đi đúng đắn của giáo dục nước nhà trong giai đoạn hiện nay?
Khi Quốc hội bàn về luật Giáo dục năm 1999, năm 2005, tôi đã nhấn mạnh hai việc: Thứ nhất, đất nước cần một luật Giáo dục, chứ không phải một luật khung, liên tục được sửa đổi, bổ sung mà vẫn chưa hoàn chỉnh được; thứ hai, sách giáo khoa chỉ là một công cụ, thầy cô mới là người truyền đạt kiến thức (chứ không là người đọc sách cho học sinh chép), mới là nhân vật trung tâm của nền giáo dục.
Đội ngũ thầy cô có nghiệp vụ giỏi, tâm huyết với nghề là điều kiện không thể thiếu để đưa nền giáo dục vững chắc đi lên.
Nền giáo dục chưa vững tiến, lỗi này thuộc về đội ngũ giáo viên?
Cho tới hiện nay, thầy cô đều phải gánh quá nhiều trách nhiệm: Học sinh lưu ban, học sinh bỏ học, lớp không đạt tiên tiến, trường không đạt chỉ tiêu phổ cập... trong lúc đồng lương của phần lớn giáo viên không đủ sống. Càng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa tình trạng này càng rõ. Điều kiện cập nhật kiến thức, nâng cao nghiệp vụ rất hiếm hoi. Đỗ lỗi cho đội ngũ giáo viên là lầm địa chỉ.
Những mặt làm được và những yếu kém, bất cập của ngành giáo dục, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về giáo dục đào tạo ban hành cách đây hơn 16 năm đã nói khá rõ nhưng chuyển biến chưa như mong đợi. Một nghị quyết Trung ương mới khóa XI chưa ban hành được. Trách nhiệm thuộc về ai, chắc đã rõ.
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân
Đại biểu Quốc hội, ngoài tầm, cần một chữ tâm
Theo ông, một người đại biểu quốc hội cần có những phẩm chất gì?
Theo ý kiến riêng của tôi, một người ĐBQH cần phải có tâm và có tầm để làm tốt trách nhiệm mà cử tri tin tưởng giao phó, làm tốt ba chức năng: Quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, lập pháp, và giám sát.
Tâm thể hiện ở chỗ đứng về phía cái đúng và dám bảo vệ nó, dám tranh luận, chất vấn để tìm ra nguyên nhân của những khuyết điểm, bất cập trong tổ chức và vận hành của bộ máy Nhà nước pháp quyền, với tinh thần xây dựng, vì lợi ích của dân của nước.
Ngoài chuyên môn gốc của mình, nhiệm vụ đòi hỏi người ĐBQH phải có hiểu biết về rất nhiều lĩnh vực khác và sát với thực tế của xã hội. Đó là tầm. Tầm không phải là một trí tuệ siêu phàm, mà là một quá trình luôn tìm tòi và học hỏi và tự trau dồi. Nghĩa là trong tầm phải có tâm.
Sau cùng, biểu quyết một vấn đề với tất cả trách nhiệm đòi hỏi ở người ĐBQH vừa tầm, vừa tâm.
Vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là ĐBQH trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, nên lúc nào ông cũng bận rộn. Vậy ông sắp xếp công việc cũng như gia đình như thế nào cho hài hòa?
Cũng như mọi người, tôi chỉ có 24 giờ mỗi ngày. May mắn của tôi là có được một người bạn đời tuyệt vời, cùng chung ý chí, lý tưởng. Nhà tôi luôn sát cánh với chồng, gánh vác công việc để tôi yên tâm công tác. Hơn thế nữa, nhà tôi luôn trao đổi, chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở cùng tôi, như hai cánh chim cùng nhịp đập, cùng một hướng bay. Hiện nay nhà tôi không còn nữa, nhưng những gì đã được hun đúc giữa chúng tôi là nguồn động viên không bao giờ tắt đối với tôi.
"Không có lý do gì để tôi thay đổi những niềm tin này"
Không có lý do nào để tôi thay đổi những niềm tin vào tương lai dân tộc. Đất nước ta vẫn từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt, mặc dù bị kìm hãm bởi một số cơ chế chính sách lỗi thời, xơ cứng chậm được thay thế, bởi những quan liêu, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Nếu giải quyết được các khuyết điểm, tệ nạn này, đất nước chắc chắn sẽ còn tiến nhanh hơn.
Tôi đã chọn lý tưởng xã hội chủ nghĩa từ trong lòng chủ nghĩa tư bản, trong thời gian 17 năm tôi sống và hoạt động ở Pháp. Những gì đang xảy ra ở các nước phương Tây càng khẳng định chủ nghĩa tư bản không thể là tương lai của nhân loại, cho dù nó không ngừng tự điều chỉnh trước sự đấu tranh của nhân dân lao động, mà là chủ nghĩa xã hội, một hình thái kinh tế xã hội nảy sinh từ trong lòng chủ nghĩa tư bản, cao hơn và nhân văn hơn nó.
Thất bại của một mô hình chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội đã cáo chung. Loài người vẫn đang hướng về nó. Quan trọng là biết rút ra từ đó những bài học cơ bản, chính yếu nhất để đi tới.
|
Lợi danh, tiền bạc chỉ là phù du
Hiện đã ở tuổi xưa nay hiếm, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân vẫn theo dõi tình hình trong nước và thế giới, miệt mài với công tác nghiên cứu, rong ruổi trên các nẻo đường của đồng bằng sông Cửu Long. Ông chia sẻ: "Suốt thời gian làm đại biểu Quốc hội cũng như trong các công tác khác được giao trước đây, tôi luôn cố gắng hoàn thành với quyết tâm cao nhất. Mọi người trước khi từ giã cõi đời, bất luận là ai, đều phải đối diện với lương tâm và trả lời hai câu hỏi: Đã làm được gì cho đất nước, và đối với gia đình đã sống như thế nào? Tất cả mọi thứ khác đều chỉ là phù du".
|
Triệu Quyên - Hương Lam
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/hoi-uc-cua-tu-nghi-dinh-dam-tung-dot-nong-dien-dan-quoc-hoi-ky-2-cuu-dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-ngoc-tran-ngoai-tam-can-mot-chu-tam-a70814.html
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/hoi-uc-cua-tu-nghi-dinh-dam-tung-dot-nong-dien-dan-quoc-hoi-ky-2-cuu-dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-ngoc-tran-ngoai-tam-can-mot-chu-tam-a70814.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét