Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Khủng hoảng và hệ thống tài chính tín dụng: Phân tích ứng dụng với kinh tế

Một nghiên cứu công phu của TS Việt. Bài viết dài 62 trang, ở đây chỉ sao phần giới thiệu và tóm tắt kết luận, nhưng có đường dẫn để xem toàn văn ở cuối bài. Tôi tô thêm mầu vào một số đoạn hay.
Khủng hoảng và hệ thống tài chính tín dụng: Phân tích ứng dụng với kinh tế Mỹ và Việt Nam
Vũ Quang Việt
Vài lời nói đầu: Tác giả viết bài phân tích này dựa vào hiểu biết về ngành thống kê kinh tế qua kinh nghiệm làm việc với tư cách thành viên của Ủy ban soạn thảo SNA1993 và SNA2008 gồm Liên Hiệp Quốc, IMF, World Bank, OECD và EU. Hệ thống tài khoản quốc gia SNA là chuẩn mực quốc tế về thống kê kinh tế trong đó có chuẩn mực thống kê tài chính. Ngoài ra, tác giả cũng dựa vào kinh nghiệm giúp Ngân hàng Trung ương Philippines xây dựng Ma Trận Tài chính Các Khu vực Thể chế (Social Accounting Matrix) cho Philippines trong thời gian 2011-2012 để theo dõi trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các hoạt động kinh tế và tài chính giữa các khu vực thể chế. Tác giả cám ơn TS Lê Hồng Giang đã góp ý kiến sửa đổi nhiều sai sót trong bản thảo đầu. Những sai sót còn lại trong bài này là của tác giả, một người không hoạt động thực tiễn trong ngành ngân hàng và tài chính.
© Thời Đại Mới, GS Trần Hữu Dũng
Giới thiệu và tóm tắt kết luận
Mục đích của bài viết này là nhằm phân tích vai trò của hệ thống tài chính tín dụng trong việc bồi thêm dầu vào lửa khi nền kinh tế gặp mất cân đối. Trước đây và cho đến tận ngày nay, rất nhiều nhà lý thuyết kinh tế tin rằng thị trường rất hữu hiệu và chính nó sẽ tự điều chỉnh để bảo đảm tính hữu hiệu của nó. Càng có ít bàn tay của nhà nước càng tốt. Nhà nước chỉ cần bảo đảm an ninh xã hội, an ninh quốc phòng, thực thi luật pháp bảo vệ hợp đồng và tài sản cá nhân, lo cho giáo dục và hạ tầng là đủ. Tư tưởng này bắt nguồn từ Adam Smith. Thế thì tại sao lại khủng hoảng? Đây là đề tài khó mà cho đến nay các nhà kinh tế vẫn chưa đi đến đồng thuận, nên khó có thể bàn đầy đủ trong bài này. Tuy nhiên, cũng cần tóm tắt sơ lược nhằm làm sáng tỏ  thêm vai trò của hệ thống tài chính tín dụng.

Có người như John Stuart Mill (1848) cho rằng tâm lý bày đàn đã làm
bùng lên thành khủng hoảng từ một điều mất cân đối nào đó, đẩy giá
chứng khoán hay tài sản đến chỗ vượt xa giá trị thực và khủng hoảng là
cách thức tự nhiên để nền kinh tế tự điều chỉnh. William Stanley Jevons
(1878) cho rằng khủng hoảng có nguyên nhân ngoại lai là sự thay đổi của
mặt trời (sunspot) làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và từ đó lan
rộng ra. Karl Marx trong tư bản luận xuất bản trong thời kỳ 1867-1894
cho rằng khủng hoảng có nguyên nhân nội tại trong hệ thống tư bản chủ
nghĩa. Thặng dư lao động là do bóc lột công nhân, đẩy tư bản đến việc
dùng máy thay người, do đó không còn chỗ để bóc lột, lợi nhuận sẽ giảm
và đưa đến khủng hoảng. Nguyên nhân Marx đưa ra rõ ràng là sai vì ngày
nay dù tư bản vẫn dùng máy thay người nhưng lợi nhuận lại tăng vì lợi nhuận của tư bản phát triển phần lớn không đi từ bóc lột lao động mà đi từ sản phẩm tri thức (và sẵn sàng biến tri thức thành tư bản để cùng chia lợi nhuận) dù qua phát triển đẩy lao động tay chân vào thất nghiệp hoặc vào hoạt động dịch vụ không cần tri thức. Đáng ngạc nhiên là nhiều nhà Mácxít Việt Nam thay vì nhìn như Marx, tìm nguyên nhân khủng hoảng tự nội tại nền kinh tế thì lại thường đổ lỗi cho nguyên nhân ngoại lai, thí dụ như do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, cụ thể: lạm phát là do giá cả trên thế giới tăng, v.v. Không ai gạt bỏ nguyên nhân ngoại lai, nhưng nó chỉ có thể mang đến khủng hoảng khi có lý do nội tại. John Maynard Keynes (1936)
cho rằng khủng hoảng là do thiếu cầu cho nên cần bàn tay nhà nước làm
tăng cầu. Tại sao thiếu cầu là rất đáng bàn nhưng sẽ không bàn ở đây. Lý
thuyết Keynes đã được áp dụng rộng rãi cho đến năm đầu thập niên 1970.
Tới Milton Friedman (1963) với lý thuyết tiền tệ hiện đại, ông ta trở lại
với lý thuyết của các nhà kinh tế cổ điển cho rằng cuộc khủng hoảng lớn
và kéo dài như năm 1930 là do việc không biết điều hành chính sách tiền
tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve Banks - ngân hàng
trung ương); Cục đã để quá thiếu tiền do đó đẩy khủng hoảng ngày càng
trầm trọng và kéo dài. Chủ trương của Friedman là tốc độ tăng tiền phải
bằng với tốc độ phát triển kinh tế, quá thì gây lạm phát, thiếu thì tạo giảm
phát. Đây là nguyên tắc hướng đạo trong một nền kinh tế đóng kín không
có giao dịch với nước ngoài. Tuy nhiên trong thực tế, phải tính đến vai trò
của cầu trong nền kinh tế. Nếu đồng tiền một nước được dùng làm ngoại
tệ dự trữ thì sự liên hệ đơn giản giữa cung tiền và lạm phát sẽ khác hẳn.
Chẳng hạn hiện nay do nhiều nước (đặc biệt là Trung Quốc) sẵn sàng giữ
đồng USD thì ta thấy từ sau năm 2008 cung tiền ở Mỹ tăng mạnh nhưng
không đẩy lạm phát (kể từ đầu năm 2007 so với cuối năm 2012, tiền M2
tăng 48% --hay 6.7%/năm nhưng giá chỉ tăng 13.5%--hay 2.1%/năm) 2
và nếu nhìn vào cầu thì rõ ràng là không tăng (xem số liệu ở phần sau). Cũng
thế, cung tiền ở Thụy Sĩ tăng mạnh để giảm giá đồng Thụy Sĩ nhằm tăng
xuất khẩu nhưng vẫn không gây lạm phát vì thế giới sẵn sàng dùng đồng
Thụy Sĩ làm dự trữ.
3 Đối với một quốc gia mà đồng bạc không được tín nhiệm ngay cả với dân, họ phải bảo vệ tài sản bằng tăng sở hữu hiện vật có giá trị, do đó sức mua hàng hóa tăng, đẩy lạm phát tăng. Tuy nhiên mức tăng còn tùy lúc và điều kiện, trong trường hợp có hiện tượng tiền tệ
hóa, từ nền kinh tế hiện vật sang nền kinh tế tiền tệ như ở Việt Nam trước
đây và vào lúc mà dân bắt đầu tin tưởng đồng bạc, sẵn sàng lưu giữ đồng
tiền trong nhà (mà không chi tiêu) lạm phát sẽ thấp hơn tốc độ tăng tiền.
Đây là trường hợp đã xảy ra ở Việt Nam trong vài năm sau cải cách. Nói
tóm lại, tiền tệ nên phát hành theo mức tăng trưởng kinh tế và để nền kinh
tế tự nó điều chỉnh. Các chính sách kích cầu chỉ tạo thêm mất cân đối. Lý thuyết của Friedman đã có ảnh hưởng lớn cho đến hôm nay, sau khi các
biện pháp kích cầu đưa đến lạm phát cao kéo dài ở Mỹ trong suốt thập
niên 1980.
Cùng thời gian này, trường phái kinh tế Áo cũng tạo ảnh hưởng mạnh,
đặc biệt với Friedrich Hayek và Joseph Schumpeter. Hayek cổ vũ trở lại
với tự do thị trường toàn triệt. Schumpeter, ca ngợi Marx là nhà kinh tế
đầu tiên đã nhìn thấy vai trò của kỹ thuật trong việc làm tăng năng suất
lao động, cho rằng chủ nghĩa tư bản được hình thành bởi các làn sóng
khởi nghiệp (entrepreneurship) nối tiếp nhau làm tăng năng suất lao động;
với tinh thần sáng tạo nó luôn luôn trong quá trình đạp đổ cái cũ để xây
dựng cái mới (creative destruction). Do đó sự can thiệp của nhà nước làm
ngăn cản tiến bộ và chỉ làm nền kinh tế trì trệ. Họ lấy thập kỷ trì trệ trong
kinh tế Nhật những năm 1990 làm thí dụ. Nhà nước can thiệp chi tiêu
nhiều nhưng doanh nghiệp vì được che chắn đã không phát triển.
Ngày nay người ta bắt đầu chú ý tới Hyman Minsky (1986) và dùng lý
thuyết của ông để hiểu khủng hoảng lớn bắt đầu từ 2007 và kéo dài đến
tận ngày nay. Minsky cho rằng người ta đã hiểu sai Keynes. Minsky cho
rằng chính hệ thống tài chính tín dụng đã đẩy kinh tế đến khủng hoảng vì
khu vực phi nhà nước (doanh nghiệp và dân chúng), do một lý do gì đó (lý
do gì thì không quan trọng) chạy đua chồng chất nợ để đánh quả một cách
hết sức rủi ro làm giầu với tinh thần say sưa tư lợi của một con dã thú
(animal spirit), một tinh thần tạo nên phát triển trong chủ nghĩa tư bản.
1 đồng, nhưng muốn mượn đến 10 đồng, thậm chí hơn nhiều, để khai thác
sự lên giá của tài sản. Điều này xảy ra vì không có những thiết chế kiểm
soát và hạn chế cần thiết. Minsky cho rằng những người vay phòng vệ
(hedge borrowers) lo cả về trả vốn lẫn lãi, những người vay rủi ro
(speculative borrowers) chỉ nghĩ đến và có thể trả lãi, những người vay
kiểu mượn đầu heo nấu cháo (ponzi borrowers) là người mượn tiền của
người này trả cho người kia. Khủng hoảng xảy ra khi số người vay rủi ro
và mượn đầu heo nấu cháo cao hơn số người vay phong vệ. Và với những
người dựa vào vay mượn để mua tài sản với hy vọng tài sản sẽ tiếp tục
tăng giá, họ dùng biện pháp đòn bẩy nợ (leverage) tức là bỏ tiền đặt cọc
(margin) là 100 nhưng mua 500 (phần còn lại là nợ) để nếu chứng khoán
lên 10% chẳng hạn thì tổng số lời là 50 và tỷ lệ lãi là 50%. Tuy nhiên nếu
giá xuống 20% thì họ mất sạch và lại bị công ty chứng khoán đòi họ phải
chồng thêm tiền để đủ 10% tiền cọc. Nếu giá tài sản trên thị trường xuống
quá, công ty chứng khoán đòi tỷ lệ đặt cọc cao hơn. Gặp trường hợp giá
giảm mang tính hệ thống, ngay cả hệ thống ngân hàng cũng cắt tín dụng
cho công ty chứng khoán, đẩy một phần không nhỏ hệ thống tài chính sẽ
phá sản. Trong trường hợp này, ngay cả người vay phòng vệ cũng không
thể vay ngân hàng để hoạt động sản xuất và trả nợ bình thường vì các
ngân hàng cũng phải co lại để phòng thủ. Ở Mỹ vay mượn của khu vực tư
nhân năm 1981 là 123% GDP năm 2008 đã được bẩy lên 290%. Ta có thể
thấy khi một nền kinh tế rơi vào khủng hoảng tài chính vì giá tài sản như giá nhà bị đẩy lên quá cao do đầu cơ, vượt khỏi khả năng chi trả của
người mua thì giá tất phải xuống. Lúc đó, giá trị tài sản sau khi trừ đi nợ
gọi là vốn tự có thậm chí có thể âm, đẩy người đi vay phải tập trung vào
trả nợ, giảm tiêu dùng, thay vì đầu tư thêm (coi mô hình ở dưới).

Mất cân đối trong kinh tế là tình trạng bình thường, không thể tránh
được trong một nền kinh tế thị trường năng động, nhưng sự có mặt của cơ
chế giám sát với các qui định chặt chẽ, minh bạch và hợp lý sẽ tránh việc các mất cân đối biến thành khủng khoảng. Việc thiết lập các qui định
giống như việc đắp đê be bờ giảm sức công phá của bão tố trong nền kinh
tế thị trường. Tuy nhiên khoảng 15 năm trước đây nhiều đê điều đã bị đập
vỡ vì các nhà lý thuyết kinh tế và chính quyền ở Mỹ tin tưởng rằng tư bản
chủ nghĩa có thể tự điều chỉnh, rằng thị trường tự do là hữu hiệu nhất và
do đó không cần đến sự kiểm soát hay bàn tay nhơ bẩn của nhà nước. Đắp
đê be bờ làm giảm tinh thần dã thú của tư bản, tất nhiên có thể làm giảm
tiềm năng phát triển. Vì vậy mà phải lựa chọn hệ thống đê điều hợp lý.
Luật tín dụng Mỹ ra đời năm 2000 đập bỏ hầu hết đê điều chính là lý do
tạo sự khủng hoảng tài chính trầm trọng vừa qua, không chỉ ở Mỹ mà còn
ở nhiều nơi trên thế giới bắt chước xóa bỏ hạn chế kiểu Mỹ.
Có thể kết luận là khủng hoảng có nguyên nhân nội tại, chủ yếu nội tại
nhưng nó trở thành lớn rộng và kéo dài khi những đê che chắn cần thiết để
hạn chế bão gió đã bị xóa bỏ. Bão gió là chuyện thường ngày ở huyện của
một nền kinh tế tư bản. Bão gió có thể có nguyên nhân từ sự phát triển của
công nghệ mới như công nghệ thông tin phát triển ở Mỹ bắt đầu từ những
năm 2000, nhưng được tung hê quá trởn bởi giới tài chính như chuyện
thần kỳ đưa đến một nền kinh tế tri thức kiểu mới với tốc độ phát triển
kinh tế vượt bực. Nó cũng có thể là sự thần kỳ của các công cụ tài chính
mới. Chứng khoán được thổi lên như diều gặp gió rồi sụt giá hơn 50%,
chạm đáy vào năm 2009. Có lúc người ta tưởng rằng với khả năng hiểu
biết dựa trên lý thuyết kinh tế đã được phát triển, khủng hoảng đã bị xóa
bỏ trong nền kinh tế thị trường hay nói chính xác hơn là trong nền kinh tế
tư bản chủ nghĩa. Người ta đã lầm nếu chỉ nhìn lại lịch sử kinh tế Mỹ từ
sau 1930.
Bài viết này đi sâu vào phân tích nguyên nhân khủng hoảng ở Mỹ và
Việt Nam như đã trình bày sơ lược ở trên và biểu hiện của chúng, phân
tích chi tiết hệ thống tài chính Mỹ, sau đó dùng nó làm cơ sở phân tích hệ
thống tài chính Việt Nam và cuối cùng đưa ra đề nghị về việc sửa đổi Luật
tín dụng Việt Nam hiện nay nhằm tạo ra đê chắn để tránh cho các mất cân
đối bình thường trong nền kinh tế thị trường trong tương lai khỏi biến
thành bão tố khủng hoảng.
Luật Tín dụng Việt Nam ra đời năm 2010 là một bản sao thô thiển của
Luật Mỹ năm 2000; nó cho phép ngân hàng thương mại đầu tư chứng
khoán, mua cổ phần kiểm soát ngân hàng khác, lập công tài chính và phi
tài chính, lại được phép nhận ký gửi vàng và cho vay bằng vàng và buôn
bán vàng đã tạo lập một hệ thống với độ rủi ro cao; ngược lại Luật cũng
cho phép công ty phi tài chính lập ngân hàng, kể cả nhận tiền ký gửi của
tổ chức. Hệ số vốn tối thiểu, tỷ lệ nợ xấu dường như không được kiểm tra
với các chuẩn mực chặt chẽ.5 Lệnh cho vay từ chính phủ đối với các ngân hàng quốc doanh đã đẩy tới lượng tín dụng tăng quá trớn nhằm tài trợ các
công trình quốc doanh thiếu hiệu quả, nhằm đạt tốc độ phát triển vượt
ngoài khả năng, đã tạo nên một nền kinh tế với lạm phát cao, chất lượng
thấp và cuối cùng là tốc độ phát triển thấp, nợ nước ngoài cao, nhiều
doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng nói chung nằm trong diện phá sản.
Bài viết không nhằm đưa ra các đề nghị để giải quyết các khó khăn
trước mắt hiện nay với lý do rất đơn giản là sự thiếu vắng thông tin về tình
hình tài chính tín dụng - những thông tin mà trong bất cứ một nền kinh tế
thị trường nào cũng đều được coi là thuộc quyền biết của công chúng.6
Bài viết nhằm vào một cái nhìn dài hạn hơn do đó Phần III nhằm phân
tích về Luật Tín dụng Việt Nam và cho rằng với luật như hiện nay thì một
sự kiện mất quân bình nội tại nào đó có thể dễ dàng bị hệ thống tài chính
như hiện nay lạm dụng đưa đến khủng hoảng.

Một số đề nghị rải rác trong bài có thể tóm tắt dưới đây:

1. Xử lý vấn đề doanh nghiệp quốc doanh:
a) Chấm dứt việc đầu tư tràn lan vào chúng và nếu cần chỉ
giữ một số tối thiểu ở mức có thể điều hành hữu hiệu
(một hai chục thay vì trên 3000 như hiện nay).7
b) Chấm dứt tòan bộ việc đầu tư ngoài ngành, nhất là để
doanh nghiệp làm chủ ngân hàng hay ngược lại (Luật Tín
dụng Việt Nam cho phép mà ngay cả Luật Mỹ cũng
không cho phép. Điều này sẽ bàn sâu ở Phần III).

c) Mọi quyết định lập doanh nghiệp quốc doanh trung ương
phải được bàn thảo và được Quốc hội thông qua. Chính
phủ cần chấm dứt việc tự ý lập doanh nghiệp và tự ý chi
tiêu vượt ngân sách Quốc hội quyết định, mà ở nhiều
nước việc này bị coi là phạm pháp.8
2. Xử lý vấn đề tập trung và phân cấp:
a) Cần thực hiện việc tập trung quyền lực đầu tư phát triển
hạ tầng vào 7 vùng thay vào từng tỉnh như hiện nay,
nhằm tránh phí phạm xây dựng trùng lắp, và giảm ảnh
hưởng của địa phương đối với cơ quan trung ương đóng
tại địa bàn tỉnh. Tất cả các cơ quan trung ương từ Ngân
hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch, Tổng cục
Thống kê, v.v. sẽ đóng tại vùng thay vì tại từng tỉnh.
b) Phân cấp vấn đề quản lý công thổ, rừng, bờ biển sông
ngòi giữa trung ương, vùng và tỉnh nhằm thực hiện giúp
việc tập trung quyền lực đầu tư phát triển hạ tầng bàn đến
ở trên.
3. Không phân cấp cho tỉnh phát triển trái phiếu tỉnh ra nước ngoài, và
kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu tỉnh, nhằm tránh việc
chồng chất nợ công không kiểm soát được.
4. Nâng cao tỷ lệ vốn tự có (vốn để dành hoặc vốn cổ phần) trong
doanh nghiệp để bảo đảm phát triển bền vững. Thật vậy, muốn
phát triển bền vững, các doanh nghiệp dù tư nhân hay nhà nước
phải dựa chủ yếu vào vốn tự có. Tỷ lệ nợ trên vốn (vốn vay mượn
so với vốn tự có) của doanh nghiệp nhà nước đã là 1.77, quá cao
so với tỷ lệ 0.7 ở Mỹ.
9 Với tỷ lệ vốn vay quá cao, lãi suất tăng có
thể nhanh chóng đẩy doanh nghiệp vào chỗ mất khả năng thanh
toán.
5. Nhà nước cũng không thể dựa vào thiếu hụt ngân sách lớn (từ 5-7%
GDP như trong 10 năm nay) để chi tiêu và ra lệnh Ngân hàng Nhà
nước in tiền phân phối tín dụng đặc biệt là cho doanh nghiệp quốc
doanh làm quả đấm thép cho phát triển. Thiếu hụt ngân sách ở
mức 3% GDP đã được nhiều nước coi là đường ranh báo động.
Kích cầu bằng thiếu hụt ngân sách chỉ là biện pháp nhất thời được sử dụng khi nền kinh tế vì một lý do nào đó rơi vào khủng hoảng
mất cân đối vì giảm cầu; nó không phải là biện pháp nhằm phát
triển kinh tế. Kích cầu bằng cách in tiền sẽ đưa đến lạm phát cao
và bất ổn. Kích cầu bằng tín dụng ở Việt Nam cũng đã được phản
ánh qua tỷ lệ tín dụng trên GDP nhanh chóng tăng từ 35% lên
125% GDP trong khoảng thời gian 2000-2011. Vấn đề này sẽ
được trình bày rõ hơn trong phần đánh giá hệ thống tín dụng Việt
Nam.
6.Sự tăng trưởng quá trớn của tín dụng là do Ngân hàng Trung ương
không có tính độc lập theo chuẩn mực của một nền kinh tế thị
trường với mục đích trên hết là bảo vệ sự ổn định về giá cả trên
thị trường, mà đã hành động theo lệnh của chính phủ in tiền nhằm
xây dựng doanh nghiệp quốc doanh thành quả đấm thép thiếu
hiệu quả. Hậu quả cuối cùng là phá hoại kinh tế.
7. Việc cho phép mở ra quá nhiều ngân hàng qua Luật Tín dụng cũng
chỉ nhằm giúp các địa phương và các nhóm lợi ích tham gia trục
lợi.
8. Tín dụng và hệ thống tài chính phát triển quá trớn và thiếu trong
sạch vì Luật tín dụng không phân biệt giữa ngân hàng thương mại
và ngân hàng đầu tư. Ngân hàng thương mại sử dụng tiền của
khách hàng để cho vay. Còn ngân hàng đầu tư cơ bản hoạt động
trong việc phát hàng lần đầu cổ phiếu và trái phiếu cho doanh
nghiệp, đầu tư vào chứng khoán bằng tiền của chính họ hoặc phục
vụ việc buôn bán lại chứng khoán của khách hàng để lấy dịch vụ
phí. Để giảm tính rủi ro của hệ thống, tránh khủng hoảng lớn, cần
viết lại Luật Tín dụng tạo sự phân biệt trên và chấm dứt việc cho
phép ngân hàng làm chủ doanh nghiệp phi tài chính hoặc doanh
nghiệp phi tài chính mở ngân hàng, lạm dụng để phục vụ chính
nó.
9. Ngân hàng Nhà nước cần thiết lập chuẩn mực vốn tối thiểu cho
ngân hàng.
10. Ngân hàng Nhà nước cần thiết lập và công bố các thống kê cơ bản
của từng ngân hàng và của hệ thống tài chính tiền tệ, không chỉ
nhằm phục vụ người làm chính sách mà còn cả người sử dụng
ngân hàng.

Xem chi tiết toàn văn bài viết theo các đường dẫn sau:
http://viet-studies.info/kinhte/201327_VQViet.pdf
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai27/201327_VQViet.pdf



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét