Bài viết cũ của tôi năm 2003:
HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH VQEM PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO NGẮN HẠN
CHƯƠNG IV
SỬ DỤNG MÔ HÌNH VQEM – 2003 ĐỂ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2003-2005 VÀ KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001-2005
CHƯƠNG IV
SỬ DỤNG MÔ HÌNH VQEM – 2003 ĐỂ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2003-2005 VÀ KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001-2005
Để đơn giản báo cáo, chúng tôi không trình bày các nghiên cứu chi tiết liên quan đến mô hình VQEM - 2003, ví dụ như mô phỏng mô hình để kiểm tra sai số của mô hình, thử phân tích một số quan hệ nhân quả gián tiếp và thử phân tích hiệu quả nhân tử... Tuy nhiên, có thể nói rằng nhìn chung chất lượng của mô hình VQEM – 2003 đã tăng lên so với mô hình VQEM gốc; do đó có thể sử dụng mô hình để dự báo phát triển.
Dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày quá trình chuẩn bị thông tin phục vụ công tác dự báo và một số kết quả dự báo cho năm 2003-2005.
I. CHUẨN BỊ THÔNG TIN CHO QUÁ TRÌNH DỰ BÁO
1) Dự báo các biến ngoại sinh thuần tuý
Trong mô hình VQEM, có coi một số biến sau đây là biến ngoại sinh thuần tuý (tức là các biến mà khả năng can thiệp của Nhà nước làm thay đổi giá trị của chúng rất thấp, nhất là trong thời kỳ ngắn hạn): Vốn FDI do nước ngoài chuyển vào thực hiện tại nước ta (FDIFOR), chi ngân sách để trả nợ và viện trợ (PAYIN), chỉ số giá nhập khẩu (IMPRI), tỷ lệ tăng trưởng GDP của 18 nước bạn hàng chính, cơ cấu xuất khẩu theo 16 nước bạn hàng chính.
Nhìn vào danh sách các biến được coi là ngoại sinh thuần tuý ở trên, có thể thấy phần lớn chúng đều phụ thuộc vào môi trường kinh tế quốc tế, do đó việc dự báo chúng phải căn cứ vào dự báo biến động của kinh tế thế giới. Vì mô hình được xây dựng với chuỗi số liệu đến quý IV/2002 nên để dự báo đến năm 2005, cần phải dự báo triển vọng kinh tế thế giới các năm 2003-2005.
1.1) Dự báo triển vọng kinh tế thế giới các năm 2003-2005
a) Triển vọng kinh tế các nước công nghiệp
Về năm 2002, nhìn chung, trái với những dự báo về sự phục hồi mạnh mẽ được đưa ra vào cuối năm 2001 (và được thể hiện trong báo cáo mô hình VQEM 10/2001), đến nay có thể khảng định kinh tế thế giới năm 2002 không phục hồi tốt như dự đoán, mà phát triển vừa phục hồi chậm chạp, vừa trong tình trạng bất ổn. Tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 2,8% so với mức 2,1% năm 2001, 4,7% năm 2000 và 3,6% năm 1999. Ba đầu tầu kinh tế thế giới là Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu đều phát triển không vững chắc và chưa tạo được đà thúc đẩy các nền kinh tế khác tăng trưởng.
Nền kinh tế Mỹ sau thời kỳ tăng trưởng cao kéo dài đã giảm tốc độ tăng trưởng ngay từ quý III năm 2000 và kéo dài đến hết năm 2001. Trong năm 2002, mặc dù kinh tế Mỹ đã phục hồi lại sau bước suy thoái năm 2001, nhưng tốc độ tăng trưởng còn rất thấp, chỉ đạt 2,2% so với mức thấp kỷ lục 2,1% năm 2001.
Nhật bản dường như chưa tìm được lối thoát mặc dù đã trải qua rất nhiều cuộc cải tổ kinh tế sâu rộng kéo dài trong suốt thập kỷ 90 đến nay. Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế quốc tế và của bản thân Ngân hàng trung ương Nhật, đây là giai đoạn trì trệ kinh tế kéo dài nhất trong lịch sử kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2002 của Nhật Bản là âm 0,5% (Ngân hàng thế giới và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD đánh giá là âm 1%) trong khi năm 2001 là âm 0,3%.
Các nền kinh tế Tây âu cũng trong tình trạng tương tự dù mức độ thấp hơn. IMF, WB, OECD và Ngân hàng trung ương Châu Âu ECB thống nhất cho rằng tỷ lệ tăng trưởng GDP khu vực Liên minh châu Âu chỉ đạt 1,1%, giảm 0,6% so với mức 1,7% năm 2001 và giảm 2,5% so với mức 3,5% năm 2000.
Vì kinh tế Mỹ và Tây âu chiếm hơn 50% GDP toàn cầu nên sự sụt giảm của hai khu vực này đã làm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Nguyên nhân chính của sự suy giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại các nước trên là quá trình chuyển dịch cơ cấu chậm chạp, thậm chí trì trệ, trong khi luồng đầu tư và ngoại thương mại quốc tế chậm lại. Bên cạnh đó, còn xảy ra nhiều vụ bê bối tài chính liên quan đến các công ty khổng lồ ở cả ba trung tâm kinh tế trên, dẫn tới sự sụp đổ của các thị trường chứng khoán và khủng hoảng lòng tin. Ngoài ra, mối lo ngại về cuộc chiến tại I Rắc cũng làm môi trường kinh doanh bất ổn, gây tác động không nhỏ tới lòng tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Về các năm 2003-2005, đến nay, phần đông các nhà kinh tế thế giới đều cho rằng kinh tế thế giới trước mắt sẽ không thể phục hồi tốt như đã dự đoán trước đây. Vào cuối năm 2002, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2003 nhưng nhìn chung tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vẫn thấp; chỉ đạt 3,7%, tăng 0,9% so với năm 2002 và thấp 1% so với tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2000. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc lại cho rằng tình hình kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn, do đó tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt khoảng 2,8-3%. Qua 2 tháng đầu năm 2003, trước những diễn biến tiêu cực của tình hình chính trị quốc tế, nhất là nguy cơ chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào tại I Rắc, tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2003 được điều chỉnh xuống còn 3,1% hoặc thấp hơn, tức là giảm 0,6% so với dự báo cuối năm 2002.
Sau bước phục hồi chậm chạp năm 2003, từ năm 2004, kinh tế thế giới sẽ trở lại xu hướng tăng trưởng nhanh. Khả năng này diễn ra ngay cả khi cuộc chiến ở I Rắc nổ ra vì có thể dự báo cuộc chiến sẽ không kéo dài; sau chiến tranh sẽ là giai đoạn phục hồi với những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Trên cơ sở những nhận định trên, chúng tôi đã lựa chọn phương án dự báo tăng trưởng kinh tế dưới đây trên cơ sở các tài liệu tháng 12/2002 - 2/2003 của một số tổ chức tài chính và chuyên gia quốc tế (xem bảng 3).
Bảng 3: Dự báo tăng trưởng GDP của các đối tác kinh tế chính
(% so với năm trước)
Tên nước
|
Ước 2002
|
Dự đoán 2003
|
Dự đoán 2004
|
Dự đoán 2005
|
Toàn thế giới
|
2,8
|
3,1
|
3,7
|
4,3
|
Các nước phát triển
|
1,7
|
2,5
|
3,1
|
3,6
|
Các nước công nghiệp G7
| ||||
Mỹ
|
2,2
|
2,6
|
3,1
|
3,7
|
Nhật
|
-0,5
|
1,1
|
1,3
|
1,8
|
Đức
|
0,5
|
2,0
|
2,5
|
2,8
|
Pháp
|
0,7
|
2,3
|
2,5
|
3,2
|
Italia
|
1,3
|
2,3
|
3,0
|
3,5
|
Anh
|
1,7
|
2,4
|
2,7
|
3,0
|
Riêng Liên minh Châu Âu
|
1,1
|
2,3
|
2,7
|
3,0
|
Các nước đang phát triển
|
4,2
|
5,2
|
6,0
|
6,8
|
Châu Phi
|
3,2
|
4,2
| ||
Châu á
|
6,1
|
6,3
| ||
Nam Mỹ
|
-0,8
|
3,0
| ||
Các nước đang chuyển đổi
| ||||
Trung và Đông âu
|
3,0
|
3,8
| ||
Nga
|
4,4
|
4,9
|
b) Triển vọng kinh tế khu vực Đông á
Về tình hình gần đây: Sau khủng hoảng kinh tế gay gắt vào năm 1997 và 1998, các nền kinh tế Đông Á đã có sự phục hồi đáng kể trong những năm gần đây. Sản xuất công nghiệp của nhiều nước trong khu vực đã đạt mức tăng trưởng hơn 15% và vượt mức trước khủng hoảng. Các tổ chức kinh tế tài chính lớn nhất thế giới là Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đều đánh giá Châu á, mà cụ thể là Đông á, là điểm sáng duy nhất trong năm 2002. Các nền kinh tế đang phát triển châu á đã có mức tăng trưởng GDP lên tới 6,1%, tăng 0,5% so với mức 5,6% năm 2001. Đặc biệt các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và ấn độ đã tăng trưởng nhanh hơn dự đoán, chủ yếu nhờ sự phục hồi của buôn bán toàn cầu, của thị trường công nghệ thông tin và của nhu cầu nội địa.
Nguyên nhân chính của quá trình phục hồi đầy ấn tượng trên tại châu á là môi trường bên ngoài thuận lợi và kết quả của những biện pháp cải cách kinh tế mạnh trong mỗi nước. Môi trường bên ngoài thuận lợi thể hiện ở sự tăng lên rất nhanh của thương mại thế giới và nhu cầu nhập khẩu của các nước công nghiệp, trước hết là Mỹ và khối Tây âu. Những biện pháp cải cách chủ yếu trong nước gồm kích cầu nội địa, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và khu vực doanh nghiệp, đổi mới các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Ở khu vực Đông Nam á, xu hướng mở cửa thị trường nội địa và từng bước hình thành thị trường chung khu vực ASEAN + 3 đang giúp Châu á có thêm thị trường mới.
Về các năm 2003-2005: Khả năng phát triển ngắn hạn từ nay đến năm 2005 của các nước khu vực Đông á phụ thuộc rất lớn vào tăng cầu nội địa. Thực tế, phục hồi kinh tế Hàn quốc đã diễn ra mạnh từ năm 1999 chủ yếu dựa trên xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng dệt may; nhưng từ nay quá trình phục hồi này sẽ chỉ được tiếp tục nếu cầu nội địa phát triển để thay thế dần cho xuất khẩu. Tăng trưởng các năm 2003-2005 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tính động của các thành phần cung nội địa, nhất là thương mại và dịch vụ; nhờ sự năng động của khu vực này, tỷ lệ tăng trưởng có thể tiếp tục được duy trì bất chấp các hoạt động công nghiệp giảm dần.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng quá trình phục hồi kinh tế thế giới và khu vực Đông á từ nay đến năm 2005 phụ thuộc vào biến động giá thế giới (nhất là giá dầu thô) theo hướng tăng lên do hậu quả của chiến tranh do Mỹ phát động. Việc tăng giá này sẽ kéo theo tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, làm giảm cầu nước ngoài và cầu nội địa ở các nước Đông á, gây ảnh hưởng bất lợi tới quá trình tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng thế giới dự báo giá dầu thô sau bước giảm trong 2 năm 2001-2002 sẽ tăng trở lại từ năm 2003.
Triển vọng kinh tế các năm tới của khu vực còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đồng đô la. Trong những năm qua, các đồng tiền trong khu vực đã yếu đi, vừa do đồng đô la mạnh lên, vừa do những bất ổn về chính trị tại nhiều nước. Tuy nhiên so với thời điểm năm 1997, hiện nay các đồng tiền này đã lên giá trở lại. Do các đồng tiền châu á đang được đánh giá cao nên những căng thẳng lạm phát do giá thế giới tăng đang được kiểm soát. Dự trữ ngoại tệ cũng đang được duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ lạm phát giảm, cho phép hạ dần lãi suất về mức bình thường. Nhìn chung, tỷ giá tiếp tục là chiếc neo duy trì sự ổn định của hệ thống tiền tệ và giá cả. Mặt tiêu cực của việc các đồng tiền trong khu vực lên giá so với đô la Mỹ là tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu có nguy cơ giảm mạnh trong thời gian tới. Nhìn chung, môi trường kinh tế vĩ mô khu vực có khả năng ổn định, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực như vậy, có thể dự đoán tỷ lệ tăng trưởng của khu vực Đông á từ năm 2003 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ những nhân tố tăng trưởng trung hạn, nhất là sự cởi mở hơn cả về chính trị và kinh tế, trong đó các chính phủ đều cam kết phát triển hướng vào khu vực tư nhân. Nhiều cải cách tiếp tục được tiến hành trong bối cảnh là khu vực có truyền thống về duy trì được những tỷ lệ cao về tiết kiệm tư nhân, đầu tư nội địa, đầu tư cho y tế, giáo dục, con người, phát triển hướng ngoại và quyết tâm xoá đói giảm nghèo. Căn cứ vào những diễn biến kinh tế đến cuối năm 2002 và 2 tháng đầu năm 2003, có thể dự báo kinh tế khu vực châu á năm 2003 sẽ không thấp hơn năm 2002 nhưng từ năm 2004 sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.
Bảng 4: Dự báo tăng trưởng GDP của một số nước lớn khu vực châu á (% so với năm trước)
Tên nước
|
Ước 2002
|
Dự đoán 2003
|
Dự đoán 2004
|
Dự đoán 2005
|
Các nước Châu á tăng trưởng nhanh
| ||||
Các nước CN mới châu á
| ||||
Hồng kông
|
1,5
|
3,4
|
4,3
|
5,3
|
Hàn quốc
|
6,3
|
5,9
|
6,1
|
6,7
|
Singapo
|
3,6
|
4,2
|
4,5
|
5,5
|
Đài loan
|
3,3
|
4,0
|
5,0
|
5,7
|
Khối ASEAN
|
4,1
| |||
Indonesia
|
3,5
|
4,5
|
5,1
|
5,5
|
Malaysia
|
3,5
|
5,3
|
6,0
|
6,5
|
Philipines
|
4,0
|
3,8
|
4,5
|
5,3
|
Thái lan
|
3,5
|
3,5
|
4,2
|
4,8
|
Các nước đang chuyển đổi
| ||||
Trung quốc
|
7,8
|
7,5
|
7,5
|
7,5
|
Việt nam
|
7,1
|
7,5
|
8,0
|
8,0
|
1.2) Dự báo giá trị của các biến ngoại sinh thuần tuý khác
Từ các dự báo triển vọng kinh tế thế giới theo năm nêu trên, sử dụng kỹ thuật phân rã theo quý, có thể dự báo khả năng phát triển kinh tế theo quý của các nước bạn hàng chính của nước ta, trên cơ sở đó xác định được chỉ số tăng trưởng GDP trung bình của các nước bạn hàng chính (biến QE trong mô hình). Các chỉ tiêu khác như vốn đầu tư nước ngoài thực hiện (FDIFOR), chi ngân sách để trả nợ và viện trợ (PAYIN), chỉ số giá nhập (IMPRI)... được xác định dựa theo xu thế phát triển quá khứ có tính đến những đặc trưng quý của chúng. Các kết quả này được dùng làm đầu vào để mô phỏng các dự báo.
Kịch bản về dự báo một số biến ngoại sinh thuần tuý như sau:
a) Vốn đầu tư nước ngoài đưa vào thực hiện tại nước ta (FDIFOR):
Theo số liệu lấy từ bảng cân đối cán cân thanh toán quốc tế, tỷ lệ tăng trưởng của FDIFOR các năm 1998, 1999 và 2000 đều âm mạnh, năm 2001 xấp xỉ bằng năm 2000 (tăng 0,15%), năm 2002 tăng 7,1% so với năm 2001. Dự báo nguồn vốn đầu tư nước ngoài đưa vào thực hiện tại nước ta sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong 3 năm 2003-2005 với tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm.
b) Chỉ số giá nhập khẩu (IMPRI):
Trong những năm khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu á, giá nhập khẩu của nước ta đã giảm liên tục; nhưng từ năm 2000 đến nay, giá nhập khẩu bắt đầu tăng trở lại. Tỷ lệ tăng trưởng giá nhập khẩu trung bình đã dương nhẹ (0,5%). Dự kiến giá nhập khẩu nước ta sẽ tăng khoảng 2%/năm trong giai đoạn 2003-2005.
c) Chi ngân sách để trả nợ và viện trợ (PAYIN):
Khoản chi ngân sách này được xác định trước căn cứ vào tình hình nợ chính phủ đã có. Với giả định rằng chính phủ sẽ thực hiện tốt các cam kết trả nợ cũ của mình và viện trợ tăng theo xu thế, khi đó, có thể ước tính nhu cầu chi ngân sách để trả nợ và viện trợ cho các năm 2003-2005.
Mặt khác, theo các mô hình kinh tế lượng thể hiện quan hệ trực tiếp giữa chi ngân sách để trả nợ và viện trợ và tổng sản lượng trong nước theo giá hiện hành, thì thấy khi tổng sản lượng trong nước theo giá hiện hành tăng 1% thì chi ngân sách để trả nợ và viện trợ tăng 0,7%. Chúng ta biết rằng GDP theo giá hiện hành dự kiến sẽ tăng 12,9% trong năm 2003 (vì GDP theo giá cố định tăng 7,5% và giá dự kiến tăng 5%) nên có thể ước tính chi ngân sách để trả nợ và viện trợ trong năm 2003 sẽ tăng 9% so với năm 2002. Tương tự, vì tỷ lệ lạm phát dự kiến là 7% trong các năm 2004-2005 và tỷ lệ tăng trưởng GDP dự kiến là 8%, nên tỷ lệ tăng trưởng chi ngân sách để trả nợ và viện trợ các năm 2004-2005 sẽ tăng khoảng 10,9% so với năm trước. Kết quả tính toán theo phương pháp này cũng xấp xỉ với kết quả tính toán theo phương pháp trên.
Do vậy, chi ngân sách để trả nợ và viện trợ sẽ đạt 22,1 nghìn tỷ đồng năm 2003, 24,5 nghìn tỷ đồng năm 2004 và 27,2 nghìn tỷ đồng năm 2005.
d) Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường:
Để xác định tỷ lệ tăng trưởng trung bình của các đối tác kinh tế chính, cần dự báo cơ cấu xuất khẩu theo thị trường của nước ta vì đây là các trọng số đưa vào tính toán. Cơ cấu này được xác định căn cứ vào dự báo xu hướng phát triển của thị trường xuất khẩu nước ta trong định hướng chung. Dự kiến trong những năm tới so với năm gốc 2002, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang Anh, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Pháp, Italia, Nhật và Úc sẽ giảm; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang Hông Kông, Hàn Quốc, Malaixia, Sinhgapo, Philipin, Thái Lan, Trung Quốc ổn định. Riêng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng lên khá mạnh (từ 14,5% năm 2002 lên 18% năm 2005). Mặt khác, nhờ đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nên tỷ trọng xuất khẩu sang các bạn hàng chính nêu trên trong tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm nhẹ.
2) Dự báo các biến ngoại sinh chính sách
Bên cạnh các biến ngoại sinh thuần tuý nêu trên, mô hình VQEM còn chứa những biến ngoại sinh chính sách tức là những biến mà Nhà nước có thể can thiệp làm thay đổi giá trị của chúng, từ đó tác động tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác và toàn nền kinh tế, lái nền kinh tế phát triển theo định hướng mong muốn. Các biến ngoại sinh chính sách trong mô hình VQEM1-2003 là tỷ lệ tín dụng ngân hàng dành cho khu vực tư nhân (PRIRATE), lãi suất huy động nội tệ ngắn hạn (INTEIN), tỷ giá đồng VN / USD (EXRAT), tiêu dùng của Chính phủ (CONGO) và tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP (DEFRA). Phương pháp chung để dự báo các chỉ tiêu này là kết hợp sử dụng kỹ thuật kinh tế lượng với kỹ thuật lấy ý kiến chuyên gia; cụ thể như sau:
a) Tỷ lệ tín dụng dành cho khu vực tư nhân
Để dự báo khả năng tiến triển của chỉ tiêu tỷ lệ tín dụng dành cho khu vực tư nhân cho các quý giai đoạn tới hết năm 2005, trước hết, chúng tôi căn cứ vào xu hướng phát triển quý khứ của nó, tiếp đến xem xét các phương án do Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan kinh tế tổng hợp của Chính phủ dự kiến. Trong báo cáo phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001-2005 của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ nâng tỷ lệ tín dụng cho vay ngoài quốc doanh trong tổng dự nợ tín dụng cho vay toàn nền kinh tế lên trung bình 65% trong 5 năm tới. Dự báo xu thế theo 1 mô hình kinh tế lượng độc lập cho thấy tỷ lệ này tăng liên tục trong giai đoạn 2003-2005 và đạt 63,5% vào quý IV/2003 để có thể đạt 70,1% vào cuối năm 2005, tức là tương đương với dự kiến của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, chúng tôi chọn dự báo xu thế này.
b) Lãi suất huy động nội tệ ngắn hạn
Căn cứ vào tiến triển của tình hình kinh tế thế giới, môi trường kinh doanh trong nước, khả năng kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và dự kiến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, có thể dự kiến lãi suất huy động nội tệ sẽ tăng nhẹ trong 2 quý đầu năm 2003, sau đó ổn định ở mức 0,6%/tháng từ quý III/2003 đến hết năm 2003. Tỷ lệ 0,6%/tháng cũng là tỷ lệ lãi suất tiềm năng (trung bình) trong vòng 7 năm gần đây.
c) Tiêu dùng của chính phủ
Tiêu dùng chính phủ trong quá khứ phụ thuộc nhiều vào xu thế tiêu dùng tức là có tính tự tương quan khá cao. Ngoài ra, đặc trưng quý của tiêu dùng chính phủ rất rõ: tiêu dùng chính phủ thường tăng mạnh so với xu thế vào các quý II và IV với mức độ tương đối giống nhau. Để dự báo tiêu dùng chính phủ trong tương lai, một mặt, cần phân tích những đặc trưng trên và đưa vào mô hình; mặt khác, cần dự báo khả năng mở rộng kích cầu thông qua chính sách ngân sách và tiền tệ trong 2 năm tới của chính phủ. Dựa trên các phân tích trên, chúng tôi đã xây dựng được phương án dự báo chi tiêu chính phủ, trong đó tốc độ kích cầu tiêu dùng chính phủ sẽ tăng nhanh hơn quá khứ một chút.
Mặt khác, theo mô hình kinh tế lượng được xây dựng độc lập ngoài mô hình, khi giá tiêu dùng tăng thêm 1% thì chi tiêu dùng chính phủ tăng thêm 1,74%; khi GDP theo giá cố định tăng thêm 1% thì chi tiêu dùng chính phủ tăng thêm 0,25%. Với các kịch bản về lạm phát và tăng trưởng GDP nêu trên, có thể ước tính tiêu dùng chính phủ sẽ tăng 12,9% năm 2003 và 15,6% trong các năm 2004-2005. Kịch bản này sẽ được đưa vào chạy mô hình dự báo.
d) Tỷ giá đồng VN / USD
Dự báo tỷ giá là một vấn đề rất khó khăn vì ở nước ta, tỷ giá không chỉ phụ thuộc vào quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường mà còn phụ thuộc vào chính sách tỷ giá của nhà nước trong khi chính nhân tố thứ 2 mới là nhân tố đóng vai trò quyết định. Để dự báo, trước tiên chúng tôi xây dựng một mô hình kinh tế lượng độc lập với chuỗi thời gian từ quý I/1992 đến quý I/2002; tiếp đến dùng mô hình này dự báo tỷ giá của quý II, III và IV/2002. Kết quả cho thấy tỷ giá dự báo xấp xỉ như số liệu thực tế, ví dụ tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vào cuối năm 2002 là 15420 đồng/USD. Chạy tiếp mô hình để dự báo đến quý IV/2003 thì thấy tỷ giá lúc đó là 15890 đồng/USD, tức là đồng Việt nam sẽ mất giá 3% trong năm 2003. Mức độ lên giá của đô la Mỹ so với tiền Việt trong 2 năm 2004-2005 được dự báo sẽ nhanh hơn, khoảng 5%. Nếu so với mức độ phá giá năm 1999 là 1,1%, năm 2000 là 3,4%, năm 2001 là 3,8%, và năm 2002 là 3,2% thì mức độ điều chỉnh tỷ giá trong năm 2003 sẽ không cao, nhưng trong 2 năm 2004-2005 sẽ nhanh hơn.
e) Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP biến động rất khác nhau qua các quý. Thông thường, tỷ lệ này rất thấp vào quý I, sau đó tăng nhanh trong quý II và đặc biệt cao trong quý III và quý IV. Tuy nhiên vẫn có một số năm tỷ lệ thâm hụt ngân sách của quý II lại thấp hơn của quý I. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trong các năm 2000-2002 lần lượt là 3,5%, 5% và 4,1%. Căn cứ vào chủ trương kích cầu của Nhà nước và tỷ lệ thâm hụt ngân sách cả năm 2003 là 6% đã được Quốc hội thông qua, có thể dự báo tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP trong 2 năm tới tiếp tục là 5%, trong đó tỷ lệ thâm hụt qua các quý như sau: -0,46% trong các quý I, -2,72% trong các quý II, -9,33% trong các quý III và -7,48% trong các quý IV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét