Bài viết cũ của tôi năm 2003:
HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH VQEM PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO NGẮN HẠN
II. THỬ NGHIỆM DỰ BÁO MỘT SỐ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NƯỚC TA TRONG GIAI ĐOẠN 2001-2003
Khâu thực hiện dự báo gồm ba bước cuối của quy trình mô hình hoá: Xây dựng các kịch bản phát triển; sử dụng mô hình để tính giá trị các biến nội sinh; và phân tích kết quả, lựa chọn phương án dự báo hợp lý nhất. Tuy nhiên, do khuôn khổ của báo cáo, dưới đây chỉ xin trình bày một phương án dự báo cơ bản (dự báo nền) trên cơ sở các thông tin giả định nêu trên.
1) Dự báo khả năng phát triển ngắn hạn 2003 - 2005
Các số liệu phân tích dưới đây trình bày kết quả mô phỏng - dự báo cho các năm 2001-2003 theo phương án kịch bản nền. Theo các dự báo này, tỷ lệ tăng trưởng GDP lần lượt qua 4 quý của năm 2003 là 7,3%; 7,4%; 7,8% và 7,7%. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2003 theo dự báo sẽ vào khoảng 7,55%; nếu so với mục tiêu đặt ra trong kế hoạch nhà nước khoảng 7,5% thì kết quả dự báo khớp với mục tiêu kế hoạch.
Dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP các quý năm 2004 và 2005 theo mô hình lần lượt là 7,9% và 8,2%. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng GDP tiếp tục có xu hướng tăng lên trong những năm 2002 theo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới và mở rộng chính sách kích cầu. Dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong các năm 2003-2004 tiếp tục cao, nhưng có những quý tăng trưởng chậm lại, nhất là vào các quý I và II tăng 7,1%. Tỷ lệ tăng trưởng quý cao nhất sẽ diễn ra vào các quý IV/2004, I/2005 và II/2005; tức là khoảng cuối năm 2004 và nửa đầu năm 2005 sẽ là lúc chính sách kích cầu phát huy đến tác dụng cao nhất. Sau đó tỷ lệ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại từ từ; trung bình còn khoảng 7,8% trong 2 quý cuối năm 2005.
Tương tự, với những số liệu trong bảng, có thể xác định tỷ lệ tăng trưởng hàng quý và cả năm của các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ), xác định nhu cầu tín dụng và nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế cũng như cho khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Khu vực công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất với tỷ lệ trung bình 8,5%/năm; tiếp đến là khu vực dịch vụ với tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm 8%; trong khi khu vực nông nghiệp tăng trưởng khoảng 5%/năm. Như vậy, trong ba năm tới, tỷ lệ tăng trưởng khu vực dịch vụ và nông nghiệp sẽ tăng nhanh hơn so với giai đoạn 2000-2002, trong khi đó tỷ lệ tăng trưởng khu vực công nghiệp sẽ chậm lại. Quá trình đó sẽ tạo ra những bước thay đổi đáng kể về cơ cấu kinh tế.
Theo tính toán dự báo từ mô hình, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2003 đạt 217,6 nghìn tỷ đồng (kế hoạch năm 2003 đề ra mức 215 nghìn tỷ đồng), năm 2004 đạt 258 nghìn tỷ đồng và năm 2005 đạt 300 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm của đầu tư xã hội trong 3 năm 2003-2005 đạt khoảng 17,7%.
Về ngân sách, thu ngân sách dự báo theo mô hình năm 2003 sẽ đạt 132 nghìn tỷ đồng (kế hoạch 2003 dự kiến 125 nghìn tỷ đồng), năm 2004 đạt 149 nghìn tỷ đồng và năm 2005 đạt 169 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng thu ngân sách trong 3 năm tới sẽ tăng lần lượt là 10,8%, 12,7% và 13,7%.
Tổng chi ngân sách theo dự báo của mô hình năm 2003 sẽ đạt 161 nghìn tỷ đồng trong khi kế hoạch dự kiến đạt 157 nghìn tỷ đồng. Dự báo tổng chi ngân sách năm 2004 sẽ đạt 184 nghìn tỷ đồng, năm 2005 đạt 209 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng tổng chi ngân sách trong 3 năm tới sẽ tăng lần lượt là 13,2%, 14,3% và 13,4%. Thâm hụt ngân sách hàng năm tăng từ 29 nghìn tỷ đồng năm 2003 lên 35 nghìn tỷ đồng năm 2004 và 40 nghìn tỷ đồng năm 2005.
Về giá cả, tỷ lệ lạm phát tiếp tục thấp trong ba năm tới mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP tăng lên. Nguyên nhân chính là tốc độ tăng trưởng tiền tệ chậm, lãi suất thấp và tỷ giá không có biến động lớn. Dự kiến tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng tăng 4% năm 2003, 4,6% năm 2004 và 4,2% năm 2005. Như vậy, nền kinh tế sẽ hoàn toàn thoát ra khỏi tình trạng thiểu phát.
Hoạt động ngoại thương tiếp tục phát triển. Dự báo xuất khẩu năm 2003 dự báo đạt 19,3 tỷ USD (kế hoạch đề ra chỉ 17,3 tỷ USD), tăng 15,7% so với năm 2002; năm 2004 đạt 22 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2003 và năm 2005 đạt 24,5 tỷ USD, tăng 11,4%. Như vậy tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu trong những năm tới không cao như trong giai đoạn tăng trưởng knih tê cao 1992-1997, nhưng đã tăng lên so với trung bình giai đoạn từ năm 1998 đến nay. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm dần do không có những giải pháp mạnh để tạo bước đột phá trong lĩnh vực khuyến khích xuất khẩu. Chính vì vậy, có thể nói tăng trưởng cao trong giai đoạn tới vẫn chủ yếu dựa vào tăng cầu nội địa.
Nhập khẩu năm 2003 dự báo qua mô hình sẽ đạt 22,9 tỷ USD (kế hoạch chỉ đặt ra 19,3 tỷ USD), tăng 16,8% so với năm 2002. Nhập khẩu năm 2004 dự báo theo mô hình đạt 25,1 tỷ USD, tăng 9,7%, thấp hơn so với tốc độ tăng xuất khẩu. Năm 2005 nhập khẩu đạt 28,1 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2004. Thâm hụt ngoại thương các năm 2003, 2004 và 2005 lần lượt là 3,6 tỷ USD, 3,1 tỷ USD và 3,6 tỷ USD.
Do thâm hụt ngoại thương tiếp tục cao nên nước ta sẽ vẫn trong tình trạng thâm hụt cân đối cán cân thanh toán quốc tế trong 3 năm tới. Cán cân tổng thể sẽ thâm hụt 944 triệu USD năm 2003, 369 triệu USD năm 2004 và 702 triệu USD năm 2005. Tuy nhiên, trong khi cán cân thanh toán vãng lai trong 3 năm tới thâm hụt lần lượt là 929, 464 và 867 triệu USD thì cán cân vốn sẽ liên tục thặng dư, lần lượt là 787, 867 và 959 triệu USD. Thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai do cán cân thanh toán hàng hoá và dịch vụ đều âm mặc dù nguồn thu nhập chuyển từ nước ngoài về tăng lên khá mạnh; ngược lại, cán cân vốn thặng dư chủ yếu nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng phục hồi và tăng lên nhanh.
Tóm lại, những dự báo sơ bộ qua mô hình VQEM - 2003 cho thấy tình hình kinh tế nước ta vẫn tiếp tục được cải thiện trong 3 năm tới (2003-2005), phản ánh tác động tích cực của chính sách kích cầu nội địa. Tuy nhiên, có khả năng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại sau năm 2005; do đó cần có những nghiên cứu kỹ hơn để chuẩn bị các giải pháp đối phó.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi chưa đưa vào dự báo ảnh hưởng của chiến tranh tại I Rắc tới nền kinh tế nước vì mô hình VQEM là mô hình vĩ mô, chưa đi chi tiết cho ngành và sản phẩm. Trong thời gian tới, nếu có điều kiện, chúng ta sẽ tách xuất khẩu làm 2 khu vực gồm xuất khẩu dầu mỏ và xuất khẩu phi dầu mỏ để có thể đánh giá ảnh hưởng của việc tăng giá dầu tới hoạt động kinh tế nước ta.
2) Dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001 - 2005
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001-2005 vào đầu năm 2001; tiếp đến Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam cũng đã thông qua kế hoạch chỉ tiết cho 5 năm. Về mặt kinh tế, chúng ta có thể so sánh mục tiêu kế hoạch và dự báo thực hiện qua tình hình đã thực hiện trong 2 năm 2001-2002 và dự báo khả năng thực hiện trong 3 năm 2003-2005 qua kết quả dự báo trên. Kết quả so sánh được thể hiện qua bảng 5 dưới đây.
Kết quả cho thấy chúng ta có thể hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm là tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP vì tỷ lệ tăng trưởng dự báo là 7,5% bằng với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, về thành phần của GDP thì có thể có một số khác biệt. Tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp có thể không đạt kế hoạch 10,8%/năm vì dự báo chỉ có thể tăng trưởng khoảng 9,2%; so với kế hoạch chỉ bằng 85%. Ngược lại, tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng khu dịch vụ có thể đạt tới 7,3%/năm, cao hơn so với nục tiêu 6,2%, tức là vượt kế hoạch tới 17,4%. tình hình này xảy ra do dự báo trong 3 năm 2003-2005, phát triển kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào nhân tố cầu, đặc biệt là cầu nội địa; do đó phát triển khu vực dịch vụ sẽ là động lực của quá trình tăng trưởng. Riêng đối với khu vực nông nghiệp, dự báo sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng 4,3%.
Bảng 5: So sánh mục tiêu kế hoạch 5 năm 2001-2005 và thực hiện
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Kế hoạch | Thực hiện | Tỷ lệ hoàn thành KH |
Tăng trưởng GDP |
%
|
7,5
|
7,5
|
100
|
trong đó:
| ||||
- Công nghiệp
|
%
|
10,8
|
9,2
|
85,2
|
- Nông nghiệp
|
%
|
4,3
|
4,3
|
100
|
- Dịch vụ
|
%
|
6,2
|
7,3
|
117,4
|
Cơ cấu GDP đến năm 2005 | ||||
- Công nghiệp
|
%
|
38-39
|
39
|
100
|
- Nông nghiệp
|
%
|
20-21
|
21
|
100
|
- Dịch vụ
|
%
|
41-42
|
40
|
97,6
|
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu
|
%
|
16
|
11,2
|
70
|
Tăng trưởng quỹ tiêu dùng
|
%
|
5,5
|
7,2
|
131
|
Tỷ lệ tích luỹ nội địa trên GDP
|
%
|
28-30
|
32,5
|
112
|
Vốn nước ngoài thực hiện
|
Tỷ USD
|
9-10
|
7,8
|
70
|
Tỷ lệ huy động ngân sách / GDP
|
%
|
20-21
|
22,1
|
107
|
Tăng trưởng vốn đầu tư phát triển
|
%
|
11-12
|
13,2
|
114,8
|
Tỷ lệ đầu tư trên GDP
|
%
|
31-32
|
35,2
|
111,7
|
Cơ cấu sử dụng vốn
| ||||
- Khu vực Nhà nước
|
%
|
58-60
|
57,4
|
97,3
|
- Khu vực dân cư và DNTN
|
%
|
24-25
|
25,0
|
100
|
- Khu vực K T có vốn ĐTNN
|
%
|
16-17
|
17,6
|
106,7
|
Về cơ cấu GDP, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp thấp so với kế hoạch, nhưng tính theo giá hiện hành thì thấy tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp trong GDP vẫn tăng lên đến 39%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là giá hàng công nghiệp tiếp tục tăng nhanh hơn so với tăng giá cả trong các ngành khác vì chúng ta đang trong giai đoạn tiếp tục xoá bỏ bao cấp trong giá, mà việc xoá bỏ nhằm vào tăng giá hàng công nghiệp do nhà nước kiểm soát. Tương tự, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu đối với nông nghiệp cũng đạt được. Tuy nhiên, tỷ trọng dịch vụ sẽ chỉ tăng lên đến 40%, tức là thấp hơn chút ít so với dự kiến kế hoạch là 41-42%.
Về tăng trưởng xuất khẩu, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm 2001-2002 rất thấp nhưng từ năm 2003, tình hình có thể được cải thiện tuy không nhiều. Tính chung, tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dự kiến chỉ đạt 11,2%/năm trong giai đoạn 2001-2005, thấp đáng kể so với mục tiêu kế hoạch là 16% (chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch).
Tăng trưởng quỹ tiêu dùng sẽ tiếp tục đạt mức cao trong 3 năm tới, do đó, tỷ lệ tăng trưởng quỹ tiêu dùng toàn xã hội dự kiến đạt 7,2%/năm trong thời kỳ 2001-2005, cao hơn mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,5%. Điều này cũng khảng định sự phát triển kinh tế nước ta trong kế hoạch năm năm này dựa chủ yếu vào nhân tố cầu nội địa.
Tương tự, tỷ lệ tích luỹ nội địa trên GDP có thể đạt tới 32,5% vào năm 2005 so với mục tiêu kế hoạch chỉ là 28-30%. Nguồn tích luỹ tăng cao một phần từ tăng nhanh tiết kiệm của dân cư do thu nhập tăng lên nhanh và một phần nhờ vào tăng thu ngân sách chính phủ (tăng tiết kiệm nhà nước). Tỷ lệ huy động vào ngân sách trung bình đạt 22,1% GDP so với mục tiêu kế hoạch là 20-21%.
Do tỷ lệ tích luỹ tăng nhanh nên đầu tư toàn xã hội cũng tăng nhanh, trung bình khoảng 13,2%/năm trong thời kỳ 2001-2005. Tỷ lệ đầu tư trên GDP tăng từ 32,9% năm 2000 lên 36,9% năm 2005, trung bình đạt 35,2%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra trong kế hoạch là 31-32%.
Tuy nhiên, cơ cấu nguồn vốn đầu tư cũng có điểm khác so với kế hoạch. Nguồn vốn khu vực kinh tế nhà nước chỉ chiếm 57,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với mục tiêu kế hoạch là 58-60%, trong khi đó nguồn vốn đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 17,6, cao hơn mục tiêu đề ra là 16-17%. Riêng tỷ trọng nguồn vốn từ khu vực dân cư và doanh nghiệp tư nhân trong nước đạt kế hoạch đề ra (25%). Như vậy, so với kế hoạch, việc huy động vốn từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân cư và doanh nghiệp tư nhân trong nước đã cao hơn; đây là một dấu hiệu tích cực.
Đáng tiếc là trong nội bộ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm đi và tỷ trọng vốn đầu tư trong nước tăng lên, chứng tỏ có sự thay thế lẫn nhau giữa hai loại vốn này. Đây là hậu quả của việc suy giảm nguồn vốn FDI kéo dài từ nhiều năm.
Như vậy, theo bảng tính toán trên đây, nhìn chung chúng ta có khả năng hoàn thành những mục tiêu cơ bản đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2001-2005.
KẾT LUẬN
Mục tiêu của nghiên cứu này là hoàn thiện và phát triển một bước mô hình VQEM để phục vụ công tác phân tích và dự báo ngắn hạn, đồng thời sử dụng mô hình VQEM được hoàn thiện (VQEM - 2003) để thử dự báo khả năng phát triển kinh tế giai đoạn 2003-2005 và khả năng thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005.
Trong chương mở đầu báo cáo, chúng tôi đã phân tích một số thiếu sót trong quá trình xây dựng mô hình VQEM, và nguyên nhân của việc mô hình VQEM dự báo còn chưa chính xác một số mặt của nền kinh tế. Đây là cơ sở quan trọng để tiến hành hoàn thiện và phát triển nó, tạo ra phiên bản VQEM - 2003.
Trong chương tiếp theo, chúng tôi đã phân tích một số tiến triển trong 2 năm 2001-2002 của nền kinh tế nước ta. Các phân tích cho thấy nền kinh tế nước ta đã gặp nhiều khó khăn, thách thức xuất phát từ bên ngoài làm cho cầu bên ngoài giảm sút, dẫn tới tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế nước ta.
Trong bối cảnh như vậy, chính phủ một mặt đã đẩy nhanh tốc độ tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mặt khác, đã tiếp tục chính sách kích cầu. Nhờ đó, nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng khá nhanh. Những động lực tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong 2 năm qua là tiêu dùng và đầu tư nội địa.
Như vậy, những tiến triển gần đây của nền kinh tế nước ta vẫn phù hợp với xu thế đã hình thành từ nhiều năm qua; do đó quá trình phát triển kinh tế nước ta vẫn dựa vào các nhân tố cầu. Chính vì vậy, mô hình VQEM - 2003 vẫn là mô hình cầu và không cần có những điều chỉnh lớn so với mô hình VQEM gốc.
Trên cơ sở những phân tích, nhận xét trên, trong chương III, chúng tôi đã xây dựng mô hình VQEM - 2003 cho nền kinh tế nước ta. Nhìn chung, mô hình VQEM - 2003 không có thay đổi lớn so với mô hình VQEM xây dựng năm 2001. Tuy nhiên, nhiều phương trình cũng đã thay đổi với việc bổ sung thêm các biến giải thích phù hợp với phân tích trong mô hình lý thuyết mà trước đây các biến đó chưa được đưa vào. Điều này phản ánh tính thị trường của nền kinh tế nước ta đã tăng lên trong 2 năm qua.
Điểm mới nữa của mô hình VQEM - 2003 so với mô hình VQEM là mô hình mới đã có thêm khối các phương trình cán cân thanh toán quốc tế. Điều này cho phép phân tích ảnh hưởng của tình hình kinh tế nước ta trước những biến động kinh tế, chính trị quốc tế.
Trong chương IV, chương cuối cùng của báo cáo, chúng tôi đã sử dụng mô hình để dự báo khả năng phát triển kinh tế nước ta giai đoạn 2003-2005 và dự báo khả năng thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005. những dự báo sơ bộ qua mô hình VQEM - 2003 cho thấy tình hình kinh tế nước ta vẫn tiếp tục được cải thiện trong 3 năm tới (2003-2005), phản ánh tác động tích cực của chính sách kích cầu nội địa.
Hơn nữa, mặc dù kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm trong 2 năm đầu tiên tương đối thấp, nhưng nhìn chung chúng ta hoàn toàn có khả năng hoàn thành tốt những mục tiêu cơ bản đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2001-2005.
Tuy nhiên, có khả năng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại sau năm 2005; do đó cần có những nghiên cứu kỹ hơn để chuẩn bị các giải pháp đối phó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét