Bài viết của tôi năm 2003:
ẢNH HƯỞNG CỦA VAY NỢ NƯỚC NGOÀI TỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ - LÝ THUYẾT, KINH NGHIỆM THẾ GIỚI VÀ THỰC TIỄN Ở NƯỚC TA
II- TÌNH HÌNH VAY NỢ NƯỚC NGOÀI TRONG 2 THẬP KỶ GẦN ĐÂY
1) Tổng số nợ nước ngoài toàn nền kinh tế
Theo thống kê của các tổ chức tài chính quốc tế (xem đồ thị dưới đây), nợ nước ngoài của nước ta đã tăng lên rất nhanh trong nửa cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, sau đó tăng chậm lại trong nửa đầu thập kỷ 90. Tiếp đến tổng số nợ giảm mạnh trong năm 1997 và ổn định trong 2 năm 1998-1999, rồi tiếp tục giảm mạnh trong năm 2000. Từ năm 2001 đến nay, nợ nước ngoài của ta tăng lên rất chậm.
Từ đồ thị trên, có thể phân chia tiến triển của nợ nước ngoài của nước ta trong khoảng 2 thập kỷ gần đây ra 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 từ năm 1985 đến 1990
- Giai đoạn 2 từ năm 1991 đến 1999
- Giai đoạn 3 từ năm 2000 đến nay.
a) Nợ nước ngoài trước năm 1990
Tính đến cuối năm 1990, tổng số nợ nước ngoài của nước ta khoảng 2.704 triệu USD và 10.430 triệu Rúp chuyển nhượng (RCN). Để quy số nợ trên về một đơn vị tiền tệ thống nhất là USD, các tổ chức tài chính quốc tế đã sử dụng hệ số quy đổi nợ là 1,97 USD = 1 RCN. Nếu so với năm 1985 thì sau 5 năm, nợ nước ngoài của ta đã tăng gấp 2,25 lần, tức là một tốc độ tăng nợ rất lớn.
Đồ thị 3: Tiến triển của tổng nợ nước ngoài của Việt Nam (triệu USD)
Phần lớn số dư nợ này là những khoản vay từ Liên Xô (cũ), Trung Quốc và các nước XHCN Đông âu; ngoài ra còn có một số khoản vay của một số tổ chức tài chính quốc tế. Trong tổng số dư nợ này, ngoài những khoản do Chính phủ trực tiếp vay, còn có các khoản Chính phủ uỷ quyền cho Ngân hàng Nhà nước (lúc đó đang còn tồn tại hệ thống ngân hàng 1 cấp) đứng ra trực tiếp vay hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp trong nước vay.
Số nợ tồn đọng phát sinh cho đến cuối năm 1990 chủ yếu từ các khoản vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong những năm kinh tế khó khăn lúc đó. Và do cũng chủ yếu phục vụ tiêu dùng nên số vốn vay nước ngoài khi đó không có khả năng tái tạo ra nguồn thu nhập, nhất là thu nhập ngoại tệ, để trả nợ nước ngoài. Bên cạnh vay cho tiêu dùng, còn có một số khoản vay để đầu tư như phát triển giao thông, bưu điện, văn hoá, thông tin, xã hội, y tế và phục vụ an ninh quốc phòng, nhưng hiệu quả đầu tư thấp, thời hạn thu hồi vốn quá lâu nên cũng không có khả năng tạo nguồn thu nhập để trả nợ. Chính vì vậy mà số nợ nước ngoài thời kỳ này đã tăng lên rất nhanh.
Đặc biệt, trong thời gian này, công tác quản lý nợ còn rất yếu, thậm chí có thể coi là chưa có; nhiều loại nợ còn không có hồ sơ lưu trữ nên các nhà quản lý trong nước không nắm được tổng số nợ và tiến triển qua các năm. Nhiều số liệu về nợ phải khai thác từ nguồn các chủ nợ...
Hiệu quả sử dụng các khoản vay nợ thời kỳ này cũng khá yếu kém, trong khi tỷ giá liên tục tăng lên làm cho giá trị nợ nước ngoài tính theo nội tệ ngày càng lớn và làm cho nhiều doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ. Tình trạng nợ nước ngoài quá cao cũng là một nguyên nhân quan trọng làm bùng nổ cuộc khủng hoảng tín dụng và nợ năm 1990 vì các doanh nghiệp không còn tiền trả Ngân hàng nhà nước và trả nợ Chính phủ, làm cho Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ không có tiền trả nước ngoài.
Tính chung cả nước, số khoản nợ không được hoàn trả đúng lộ trình nêu trong hợp đồng vay nợ ngày càng tăng, làm tăng nhanh số nợ quá hạn và làm giảm uy tín của đất nước đối với các chủ nợ.
Trong tổng số nợ quá hạn, phần lớn là nợ bằng ngoại tệ mạnh. Trong tổng số nợ 2.704 triệu USD, có tới 2.238 triệu USD là nợ quá hạn (chiếm tỷ trọng 82,8%). Do không có khả năng trả nợ, do sự cấm vận của các nước phương Tây và do sự sụp đổ của Liên xô và các nước XHCN Đông Âu, đến cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, Việt Nam gần như bị cô lập hoàn toàn với cộng đồng tài chính quốc tế. Kết quả là trong 3 năm đầu thập kỷ 90, tổng nợ nước ngoài của nền kinh tế nước ta hầu như không tăng.
b) Nợ nước ngoài từ năm 1991 đến năm 1999
Thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế 1991-2000 với đường lối tăng cường hội nhập và mở cửa, từ năm 1991, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các hoạt động nhằm xử lý các khoản nợ quá hạn, đặc biệt là tham gia các vòng đàm phán xử lý nợ quá hạn. Kết quả là đến năm 1993, các nước thành viên Câu lạc bộ Paris đã đồng ý giảm 50% số dư nợ thương mại cho Việt Nam, đồng thời hoãn trả nợ trong 23 năm. Nợ ODA cũng được hoãn trả trong 30 năm với lãi suất ưu đãi hơn và thấp hơn so với lãi suất ban đầu. Đến năm 1997, Việt Nam đã đạt được thoả thuận xử lý nợ qua Câu lạc bộ Luân Đôn.
Nhờ 2 đợt xử lý nợ năm 1993 và 1997, đặc biệt là đợt năm 1997, và nhờ những cố gắng trả nợ của Chính phủ, tình hình nợ nước ngoài bằng các loại ngoại tệ mạnh đã được cải thiện rõ rệt. Đến cuối năm 1998, nợ quá hạn bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi giảm xuống còn 267 triệu USD.
Tuy nhiên, đối với khoản nợ bằng Rúp chuyển nhượng, quá trình đàm phán diễn ra phức tạp hơn. Mặc dù Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán giải quyết nợ quá hạn với Liên xô và các nước Đông âu, và đã đạt được cơ chế trả nợ bằng hàng hoá cho cácnước này, nhưng đến cuối năm 1999, mới chỉ xử lý được phần lớn số nợ của các nước Đông Âu, còn đối với phần chủ yếu khoảng trên 19 tỷ Rúp nợ Liên xô cũ vẫn chưa giải quyết được.
Do vậy trên đồ thị 3, chúng ta thấy dư nợ của nước ta tăng lên rất chậm trong giai đoạn 1991-1996 và giảm đáng kể từ năm 1997 (từ 26.256 triệu USD năm 1996 xuống còn 21.779 triệu USD năm 1997, tức là giảm 17,1%).
c) Nợ nước ngoài từ năm 2000 đến nay
Thắng lợi lớn trong đàm phán xử lý nợ của nước ta là đàm phán với Liên bang Nga (nước kế thừa số nợ ta vay Liên xô cũ).
Theo thoả thuận giữa 2 bên năm 2000, nước Nga đồng ý xoá ...% tổng dư nợ của ta đối với Nga, đồng thời ...
Kết quả là tổng dư nợ năm 2000 giảm xuống còn 12.835 triệu USD so với 23.260 triệu USD năm 1999, tức là giảm tới 44,8% tổng dư nợ.
Từ năm 2001 đến nay, dư nợ nước ngoài của nước ta tăng chậm vì hoạt động kinh tế tăng chậm so với giữa thập kỷ 90, vì chúng ta tích cực trả nợ và vì việc giải ngân vốn ODA chậm.
2) Về dịch vụ nợ hàng năm:
Đồ thị 4 cho thấy dịch vụ nợ hàng năm (gồm trả vốn gốc, trả lãi dài hạn và trả lãi ngắn hạn) không tương quan với tổng dư nợ. Trong giai đoạn 1985-1996, tổng dư nợ rất cao nhưng dịch vụ nợ lại rất thấp; nguyên nhân là do chúng ta đang trong quá trình đàm phán lại nợ đối với các nước Phương Tây cũng như các nước thuộc khối Liên xô cũ, do đó không trả nợ ồ ạt. Mặt khác, tiềm lực kinh tế nước ta lúc đó còn yếu nên khả năng trả nợ còn thấp. Ngoài ra, do phần lớn vốn vay nước ngoài là ODA, thời gian ân hận kéo dài... nên cũng chưa đến giai đoạn phải trả nợ.
Đồ thị 4: Tiến triển của dịch vụ nợ nước ngoài của Việt Nam (triệu USD)
Tuy nhiên, tình hình đã khác kể từ năm 1997, tức là 5 năm sau khi Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam. Dịch vụ nợ năm 1997 đạt 850 triệu USD, gấp 2,2 lần so với năm 1996. Trong các năm sau 1997, dịch vụ nợ hầu như liên tục tăng lên, đạt mức cao nhất khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2001 khi chúng ta đẩy mạnh trả nợ cho nước Nga. Trong 2 năm gần đây, mỗi năm chúng ta trả nợ nước ngoài khoảng 1,35 tỷ USD.
MỤC II - TÁC ĐỘNG CỦA VAY NỢ NƯỚC NGOÀI TỚI KINH TẾ VĨ MÔ NƯỚC TA
1) Nợ nước ngoài của Việt Nam đảm bảo tính bền vững nên không có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế vĩ mô
(1) Tổng số nợ nước ngoài của nền kinh tế đang trong tình trạng an toàn
Theo kinh nghiệm của các nước và tổ chức tài chính quốc tế, một nước được gọi là trong trạng thái an toàn xét về khía cạnh tổng số nợ nước ngoài nếu: (i) tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP không vượt quá 50-60%; (ii) tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu không vượt quá 150%; (iii) tỷ lệ nợ ngắn hạn trong cơ cấu nợ không quá lớn (không quá 30%).
Đối chiếu với nước ta, tình hình an toàn về nợ như sau:
a) Tỷ lệ nợ trên GDP:
Đồ thị dưới đây cho thấy trong giai đoạn 1986-19878, khi tỷ giá giữa USD và VNĐ rất thấp, tức là đồng tiền Việt Nam bị đánh giá cao một cách giả tạo, thì GDP tính theo USD của nước ta rất cao, làm cho tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP rất nhỏ, chỉ khoảng 40% trong các năm 1986-1987. Ngay cả trong năm 1988, khi đồng tiền Việt Nam bị phá giá rất mạnh, từ 78,3 đồng/USD lên 606,5 đồng/USD (tỷ giá bình quân năm), nhưng vì tỷ lệ lạm phát cũng rất cao nên tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP cũng chỉ tăng lên tới 62%. Do vậy nếu xét riêng về chỉ tiêu này thì nợ nước ngoài của ta khi đó mới bắt đầu tăng lên mức báo động.
Đồ thị 5: Tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP (%)
Tuy nhiên, tình hình đã khác khi tỷ giá thay đổi mạnh trong các năm tiếp theo đồng thời tỷ lệ lạm phát lại giảm mạnh. Do đồng tiền Việt Nam bị phá giá rất mạnh trong năm 1989, từ 606,5 đồng/USD lên 4464 đồng/USD (tỷ giá bình quân năm) nên GDP tính theo USD đã giảm rất mạnh, kéo theo tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP tăng lên rất mạnh.
Hậu quả là trong suốt thời kỳ từ năm 1989 đến 1999, tỷ lệ nợ trên GDP liên tục ở mức rất cao, thậm chí cực kỳ nguy hiểm trong các năm 1989-1995 khi tỷ lệ nợ cao gấp 2 lần giới hạn cho phép (trên 120%). Đến năm 1999, tỷ lệ nợ giảm xuống mức thấp nhất giai đoạn này, song vẫn còn tới 81,1%.
Điều đáng mừng là tỷ lệ nợ trên GDP đã liên tục giảm trong những năm từ 2000 đến nay. Trong suốt giai đoạn này, tỷ lệ nợ luôn luôn nhỏ hơn 42%, năm 2003 chỉ còn 34,5%. Như vậy, có thể nói chúng ta đang trong giai đoạn an toàn xét theo tiêu chí này.
b) Tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu
Đồ thị 6 cho thấy trong giai đoạn 1985-1988, tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu cực kỳ cao (trên 1400%); nguyên nhân là do xuất khẩu khi đó quá thấp do đồng tiền Việt bị đánh giá quá cao.
Đồ thị 6: Tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu (%)
Trong giai đoạn từ năm 1989 đến 1999, nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP đã liên tục giảm nhanh, đến năm 1999 chỉ còn 201,5%. Tuy nhiên, đến năm 1999, tỷ lệ này vẫn cao đáng kể so với giới hạn cho phép.
Tương tự như tổng số nợ trên GDP, tình hình đã thay đổi mạnh kể từ năm 2000 khi số nợ Liên xô cũ được xử lý. Tỷ lệ nợ trên xuất khẩu từ năm 2000 đến nay liên tục thấp hơn 90%, năm 2003 chỉ còn 67,4%.
c) Tỷ lệ nợ ngắn hạn trong cơ cấu nợ không quá lớn
Đồ thị 7: Tỷ lệ nợ ngắn hạn trong tổng nợ (%)
(2) Dịch vụ nợ của nền kinh tế đang trong trạng thái an toàn
Đồ thị trên đây mô tả tiến triển của nợ ngắn hạn trong tổng số nợ. Số liệu cho thấy do tuyệt đại bộ phận vay nước ngoài của ta là vay chính phủ với các ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thời hạn vay, nên trong suốt giai đoạn từ năm 1985 đến nay, tỷ lệ nợ ngắn hạn trong tổng số nợ của ta đều thấp dưới 15%; đặc biệt trong những năm gần đây, tỷ lệ này chỉ khoảng 5-6% là mức rất an toàn.
Theo kinh nghiệm của các nước và tổ chức tài chính quốc tế, một nước được gọi là trong trạng thái an toàn xét về khía cạnh dịch vụ nợ nước ngoài (số tiền trả nước ngoài hàng năm, gồm cả gốc và lãi) nếu: (i) dịch vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu không vượt quá 15%; (ii) dịch vụ trả nợ nước ngoài của riêng Chính phủ không vượt quá 10% tổng thu ngân sách nhà nước.
Đối chiếu với nước ta, tình hình an toàn về dịch vụ nợ như sau:
a) Dịch vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu
Đồ thị 8 cho thấy trong suốt thời kỳ 1985-2003, chỉ có 3 năm đầu (1985-1987) dịch vụ trả nợ nước ngoài của ta nằm ở mức nguy hiểm, thậm chí cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, từ năm 1988 đến nay, dịch vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu của ta luôn luôn dao động ở khoảng 5-10%, tức là cách khá xa so với giới hạn nguy hiểm 15%.
Đặc biệt, sau giai đoạn tỷ lệ dịch vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh (1998-1999) do xuất khẩu tăng chậm, thậm chí giảm sút, từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ này đã liên tục giảm xuống, năm 2003 chỉ còn 6,2%. Điều này khảng định sự an toàn về dịch vụ nợ của toàn nền kinh tế.
b) Dịch vụ trả nợ nước ngoài của riêng Chính phủ
Phần này chúng tôi chưa thu thập được số liệu cho giai đoạn dài hạn. Riêng trong những năm gần đây, tỷ lệ dịch vụ trả nợ nước ngoài của riêng Chính phủ chỉ dao động trong khoảng 5-6% tổng thu ngân sách, thấp xa so với giới hạn an toàn 10%.
Tóm lại, tổng số nợ và dịch vụ nợ của ta trong khoảng 20 năm qua có nhiều biến động, nhưng nhìn chung, chỉ có một số năm trong tình trạng nguy hiểm (trừ khi xem xét chỉ tiêu dịch vụ nợ trên xuất khẩu). Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, các chỉ tiêu liên quan đến mức độ nợ nước ngoài của ta đều rất an toàn, do đó nợ nước ngoài không có ảnh hưởng bất lợi tới ổn định kinh tế vĩ mô đất nước. Ngược lại, việc vay nợ đã có tác dụng tích cực tới tăng trưởng kinh tế và cân đối ngân sách như sẽ chứng minh dưới đây.
Đồ thị 8: Dịch vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét