Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi

Mình ngại đọc báo chính thống, vì khi đọc thường rất căng thẳng và bực tức trước những thông tin sai sự thật hay thông tin hành hạ dân... nhiều quá. Bài dưới đây là một ví dụ. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi đâu cũng khoe thành tích, nhất là tỷ lệ lạm phát gần như bằng 0... Vậy mà khắp nơi dân đều than thở giá cái gì cũng tăng kinh khủng. Thậm chí trong bài "Tài xế công nghệ rơi thảm cảnh, phải bán tháo xe,"chạy làng" thời bão giá" mình vừa đăng, tác giả không ngần ngại đăng ngay trên tít cụm từ "thời bão giá". Bây giờ thì "Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi" ngay trong năm học tới. Chưa hết, người ta còn cho phép "mỗi năm sau tăng khoảng 6-8%". Đặc biệt, trong khi khắp nơi trên thế giới người ta phổ cập hóa trung học cơ sở (cấp 2), tức là cưỡng bức mọi trẻ em phải đi học và được miễn phí, thì ở nước ta vẫn chưa áp dụng việc này. Và do đó các em cũng phải chịu cảnh tăng học phí. Lỹ thuyết và thực tế đã chứng minh rất rõ, chất lượng nguồn lao động tăng lên chủ yếu là từ phổ cập hóa trung học cơ sở, và đây là nhân tố quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế xã hội. Tăng số giáo sư tiến sĩ không có ý nghĩa gì đối với tăng trưởng kinh tế so với hàng chục triệu trẻ em được học cấp 2 tử tế và miễn phí.
Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
20/5/2022, Năm học 2022-2023, học phí THCS dự kiến 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đang áp dụng, hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự. Theo dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, các địa bàn trên thành phố được chia thành bốn vùng.

Học sinh lớp 12, trường THPT Việt Đức, quận Ba Đình, Hà Nội, trở lại trường ngày 6/12/2021 sau hơn nửa năm học trực tuyến. Ảnh: Giang Huy

Theo đó, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại các xã miền núi được xếp vào vùng 4. Năm trước, Hà Nội chia thành ba vùng, gồm thành thị, nông thôn và miền núi.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Học phí dự kiến của Hà Nội ở mức sàn, tức mức thu thấp nhất.

Với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).

Nếu so sánh theo từng cấp và khu vực, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi năm ngoái.

Mức học phí dự kiến áp dụng với các trường mầm non, phổ thông chưa đảm bảo chi thường xuyên (giai đoạn 2022-2026) cụ thể như sau (đơn vị: đồng/ học sinh/ tháng):





Bậc tiểu học được miễn học phí. Mức thu trên là căn cứ để hỗ trợ cho học sinh tiểu học tư thục hoặc học sinh tư thục thuộc diện hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

Với các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, thành phố không đưa ra học phí cụ thể mà chỉ quy định mức trần qua từng năm. Trong năm học 2022-2023, học phí dao động 2,4-3,2 triệu đồng một tháng, mỗi năm sau tăng khoảng 6-8%. Trên cơ sở mức trần, hiệu trưởng quyết định học phí phù hợp.

Ngoài học phí với các trường công lập có thể và chưa thể chi thường xuyên, HĐND thành phố Hà Nội còn ban hành dự thảo Nghị quyết về mức trần học phí với các trường công lập chất lượng cao trong năm học 2022-2023. Theo đó, toàn bộ mức trần học phí của bốn cấp học không tăng so với năm 2021-2022. Tương tự với các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, hiệu trưởng các trường chất lượng cao quyết định học phí phù hợp dựa trên mức trần này.

Trong trường hợp học trực tuyến, các trường tổ chức thu 75% mức học phí đã được ban hành. Quy định này không áp dụng với cấp mầm non bởi trẻ mầm non không học trực tuyến.

Trong một tháng, nếu trẻ mầm non học ít hơn 14 ngày, cần nộp một nửa so với quy định; học trên 14 ngày phải nộp đủ học phí cả tháng. Với bậc phổ thông luân chuyển học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức nào được áp dụng từ 14 ngày trở lên thì trường sẽ thu học phí theo hình thức đó. Các trường cần đảm bảo tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9.

Năm ngoái, vì Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, Hà Nội không tăng học phí với trẻ mầm non và học sinh phổ thông so với năm học 2020-2021.

Học phí năm ngoái với nhà trẻ, mẫu giáo (không gồm trẻ 5 tuổi) và THPT lần lượt là 217.000, 95.000 và 24.000 đồng một tháng, tương ứng với ba khu vực: thành thị, nông thôn và các xã miền núi. Ba mức thu của trẻ mầm non 5 tuổi, THCS là 155.000, 75.000 và 19.000 đồng mỗi tháng.

Trước Hà Nội, TP HCM cũng vừa công bố dự thảo học phí mới, cũng áp dụng mức sàn theo khung Nghị định 81, nhưng mức tăng vẫn cao so với trước đó.

Thanh Hằng
https://vnexpress.net/hoc-phi-tai-ha-noi-co-the-tang-gap-doi-4465662.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét