Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

Nghịch lý cao ốc 30 tầng, đường 10 m ở TP.HCM

Sợ thật, không chỉ ở Sài Gòn mà cả ở Hà Nội, nhà cao tầng đang mọc lên san sát. Khắp nơi xảy ra ách tắc vào các khung giờ cao điểm. Tôi đã từng không hiểu tại sao người ta cố tình phát triển các đô thị ở VN theo cách phản khoa học và phản thực tế thế giới như đã làm trong nửa thế kỷ qua. Ai cũng biết quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng phải đi trước hàng thập kỷ so với phát triển kinh tế và xã hội, nhưng người ta không làm. Ai cũng biết không thể dồn hết dân cư vào nội đô, nhưng người ta không làm. Ai cũng biết không được xây các chung cư cao tầng tràn lan, nhưng người ta không làm... Sai lầm nối tiếp sai lầm đã khẳng định đây là cố tình làm sai vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Không chỉ một hai thế hệ lãnh đạo là sai mà tất cả các thế hệ lãnh đạo làm sai. Mà họ đều là những cán bộ ưu tú, quyền cao chức trọng của Đảng và Nhà nước. Và vì họ cố tình làm sai nên mọi khuyến nghị của người dân và các nhà khoa học đều vô giá trị trong con mắt của họ. Hàng ngày đi trên đường, chứng kiến các cảnh ách tắc giao thông làm người dân khốn khổ, tôi chỉ có một ý nghĩ trong đầu: Đất nước này không có tương lai nếu tầng lớp lãnh đạo mãi mãi thế này.
Nghịch lý cao ốc 30 tầng, đường 10 m ở TP.HCM
Ý Linh Anh Nhàn - 25/5/2022 Nhiều năm nay nhà cao tầng đua nhau mọc lên nhưng đường không được mở rộng thêm. TP.HCM đang siết chặt việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng nhằm giảm cảnh kẹt xe. “Quy hoạch cho phép xây nhà 30 tầng nhưng phải tương ứng với con đường rộng 30 m, chứ không phải là 10 m như hiện tại. Hạ tầng giao thông vì thế mà quá tải”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Mật độ xây dựng chung cư cao tầng dày đặc bên đường Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến cuối năm 2021, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị tại TP.HCM gần 13%, kém khoảng 10% so với quy chuẩn (20-26% với đô thị trung tâm). Tổng chiều dài các tuyến đường ở thành phố hơn 4.500 km, mật độ 2,26 km/km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn.

Trong khi đó, toàn thành phố hiện có trên 1.000 tòa nhà cao từ 25 m, tập trung ở các quận 1, 3, 5, 7 và TP Thủ Đức, vốn đông đúc cư dân.
Hạ tầng đường sá theo sau các dự án

“Giờ cao ốc 30 tầng đã mọc lên trong khi đường đi ít nhất 10-20 năm nữa chưa chắc được mở rộng. Hạ tầng đường sá đáng lẽ phải đi trước một bước, thì nay phải chạy theo sau các dự án xây dựng và ‘gánh’ lượng người ngày càng đông”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.

Đường Nguyễn Hữu Thọ (nối quận 7, huyện Nhà Bè đến khu trung tâm) dài khoảng 4 km, xung quanh xuất hiện tầm 40 dự án cao ốc. Sát mặt đường có hơn 20 chung cư cao tầng, đều có quy mô trên 1.000 căn hộ.

Đường Bến Vân Đồn (quận 4) dài 2 km, trong khoảng 5 năm gần đây đã mọc lên gần 20 tòa chung cư hàng chục tầng, tương đương với hàng chục nghìn căn hộ.

Còn đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) dài khoảng 3 km đang gồng mình gánh 6 khu phức hợp, với hơn 17.000 căn hộ chung cư và các trung tâm thương mại.

Nhà cao tầng xuất hiện ồ ạt là hệ quả của việc cấp phép xây dựng tràn lan. KTS Ngô Viết Nam Sơn

Ông Sơn cho rằng chung cư, nhà cao tầng xuất hiện ồ ạt là hệ quả của việc cấp phép xây dựng tràn lan, không khoa học. Cách làm lâu nay là cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không phải theo hạ tầng hiện tại.

Theo kiến trúc sư, chung cư đua nhau mọc lên còn gây áp lực lớn cho ngân sách Nhà nước do rơi vào thế khi có cao ốc rồi thì phải mở đường để giảm kẹt xe.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết quá trình đô thị hóa nhanh ở trung tâm kinh tế lớn của cả nước khiến thành phố cần xây nhiều cao ốc mới đạt hiệu quả về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, nhà cao tầng chỉ phát huy tác dụng nếu hệ thống cầu đường xung quanh được tiện lợi, đáp ứng đủ nhu cầu người dân, giúp việc đi lại thuận lợi.
Đánh giá tác động giao thông khó khả thi với nội thành

Tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân TP.HCM cuối năm 2016, vấn đề cấp phép xây dựng các dự án cao ốc, nhà chung cư cao tầng có ảnh hưởng tới việc ùn tắc giao thông hay không từng được bàn thảo, song chưa có phương án cụ thể.

Trung tâm TP.HCM không còn nhiều đất để xây dựng cao ốc. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa

Đến tháng 5 năm nay, Sở GTVT đề xuất và được UBND TP đồng ý triển khai việc đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng mới trước khi cấp giấy phép xây dựng.

Theo đó, tất cả dự án đầu tư công trình xây dựng như chung cư, khu nhà ở thấp tầng, trung tâm thương mại, trường học, nhà hàng tiệc cưới... phải thiết kế phương án kết nối giao thông, tính toán đánh giá nhu cầu giao thông phát sinh của công trình.

Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động giao thông công trình đầu tư xây dựng, gửi cùng với hồ sơ dự án trình cho cơ quan chủ trì thẩm định. Nếu không đạt yêu cầu, dự án không được cấp phép, hoặc triển khai theo giai đoạn để phù hợp thực tế.

Đồng tình với đề xuất của Sở GTVT, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc TP.HCM yêu cầu các dự án cao ốc cần đi kèm đánh giá tác động giao thông là điều tất yếu phải làm.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng đánh giá tác động giao thông không chỉ có mỗi chủ đầu tư thực hiện, mà cần thêm một nhận xét khác từ các cơ quan chuyên ngành để đảm bảo khách quan.

“Các chủ đầu tư có thể tự ‘làm đẹp’ kết quả đánh giá để được thông qua càng sớm càng tốt. Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể buông lỏng hoặc vì lợi ích nhóm mà nhắm mắt cấp phép xây dựng tràn lan”, chuyên gia này nói.


PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM, cho rằng trước mắt chưa có cách nào giảm thiểu triệt để tình trạng kẹt xe ở trung tâm. Biện pháp mới của thành phố là giải pháp lâu dài.

Tuy vậy, phương án này chỉ phù hợp với việc xây dựng cao ốc ở các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

“Trung tâm TP.HCM không còn nhiều đất để xây dựng cao ốc, do đó chính sách của thành phố không phù hợp áp dụng tại các quận nội thành. Chỉ khi hệ thống giao thông công cộng phát triển, giảm phương tiện cá nhân thì mới bớt kẹt xe”, ông Hòa nói.
Nhiều giải pháp “chữa cháy”

Thành phố đã giảm cấp phép các dự án xây mới. Theo thống kê năm 2021, toàn thành phố đã cấp 25.655 giấy phép xây dựng, giảm 38% so với năm 2020. Riêng Sở Xây dựng cấp 97 giấy phép, giảm 52 giấy so với năm trước đó.

Bên cạnh đó, một số tuyến đường được đầu tư mở rộng, chỉnh trang để giảm áp lực lưu lượng xe cộ ở các rốn kẹt.

Tại quận 7, hai dự án xây nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và mở rộng đường Nguyễn Văn Linh được dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Dự án nút giao do Sở GTVT phê duyệt xây dựng mới 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh với tổng chiều dài mỗi hầm khoảng 456 m, mặt cắt ngang đảm bảo 3 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h đối với phần hầm và 30 km/h đối với các nhánh vào nút giao.

Dự án mở rộng 2 km đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ giao lộ Huỳnh Tấn Phát đến Nguyễn Thị Thập khi hoàn thành sẽ có từ 6 lên 10 làn xe, tổng mặt đường rộng 57 m gồm hơn 7 m làn xe hỗn hợp và 6 m vỉa hè.

Các đoạn đường này khi hoàn thành được kỳ vọng giúp xóa điểm ùn tắc, kẹt xe nhiều năm tại tuyến đường cửa ngõ huyết mạch phía nam TP.HCM.


Chung cư The Sun Avenue có 8 tòa nhà nằm ngay mặt đường Mai Chí Thọ (trung tâm TP Thủ Đức). Tình trạng kẹt xe xảy ra ở đây không đáng kể do mặt đường rộng, nhiều làn xe. Tuy nhiên, xung quanh đây chưa có sự kết nối giao thông công cộng. Ảnh: Ý Linh.

Đồng thời, thành phố đang có kế hoạch hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển giao thông công cộng. Đây cũng là giải pháp lâu dài “giải cứu” kẹt xe.

“Hy vọng trong 15 năm tới TP.HCM giảm thiểu được tình trạng kẹt xe. Nhưng muốn giảm xe máy phải siết hoạt động của phương tiện cá nhân”, ông Nguyễn Minh Hòa nói thêm.

https://zingnews.vn/nghich-ly-cao-oc-30-tang-duong-10-m-o-tphcm-post1319451.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét