Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

Để lương hưu đủ sống

Trên Blog và FB này, đã nhiều lần tôi khuyến nghị nên tăng tiền lương hưu cho người hưu có mức lương hưu thấp và giảm tiền lương hưu cho người hưu có mức lương hưu cao, chứ không tính theo % đóng bảo hiểm như hiện nay. Đây là cách làm của thế giới, vì họ coi đã về hưu thì mọi người đều bình đẳng với nhau bất kể trước đây người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội nhiều hay ít. Cụ thể cần có mức lương hưu tối thiểu (ví dụ 4 triệu đồng) và mức lương hưu tối đa (ví dụ gấp 2,5 lần là 10 triệu đồng).
Để lương hưu đủ sống
02/05/2022 MINH VŨ (PLO)- Để lương hưu đủ sống, nên dành tỷ lệ tăng trợ cấp BHXH hàng tháng cao hơn cho người lao động có mức thu nhập rất thấp từ tiền lương hưu và ít hơn đối với những đối tượng khác.

Người dân nhận lương hưu. Ảnh: VIẾT LONG
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay đối tượng là người lao động nghỉ hưởng chế độ hưu trí có mức thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng rất thấp, có hơn 300.000 ngàn người có mức thu nhập từ tiền lương hưu dưới 2 triệu 500 nghìn đồng/tháng. Điều đó cũng đồng nghĩa là đời sống của nhiều người lao động rất khó khăn, thậm chí là sống chật vật với đồng lương sau khi về hưu.

Để đảm bảo đời sống của nhiều người lao động sau khi về hưu, đặc biệt là đối với các đối tượng là người lao động có mức thu nhập rất thấp từ tiền lương hưu, hàng năm Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh, tăng trợ cấp BHXH hàng tháng để người lao động nghỉ hưởng chế độ hưu trí bớt khó khăn, bớt chật vật hơn trong cuộc sống.


Theo quy định hiện hành (Nghị định 108/2021 quy định tăng trợ cấp BHXH hàng tháng cho người lao động nghỉ hưu), đối với các đối tượng nghỉ hưu trí trước ngày 1-1-1995, sau khi đã thực hiện điều chỉnh tiền lương hưu mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng dưới mức 2,5 triệu đồng/tháng thì sẽ điều chỉnh tăng thêm lên bằng 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là một quy định hết sức nhân văn, kịp thời, đảm bảo đời sống của hàng ngàn người lao động có mức thu nhập rất thấp từ tiền lương hưu.

Thực tế hiện nay cũng có hàng chục ngàn người lao động nghỉ hưu từ sau năm 1995 có mức thu nhập từ tiền lương hưu rất thấp, thậm chí có nhiều người có mức thu nhập từ tiền lương hưu dưới mức 2 triệu đồng/tháng.

Điều đó cũng có thể hiểu được rằng cuộc sống của họ khá chật vật, khó khăn. Có nhiều người sau khi nghỉ hưu trí buộc phải tiếp tục đi làm thêm để kiếm tiền trang trãi cho cuộc sống hoặc ký kết lại hợp đồng lao động “thời vụ” với công ty cũ để mong kiếm thêm thu nhập do tiền lương hưu không đủ sống.

Hiện nay mức điều chỉnh trợ cấp BHXH tăng thêm hàng tháng của những đối tượng này theo quy định hiện hành bằng với những đối tượng khác là 7,4%, trong đó có những người có mức thu nhập từ tiền lương hưu rất cao.

Tại doanh nghiệp nơi tôi đang làm việc hiện nay cũng có hàng chục người lao động (chủ yếu là công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm như làm mới đường sắt, sửa chữa cầu, hàn điện trên các công trình...) sau khi về hưu cũng có mức lương hưu rất thấp, có người có mức thu nhập dưới mức 2.500.000 đồng, đời sống hết sức chật vật, khó khăn giữa TP có chi phí đắt đỏ. Có người xin ký kết lại hợp đồng lao động thời vụ để kiếm thu thu nhập, trang trải cuộc sống vì đồng lương hưu còn quá eo hẹp, không đủ chi tiêu.

Điều đó cũng đã cho thấy rằng chính sách BHXH về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người lao động nghỉ hưởng chế độ hưu trí như hiện nay vẫn chưa “tiệm cận”, chưa sát với thực tế của cuộc sống. Mức thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng vẫn chưa đảm bảo cuộc sống của hàng triệu người.

Để đảm bảo đời sống của người lao động sau khi nghỉ hưu trí, đặc biệt là đối với những đối tượng có thu nhập từ tiền lương hưu quá thấp như hiện nay, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xem xét điều chỉnh trợ cấp BHXH hàng tháng cho những đối tượng này lên bằng mức lương tối thiểu vùng IV như quy định hiện hành (hiện nay mức lương tối thiểu vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng), kể cả những người nghỉ hưu từ ngày 1-1-1995 trở về sau nếu có mức lương hưu hiện hưởng quá thấp. Điều này đáp ứng mong mỏi của người lao động đang hưởng lương hưu khi ngân sách nhà nước đảm bảo cân đối, đặc biệt là quỹ BHXH hàng năm có kết dư, bình ổn.

Việc tăng trợ cấp BHXH đối với người lao động có mức lương hưu thấp còn thể hiện chính sách nhân văn, sự quan tâm của chính phủ, ngành BHXH đối với người lao động, đảm bảo cuộc sống của họ bớt khó khăn, chật vật hơn.

Cũng cần nói thêm rằng, trước đây, Luật BHXH chưa "khống chế" mức đóng BHXH tối đa (hiện nay theo quy định của Luật BHXH, mức lương đóng BHXH hàng tháng của người lao động không vượt quá 20 lần mức lương cơ sở) nên trong thực tế có không ít người lao động làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp đóng BHXH theo mức thu nhập. Thu nhập bao nhiêu đóng bấy nhiêu nên nhiều người lao động về hưu có khi mức lương hưu khá cao, trên chục triệu đồng, thậm chí cá biệt có nhiều người lao động có thu nhập từ tiền lương hưu lên vài chục triệu đồng/tháng.

Do đó cần nghiên cứu để điều chỉnh tỷ lệ tăng trợ cấp BHXH hàng tháng cho phù hợp với thực tế cũng như cho từng đối tượng hưởng lương hưu. Nên chăng, mức điều chỉnh trợ cấp BHXH hàng tháng không nên "cào bằng", đánh đồng như hiện nay, đặc biệt là đối với những người có mức thu nhập quá thấp từ tiền lương hưu. Dành tỷ lệ tăng trợ cấp BHXH hàng tháng cao hơn cho người lao động có mức thu nhập thấp từ tiền lương hưu; tỷ lệ tăng ít hơn đối với những đối tượng khác, là người có mức thu nhập cao từ tiền lương hưu như đã nói.

Thiết nghĩ, điều đó cũng là việc làm phải đạo, phù hợp với mong mỏi số đông của người lao động cũng như ý nghĩa nhân văn của Luật BHXH là "san sẻ", sẽ chia rủi ro đối với người lao động, đối với những đối tượng khó khăn hơn. Dẫu vẫn biết rằng trong thời gian làm việc và cống hiến, người lao động đóng nhiều thì hưởng nhiều, ai đóng ít thì hưởng ít cũng là lẽ tất nhiên.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, để đảm bảo đóng đúng, đóng đủ mức đóng BHXH, tránh việc các cơ quan, doanh nghiệp "lách luật", đóng không đúng theo quy định, cơ quan chức năng, cơ quan BHXH cũng cần thiết phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền đóng và quyền thụ hưởng của người lao động khi làm việc, để đảm bảo người lao động sau khi về hưu không có mức thu nhập quá thấp.

Bởi lẽ hiện nay Bộ luật Lao động trao trọn quyền xây dựng thang lương bảng lương cho các cơ quan, doanh nghiệp mà không can thiệp, chỉ quy định mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ để doanh nghiệp không đóng BHXH thấp hơn mức lương tối thiểu cho người lao động. Trong thực tế khi xây dựng thang lương bảng lương, nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng "bóp" chặt mức tiền lương làm sao thấp nhất để "né" đóng BHXH. Thậm chí có doanh nghiệp "lách luật" đóng không đủ, không đúng mức đóng BHXH so với mức lương thực lĩnh. Vì vậy nhiều người lao động làm việc tại các doanh nghiệp sau khi nghỉ hưu có mức lương rất thấp cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, hiện nay nên chăng việc quy định tỷ lệ đóng các khoản trích nộp BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN... cũng cần đảm bảo phù hợp, linh hoạt (không chỉ có tăng mức đóng theo định kỳ). Tùy vào từng thời điểm, một khi các quỹ này đã đảm bảo kết dư, bình ổn thì việc xem xét kéo giảm mức đóng cho doanh nghiệp hay cho người lao động cũng là điều nên bàn, sẽ có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp xây dựng bảng lương tham gia BHXH cho người lao động cao hơn mà không tìm cách “lách luật” như hiện nay.

Hàng triệu người lao động sau độ tuổi nghỉ hưu sẽ có được mức lương khá hơn, đảm bảo được mục tiêu của chính sách BHXH là an sinh xã hội, người nghỉ hưu cũng đảm bảo cuộc sống mà không phải lo lắng cuộc sống chật vật sau khi nghỉ hưởng chế độ hưu trí như hiện nay.

https://plo.vn/de-luong-huu-du-song-post678231.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét