Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Cung điện Mùa đông và Cung điện Mùa hè ở nước Nga

Cung điện Mùa đông và Cung điện Mùa hè tuyệt đẹp ở nước Nga
Tối nay vào mạng tình cờ thấy FB của một thầy giáo cùng trường. Thầy đi du lịch Nga về từ năm 2019, nay mới đưa ảnh lên cho bạn bè ngắm. Bộ ảnh hàng trăm chiếc của thầy tuyệt đẹp, nhìn thân quen quá làm mình nhớ nước Nga vô cùng, đến mức không thể tiếp tục soạn bài được, đành phải mất buổi tối xem lại các câu chuyện và tranh ảnh về nước Nga. Thế hệ trẻ VN giờ ít được sang Nga nên chỉ biết về Nga qua báo chí của Đảng, trong khi báo chí của Đảng toàn lấy thông tin về Nga từ báo chí phương Tây. Dĩ nhiên phương Tây sợ  Nga nên ghét Nga và do đó thường đưa tin xấu và xuyên tạc sự thật về Nga. Đúng là nước Nga chưa trở lại thế lực siêu cường như trước, cũng đúng là nhiều người Nga không còn thân thiện với người VN như trước (vì người VN đã gây ra rất nhiều chuyện xấu xa ở Nga, nhất là lừa bịp người Nga trung hậu thật thà để bán hàng rởm... mà bản thân tôi đã nhiều lần chứng kiến), nhưng thực tế nước Nga vẫn rất vĩ đại, chỉ có 146 triệu dân, nhưng người Nga làm được vô số điều vĩ đại đến phương Tây cũng phải kinh ngạc, và nếu 100 triệu người Việt nhìn vào đó thì chắc ai cũng thấy xấu hổ cho đất nước mình vì đất nước thì không phát triển và cũng chẳng có đóng góp gì cho văn minh nhân loại. Vài dòng vậy thôi, xin đăng lại mấy bức ảnh về hai cung điện rất đẹp của nước Nga mà tôi đã từng đến. Quả thực, nước Nga vĩ đại rất nổi tiếng với các lâu đài, cung điện nguy nga, tráng lệ. Hai trong số đó là Cung điện Mùa đông và Cung điện Mùa hè, đều là những điểm đến lý tưởng dành cho người yêu nghệ thuât.

Cung điện Mùa đông ở Saint Petersburg, Nga

Giới thiệu tổng quan về Cung điện Mùa đông

Cung điện Mùa đông là một công trình kiến trúc bề thế, nằm bên bờ sông Neva ở cố đô Saint Petersburg, Nga. Hiện nay, Cung điện Mùa đông là một phần của Bảo tàng Hermitage, một trong ba bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới, nơi trưng bày 3 triệu tác phẩm giá trị.

Cung điện mang phong cách nghệ thuật Baroque, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý Francesco Bartolomeo Rastrelli. Cung điện nằm trên một khuôn viên rộng 90.000m2 với hơn 700 phòng được trang hoàng vô cùng xa hoa, lộng lẫy.

Lịch sử hình thành Cung điện Mùa đông

Trước kia, tại khu vực Cung điện Mùa đông hiện nay là một tòa nhà bằng gỗ theo phong cách Hà Lan được xây vào năm 1708, là nơi ở của Peter Đại đế và gia đình. Năm 1720, tại đây, hai cung điện đã được xây xong theo yêu cầu của Peter Đại đế.

Sau này, nữ hoàng Anna Ioannovna - hậu duệ của Peter Đại đế, tái thiết lại công trình này, cung điện thứ ba được xây nên, bởi kiến trúc sư Francesco Bartolomeo Rastrelli.

Đến thời nữ hoàng Elizabeth, bà xây tiếp cung điện thứ tư, vẫn bởi kiến trúc sư Rastrelli.

Dự định ban đầu là xây thêm, mở rộng, kết hợp với cung điện thứ ba đã được xây trước kia. Nhưng rồi sau đó Rastrelli kết luận cung điện mới không chỉ là sự mở rộng mà còn xây dựng trên nền móng của cung điện cũ nên cần phải san bằng cấu trúc trước. Đây là một dự án rất phức tạp, có quy mô lớn chưa từng có ở Saint Petersburg. Tổng chi phí khoảng 2.500.000 rúp.

Tuy nhiên, xã hội Nga dưới thời Elizabeth rất khó khăn, nghèo đói tràn lan khắp nơi, lại thêm việc đất nước đang tham gia cuộc chiến Bảy Năm nên việc thi công cung điện đã bị đình trệ nhiều lần. Triều đình Nga hoàng đã đánh mạnh các loại thuế rượu, thuế muối chất chồng bao khoản thuế trước đó lên dân chúng để đáp ứng chi phí xây dựng cung điện. Đối với triều đình lúc đó, việc xây dựng lâu đài là vì danh dự quốc gia nên không thể bỏ dở dự án này.

Nhưng Elizabeth không sống để chứng kiến nhiệm vụ trọng đại nhất của bà hoàn thành, nữ hoàng mất ngày 25/12/1761.

Năm sau đó, 1762, nữ hoàng Catherine Đại đế lên ngôi, cũng là năm cung điện nguy nga này hoàn thiện. Từ đó, Cung điện Mùa đông là nơi ở của các Nga hoàng.

Chế độ Nga hoàng sụp đổ, Chính phủ lâm thời tư sản lấy Cung điện Mùa đông làm nơi hoạt động. Đến tháng 11/1917, cộng sản Liên Xô tấn công Cung điện Mùa đông, bắt toàn bộ Chính phủ lâm thời tư sản.

Đến nay, Cung điện Mùa đông là tòa nhà chính của Bảo tàng Hermitage, một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới.


Cung điện Mùa đông tráng lệ bên dòng sông Neva

Phong cách độc đáo của Cung điện Mùa đông

Cung điện Mùa đông nằm bên bờ sông có 3 mặt tiền bên ngoài hướng ra các khoảng không gian chung rộng lớn. Một mặt cung điện trải dọc bờ sông với chiều dài hơn 200m. Mặt tiền quảng trường cung điện thiết kế 3 vòm lối vào sân chính rất nổi bật. Mặt tiền còn lại nhìn xuống Bộ hải quân - nơi còn bảo tồn các yếu tố tinh tế trong thiết kế và trang trí mang phong cách riêng ban đầu của Rastrelli.

Mặc dù có sự cân đối chặt chẽ trong kết cấu mặt tiền, mỗi kết cấu đều có công thức riêng trong thiết kế trang trí trên cửa tường và khoảng cách của các cột đi kèm, sự phân bố cột tạo ra một nhịp điệu nhất quán với sự dàn trải theo phương nằm ngang, 250 cột phân đoạn khoảng 700 cửa sổ (không kể những cột của sân trong), các cột bao quanh trang trí bằng 20 mẫu khác nhau phản ánh nhiều motif trang trí, kể cả mặt nạ sư tử và hình dáng kỳ lạ, do Rastrelli gom góp trong thời gian hơn 3 thập niên.

Ba tầng chính của Cung điện Mùa đông đặt trên một mức nền móng, với các cửa sổ hình bán nguyệt bao quanh hình thành một hiệu quả vòm tiếp đến là các tầng cửa sổ phía trên. Kích thước theo phương nằm ngang của cung điện được nhấn mạnh bằng một lớp xây đai chia 2 tầng trên với tầng thứ nhất, và bằng một mặt cắt phức tạp gồm khối đắp nổi trang trí hình bậc thang, phía trên là một lan can đỡ 176 lọ hoa trang trí lớn và các tượng mang ý nghĩa đặc trưng.

Nội thất của Cung điện Mùa đông, với hơn 700 phòng, đã qua nhiều lần sửa đổi. Thiết kế ban đầu của Rastrelli sử dụng công cụ trang trí tương tự như công cụ ông sử dụng trong các cung điện trước: trang trí bằng gỗ và thạch cao mạ vàng, trụ áp tường cầu kỳ để phân đoạn các khoảng không gian rộng lớn chẳng hạn như Phòng Ngai vàng.


Bên trong cung điện Mùa đông

Công đoạn hoàn thiện một không gian như thế phải tiếp tục trong nhiều thập niên, và có sự thay đổi trong thiết kế và trang trí để phù hợp với sở thích của Catherine Đại đế và những người kế vị về sau. Trận hỏa hoạn năm 1837 suốt hơn 2 ngày đã khiến Cung điện thiệt hại khá nhiều.

Trong khi xây dựng lại, hầu hết các phòng đều được trang trí theo phong cách Tân cổ điển do những người kế vị Rastrelli áp dụng, chẳng hạn như Giacomo Quarenghi. Chỉ có phần chính, cầu thang Jordan, cùng với hành lang dẫn đến nó (hành lang Rastrelli) do Vasillii Staslov phục hồi theo phong cách giống với thiết kế ban đầu của Rastrelli.

Cung điện Mùa đông là một trong số những công trình sau cùng mang phong cách Baroque ở châu Âu thể hiện tài năng của kiến trúc sư tài ba Rastrelli.

Với hàng triệu tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của toàn nhân loại, Cung điện Mùa đông đã làm say lòng biết bao thế hệ du khách từ xưa tới nay mỗi khi đặt chân tới nơi này. 

2) Cung Điện Mùa Hè Nước Nga

Khi du khách tham gia chương trình tour du lịch nước Nga, không thể bỏ qua Cung Điện mùa hè (Peterhof). Nơi đây cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Tới đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp xa hoa, đặc trưng nhất của kiến trúc hoàng gia.

Giới thiệu về Cung điện mùa hè (Peterhof)

Khi tham gia hành trình du lịch Nga, ngoài điểm đến là Cung điện mùa đông, một cung điện luôn tồn tại song song với nó nữa chính là Cung điện Mùa hè, khi đặt chân tới đây, du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước kiến trúc và vẻ đẹp nơi đây. Cung điện mùa hè (Peterhof) là một điểm thường xuyên xuất hiện trong các hành trình du lịch tới nước Nga. Không phải vô cớ mà UNESCO công nhận Cung điện là di sản văn hóa Thế giới.
Cung điện nằm ở phía Tây của Thành phố St. Petersburg cách tầm 20 km, nằm ngay bên dòng sông Neva xinh đẹp.


Cung điện Mùa hè với kiến trúc độc đáo thu hút khách du lịch

Lịch sử hình thành Cung điện mùa hè

Cung điện được xây dựng trong vòng 150 năm mới hoàn thành, bắt đầu khởi công từ năm 1714. Đầu thế kỷ 18, đại đế Peter của Nga sau khi viếng thăm lâu đài Versailles, Pháp đã quyết tâm xây dựng một cung điện trên nền tảng kiến trúc La Mã cổ xưa, do vậy, dựa trên ý tưởng của Pie Đại Đế và kiến trúc sư nổi tiếng Bartolomeo Ras-trelli Cung diện mùa hè đã ra đời. Khuôn viên xây dựng Cung điện trên diện tích lên tới 1.000ha, trong tổng thể Cung điện bao gồm: 7 công viên và 20 lâu đài, 140 đài phun nước - đây chính là điểm đặc biệt mệnh danh Cung điện là thủ đô của các Đài phun nước. Kết hợp với những dinh thự nguy nga, vườn thượng uyển rộng lớn, tô điểm thêm vẻ đẹp cho Cung điện.


Tập thể 140 đài phun nước tạo nên điểm nổi bật cho Cung điện

Điểm nổi bật của Cung điện mùa hè

Toàn bộ các đài phun nước tại mặt trước Cung điện được đưa vào hoạt động vào tầm cuối tháng 4 hàng năm, và hoạt động tới hết mùa hè, đặc biệt hơn nữa, các đài phun nước ở đây hoạt động hoàn toàn không cần sử dụng tới máy bơm, nước từ các thác phun được lấy từ các con suối cách cung điện 20km ở Ropsha. Nếu du khách tới đây vào 11h trưa mỗi ngày, sẽ được nghe giai điệu Hymn to the Great city của Reinhold Glieres từ 140 đài phun nước đồng loạt khởi xướng.


Dàn nhạc vào 11h trưa tại Cung điện Mùa hè

Kết hợp với đài phun nước để tạo nên sự nổi bật, lộng lẫy cho Cung điện mùa hè đó là những hình nhân được mạ vàng sáng bóng, mô phỏng lại những vị thần Hy Lạp. Tạo nên tổng thể Cung điện lấp lánh dưới ánh nắng, nhưng vẫn có không khí mát dịu của hơi nước, đây thực sự là điểm du lịch nước Nga lý tưởng khiến du khách thích thú khi tới nơi đây.


Hình nhân vị thần Hy Lạp mạ vàng lấy lánh dưới ánh nắng

Công viên xung quanh khuôn viên Cung điện được phủ bởi sắc xanh của cây cỏ, của hoa lá và đài phun nước. Tạo không gian muôn sắc màu, dễ chịu, mát mẻ, xoa dịu đi cái nắng ngày hè.


Công viên ngập tràn sắc xanh mát trong khuôn viên Cung Điện Mùa Hè

Bên trong Cung điện mùa hè kiến trúc cũng rất xa hoa, lộng lẫy. Được sử dụng gam trắng, vàng chủ đạo để tạo nên sự sang trọng nơi đây. Kết hợp màu đỏ của các chi tiết nội thất, tổng thể không gian thể hiện rõ nhất đặc trứng của kiến trúc hoàng gia.


Nội thất xa hoa lộng lẫy bên trong Cung điện Mùa hè

Với kiến trúc độc đáo nơi đây hàng năm thu hút rất nhiều lượt khách du lịch, chiêm ngưỡng vẻ đẹp, đồ sộ, du khách cũng sẽ được đắm mình vào thiên nhiên, tìm được cảm giác thư giãn thực sự cho kỳ nghỉ của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét