Căn cứ hải quân Campuchia thách thức an ninh thường trực đối với Việt Nam
1. Ngày 2/6/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh thú nhận Trung Quốc đang hỗ trợ Campuchia xây dựng căn cứ hải quân Ream tại tỉnh Sihanoukville phía tây nam Campuchia nằm trên bờ biển ở vịnh Thái Lan. Ông Tea Banh viện dẫn lý do rằng Campuchia không đủ khả năng chi trả việc nâng cấp Ream nên nhờ Trung Quốc hỗ trợ và Trung Quốc giúp đỡ vô điều kiện.Căn cứ hải quân REAM của Campuchia trở thành thách thức an ninh thường trực đối với Việt Nam
2. Tuyên bố của ông Tea Banh chứng tỏ Campuchia đã dối trá và tìm cách che đậy trong suốt 2 năm qua. Tháng 7/2019 báo Wallstreet Journal của Mỹ đăng tin Campuchia và Trung Quốc đầu năm 2019 đã ký thoả thuận bí mật cho Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream trong 30 năm và tự động gia hạn trong 10 năm. Từ đó Hun Sen và các quan chức Campuchia nhiều lần bác bỏ, cho rằng Hiến pháp Campuchia không cho phép nước ngoài đóng căn cứ quân sự tại Campuchia. Thậm chí, Campuchia tổ chức chuyến thăm cho các nhà ngoại giao nước ngoài tại Campuchia đến thăm Ream để chứng tỏ không có việc đó.
3. Như vậy, việc Trung Quốc phát triển căn cứ hải quân Ream ở Campuchia là có thật. Từ giờ Trung Quốc có thể ngang nhiên điều động quân đội và thiết bị khí tài đến đóng tại Ream, dù công khai hay đội lốt giúp đỡ Campuchia nâng cấp Ream, dần dần tạo thành một tiền đồn quân sự của Trung Quốc ngay sát sườn phía tây nam của Việt Nam. Căn cứ hải quân Ream kết hợp với các tiền đồn quân sự Trung Quốc cải tạo, xây dựng và củng cố trái phép ở Trường Sa tạo thành hai gọng kìm kẹp chặt phía nam Việt Nam và là một thách thức an ninh thường trực đối với Việt Nam.
***
Cuối tháng 5 đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có chuyến thăm ba nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Chuyến công du có những điểm đáng chú ý sau:
1. Đây là chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của quan chức ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Biden;
2. Tại Indonesia, Thứ trưởng Sherman đã có cuộc họp với Ban Thư ký ASEAN và đại diện các nước thành viên, tái khẳng định cam kết của Mỹ với vai trò trung tâm của ASEAN, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ;
3. Thứ trưởng Sherman bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự và việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Căn cứ Quân sự Hải quân Ream của Trung Quốc;
4. Mỹ khẳng định Thái Lan là đồng minh và đối tác lâu năm, sẽ tiếp tục hợp tác để thúc đẩy quan điểm chung về an ninh, thịnh vượng và giá trị ở khu vực.
5. Tại tất cả các điểm đến, Bà Sherman đều nhấn mạnh đến quan tâm và nỗ lực của Mỹ cho các vấn đề toàn cầu hiện nay bao gồm biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống Covid.
6. Ngoài ra, có 2 điểm đáng lưu ý trong họp báo của Thứ trưởng Sherman sau khi kết thúc chuyến công du:
(i) Mỹ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc trong thế kỷ 21 và sẽ thách thức Trung Quốc trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền và Biển Đông;
(ii) Mỹ xem Quad là tổ chức khu vực quan trọng nhưng không phải để thay thế ASEAN.
Bình luận trước chuyến thăm (25/5-The Diplomat), Malcom Cook (ISEAS, Singapore) cho rằng “Mặc dù cũng thuộc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, song Mỹ chưa đặt Đông Nam Á là ưu tiên, cả Trump và Biden đều không điện đàm hay hội đàm trực tiếp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trong 100 ngày đầu cầm quyền”.
Ngày 31/5, The Strait Times cũng có bài bình luận cho rằng Đông Nam Á vẫn chỉ là một mắt xích yếu trong chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương đang hình thành của Chính quyền Biden.
Ở một góc độ khác, hiện chính quyền Biden vẫn trong giai đoạn định hình chính sách; Mỹ còn nhiều khu vực, vấn đề cần sắp xếp và ưu tiên giải quyết, Đông Nam Á chưa phải là địa bàn ưu tiên số 1. Chuyến thăm lần này có thể sẽ là mở đầu tích cực, thuận lợi cho các hợp tác Mỹ – Đông Nam Á dưới thời chính quyền Biden trong thời gian tới?
Tam giác quan hệ Mỹ-Trung Quốc-Đài Loan trong 6 tháng đầu năm 2021 có nhiều diễn biến mới phức tạp, các bên đều duy trì quan điểm và hành động cứng rắn, không nhượng bộ lẫn nhau.
Về phía Trung Quốc, trong các Báo cáo Công tác Chính phủ những năm trước, Trung Quốc đều duy trì cách thể hiện thái độ tương đối giống nhau khi nhấn mạnh cần “đoàn kết đồng bào Đài Loan”, “phản đối Đài Loan độc lập”. Nhưng năm 2021 không xuất hiện cách nói này, mà trực tiếp yêu cầu các cơ quan của Trung Quốc “cảnh giác cao độ về việc ngăn chặn Đài Loan độc lập”. Trên thực địa, từ ngày 1/1-3/6/2021 có tổng cộng 114 ngày, máy bay quân sự Trung Quốc đi qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Tây-Nam Đài Loan. (6 tháng cuối năm 2020 là 66 lần, 6 tháng đầu năm 2020 là 17 lần).
Về phía Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố chia vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan thành 3 vùng bao gồm “vùng giám sát”, “vùng cảnh báo” và “vùng tiêu diệt”, kiên quyết không cho các máy bay và tàu quân sự Trung Quốc tiếp cận "lằn ranh đỏ" 30 hải lý tính từ đảo chính Đài Loan. Đài Loan cũng đồng thời đầu tư 1,6 tỷ Đài tệ cho Dự án Nâng cấp cầu cảng nước sâu tại đảo Ba Bình, có khả năng neo đậu tàu thuyền trên 4.000 tấn, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự để chống lại sự tấn công từ phía đại lục.
Về phía Mỹ, Mỹ có nhiều động thái ủng hộ Đài Loan như cử nhiều đoàn cấp cao đến thăm Đài Loan và hội kiến Thái Anh Văn bao gồm đoàn của cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Dodd, 2 cựu Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Richard Armitage, James Steinberg (ngày 13-14/4) và đoàn ba Thượng nghị sỹ Mỹ Tammy Duckworth, Dan Sullivan thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Christopher Coons từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (ngày 6/6). Trước đó, Mỹ đã ký “Biên bản ghi nhớ hợp tác tuần tra biển”, dự kiến thành lập “Nhóm công tác tuần tra biển” với Đài Loan.
https://boxitvn.blogspot
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét