Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

TQ âm mưu làm đường băng quân sự tại Campuchia

Campuchia có 2 tỉnh giáp biển là Koh Kong và Sihanoukville, trong đó Sihanoukville là thành phố du lịch nổi tiếng. Koh Kong đã trở thành căn cứ quân sự của TQ. Còn Sihanoukville thì sao ? Đọc đoạn này để biết: Khu vực trung tâm của Sihanoukville là nơi đặt nhiều sòng bạc và khách sạn, nơi các biển hiệu đều bằng tiếng Trung Quốc. Tỉnh Sihanoukville có khoảng 300.000 dân, trong đó 1/3 là người Trung Quốc. Khoảng 96% trong tổng số 436 nhà hàng ở Sihanoukville và 150 trong tổng số 156 khách sạn ở thành phố này do Trung Quốc rót vốn xây dựng. “Thị trấn này đã bị Trung Quốc chiếm rồi”, một nhân viên làm việc tại khách sạn ở Sihanoukville cho biết.
Lật tẩy âm mưu quân sự của đường băng do Trung Quốc xây dựng tại Campuchia
Đường băng do Trung Quốc xây dựng tại một tỉnh hẻo lánh ở Campuchia được Mỹ cho rằng Bắc Kinh được sử dụng cho mục đích quân sự nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Tỉnh nông nghiệp Koh Kong ở tây nam Campuchia, nơi trước đây không được cộng đồng quốc tế biết đến nhiều, thì nay đã trở thành đề tài thu hút sự chú ý. Đó là bởi vì sự xuất hiện đột ngột của một đường băng lớn, kéo dài gần 3.200 mét, do một công ty Trung Quốc xây dựng tại khu nghỉ dưỡng ở một tỉnh xa xôi hẻo lánh như Koh Kong. Khu vực này cách thủ đô Phnom Penh khoảng 6 giờ lái xe.

Mỹ đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về khả năng Trung Quốc sử dụng đường băng cho các mục đích quân sự. Tuy nhiên, Campuchia đã thẳng thừng bác bỏ nghi vấn này.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh không chỉ về thương mại, mà còn về an ninh và các vấn đề khác, người dân sống tại tỉnh ven biển Koh Kong vẫn đang theo dõi tình hình với cảm xúc lẫn lộn.

Dấu ấn của Trung Quốc

Trước khi đến được công trình đường băng do Trung Quốc xây dựng, mọi người trước hết phải đi qua Công viên Quốc gia Botum Sakor. Hồi giữa tháng 8, nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng đã di chuyển qua quãng đường này.

Một tấm biển mới đã được lắp đặt để chỉ dẫn hướng đi tới sân bay có đường băng khổng lồ trên. Nội dung trên tấm biển được viết bằng 3 ngôn ngữ: Khmer, Trung Quốc và Anh. Tiếng Khmer là ngôn ngữ chính thức của Campuchia.

Với dân số khoảng 100.000 người, Koh Kong là tỉnh cực tây nam của Campuchia. Ngoài nông nghiệp và ngư nghiệp, Koh Kong không phải là vùng đất phát triển về công nghiệp.

Map of Cambodia highlighting Koh Kong

Năm 2008, chính quyền Campuchia đã ký một thỏa thuận cho tập đoàn Union Group của Trung Quốc thuê lô đất quay mặt ra biển tại Koh Kong trong thời hạn 99 năm.

Một khách sạn 5 sao, sân golf, tổ hợp đa chức năng, sân bay quốc tế và các cơ sở khác đang được xây dựng trên khu đất rộng 450 km2. Ngoài ra, một cảng biển nước sâu, nơi có khả năng đón các tàu cỡ lớn, cũng sẽ được xây dựng tại đây.

Cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý tới sân bay có quy mô rất lớn được xây dựng tại Koh Kong. Đường băng dài 3.200 mét tại sân bay đủ để cho các máy bay chở khách siêu lớn như Airbus A380 có thể cất và hạ cánh.

Đường băng ở Koh Kong dài hơn đường băng 3.000 mét tại sân bay quốc tế Phnom Penh. Nó cũng dài hơn đường băng dài 2.500 mét tại sân bay ở Siem Reap, địa điểm du lịch nổi tiếng của Campuchia. Tại Thái Lan, sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok có hai đường băng dài 3.700 mét và 4.000 mét.

Với đường băng dài như vậy được xây dựng tại các trung tâm đô thị và du lịch lớn, sân bay mới tại Koh Kong đủ khả năng đón tới 10 triệu khách du lịch mỗi năm. Tuy nhiên, nghi vấn vẫn được đặt ra về hiệu quả thực sự của đường băng tại một tỉnh hẻo lánh như Koh Kong.

Đó có thể là lý do khiến Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng 11 năm ngoái đề cập tới khả năng Trung Quốc sử dụng dự án ở Koh Kong cho mục đích quân sự.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng bác bỏ mọi nghi vấn. Ông Hun Sen tuyên bố việc cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài tại Campuchia là đi ngược lại với hiến pháp.

Vấn đề này cũng gây rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Campuchia.

Lo ngại mục đích của Trung Quốc


Mặc dù hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy cảng và đường băng ở Koh Kong có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự, song Trung Quốc nhiều năm qua đã ngang nhiên tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông và đặt các cơ sở quân sự trên đó. Bắc Kinh cũng phát triển cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka và Maldives tại Ấn Độ Dương.

Theo Paul Chambers, nhà phân tích chính trị tại Đại học Naresuan, Thái Lan, mục đích của Trung Quốc là nhằm mở rộng ảnh hưởng ra toàn châu Á.

Tại Koh Kong, người dân địa phương vẫn không tin rằng cuộc đối đầu Mỹ - Trung sẽ diễn ra tại quê nhà của họ.

Kể từ đầu năm tới nay, hơn 1.000 người Trung Quốc đã bị bắt vì tội buôn ma túy và các hành động phạm pháp khác ở Campuchia. Tuy vậy, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ có làn sóng phản đối mạnh mẽ người Trung Quốc tại Campuchia. Điều này một lần nữa cho thấy thế khó mà Campuchia phải đối mặt trong suốt hàng chục năm qua.

“Đây là khu vực không có sóng điện thoại di động, nhưng giá đất bây giờ cao gấp 10 lần so với 2-3 năm trước đây”, một nông dân 39 tuổi cho biết.

“Thật vô ích khi thảo luận về những thứ ở trong tương lai. Nhiều người nghĩ rằng nếu họ trở nên giàu có, mọi chuyện đều sẽ ổn”, một người dân địa phương khác nhận định.

Đây không phải lần đầu tiên Campuchia, quốc gia Đông Nam Á với 16 triệu dân, bị mắc kẹt trong tình thế đối đầu giữa hai cường quốc. Tuy nhiên theo một nhà báo ở Phnom Penh, “người Campuchia thực sự không muốn bị mắc kẹt giữa động thái của các cường quốc”.

Một vụ việc khiến người Campuchia lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại đất nước của họ xảy ra hồi tháng 6 ở thành phố cảng Sihanoukville, nơi cách Koh Kong 4 giờ lái xe. Tòa nhà 7 tầng đang được xây dựng bất ngờ đổ sập, khiến 28 người thiệt mạng. Tất cả nạn nhân đều là người Campuchia. Nguyên nhân dẫn tới thảm kịch này là do một công ty Trung Quốc sử dụng phương pháp xây dựng không đúng quy định của pháp luật.

Khu vực trung tâm của Sihanoukville là nơi đặt nhiều sòng bạc và khách sạn, nơi các biển hiệu đều bằng tiếng Trung Quốc. Tỉnh Sihanoukville có khoảng 300.000 dân, trong đó 1/3 là người Trung Quốc.

Khoảng 96% trong tổng số 436 nhà hàng ở Sihanoukville và 150 trong tổng số 156 khách sạn ở thành phố này do Trung Quốc rót vốn xây dựng.

“Thị trấn này đã bị Trung Quốc chiếm rồi. Nhưng điều đó cũng không giúp ích cho cuộc sống của chúng tôi”, một nhân viên làm việc tại khách sạn ở Sihanoukville cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét