Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Thượng tôn pháp luật hay không đều chết

Thích đoạn này: Trong xã hội VN, thượng tôn thì chết, thế thì ta không thượng tôn để sống vậy. Đừng vội mừng, bạn cũng sẽ chết. Một cách nhục hơn. Không một ai an toàn. Nhưng, nếu bạn thượng tôn pháp luật thì ít ra bạn còn giữ được lương tâm khi chết. Tất cả đều là nạn nhân của một thể chế chính trị quái gỡ, hoang đường, đầy dối trá. Hãy ngẫm về điều đó.
Thượng tôn pháp luật hay không đều chết
Pháp luật được đặt ra là để con người điều chỉnh hành vi sao cho các cá nhân, tổ chức này không gây hại cho các cá nhân, tổ chức khác, nhằm tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa người và người. Lý thuyết là như thế. Trong thực tế, nhiều nước có tư tưởng dân chủ, đa nguyên đã làm được điều này. Pháp luật được thượng tôn, không một cá nhân, tổ chức, đảng phái nào đứng trên pháp luật.

Tại Việt Nam, ta cũng đã có Hiến pháp, các bộ luật, các nghị định và nhà nước cũng luôn kêu gọi người dân sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng, càng ngày luật càng bị bẻ cong đi một chút, lách một chút, lợi dụng một chút, nên bây giờ xã hội chẳng còn biết sống làm sao bởi thượng tôn pháp luật thì chết mà không thượng tôn cũng chết. Tại sao thượng tôn pháp luật lại chết? Điều này nghe chừng không đúng. Sai quá. Bậy bạ quá. Nhưng thực tế là vậy. Ta thử đi vào một vài ví dụ:

Bạn cần làm giấy tờ, bạn là người thượng tôn pháp luật không đưa hối lộ, bạn làm đúng các trình tự thủ tục, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian đi lại, công sức, tiền bạc so với những người không thượng tôn pháp luật đưa hối lộ. Bạn sẽ bị hành cho ra bả.

Bạn là chủ một doanh nghiệp, bạn là người thượng tôn pháp luật, bạn không làm hai bộ hồ sơ kế toán, bạn đóng thuế đàng hoàng đầy đủ, bạn không hối lộ, không bôi trơn, bạn sẽ không thể tồn tại.

Trong một xã hội tràn ngập hàng gian, hàng giả, lẫn lẫn lộn lộn, bạn thượng tôn pháp luật làm ăn chân chính, bạn sẽ không thể cạnh tranh nổi. Bạn cố? Sau một năm bạn sẽ chết. (Cái này mình chết nhiều rồi).

Trong một cơ quan, mọi thứ đã có sự chung chi phần trăm này nọ. Bạn thương tôn pháp luật đòi tố cáo hoặc chỉ là không tham gia vào cái guồng chung chi đó? Họ sẽ tìm cách làm cho bạn sống dở chết dở rồi bị đánh bật ra ngoài.

Luật đã bị bẻ cong, bôi trơn, tùy hứng theo tiền và quyền lực từ lâu rồi. Bạn chỉ có thể ăn may chứ không thể trông chờ vào sự thượng tôn.

Một xã hội như thế, thượng tôn thì chết, thế thì ta không thượng tôn để sống vậy. Đừng vội mừng, bạn cũng sẽ chết. Một cách nhục hơn.


Bởi bạn đã trở thành tù nhân dự bị, bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể vô tù vì điều đó, nếu bị lộ hoặc bị sự cố hoặc chỉ đơn giản là bị ghét, hoặc vì tranh giành.

Bạn nộp tiền cho A để A làm ngơ cho bạn xây nhà trái phép. B ghét A, muốn đập A, B lôi vụ việc ra, A bị đập, bạn mất nhà, A chưa chắc chết nhưng bạn chết chắc.

Bạn là bác sĩ, quy trình làm việc phải là a,b,c. Giám đốc bệnh viện chỉ đạo d,g,f, bạn không tuân thủ chỉ đạo thì bạn có nguy cơ bị đuổi việc, có nguy cơ không thể tiến thân, nhưng tuân thủ chỉ đạo thì khi sự cố xảy ra bạn sẽ lãnh hết, một mình.

Thậm chí khi bạn là quan chức, có tiền, có quyền, bạn cũng chết bởi đứa có tiền và quyền hoặc gian xảo hơn.

Không một ai an toàn.

Nhưng, nếu bạn thượng tôn pháp luật thì ít ra bạn còn giữ được lương tâm khi chết.

Tất cả đều là nạn nhân của một thể chế chính trị quái gỡ, hoang đường, đầy dối trá. Hãy ngẫm về điều đó.

Nguyễn Thị Bích Ngà
(FB Nguyễn Thị Bích Ngà)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét