Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Nguyễn Văn Trân: Đêm ra đời bản chỉ thị lịch sử

Cụ Trân cực kỳ thông minh, trí nhớ rất tốt. Cụ là 1 trong 3 người thông minh nhất tôi từng gặp. Do đó, khi đã 95 hay 100 tuổi, trí nhớ của cụ vẫn tốt (dĩ nhiên cũng có thể không được chính xác 100% vì chuyện xảy ra đã quá lâu), ví dụ như trong bài này cụ bác bỏ nhiều ghi chép, sưu tầm của Viện Lịch sử Đảng.
Đêm ra đời bản chỉ thị lịch sử
18/03/2010 - Là một trong số người dự cuộc họp đặc biệt để có được bản chỉ thị lịch sử “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, cụ Nguyễn Văn Trân, 95 tuổi, nguyên Bí thư Trung ương Đảng kể lại.
Ông Nguyễn Văn Trân.
Lúc bấy giờ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hi sinh, đồng chí Trường Chinh hoạt động ở vùng Phúc Yên, đồng chí Hoàng Quốc Việt ở Bắc Ninh, đồng chí Sao Đỏ (bí danh của đồng chí Nguyễn Lương Bằng) ở vùng Hà Đông. Chúng tôi thường họp với nhau ở nhà anh Hội bên kia sông Hồng, ngay trong chái bếp nhà anh. Sau rồi chúng tôi gây dựng được cơ sở ở một ngôi chùa và hay họp tại đấy. Ông sư và bà hộ đều rất tốt, coi chúng tôi như người nhà. Trước ăn cơm phải trả tiền, sau ông sư bảo nhà chùa đã khá rồi, nhất định không lấy tiền. Tôi nhớ họp ở Đồng Kỵ nhiều lần lắm. Một đêm đang họp thường vụ Trung ương mở rộng thì bọn trương tuần đến hỏi: “Nhà chùa sao chứa lắm người lạ mặt thế này?”. Nhà sư bình tĩnh nhận tất cả chúng tôi là người làng ở dưới vùng Nam bị đói kéo lên đây tìm việc. Như thế là bị lộ rồi, tất cả anh em chúng tôi trốn ra vườn, chui qua rào lần về làng Đình Bảng họp tiếp. Đêm hôm ấy là đêm 9-3, bên Hà Nội súng nổ đì đùng. Từ cuộc họp long đong ấy mà bản chỉ thị lịch sử “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ra đời.

Cụ Nguyễn Văn Trân nói: Theo lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Viện Lịch sử Đảng in năm 1995 viết: Cuộc họp có đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt là Ủy viên Thường vụ, còn có đồng chí Nguyễn Trân đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ. Viết như vậy là không đúng về số người dự họp và chức vụ Đảng. Nguyễn Trân chính là tôi, về chức danh phải viết đầy đủ là Nguyễn Văn Trân, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, được mời tới dự họp, vì thế mới gọi là Hội nghị Trung ương mở rộng. 

Còn thành phần, cuộc họp ấy không có mặt đồng chí Lê Thanh Nghị. Đồng chí Hoàng Quốc Việt dự kiến có mặt, nhưng ngày hôm đó đi công tác xa chưa kịp về. Thời gian cuộc họp triệu tập vào ngày 7-3, nhưng do đi lại khó khăn, mãi tối 9-3 mới họp được. Lúc đầu quyết định họp ở chùa làng Đồng Kỵ. Nhưng chập tối nhà sư vừa làm cơm cho ăn xong, khi sắp họp thì thấy tên lý trưởng cho người ra rình mò, nên anh Trường Chinh quyết định rút về địa điểm dự bị ở Đình Bảng. Từ Đồng Kỵ đi chừng 3km, vượt qua một cánh đồng làng Tráng Điền là đến Đình Bảng. Khi vượt qua cánh đồng chúng tôi đã nghe thấy nhiều tiếng súng nổ ở phía Hà Nội. Anh Trường Chinh nói: Pháp-Nhật bắn nhau rồi. Trước đây anh cũng đã nhận định Nhật-Pháp thế nào rồi cũng cắn xé nhau.

Anh Nguyễn Trọng Tỉnh là một trong ba đảng viên của chi bộ Đình Bảng ngày ấy tham gia bảo vệ hội nghị kể lại: Tôi tham gia du kích, tự vệ chính thức từ năm 1941. Lúc đó tiểu đội tự vệ được thành lập và giao cho anh Hoàng Văn Tiến chỉ huy. Chủ yếu làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ chi bộ, cán bộ đi về hoạt động, hội họp (sau ngày giành chính quyền thì anh Tiến làm Chủ tịch lâm thời). Đêm 9-3, Hội nghị Trung ương mở rộng họp ở đây. Còn nội dung cuộc họp ấy, lúc đó tuy chúng tôi là đảng viên nhưng mãi sau này mới biết là cuộc họp Trung ương mở rộng ra đời chỉ thị đặc biệt quan trọng này.

Cụ Nguyễn Văn Trân kể tiếp: Cuộc họp này chỉ tập trung vào bàn: Nhật-Pháp đã bắn nhau thì chúng ta sẽ hành động ra sao? Sau khi bàn bạc cụ thể có nêu rõ ba tình huống. Lợi dụng chúng bắn nhau, chỗ nào chúng suy yếu thì phải tranh thủ cướp chính quyền về ta. Còn nếu Nhật thua nhiều nơi, nhất định đồng minh sẽ can thiệp. Chúng tôi trao đổi với nhau cả tình huống Hoa quân sẽ nhập Việt và cuối cùng quyết định, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tranh thủ thời cơ mà giành cho được chính quyền. Khi phân tích đến tình huống thứ ba là nếu nổi dậy Nhật khủng bố mạnh, thì nguyên tắc là giành cho được chính quyền, nhưng phải mềm dẻo với bọn Nhật và làm như thế nào thì tùy tình hình mỗi địa phương, có nghĩa là khởi nghĩa từng phần. Về thời gian, họp từ đêm 9-3 và họp tiếp cả sáng và chiều 10-3 mới giải tán. Theo nguyên tắc họp xong phải rút ngay, mỗi người về một ngả. Ngay sau đó anh Trường Chinh về nhà một cơ sở. Theo tinh thần cuộc họp đã bàn, anh soạn ra bản chỉ thị ấy. Theo cụ Nguyễn Văn Trân thì “Bản chỉ thị được in ở một cơ sở bí mật tại Đông Anh, rồi được truyền đi khắp cả nước”.

Tuấn Hải
http://sknc.qdnd.vn/ky-niem-sau-sac/dem-ra-doi-ban-chi-thi-lich-su-498085

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét