Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Bác Trân kể về căn hầm đặc biệt ở 62 Trần Quốc Toản

Bác Trân: 12 ngày đêm tháng 12/1972: "Nó đánh đêm rồi đánh cả ban ngày. Tôi tận mắt chứng kiến bao máu xương của đồng chí, đồng bào, xót như muối xát, đau đớn lắm, mà phải nén lại. Có một điều bấy lâu nay, chúng ta ít nói, nhưng đó cũng là một nguyên nhân của tổn thất lớn ở Khâm Thiên và một số nơi. Dân ta ở nơi sơ tán, nghe đài nói, tháng 10, Mỹ ký tắt Hiệp định, hòa bình sẽ đến. Vì vậy, một số không nhỏ các gia đình sơ tán từ mấy tháng trước lại dắt díu, bồng bế nhau về nội thành ngay. Lúc nó oanh tạc đêm 18/12, lại sơ tán đi, nhưng số dân ở lại nội thành vẫn còn nhiều".
Chuyện của Nguyên Bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Trân về căn hầm đặc biệt ở 62 Trần Quốc Toản 
Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Ngày 08/12/2017
Năm tháng qua đi, ông Nguyễn Văn Trân nay đã 102 tuổi, nhưng khi tôi nhắc đến căn hầm lịch sử, trên con phố Trần Quốc Toản yên tĩnh trong 12 ngày đêm lịch sử năm 1972, ông nhớ vanh vách: cô Tuyết ở tổ thư ký, các anh Trần Sâm, anh Trần Vỹ, Đức Lạc, Vũ Định trong Thường vụ… tất cả như đang ở trước mắt ông - một thời đạn bom không bao giờ quên.
Image result for đồng chí Nguyễn Văn Trân
Bác Trân có thời làm Bộ trưởng giao
 thông nên bác Thăng đến chúc thọ
Tháng 12 năm 1972, Hà Nội là mặt trận trung tâm của trận quyết chiến chiến lược giữa ta và Mỹ, thì ông đã là Bí thư Thành ủy, làm công tác chuẩn bị thế và lực cho Hà Nội bình tĩnh đón đánh các chú SAM lại đến xâm phạm bầu trời Thủ đô. Tôi nghiệm rằng, ở những thời khắc chiến tranh dữ dội, khốc liệt, thử thách bản lĩnh và sức mạnh của cả đất nước, mùa Đông năm 1946 và mùa Đông năm 1972, thì chính ông, chứ không ai khác, được tín nhiệm trao trọng trách trước toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Và câu chuyện căn hầm ở 62 Trần Quốc Toản chỉ là một trong nhiều chuyện cổ tích, tôi nghe mãi không hết, trong cái kho lưu trữ tuyệt vời của ông.

Bác và Thường vụ vẫn làm việc bình thường ở khu nhà ngói phía ngoài cổng hầm. Lúc có báo động mới xuống hầm. Ban ngày làm việc và đến tận nơi xem dân sơ tán thế nào, trận địa trực chiến của dân quân tự vệ ra sao. Tối nào cũng phải trực dưới hầm. Tổng đài Thành ủy có đường dây riêng nối với Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, để các anh ấy báo cho mình, có máy bay sắp đến là nổi còi báo động toàn thành phố.


Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân trao đổi với tác giả.

Đấy, kho lưu trữ của ông cứ mở từng trang, từng sự kiện như thế. Và cả kho ảnh vô cùng phong phú, ông vẫn giữ như mới trong album, không ố vàng, không biết ông có bí quyết gì. Tôi hỏi ông: Ở dưới hầm này, bao nhiêu cuộc họp bất thường, bao nhiêu cuộc họp chỉ đạo của Thành ủy,
bác nhớ nhất điều gì? Ông nói ngay: Công tác tư tưởng và việc vận động dân đi sơ tán; đó mới là hai thứ công việc phức tạp nhất, khó nhất.

Và câu chuyện trở về với căn hầm đặc biệt mà đến nay, rất ít người dân biết đến.

Đúng ngày 16/4/1972, Mỹ đánh Hải Phòng, Hà Nội. 10 giờ sáng cùng ngày, Thành ủy họp bất thường, yêu cầu đảng ủy và chính quyền các cấp làm gấp công tác sơ tán dân. Nhưng tâm lý bám trụ thành phố, sống và chiến đấu, ăn sâu vào máu huyết người Hà Nội rồi, nên vận động dân rời phố phường về thôn quê là cả một vấn đề không nhỏ. Để giữ an toàn tính mạng cho dân, hầm tập thể và hố cá nhân được làm dày đặc khắp đường phố, tập thể, xí nghiệp, hợp tác xã, cơ quan... Mỗi người phải có hầm trú ẩn ở ba nơi: nơi ở, nơi làm việc, trên đường phố. 

Còi báo động nổi lên thì xuống hầm. Còi báo yên lại sản xuất bình thường và dân lại đạp xe, thanh niên lại bát phố, mua hoa tươi… nên không ai muốn rời ngôi nhà, đường phố thân thuộc của mình. 

Tôi và các anh trong Ban Thường vụ ở Trần Quốc Toản theo dõi tình hình mà như ngồi trên đống lửa. Nó đánh đêm rồi đánh cả ban ngày. Tôi tận mắt chứng kiến bao máu xương của đồng chí, đồng bào, xót như muối xát, đau đớn lắm, mà phải nén lại. Có một điều bấy lâu nay, chúng ta ít nói, nhưng đó cũng là một nguyên nhân của tổn thất lớn ở Khâm Thiên và một số nơi. Dân ta ở nơi sơ tán, nghe đài nói, tháng 10, Mỹ ký tắt Hiệp định, hòa bình sẽ đến. Vì vậy, một số không nhỏ các gia đình sơ tán từ mấy tháng trước lại dắt díu, bồng bế nhau về nội thành ngay. Lúc nó oanh tạc đêm 18/12, lại sơ tán đi, nhưng số dân ở lại nội thành vẫn còn nhiều. 

Ngày 21/12, tôi kiên quyết ra lệnh chỉ để lại dân quân tự vệ, nhất định bằng mọi cách phải “áp chế” dân đi khỏi nội thành. Ngoại thành ở những nơi có trận địa tên lửa, có các kho là chân hàng để từ đó chi viện vào chiến trường miền Nam như Uy Nỗ, Đông Anh, Giáp Bát, Văn Điển… cũng phải sơ tán dân như nội thành.


Căn hầm ở 62 Trần Quốc Toản, Hà Nội – nơi các đồng chí lãnh đạo Thành ủy làm việc những ngày cuối tháng 12-1972.

Công tác tư tưởng động viên toàn đảng bộ, quân dân Thủ đô quyết đánh thắng Mỹ dễ hơn nhiều so với công tác vận động dân đi sơ tán, nhưng tính mạng dân thì không thể lơ là được, nên hôm nào Thường vụ cũng phải nắm con số cụ thể, dân sơ tán bao nhiêu? Nó đánh ở đâu, ngớt tiếng bom là chúng tôi đến ngay đó, thăm hỏi động viên bà con. An Dương, Khâm Thiên, trận địa Chèm bị bom Mỹ đánh tan hoang, tôi và các đồng chí Thường vụ đều đến tận nơi. Chiến đấu một mất một còn, đồng bào nén đau thương để đánh Mỹ, mỗi cán bộ chủ chốt của Đảng bộ cũng là chiến sĩ thì mới làm công tác tư tưởng tốt được. Tôi nhớ, chính đồng chí Trần Duy Hưng đã băng bó cho người dân Khâm Thiên khi đến thăm nhân dân sáng ngày 27/12.

Sự sáng tạo và sức mạnh vô biên của nhân dân là cội nguồn làm nên chiến thắng, nên bên cạnh binh chủng phòng không - không quân (PKKQ) của quân đội chủ lực, chúng ta phải luôn nhớ câu nói cửa miệng đã trở thành chân lý: cả nước đánh giặc, toàn dân là lính. Năm 1946, tự vệ sao vuông có sáng kiến tuyệt hay là làm ụ chiến đấu bằng tủ gỗ, cánh phản, cánh cửa rồi nện đất, dựng chiến lũy, đục thân cây chôn mìn, hạ cột điện làm chướng ngại vật ngã tư chặn địch. Các đội cảm tử bám trụ đường phố là nhờ dựa vào chiến lũy cao sừng sững ấy, nhả đạn diệt địch, rất hiệu quả. 

Năm 1972, trên giao Hà Nội phải làm lưới lửa tầm trung và tầm thấp, phối hợp với binh chủng Phòng không - Không quân để giăng lưới lửa đan dày bắt các chú SAM. Nhưng làm thế nào? Câu trả lời có ở trong dân với các tiểu đội súng 12 ly 7, 37 ly, dinh lên nóc nhà cao tầng, đón đánh máy bay Mỹ rất cừ. Tự vệ khu phố Cửa Nam, Hàng Bột… các Nhà máy Điện Yên Phụ, Cơ khí Quang Trung, Cơ khí Mai Động, Dệt 8-3, Ga Hà Nội, Xe ca Ba Đình… đều lập chiến công xuất sắc. Chiến đấu chống Pháp, ta có một trận địa pháo ở nóc nhà dệt Cự Doanh phố Hàng Quạt, bắn cháy một máy bay spit- phai. Chiến đấu chống Mỹ, ta có rất nhiều trận địa trên nóc nhà diệt không lực Huê kỳ mạnh nhất thế giới.

Với trí thông minh và ý chí kiên cường không chịu khuất phục, quân dân Hà Nội đã nghĩ ra rất nhiều sáng kiến mà đến nay, nhìn bức ảnh cô dân quân Đông Anh ngồi trên quả bom đã được tháp gỡ kíp nổ, tôi thật sự khâm phục. Hàng nghìn quả bom trên những cánh đồng ngoại thành đã được tháo gỡ theo cách thủ công mà công binh chỉ dạy cơ bản vài bài. Hay chòi quan sát cao lênh khênh để đếm bom rơi cũng là cách làm thủ công thôi, nhưng lại rất tốt để có thông tin kịp thời cho ta tránh bom, gỡ bom, làm đường tránh, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt.


Căn hầm tại số 62 Trần Quốc Toản, nơi Thành ủy Hà Nội làm việc, chỉ đạo chiến dịch đánh trả máy bay Mỹ, tháng 12-1972 (Ảnh chụp từ bên ngoài)

Sau 10 ngày đấu trí, đấu lực với địch, Thành ủy họp đột xuất ở 62 Trần Quốc Toản để kiểm lại lực lượng và rút kinh nghiệm xương máu, đề ra một số biện pháp cấp bách để chiến đấu và phòng tránh lâu dài; động viên cao nhất lực lượng cứu hỏa, cứu sập, cứu thương; củng cố hệ thống thông tin liên lạc và đài quan sát. Công tác tư tưởng - thông tin - tuyên truyền phải chú ý tăng cường đưa các nhà báo và đại diện đại sứ quán đến những nơi địch ném bom tàn phá nặng nề để tạo dư luận rộng rãi ra công luận quốc tế.

Từ căn hầm ở 62 Trần Quốc Toản, mọi chủ trương, thông báo đã được phát đi kịp thời, thành mệnh lệnh chiến đấu của các cấp ủy Đảng và toàn thể quân dân Hà Nội. Hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Hà Nội đã làm nên chiến thắng lẫy lừng nhất trong thế kỷ XX.

Căn hầm đã trở thành di tích cách mạng và kháng chiến, ghi dấu một thời oai hùng máu và hoa của Hà Nội. Trên mặt hầm, Hội nhà báo Thành phố tấp nập đông vui. Và người chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng bộ và quân dân Hà Nội đã 102 tuổi, vẫn sáng một niềm tin vào sức mạnh vô địch của nhân dân. Ông nói chắc nịch: Trận chiến chống tham nhũng còn gian nan, nhưng lắng nghe dân, dựa vào dân, nhất định ta sẽ thắng được giặc nội xâm. Nhân dân đổ máu cho hòa bình, độc lập, tự do, thì nhân dân sẽ một lòng gìn giữ độc lập, tự do của đất nước.

Căn hầm ở 62 Trần Quốc Toản, Hà Nội là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng. Và lớp trẻ học trang sử chống Mỹ hào hùng của quân dân Thủ đô từ các di tích lịch sử, cách mạng kháng chiến, trong đó có căn hầm này của Thành ủy.

Ths. Phạm Kim Thanh
http://baotanglichsu.vn/chuyen-cua-nguyen-bi-thu-ha-noi-nguyen-van-tran-ve-can-ham-dac-biet-o-62-tran-quoc-toan-213dr.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét