Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

NGUYÊN HỒNG: HIỆP SĨ CỦA DÂN CHÚNG CẦN LAO

Thời bé tôi thích đọc tiểu thuyết của Nguyên Hồng. Trong bài này có đoạn: "Bản đề dẫn của nhà văn Nguyên Ngọc trình bày gây nên nhiều luồng ý kiến, một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng xuống nói chuyện, công khai phê phán một số luận điểm của Đề dẫn". Đ/c lãnh đạo cao cấp đó là nhà thơ Tố Hữu. Lúc đó Tố Hữu cùng Lê Đức Thọ mới thể hiện thái độ không đồng tình với quan điểm của Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu... chứ chưa phê phán. Chỉ khi quan điểm của các nhà văn này trở thành một trào lưu trong năm 1980, thì các ông mới tổ chức phong trào đấu tố để ngăn chặn. Phong trào này được Lê Đức Thọ gọi là Hậu nhân văn giai phẩm. Hầu hết các lãnh đạo văn nghệ sĩ của Đảng đã phải lên tiếng đấu tố các nhà văn, trong đó những người viết bài phê phán nặng nhất mà tôi được đọc là của Tố Hữu (phó thủ tướng thứ nhất), Hà Xuân Trường (Trưởng ban Văn hóa- Văn nghệ Trung ương Đảng), Nguyễn Đình Thi (Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam), Chế Lan Viên (thi sĩ nổi tiếng cuối thập niên 1930 với các tập "Điêu tàn" và "Vàng sao", đại biểu Quốc hội các khóa IV, V và VI, ủy viên Ban văn hóa - giáo dục của quốc hội). Hoàng Ngọc Hiến bị kết tội nặng nhất. Riêng Nguyên Ngọc tuy bị phê phán nhưng Tố Hữu rất thích nhà văn này nên sau này vẫn để Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Đầu năm 1988 cả nước cùng Văn Nghệ xôn xao với bài bút ký: Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì… của tác giả Phùng Gia Lộc. Nói cho đúng nếu không phải Nguyên Ngọc cầm trịch tờ Văn Nghệ khi đấy thì chưa chắc độc giả được biết đến thiên bút ký xuất sắc trên của họ Phùng. Tổng biên tập Nguyên Ngọc được đánh giá là người tự cởi trói và tự đổi mới cho báo Văn Nghệ lúc đó bởi sau “Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì…”, nhà văn đã cho đăng nhiều bài viết tiếp theo khá mạnh kiểu “Lời Ai Điếu Cho Một Giai Đoạn Văn Nghệ Minh Họa” của Nguyễn Minh Châu. Chuyện ngắn “Linh Nghiệm” của Trần Huy Quang. “Tướng Về Hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. “Mê Lộ” của Phạm Thị Hoài… làm chấn động xã hội. Tố Hữu bảo Nguyên Hồng: "Giả, râu giả, đã già gì mà để râu". Năm đó nhà văn 61 tuổi, trong khi Hồ Chí Minh năm 1945 mới 55 tuổi cũng đã để râu rất dài khi đọc Tuyên ngôn độc lập; thậm chí còn được suy tôn làm Cha già dân tộc. Tôi phải đi có việc nên không viết nữa.
Kỷ niệm 100 sinh Nhà văn NGUYÊN HỒNG
NGƯỜI HIỆP SĨ CỦA DÂN CHÚNG CẦN LAO
Ngô Thảo - Tôi còn nhớ, năm 1979, trong Hội nghị Nhà văn Đảng viên chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn, sau khi Bản đề dẫn của nhà văn Nguyên Ngọc trình bày gây nên nhiều luồng ý kiến, một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng xuống nói chuyện, công khai phê phán một số luận điểm của Đề dẫn, bằng những dẫn chứng thực tế từ cuộc chiến tranh Biên giới vừa diễn ra và chuyến đi sang các nước Phương Tây về, Nguyên Hồng có vẻ không bằng lòng. Khi Nhà thơ đi lại gần Nguyên Hồng chào hỏi, suồng sả cầm bộ râu đen của Nguyên Hồng giật giật, nói: Giả, râu giả, đã già gì mà để râu. (Năm đó nhà văn mới qua tuổi 60), Nguyên Hồng nghiêm sắc mặt: Phong lan của tôi đấy ông ạ. Hình như nhà thơ quan chức thích chơi phong lan sững lại.

Gs Đào Văn Tiến, chuyên gia hàng đầu của ngành Sinh học Việt Nam, bạn thời tiểu học của nhà văn Nguyên Hồng, người cùng quê Nam Định, trong Hồi ký của mình, có kể nhiều kỷ niệm về người bạn nhanh nhẹn, tháo vát, tốt bụng, luôn là chỗ dựa cho ông trong nhiều tình huống. Một hôm vào lớp, đột nhiên bị thầy giáo gọi lên, bắt nằm, dùng thước quất vào mông, vì hôm trước đi chơi về muộn, Bà phải lên mách Thầy. Đánh xong Thầy hỏi: Anh dự định sau này làm gì mà không chăm học, chỉ ham chơi?. Cậu học trò 12 tuổi trả lời: Thưa thầy, con dự định làm nghề viết văn ạ. Ngữ anh chỉ viết văn là giỏi, lời nhận xét đó của thầy đã thành sự thật, khi 17 tuổi, cái bút danh Nguyên Hồng đã xuất hiện trên Tiểu thuyết Thứ bảy với truyện ngắn Linh hồn. 


Và suốt 46 năm cầm bút liên tục tiếp theo, nhà văn xuất thân trong một gia đình nghèo khổ, ít học đó đã có số trang viết nhiều hàng đầu trong các nhà văn Việt Nam hiện đại. Ông từng viết: ”Cần thiết đối với tôi là tôi phải viết, viết ra thành chữ tất cả những gì chứa đựng, nung nấu, quằn quại, đau xót, và bay bổng và bát ngát của tâm hồn, của suy nghĩ… Tôi sẽ viết về những cảnh đói khổ, về những sự áp bức, về những nỗi trái ngược bất công. Tôi sẽ đứng về những con người lầm than bị đày đọa, bị lăng nhục”. Cả đời Ông đã trung thành với lời nguyền ấy. Thời Ông còn sống (đến 1982), in một cuốn sách không phải là điều dễ dàng. Mà riêng Ông đã có 30 cuốn sách được in. Với số lượng tác phẩm và trang viết đồ sộ như thế, nhưng có lẽ ít có nhà văn cùng thời nào sống một đời lam lũ, nghèo thiếu như Ông. 

Thuở bé, khi bố mất sớm, nhà nghèo, Nguyên Hồng bỏ quê ra Hải Phòng ở với Bà, sống và chứng kiến một thế giới những con người nghèo khổ, phần nhiều vì nghèo khó về vật chất mà làm khổ nhau vì muôn vàn những điều ngỡ to tát mà thực chất là tẹp nhẹp của kiếp người cùng khổ. Ông sớm tham gia cách mạng và nếm mùi tù đày. Cách mạng rồi 9 năm kháng chiến, mang cả gia đình lên khai phá ở đồn điền Ký Nhàn, sau này gọi là Ấp Cầu Đen, đời sống khó khăn, nghèo khổ nhưng vẫn có niềm vui của hy vọng về ngày chiến thắng. Và rồi ngày đó đã đến. Cùng bao người kháng chiến, gia đình rồng rắn về Thủ đô giải phóng. Ngỡ là ngày no ấm, bình yên đã đến. Nhưng chỉ được mấy năm, rồi cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ diễn ra quyết liệt. 

Là một nhà văn có nguồn cội cơ bản, Ông không bị quy kết vào Nhân Văn - Giai phẩm, nhưng khi là Tổng biên tập báo Văn, Ông đã để lọt nhiều bài bị phê phán. Vốn là người sống chân thành, thẳng thắn, bộc trực và đầy tự tin ở sự trung thực và bản lĩnh của mình, khi bị vây vo phê phán từ những đồng sự quen thân, Ông đã có một quyết định dứt khoát: Đưa cả gia đình trở lại Ấp Cầu Đen – vùng đồi Yên Thế, Nhã Nam, huyện Tân Yên - Bắc Giang, làng Văn nghệ những năm chống Pháp với gia đình Ngô Tất Tố, Kim Lân…. 

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, Ông vẫn định cư trong căn nhà tranh, vách đất, thấp lè tẻ. Rất nhiều năm, bàn viết của Ông là một cái mươn chân thấp tè, làm bằng nan tre, một chân bị chắp vá. Hệt như chiếc bàn xưa, năm 1935, khi theo mẹ và bố dượng dọn ra Hải Phòng, đêm đêm cầm đèn cho cô em gái lần mò vào các động điếm vùng đất cảng, bán bánh dày, bánh giò, rồi khuya về ngồi vào chiếc bàn ọp ẹp, chân phải chắp vá như thế để viết nên những trang tự truyện về đời mình: Bỉ Vỏ, Những ngày thơ ấu. 

Ông có thói quen ngồi bệt, hai chân duỗi qua mươn, cắm đầu mà viết. Trong nhà quá nóng thì với manh chiếu rách,mang bàn ra nấp dưới bóng râm luôn di chuyển theo bóng nắng.Khi mệt quá, cứ ngã ra chiếu mà nghỉ Chính trên cái bàn viết không giống ai này, Ông đã hoàn thành hàng vạn trang sách, trong đó có bộ tiểu thuyết đồ sộ Cửa biển, gồm 4 tập: Sóng gầm ( 1961), Cơn bão đã đến ( 1963), Thời kỳ đen tối ( 1973), Khi đứa con ra đời ( 1976), viết về phong trào công nhân ở Hải Phòng trước Cách mạng, một địa bàn mà Ông thông thuộc đến từng gốc cây, viên gạch lát hè, từng địa danh ngõ nhỏ, xóm sâu. 

Bộ tiểu thuyết cuối cùng còn dang dở là Núi rừng Yên Thế, viết về cuộc khởi nghĩa của Cụ Đề Thám. Dự định ba tập, mới in tập 1: Thù nhà nợ nước, đang sửa chữa tập 2,( năm 1993 được in với tên Núi rừng Yên Thế )và phác thảo đề cương cho tập 3.

Dẫu chọn một nơi sống cách biệt như thế, nhưng ngoài thời gian viết liên tục, Ông luôn nhiệt tình tham gia các công tác của Hội. Nhiều năm, chỉ với chiếc xe đạp con vịt - xe của thiếu nhi, Ông vẫn đi về giữa Yên Thế và Hà Nội. Là nhà văn có ít năm tới trường nhất, vậy mà trong chiến tranh, nhiều lần Ông có mặt trong Ban phụ trách các lớp bồi dưỡng các nhà văn trẻ của Hội. Công việc Ông vẫn làm từ khi có trường Văn nghệ nhân dân thời kháng chiến chống Pháp. 

Nhiều nhà văn từ chiến trường trở về vẫn nhắc nhiều kỷ niệm đẹp với người thầy thông thái, tận tụy, nghiêm khắc trong ý thức về nghề, tinh tế trong thẩm định văn chương, và hết lòng yêu thương học trò. Vì thế, các trại sáng tác, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nhiều tỉnh ở đồng bằng phía Bắc luôn tha thiết mời cho được Thầy. Vốn hay nể nang nên Ông luôn sẳn sàng ngừng các trang viết để tới đọc, thẩm định, chỉ dẫn, gợi ý cho những người trẻ mới bước vào nghề. Ngỡ như một nghịch lý, nhà văn chỉ học hết tiểu học này lại thuộc trong số có nhiều học trò trong giới văn chương nhất. Bảo đảm cho uy tín đó, không chỉ là những tác phẩm Ông đã viết, mà bằng chính cuộc đời, sự lựa chọn cách sống và cách viết, và tình yêu nghề viết, mong muốn được truyền đạt tình yêu ấy cho những người viết trẻ. 

Trong nhiều năm trường văn trận bút của nước nhà có nhiều biến động, không ít nhà văn tên tuổi, từng để lại nhiều trang viết, mà giờ đọc lại, chắc tác giả cũng phải ngượng ngùng, xấu hổ. Hình như Nguyên Hồng không nằm trong số đó. Nghèo khổ không làm Ông xao lòng, uy vũ không làm Ông khuất phục, Ông thuộc số hiếm nhà văn sống thanh sạch vào một thời nhiễu nhương. Một đời, với một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, hầu Ông không nhận bất cứ một sự ưu ái đặc biệt nào cho riêng mình như hầu hết các nhà văn cùng trang lứa. 

Tôi còn nhớ, năm 1979, trong Hội nghị Nhà văn Đảng viên chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn, sau khi Bản đề dẫn của nhà văn Nguyên Ngọc trình bày gây nên nhiều luồng ý kiến, một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng xuống nói chuyện, công khai phê phán một số luận điểm của Đề dẫn, bằng những dẫn chứng thực tế từ cuộc chiến tranh Biên giới vừa diễn ra và chuyến đi sang các nước Phương Tây về, Nguyên Hồng có vẻ không bằng lòng. Khi Nhà thơ đi lại gần Nguyên Hồng chào hỏi, suồng sả cầm bộ râu đen của Nguyên Hồng giật giật, nói: Giả, râu giả, đã già gì mà để râu. (Năm đó nhà văn mới qua tuổi 60), Nguyên Hồng nghiêm sắc mặt: Phong lan của tôi đấy ông ạ. Hình như nhà thơ quan chức thích chơi phong lan sững lại.

Dẫu là một nhà văn, Ông còn có thói quen lao động chân tay không ngơi nghỉ. Ngoài những công việc nhà nông mà mấy mươi năm Ông cùng vợ con bươn chải khai hoang để tự túc từ những ngày kháng chiến chống Pháp cho đến cuối đời, việc chăm nom vườn tược, dựng nhà, sửa sang nhà cửa với Ông như là giải lao cho đầu óc. Trong khu vườn tạp có mấy gốc bưởi, gốc mận, gốc na,gốc mit, gốc nhãn…, mấy người con cứ buồn cười thấy Ông buổi sáng xếp mấy đống củi dưới gốc mít, chiều đã thấy Ông chuyển sang gốc đào. Mà ngày nào Ông cũng làm như một động tác tập thể dục.

Buổi chiều 2-5-1982 ấy, sau đợt đi giúp Trại sáng tác ở Hải Phòng về, Ông cùng cô con gái nhào đất đắp lại bức tường đất bị chuột đào. Xong việc, Ông bảo cô con gái đi làm một việc gì đó. Khi Cô trở về, thì thấy Ông đã nằm trong nhà ngừng thở. Nhận tin Ông mất, Văn Nghệ Quân đội cử một đoàn lên viếng. Tôi được cùng đi với nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Nguyễn Thị Như Trang… 

Tiếp chúng tôi, cùng nhiều đoàn khác, nhà văn Kim Lân, người bạn thân thiết, gần gũi của gia đình mới cho biết: ngày Ông mất, trong nhà không còn một hạt gạo, một đồng tiền nào. Khâm liệm cho Ông cũng không có lấy một bộ áo quần cho tử tế. Chính quyền, đoàn thể đã kịp thời chi viện để có vật chất cho tang lễ. Đêm đó, đoàn nhà văn quân đội ngủ lại để sáng mai đưa tang sớm.

Các nhà văn đàn anh và mấy học trò trực tiếp của Ông kể lại biết bao nhiêu mẫu chuyện thật đã thành giai thoại thể hiện nhân cách và tấm lòng thơm thảo của người vừa nằm xuống. Dẫu khi còn sống, Ông không muốn, nhưng tang lễ vẫn có kèn trống của phường bát âm của làng, gồm phần nhiều những người không lành lặn. Chiếc xe tang cũ kỷ, rã nát, lấm đầy bùn đất đưa Ông ra nghĩa trang phải ghì níu lại trên con đường gập ghềnh xuống dốc. 

Bảy người đàn bà khăn mỏ quạ đen, răng den hạt nhãn, cầm cờ phướn dẫn đường. Mộ Ông được đặt trong khu nghĩa trang của hợp tác xã trong một chân ruộng thấp. Thấy ái ngại, tôi nói với Đỗ Chu, sao không đặt mộ Nhà văn trên triền đồi, một vị trí thoáng đẹp. Đỗ Chu vặc lại: Vậy cái huyệt đã đào sẳn kia,ai sẽ nằm thế vào? Chủ trì lễ tang cho Nhà văn lớn hạng nhất của đất nước là một cán bộ của Hợp tác xã Ấp Cầu Đen. 

Trong các tác phẩm của mình, nhà văn của những người nghèo khổ đã tả về nhiều cái chết, nhiều đám tang. Nhưng chưa có một đám tang nào như đã, với Nguyên Hồng. 36 năm đã qua, tôi như còn nghe văng vẳng lời khóc hời và kể lễ của cô con gái là cô giáo làng: ”Cha lừa con, cha dối con. Cha xua con đi để ở nhà cha chết một mình”. Không di chúc, không trăn trối, Nhà văn Nguyên Hồng đã nhẹ nhàng rời khỏi trần gian mà Ông nặng lòng yêu mến.Phải mấy năm sau, mộ Ông mới được đưa về một góc đồi gần ngôi nhà xưa của gia đình.

Kỷ niệm 100 sinh của Nhà văn, khá nhiều nhà văn tiễn Ông ngày ấy cũng đã về theo Ông. Ôn lại chút ký ức về tang lễ của Nhà văn - Người Hiệp sĩ một đời dùng văn chương để viết về những kiếp ngườì nghèo khổ, để bảo vệ những người nghèo khổ bị thua thiệt, tôi nghĩ chính là dịp để chúng ta đánh thức trong đội ngũ người cầm bút hôm nay, ý thức về vai trò Nhà văn và trách nhiệm của ngòi bút. Một trong những lời đó là: ”Nguyên nhân của nạn hửu sinh vô dưỡng trong sự sáng tạo của những tác phẩm, căn nguyên là tiên thiên bất túc, là vốn sống nghèo cỗi, nhưng cũng còn cả vì viết quá dễ dàng và lười biếng.”

23-10-2018
NGÔ THẢO
http://www.viet-studies.net/NgoThao_NguyenHong.html
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 9-11-18

Tên thật của ông là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918 tại Vụ Bản, Nam Định[1]. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, mồ côi cha, ông từ nhỏ theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo.
Nguyên Hồng ham đọc sách từ nhỏ. Ông thường dành tiền thuê sách để đọc và dường như đọc hết những quyển sách mình thích ở cửa hàng cho thuê sách tại Nam Định. Loại sách Nguyên Hồng thích thuở nhỏ là truyện lịch sử Trung Hoa, trong đó những nhân vật có khí phách ngang tàng, trung dũng, những hảo hán chiếm cảm tình của ông nhiều nhất.
Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn "Linh Hồn" đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Đến năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết "Bỉ Vỏ". Tiểu thuyết "Bỉ vỏ" là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những "con người nhỏ bé dưới đáy" như Tám BínhNăm Sài Gòn...
Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang) năm 1940. Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam CaoTô HoàiNguyễn Huy Tưởng... Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957.
Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là "Núi rừng Yên Thế" được viết năm 1980.
Nguyên Hồng qua đời ngày 2 tháng 5 năm 1982 tại Tân Yên (Bắc Giang). Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Các tác phẩm tiêu biểu[sửa | sửa mã nguồn]

  • Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938)
  • Bảy Hựu (truyện ngắn, 1941);
  • Những ngày thơ ấu (hồi ký, đăng báo lần đầu năm 1938, xuất bản năm 1940);
  • Qua những màn tối (truyện, 1942);
  • Cuộc sống (tiểu thuyết, 1942),
  • Quán nải (tiểu thuyết, 1943);
  • Đàn chim non (tiểu thuyết, 1943);
  • Hơi thở tàn (tiểu thuyết, 1943);
  • Hai dòng sữa (truyện ngắn, 1943);
  • Vực thẳm (truyện vừa, 1944);
  • Miếng bánh (truyện ngắn, 1945);
  • Ngọn lửa (truyện vừa, 1945);
  • Địa ngục và lò lửa (truyện ngắn, 1946- 1961);
  • Đất nước yêu dấu (ký, 1949);
  • Đêm giải phóng (truyện vừa, 1951);
  • Giữ thóc (truyện vừa, 1955);
  • Giọt máu (truyện ngắn, 1956);
  • Trời xanh (thơ, 1960)
  • Sóng gầm (tiểu thuyết, 196l);
  • Cửa biển (bộ tiểu thuyết 4 tập: 1961, 1967, 1973, 1976)
  • Sức sống của ngòi bút (tạp văn, 1963);
  • Cơn bão đã đến (tiểu thuyết, 1963);
  • Bước đường viết văn của tôi (hồi ký, 197l);
  • Cháu gái người mãi võ họ Hoa (truyện thiếu nhi, 1972),
  • Thời kỳ đen tối (tiểu thuyết, 1973);
  • Một tuổi thơ văn (hồi ký, 1973);
  • Sông núi quê hương (thơ, 1973);
  • Khi đứa con ra đời (tiểu thuyết, 1976);
  • Những nhân vật ấy đã sống với tôi (hồi ký, 1978);
  • Thù nhà nợ nước (tập I, trong bộ tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế, 1981);
  • Núi rừng Yên Thế (tiểu thuyết, tập II, 1993);
  • Tuyển tập Nguyên Hồng (3 tập Tập I: 1983, Tập II: 1984, Tập III: 1985).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét