Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

D. Trump tiết lộ tình trạng tâm thần của người Việt (?)

Bài này (và nhiều bài khác được bạn đọc gửi cho qua email). Mình rất thích D. Trump nên không đồng tình với bài này. Nhưng bài này có nhiều đoạn rất hay, ví dụ: "Những người bầu cho ông Trump, bởi vì họ không ủng hộ Trump vì những lý do mà họ nêu ra, họ ủng hộ Trump để phản đối một trật tự quốc gia và thế giới làm họ tức giận vì đang gạt họ và những giá trị mà họ trân trọng ra ngoài lề. Cuộc cách mạng 4.0 đã khiến quá nhiều người trở thành vô dụng và lạc lõng trong một đất nước mà họ đã góp công xây dựng ra và cảm thấy có quyền đòi lại. Đối với họ không thể lý luận rằng hành động của Trump có lợi hay có hại cho nước Mỹ và thế giới bởi vì nước Mỹ này và thế giới này không còn là của họ nữa."; "Đặc tính chung của các lãnh tụ dân túy, ngày nay cũng như ngày xưa, là họ đều lợi dụng một sự phẫn nộ có thực và chính đáng để đề nghị một giải pháp giản dị nhưng độc hại cho một thực tế xã hội phức tạp cần được xét lại một cách thận trọng để cải tiến. Vấn đề trung tâm hiện nay là thế giới dân chủ dần dần lẫn lộn các giá trị và không còn phân biệt được phải trái.". Mình hơi sốc vì đoạn kết của bài: "Donald Trump đồng thời cũng tiết lộ về tình trạng tâm thần của người Việt. Một thăm dò dư luận cách đây không lâu cho thấy người Việt Nam là một trong một vài dân tộc rất hiếm hoi tại Châu Á ủng hộ Trump, không những thế người Việt Nam còn ủng hộ với một đa số áp đảo. Một cuộc thăm dò khác mới đây tại Mỹ cho thấy là 2/3 người Mỹ gốc Châu Á chống Trump trong khi 2/3 người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump. Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt Nam chúng ta quả là không giống ai. Phải chăng đó chính là lý do khiến chúng ta không vươn lên được ?". Như thế thì mình cũng bị tâm thần rồi.
Những tiết lộ của Donald Trump
LGT.- Như chúng tôi đã nói, báo Mỹ và thế giới viết về "hiện tượng Trump" quá nhiều và những bài quan trọng đã được các cơ quan truyền thông trong nước dịch ra và phổ biến rộng rãi, nhờ vậy người trong nước biết về nước Mỹ chính xác hơn. Trong khi đó các cơ quan truyền thông hải ngoại ít khi dịch và phổ biến những bài đó vì sợ "chạm nọc",có thề bị "chọi đá đường rầy xe lửa" về tội "chống phá Nhà nước". Tuy nhiên, lâu lâu cũng có người "xé rào", một trong những người đó là ông Nguyễn Gia Kiểng ở Paris. Báo Thông Luận số ra ngày 5.11.2018 có đăng bài "Những tiết lộ của Donald Trump" của ông. Đây là một bài tổng hợp rất khéo léo cách nhìn của các chuyên gia, thêm vào ý kiến của ông. Xin giới thiệu với độc giả.
Image result for hiện tượng Trump
Nguyễn Gia Kiểng 05/11/2018 - Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có gần 80% người Châu Âu và một tỷ lệ gần như thế tại các nước dân chủ khác khinh bỉ Trump. Cái nhìn trìu mến của thế giới dành cho nước Mỹ đã nhường chỗ cho cái nhìn ngao ngán đối với một dân tộc có thể bầu một người như Trump lên làm tổng thốngDù chắc chắn Trump sẽ không được tái cử năm 2020 sự kính trọng của thế giới đối với Mỹ đã mất và không thể phục hồi hoàn toàn, như một ly nước đã đổ xuống đất.
***
Ngày mai Mỹ sẽ có cuộc bầu cử chính giữa nhiệm kỳ tổng thống, bầu lại Hạ viện và 1/3 Thượng viện. Theo các cuộc thăm dò dư luận thì Đảng Dân Chủ sẽ giành được một đa số khít khao trong Hạ viện nhưng Đảng Cộng Hòa, hiện đang kiểm soát cả hai viện, vẫn giữ được đa số trong Thượng viện. Nếu như thế, và ngay cả nếu Đảng Dân Chủ được một đa số đáng kể hơn trong Hạ viện, thì có thể coi cuộc bầu của này là bình thường chứ không phải là một thất bại của Donald Trump. Có điều là lần này phải coi chừng, điều quan trọng và nghiêm trọng nhất có thể chính là điều bình thường.

Hiện tượng Trump
Cá nhân tôi nghĩ đa số dân chủ trong Hạ viện mới sẽ khá hơn dự đoán bởi vì nhiều người chống Trump sẽ cảm thấy có bổn phận phải đi bầu, Đảng Đân Chủ có thể hơn Đảng Cộng Hòa trên 40 ghế trong Hạ viện, nhưng ngay cả như thế cũng không phải là thất bại cho Donald Trump. Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ từ trước tới nay vẫn thường bất lợi cho đảng cầm quyền và mặt khác kết quả tại các địa phương tùy thuộc ở uy tín của các ứng cử viên hơn là cảm tình mà cử tri dành cho tổng thống trừ khi sự ủng hộ hay phản đối tổng thống quá mạnh. Trump chỉ có thể bi coi là thất bại nếu Đảng Cộng Hòa thảm bại, thí dụ như thua xa tại Hạ viện và mất luôn đa số tại Thượng viện, nhưng điều này rất khó xẩy ra. Trump có một khối cử tri khá lớn ủng hộ ông đến cùng và bằng mọi giá.
Không phải người ta không có lý do lớn nào để phản đối Trump. Trái lại người ta có rất nhiều lý do rất chính đáng và rất nghiêm trọngÔng là một người dối trá và vô đạo đức, đi chơi gái rồi trả tiền để mua sự im lặng và hoàn toàn không biết xấu hổ. Ông không hề quan tâm tới những giá trị dân chủ và nhân quyền, ông ca tụng Putin và Kim Jong-un, coi Châu Âu là kẻ thù của nước Mỹ, mạt sát và đối xử tàn bạo với những người di dân muốn tới Mỹ để tìm một cuộc sống mới cho họ và cho con cái. Từ chối những người di dân là điều có thể hiểu được, đối xử với họ như Trump là một điều rất khác. Một người có tâm hồn sạch sẽ không thể chấp nhận phong cách đó.
Trump cũng thiếu ngay cả những kiến thức cơ bản phải có của một người lãnh đạo chính trị. Ông rút khỏi thỏa ước COP21 về khí hậu mà Mỹ đã ký với cả thế giới và rút ra với những lời lẽ rất khiếm nhã. Ông đòi phục hồi kỹ nghệ than mà không biết rằng kỹ nghệ này đàng nào cũng không thể phục hồi. Ông bất chấp lẽ phải và dư luận khiêu khích và biến cả khối Ả Rập thành thù địch với Mỹ làm phí uổng không biết bao nhiêu cố gắng ngoại giao, chỉ để lấy lòng Israel. Trump không chỉ nói những câu vô duyên thô lỗ mà còn nói không đúng nơi, thí dụ như huênh hoang khoe rằng trong hai năm ông đã làm được nhiều hơn tất cả mọi tổng thống trong lịch sử nước Mỹ trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, làm cả hội trường phải phì cười. Thật xấu hổ cho nước Mỹ.
Những người ủng hộ Trump không thể phủ nhận ông thiếu kiến thức, đạo đức và văn hóa, những yếu tố đáng lẽ phải đủ để khiến một người phải bị loại bỏ tức khắc và không nể nang khỏi mọi vai trò lãnh đạo chính trị, nhưng họ bất chấp. Họ biện bạch rằng ông đã đạt được những kết quả tốt.
Nhưng kết quả nào? Kết quả rõ nét nhất là ông đã gây thiệt hại cho cả thế giới, buộc tất cả mọi quốc gia, kể cả Mỹ, phải điều chỉnh lại những tiên liệu về tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng sút giảm, đã làm liên minh Châu Âu – Mỹ - Nhật gần như tan rã, đã khiến Mỹ bị cô lập và thù ghét, đã khiến các chế độ bạo ngược tại Nga, Trung Quốc, Venezuela và Việt Nam trở thành bớt ghê tởm. Trái với khẩu hiệu Make America great again của ông, Donald Trump đã làm nước Mỹ cô lập, yếu đi và nhỏ lại.
Khó có thể thuyết phục những người ủng hộ Trump một cách cuồng nhiệt, chiếm quá phân nửa tổng số người bầu cho ông, bởi vì họ không ủng hộ Trump vì những lý do mà họ nêu ra, họ ủng hộ Trump để phản đối một trật tự quốc gia và thế giới làm họ tức giận vì đang gạt họ và những giá trị mà họ trân trọng ra ngoài lề. Cuộc cách mạng 4.0 mà chúng ta đang sống hàng ngày đã khiến quá nhiều người trở thành vô dụng và lạc lõng trong một đất nước mà họ đã góp công xây dựng ra và cảm thấy có quyền đòi lại. Đối với họ không thể lý luận rằng hành động của Trump có lợi hay có hại cho nước Mỹ và thế giới bởi vì nước Mỹ này và thế giới này không còn là của họ nữa.
Trump không phải là hiện tượng riêng của nước Mỹ. Ông chỉ là một trong những biểu tượng của một phong trào dân túy toàn cầu phẫn nộ trước một phong trào toàn cầu hóa không phương hướng. Nó không chỉ đưa Trump lên cầm quyền tại Mỹ mà còn đưa Erdogan lên cầm quyền tại Turkey, Duterte tại Philippines và cách đây vài ngày Bolsonaro tại Brazil. Nó cũng đã đưa nhiều đảng dân túy tới ngưỡng cửa quyền lực tại nhiều nước dân chủ khác. Đặc tính chung của các lãnh tụ dân túy, ngày nay cũng như ngày xưa, là họ đều lợi dụng một sự phẫn nộ có thực và chính đáng để đề nghị một giải pháp giản dị nhưng độc hại cho một thực tế xã hội phức tạp cần được xét lại một cách thận trọng để cải tiến.
Vấn đề trung tâm hiện nay là thế giới dân chủ dần dần lẫn lộn các giá trị và không còn phân biệt được phải trái. Trong chiến tranh lạnh –từ sau thế chiến II đến khi bức tường Berlin sụp đổ- ít ra còn có tranh luận giữa hai phe dân chủ và cộng sản về thế nào là đúng hay sai trong tổ chức xã hội, nhưng từ ba thập niên qua, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, cuộc thảo luận này đã chấm dứt. Chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) tự coi là đã toàn thắng không còn gì để thảo luận nữa và chính trị đã xuống cấp. Đồng tiền trở thành cứu cánh thay vì phương tiện. Và những Trump, Erdogan, Duterte, Bolsonaro xuất hiện. Họ không phải là giải pháp mà chỉ là những mối nguy, các giá trị đạo đức và nhân bản cần được phục hồi chứ không thể bị gạt đi. Nhưng họ cũng đồng thời là những tiếng còi báo động.

Những gì đang và sắp diễn ra ?
Thay đổi lớn và nghiêm trọng mà cuộc bầu cử ngày mai tại Mỹ sẽ chính thức xác nhận, trừ khi có một bất ngờ rất lớn, nghĩa là Trump và Đảng Cộng Hòa thua rất nặng, là Mỹ không còn là nước lãnh đạo khối các nước dân chủ nữa. Trump và những người "cuồng Trump" không muốn Mỹ đảm nhiệm vai trò này, hay chỉ chấp nhận đảm nhiệm mà không có trách nhiệm với bất cứ ai, nhưng bây giờ thì chính thế giới cũng không còn chấp nhận để Mỹ đảm nhiệm vai trò này nữa.
Sự kiện cần được lưu ý để hiểu những gì đang và sắp diễn ra là cho tới nay thế giới và nhất là Châu Âu yêu nước Mỹ và người Mỹ, dù đôi khi có chế nhạo để đùa giỡn trên một vài điểm. Đặc biệt là Châu Âu do quan hệ chủng tộc, văn hóa và lịch sử. Châu Âu yêu Mỹ và áp đặt tình yêu này lên thế giới. Người Châu Âu nhìn nước Mỹ như một phần của chính quê hương mình, như một ước mơ và một cơ hội. Họ nhìn người Mỹ như một người anh em năng động và tốt bụng. Người Mỹ là một người Âu đã ra đi và người Âu là một người Mỹ chưa lên đường. Một thanh niên Châu Âu sau khi được đào tạo một cách rất tốn kém tại những trường đại học danh tiếng nhất có thể thoải mái sang lập nghiệp tại Mỹ và trở thành công dân Mỹ mà không hề cảm thấy như vậy là bội bạc với đất nước đã nuôi nấng và đào tạo ra mình. Gia đình và bè bạn cũng tuyệt đối không có cảm giác đó và rất vui vẻ chúc anh ta may mắn. 
Chính vì liên hệ tình cảm này mà Châu Âu đã góp phần quyết định tạo ra sức mạnh và sự giầu có của nước Mỹ, và ngược lại Mỹ đã hai lần hy sinh xương máu để bảo vệ Châu Âu. Trong trao đổi phải nói là Châu Âu, mặc dù hai cuộc thế chiến và chương trình Marshall, đã đóng góp cho Mỹ hơn hẳn Mỹ cho Châu Âu. Riêng trao đổi chất xám thì chỉ có một chiều từ Châu Âu qua Mỹ. Người ta có thể thấy là phần lớn những phát minh lớn của Mỹ đã do những người di dân từ Châu Âu, hay có cha mẹ là những người di dân từ Châu Âu. Donald Trump không nhìn thấy điều này khi nói Châu Âu là kẻ thù của Mỹ.
Chính quan hệ máu thịt này đã khiến Châu Âu chấp nhận và ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ để bảo vệ một trật tự dân chủ, lôi kéo theo Nhật, Canada, Úc và nhiều quốc gia khác. Nhưng ngày nay, với Trump làm tổng thống Mỹ, cái nhìn của Châu Âu và thế giới, về nước Mỹ đã thay đổi. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có gần 80% người Châu Âu và một tỷ lệ gần như thế tại các nước dân chủ khác khinh bỉ Trump. Cái nhìn trìu mến đã nhường chỗ cho cái nhìn ngao ngán đối với một dân tộc có thể bầu một người như Trump lên làm tổng thống. Dù chắc chắn Trump sẽ không được tái cử năm 2020 sự kính trọng của thế giới đối với Mỹ đã mất và không thể phục hồi hoàn toàn, như một ly nước đã đổ xuống đất.
Trật tự thế giới sẽ ra sao? Có còn một trật tự đân chủ nào không hay từ nay các chế độ độc tài bạo ngược sẽ tha hồ chà đạp nhân quyền? Đó là những câu hỏi lớn, rất lớn.
Thế giới đang bước vào một giai đoạn đầy bất trắc nhất là khi Trung Quốc của Tập Cận Bình vừa đang lộng hành vừa đang tiến sát tới một cuộc khủng hoảng kinh tế rất lớn và có thể có những hành động điên rồ. Trái với ngộ nhận của nhiều người, Trung Quốc không hề khốn đốn vì cuộc "chiến tranh thương mại" mà Trump gây ra. Thuế của Trump trên hàng nhập khẩu cùng lắm chỉ gây thiệt hại tối đa 62 tỷ USD, thực sự có lẽ vào khoảng 40 tỷ, cho Trung Quốc. Không thấm tháp gì so với số tiền gần 1.000 tỷ USD mà Trung Quốc phải trả hàng năm cho tiền lãi của món nợ khổng lồ trên 30.000 tỷ USD, hay khoảng 500 tỷ USD đào thoát khỏi Trung Quốc mỗi năm. Kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp không phải vì Trump mà mặc dù có Trump.
Tuy vậy không nên đổ hết trách nhiệm cho Donald Trump. Ông chỉ là sản phẩm của một tiến trình xuống cấp về tư tưởng và đạo đức chính trị đã bắt đầu từ ba thập niên qua tại Mỹ. Trump chỉ tiết lộ và báo động rằng sự xuống cấp này đã đạt tới mức độ nguy kịch.

Trump và người Việt
Donald Trump đồng thời cũng tiết lộ về tình trạng tâm thần của người Việt. Một thăm dò dư luận cách đây không lâu cho thấy người Việt Nam là một trong một vài dân tộc rất hiếm hoi tại Châu Á ủng hộ Trump, không những thế người Việt Nam còn ủng hộ với một đa số áp đảo. Một cuộc thăm dò khác mới đây tại Mỹ cho thấy là 2/3 người Mỹ gốc Châu Á chống Trump trong khi 2/3 người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump.
Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt Nam chúng ta quả là không giống ai. Phải chăng đó chính là lý do khiến chúng ta không vươn lên được ?
Nguyễn Gia Kiểng
(05/11/2018)

2 nhận xét:

  1. Món này ngán lắm rồi , đừng dọn lên nữa !

    Trả lờiXóa
  2. đúng,người việt cần ,kẻ thù của kẻ thù là bạn.Trump dám dơ nắm đấm về phía trung cộng ,chỉ thế là đủ...

    Trả lờiXóa