Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Đằng sau “đỉnh tăng trưởng” là gì?

Đằng sau “đỉnh tăng trưởng” là gì?
6/11/2017 (TBKTSG) - Còn hai tháng nữa mới hết năm, nhưng con số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay dường như đã “an bài”, nếu nhìn trên mặt báo. Gỡ bỏ mọi dấu hỏi thể hiện sự dè dặt thường thấy trong các bài viết, nhiều cơ quan truyền thông khẳng định tăng trưởng sẽ chạm mức 6,7% - không những đạt kế hoạch đã đề ra mà còn sẽ thiết lập “đỉnh tăng trưởng” mới trong những năm gần đây.
Dĩ nhiên, đây là kết quả đáng mừng khi nền kinh tế Việt Nam còn phải đối đầu với hàng loạt khó khăn. Tuy nhiên, tác động của con số 6,7% - ít nhất là về mặt tinh thần, nhằm tạo ra niềm hứng khởi trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp - vẫn còn chưa rõ.

Không thể phủ nhận nỗ lực của các chủ thể trong nền kinh tế dưới sự lèo lái của Chính phủ đã cùng nhau tạo được mức tăng trưởng rất ấn tượng trong năm nay. Các nỗ lực như thế, trong một chừng mực nào đó, lại gợi ra hình ảnh một người leo núi đang cố hết sức chinh phục một mỏm núi cao. Cuối cùng, nỗ lực hết mình cũng giúp người này vượt qua được nó. Nhưng mỏm núi đầy thách thức này vẫn chưa phải là đỉnh núi và trước mặt người này vẫn là nhiều mỏm núi khác cao hơn nhiều. Xét bối cảnh hiện nay, trong số những vấn đề cấp bách nhất, đâu là ưu tiên số 1 của nền kinh tế Việt Nam?

Đó là thâm hụt ngân sách - nợ công tăng cao, và gắn liền với nó là việc tăng chi tiêu quá mức, nhất là chi thường xuyên. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh(*), trong giai đoạn 2005-2015, so với mức 8,5% tăng trung bình của thu ngân sách, chi thường xuyên tăng 10%, chi trả lãi nợ tăng 19,3%. Năm 2009, chi thường xuyên chỉ chiếm 49,3% tổng chi ngân sách, nhưng con số này vọt lên 61,5% năm 2015 và 73% trong chín tháng đầu năm nay.

Nói cách khác, chúng ta đã vung tay quá trán và “thói quen” đó vẫn chưa được khắc phục. Khi đề cập đến vấn đề này, người dân không thể không nghĩ đến trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan theo luật định nắm giữ tay hòm chìa khóa cho ngân sách và công sản quốc gia.

Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) quy định rõ ràng rằng Quốc hội quyết định dự toán NSNN - trong đó bao gồm chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư phát triển, bội chi NSNN. Luật cũng quy định Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN và giám sát việc thực hiện NSNN. Kỳ họp cuối năm của Quốc hội sẽ xem xét kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đây là dịp để các đại biểu mổ xẻ vấn đề một cách thẳng thắn nhằm đưa ra được biện pháp khắc phục khả thi. Nhiệm vụ giảm bội chi NSNN, trong đó kế hoạch cụ thể để giảm chi - chứ không phải tăng thu - phải được xem là cấp bách. Nước đã đến chân, không thể chần chờ được nữa.

Thực ra, 6,7% không phải là con số cao nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam, chẳng hạn năm 1995, tăng trưởng đạt 9,54%. Tăng trưởng kinh tế cao là điều tốt nhưng tốt hơn vẫn là chất lượng để có tăng trưởng bền vững. Nhìn sang năm 2018 đã gần kề, giảm bội chi ngân sách, giảm chi thường xuyên là một trong những biện pháp đầu tiên phải làm để chúng ta có được tăng trưởng chất lượng nhằm vươn đến những đỉnh tăng trưởng cao hơn.

----------------

(*) Xem bài Cạn kiệt không gian tài khóa và hệ lụy vĩ mô, TBKTSG ra ngày 26-10-2017, trang 12

http://www.thesaigontimes.vn/166163/Dang-sau-dinh-tang-truong-la-gi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét