Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm

Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm
Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm là phong trào được cho là có xu hướng chính trị, đòi thi hành tự do của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc, dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức kết thúc vào tháng 6 năm 1958Vào thời kỳ đổi mới, nhiều nghệ sĩ từng tham gia Nhân Văn-Giai Phẩm đã được phục hồi danh dự và được phong tặng các giải thưởng quan trọng, nhưng một số đã qua đời.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem đây là phong trào chống chính quyền của một nhóm trí thức do bị tình báo nước ngoài được cài ở miền Bắc lôi kéo, nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo Chính trị và Nhà nước duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam.
Tháng 2/1955, khoảng 30 văn nghệ sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam viết “Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá”, bao gồm ba đề nghị: 1) trao sự lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ; 2) thành lập một hội văn nghệ bên trong cơ cấu văn nghệ quân đội; 3) bãi bỏ cơ chế quân đội kiểm soát văn nghệ sĩ phục vụ trong quân đội. Cùng thời điểm đó, nhà thơ Trần Dần dẫn đầu khoảng 20 văn nghệ sĩ đến gặp tướng Nguyễn Chí Thanh, người đứng đầu Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, để đề nghị ba yêu cầu tập trung vào tự do sáng tạo cho giới văn nghệ sĩ. Đề nghị chính trị này bị tướng Nguyễn Chí Thanh từ chối. Ông lên án các trí thức quân đội rằng hành động của họ “chứng tỏ ý thức hệ tư bản đã bắt đầu tấn công các đồng chí”.[1]
Tháng 2/1956, Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức đại hội lần thứ 20. Trong đại hội này Nikita Khrushchev đọc báo cáo Về sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó còn Trung Quốc công bố chính sách Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Tháng 4/1956, phó Thủ tướng thứ nhất của Liên Xô, đến Bắc Kinh và Hà Nội để giới thiệu đường lối mới của Liên Xô. Giới trí thức tại Việt Nam hăm hở tìm đọc diễn văn của Lục Định Nhất cổ vũ Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng.[1]
Tại Hội nghị của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội từ cuối tháng 7/1956 đến đầu tháng 8/1956, các đại biểu của ủy ban phê phán nhiều chính sách của Đảng, từ việc thiếu thực phẩm đến thuế. Hội nghị của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật miền Bắc (1/8 đến 18/8) với chừng 300 đại biểu, nhằm học tập Đại hội 20 của Liên Xô và chính sách văn hoá mới của Trung Quốc đưa ra 5 đòi hỏi, trong đó có việc dịch và công bố Chính sách Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng của Trung Quốc.[1]
Tháng 8/1956, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chính sách mới với trí thức nhấn mạnh đoàn kết, tin tưởng và hợp tác với trí thức chứ không nói đến cải tổ. Việt Nam gửi đại diện sang Trung Quốc theo dõi phong trào Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp từ đầu tháng Chín và kéo dài đến cuối tháng Mười. Sau hội nghị, Đảng ra tuyên bố công khai thừa nhận các sai lầm trong chiến dịch cải cách ruộng đất và một số lĩnh vực khác. Tổng bí thư Đảng Trường Chinh cùng với Thứ trưởng Nông lâm Hồ Viết Thắng từ chức. Ngày 30/10/1956, Đài phát thanh Hà Nội tường thuật về Hội nghị 10, nói rằng dân chủ hoá và cải thiện đời sống nhân dân nay là hai trọng tâm đầu tiên của Đảng, trong khi việc thống nhất đất nước từ số một chuyển xuống số ba.[1]
Những thay đổi lớn này tại Việt Nam và tình hình quốc tế cho phép các trí thức Việt Nam thực hiện Phong trào Nhân văn - Giai phẩm, một giai đoạn ngắn độc đáo từ tháng 8/1956 đến tháng 11/1956.[1]
Cơ quan ngôn luận của phong trào này là Nhân Văn, một tờ báo văn hóa, xã hội, có trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội, do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy làm thư ký toà soạn, cùng với tạp chí Giai Phẩm, hình thành nên nhóm Nhân Văn–Giai Phẩm.
Trong tạp chí Giai phẩm Mùa xuân được ấn hành tháng 1 năm 1956, do nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương, về sau bị tịch thu, có bài Nhất định thắng của Trần Dần, miêu tả hoàn cảnh đời sống miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những ngày đầu đất nước chia cắt, tác giả bài thơ bị quy là chống phá, "bôi đen" chế độ, với những câu thơ [2]:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Tháng 8 năm 1956Phan Khôi có bài "Phê bình lãnh đạo văn nghệ", đăng trong Giai phẩm Mùa thu.
Trong số ra mắt ngày 20 tháng 9 năm 1956, bán nguyệt san Nhân Văn đã đăng ngay trên trang nhất bài "Chúng tôi phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ". Người được phỏng vấn đầu tiên là luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Ông nêu hai nguyên nhân khiếm khuyết về dân chủ thời bấy giờ:
  1. Đảng viên Lao động và cán bộ thi hành chính sách thiếu tinh thần dân chủ. Do đó xa lìa quần chúng, và tạo ra tình trạng đối lập quần chúng với mình. Để sửa đổi, cần xây dựng quan điểm quần chúng cho đảng viên và cán bộ, và yêu cầu Trung ương Đảng và Chính phủ đảm bảo sự thi hành triệt để các tự do dân chủ.
  2. Quần chúng chưa thấm nhuần tinh thần chủ nhân trên đất nước, do đó chưa tranh đấu đòi thực hiện dân chủ. Để sửa chữa, ta cần xây dựng ý thức dân chủ cho quần chúng.
Loạt bài được dự định tiếp tục với bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà sử học Đào Duy Anh, nhà văn Nguyễn Đình Thi... nhưng cho đến số cuối cùng được ra mắt là số 5, ngày 20 tháng 11 cùng năm, Nhân Văn chỉ có thể công bố bài phỏng vấn Đặng Văn Ngữ và Đào Duy Anh.
Nhân văn số 3 ra ngày 15 tháng 10 đăng bài của Trần Đức Thảo về mở rộng dân chủ, phát triển phê bình trong nhân dân. Trần Duy cũng góp tiếng nói đấu tranh cho tự do dân chủ trong Nhân văn số 4 ra ngày 5 tháng 11 năm 1956. Trong số cuối cùng, số 5 báo Nhân vănNguyễn Hữu Đang nhận xét về những điều bảo đảm tự do dân chủ trong Hiến pháp Việt Nam 1946và so sánh với tình hình thực tế lúc bấy giờ.
Trong thời gian này, một loạt các vụ biểu tình đã biến thành bạo động ở Đông Âu (như cuộc nổi dậy Posener ở Ba Lan, cuộc cách mạng Hungary năm 1956, cuộc thảm sát Tiflis 1956), cũng như tình hình miền Nam Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp, gây lo ngại cho Đảng Lao động Việt Nam. Trong khi đó, báo Nhân văn số 6 có bài kích động kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình. Song Đảng viên, công nhân nhà in Xuân Thu (nơi tin báo Nhân văn) đã phát hiện ra và thông báo với chính quyền để xử lý. Ngày 15 tháng 12 năm 1956, Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Số 6 không được in và phát hành[3].
Tổng cộng Nhân Văn ra được 5 số báo và Giai Phẩm ra được 4 số báo (Tháng Ba, Tháng Tư, Tháng Mười và Tháng Chạp 1956) trước khi phải đình bản.
Sau đó, hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm phải tham gia học chỉnh huấn vì có tư tưởng bị xem là trái với đường lối của Đảng Lao động Việt Nam. Một số phải ngừng sáng tác một thời gian dài: Lê Đạt, Trần Dần, số khác không tiếp tục con đường sự nghiệp văn chương, thậm chí có người bị tuyên án tù, bị giam giữ và tiếp tục bị giám sát trong nhiều năm sau khi mãn tù như trường hợp Nguyễn Hữu Đang. Dư luận chung thường gọi đây là "Vụ án Nhân Văn–Giai Phẩm".
Bị xử phạt nặng nhất là Thụy An và Nguyễn Hữu Đang. Bà Thụy An bị kết án tội là hoạt động gián điệp, cùng với đó là bài báo công kích "mụ phù thủy hiện nguyên hình rắn độc", bị kết án 15 năm tù cùng với Nguyễn Hữu Đang trong phiên tòa ngày 21/1/1960 tại Hà Nội. Đến năm 1973 hai người mới được ra tù nhưng bị quản thúc thêm một thời gian nữa.
Ngày 8/7/1957, chiến dịch chống phái hữu ở Trung Quốc bắt đầu. Trong ngày đó, Hồ Chí Minh ghé Bắc Kinh trên đường đi Bắc Triều Tiên, Liên Xô và Đông Âu. Trên đường quay về Việt Nam, vào cuối tháng 8/1957, Hồ Chí Minh một lần nữa ghé thăm Trung Quốc và gặp các lãnh đạo Trung Quốc lúc ấy đang bận rộn với chiến dịch chống phái hữu. Theo Trình Ánh Hồng (1 nhà nghiên cứu Trung Quốc), có lẽ ông đã bị ấn tượng mạnh về phong trào Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng và ý định cũng như chiến lược của Mao Trạch Đông nhằm buộc những người có quan điểm trái ngược với Đảng Cộng sản Trung Quốc lộ mình. Đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tình hình quốc tế cuối năm 1957 và đầu 1958 đã chuyển biến rất khác giai đoạn trước đó, đe dọa gây xáo trộn đất nước. Khoảng hai tuần sau khi trở về nước, Hồ Chí Minh dùng bút danh Trần Lực, đăng một bài trên báo Nhân dân ngày 16/9/1957 với tựa đề “Đập tan tư tưởng hữu khuynh”, lên án đó là tư tưởng độc hại và dễ lan tràn như cỏ dại, sau đó Phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm bị dập tắt.[1] Trước đó, một xã luận của báo Nhân dân ở Việt Nam có viết rằng: “Chúng ta không thể cho phép bất kỳ ai lợi dụng tự do dân chủ và tự do ngôn luận để tách rời nhân dân khỏi Đảng.”
Tháng 11/1957, tại Hội nghị Moskva của các đảng cộng sản thế giới, Trung Quốc hợp tác với Liên Xô lên án “khuynh hướng xét lại” trong phong trào cộng sản quốc tế[1].
Nhà văn Tố Hữu, khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, phụ trách về công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền được coi là người dập tắt phong trào Nhân Văn–Giai Phẩm. Trong cuốn Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958, mà ông là tác giả, Tố Hữu đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu như sau:
Lật bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm; (trg 9. Sđd).
Trong cái công ty phản động "Nhân Văn - Giai Phẩm" ấy thật sự đủ mặt các loại "biệt tính": từ bọn Phan KhôiTrần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương TửuTrần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu ĐangTrần DầnLê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ;. (trg 17. Sđd).
Báo cáo tổng kết vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm" cũng do Tố Hữu viết có kết luận về tư tưởng chính trị và quan điểm văn nghệ của phong trào Nhân Văn–Giai Phẩm như sau:
Những tư tưởng chính trị thù địch
  1. Kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản.
  2. Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo.
  3. Chống lại chuyên chính dân chủ nhân dân, chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa.
  4. Gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản, gãi vào đầu óc sô-vanh chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Những quan điểm văn nghệ phản động
  1. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, thực tế là phản đối văn nghệ phục vụ đường lối chính trị cách mạng của giai cấp công nhân. Chúng đòi "tự do, độc lập" của văn nghệ, rêu rao "sứ mạng chống đối" của văn nghệ, thực ra chúng muốn lái văn nghệ sang đường lối chính trị phản động.
  2. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối văn nghệ phục vụ công nông binh, nêu lên "con người" trừu tượng, thực ra chúng đòi văn nghệ trở về chủ nghĩa cá nhân tư sản đồi trụy.
  3. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" hằn học đả kích nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, nhất là văn nghệ Liên Xô, đả kích nền văn nghệ kháng chiến của ta. Thực ra, chúng phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng đòi đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa.
  4. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, chúng đòi "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ", thực ra chúng đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng.
Đảng lao động Việt Nam
Về phía Đảng Lao động Việt Nam, các tài liệu ghi rằng: trong bối cảnh phương Tây đang tiến hành gây rối loạn ở hệ thống xã hội chủ nghĩa, lực lượng tình báo nước ngoài đã kích động một bộ phận văn nghệ sĩ có chính kiến đối lập tạo nên phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. Ban đầu, Nhân Văn-Giai Phẩm chỉ phê phán những sai lầm, nhưng về sau dần chuyển sang phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam về Chính trị và Nhà nước thậm chí kích động kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình. Cuối năm 1956, vài người cầm đầu phong trào đã bộc lộ khuynh hướng chống chế độ ngày càng công khai. Sau các biến động trên thế giới, chính quyền quyết định chấm dứt Nhân Văn-Giai Phẩm. Qua đấu tranh, một số người trong nhóm "Nhân Văn-Giai Phẩm" đã tự kiểm điểm, tự phê bình và nhận những sai lầm, đồng thời tiếp tục rèn luyện tư tưởng chính trị. Một số bị xử lý hành chính do những sai phạm, chỉ có số ít hoạt động phạm pháp thì bị xử lý bằng pháp luật.

Ý kiến khác

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong nhật ký của mình, sau khi nhắc tới tên một số người trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm đã phê phán: “Bọn họ có người nói: "Đừng viết nữa, để dành cho trẻ viết. Vô luận một bài, một sáng tác nào của anh em mà họ gọi là “cây đa cây đề”, họ đều gạt đi, cho là tồi. Trong khi đó thì họ tâng bốc những bài của họ mà phần lớn là không ngửi được!” (trích nhật ký ngày 23-1-1956)[5].
Theo Phạm Khải, về sau, khi một số vụ việc trong quá khứ đã lùi xa, lợi dụng sự thiếu thông tin, một số người đã cố tình tung ra những cách đặt vấn đề làm lệch hướng nhận thức của các bạn đọc trẻ về Tố Hữu, nhằm phục vụ một mục đích “sâu xa” khác[5].

Dư âm của phong trào

Ngoài những nhân vật liên quan trực tiếp đến Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, dư âm của phong trào này kéo dài sang những năm kế tiếp. Tháng Hai năm 1957 Đảng Lao động cho thành lập một tổ chức mới là Hội Văn nghệ để tập hợp văn nghệ sĩ. Văn Cao được bầu làm hội trưởng. Hội đoàn này cho ra tạp chí Văn, số đầu tiên phát hành Tháng Năm 1957 nhưng được 37 số đến đầu năm 1958 thì bị đình bản. Bộ Chính trị ra quyết nghị đưa gần 500 văn nghệ sĩ đi chỉnh huấn và phải "tự kiểm điểm". Hơn 300 người còn phải ký tên cam kết chấp hành đường lối chính trị của đảng.[6]

Giải thưởng Nhà nước

Vào thời kỳ đổi mới, nhiều nghệ sĩ từng tham gia Nhân Văn-Giai Phẩm đã được phục hồi danh dự và được phong tặng các giải thưởng quan trọng, nhưng một số đã qua đời:
Trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 22 tháng 02 năm 2007, nhà thơ Hoàng Cầm tỏ ý buồn rằng các bạn cũ như Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung.... đã không còn sống để thấy giải thưởng hôm nay. Theo ông, thực tế là từ năm 1958 đến nay, tức là gần 50 năm, vụ Nhân Văn-Giai Phẩm mới "được giải tỏa", vì trước đó từ thời Đổi Mới, mọi thứ được bắt đầu phục hồi nhưng không công khai.[8] Cùng ngày, khi trả lời phỏng vấn báo điện tử VietnamNet, nhà thơ Lê Đạt nói: "Tôi nghĩ chuyện giải thưởng này như một câu của ông Đỗ Chu (thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học) đã phát biểu: "Có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh". Giải thưởng này là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không."[8][9]

Thư mục

  • "Trăm hoa đua nở trên đất Bắc" của Hoàng Văn Chí, Mặt Trận Bảo vệ Tự Do Văn Hoá, Sài Gòn, 1959.
  • "Bọn Nhân văn Giai phẩm trước toà án dư luận" nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1959.
  • "Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam - Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam" của Georges Boudarel(tiếng Pháp).
  • Nguyễn Mạnh Tường: hồi ký Un Excommunié - Kẻ bị khai trừ (tiếng Pháp); và tiểu thuyết Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm (tiếng Pháp).
  • “Nhân văn Giai phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc” của nhà phê bình văn học Thụy Khuê, nhà xuất bản Tiếng Quê Hương Virginia Hoa Kỳ, 2012.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_tr%C3%A0o_Nh%C3%A2n_V%C4%83n_-_Giai_Ph%E1%BA%A9m

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét