Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Những biến tưởng của BOT khiến dư luận bức xúc

Những biến tưởng của BOT khiến dư luận bức xúc
Từ một chủ trương đúng để thu hút nguồn vốn xã hội vào đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (Xây dựng – vận hành – chuyển giao), thời gian qua những biến tướng của BOT đã làm cho chủ trương này “méo mó”.

BOT QL5 phải "xả trạm" vì tắc nghẽn kéo dài
Những dự án nổi tiếng “lùm xùm”
Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, chủ trương xã hội hoá theo hình thức BOT để phát triển hạ tầng là đúng đắn. Tuy nhiên, cách thức triển khai thực hiện BOT thời gian qua đã tỏ rõ những yếu kém trong quản lý nhà nước khi để các doanh nghiệp “tự tung, tự tác” xây dựng tuyến đường này nhưng đặt trạm thu phí ở tuyến đường khác, bổ sung, sửa chữa một chút mặt đường là có thể thu phí như đường mới đầu tư xây dựng.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong những điển hình về chỉ định thầu. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Bộ GTVT thiếu cơ sở khi cho rằng đây là dự án cấp bách để trình Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ định nhà đầu tư.

Tương tự, dự án BOT QL6 cũng nhập nhằng thông tin và cuối cùng là chỉ định thầu. Điều này đã khiến chính những người dân hàng ngày đi qua tuyến đường này đều nghi ngờ tính minh bạch cũng như hiệu quả của dự án.

Tiếp đến là các Dự án khác như: QL3 Thái Nguyên - Bắc Kạn, dự án BOT QL1 Hà Nội - Bắc Giang, BOT QL51, BOT cầu Bến Thủy (Nghệ An), BOT cầu Rác (Hà Tĩnh), BOT QL6 (Lương Sơn, Hòa Bình), đến BOT Cai Lậy (Tiền Giang), BOT QL5…


Bức xúc của dân

Đưa tiền lẻ cho nhân viên khi qua trạm thu phí để phản ứng lại sự bất hợp lý về vị trí và giá của một số trạm thu phí là cách nhiều tài xế, chủ phương tiện thực hiện trong nhiều ngày qua tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Có những chủ phương tiện thậm chí đã đổi 22 triệu tiền chẵn lấy hơn 30 kg tiền lẻ để qua trạm dần.

Với họ, cực chẳng đã mới phải làm cách này bởi không ai muốn mất thời gian, gây kẹt xe khi đi qua trạm.

Được xem là cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, mỗi ngày Trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại. Theo tính toán của các cơ quan quản lý, hiện tại bình quân mỗi ngày ở trạm thu phí này thu được 1,9 tỷ đồng…

Ngay từ lúc bắt đầu thu phí đến nay, nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải đã bức xúc bởi sự vô lý khi nhà đầu tư chỉ thảm lại mặt đường cũ nhưng lại thu phí đến 1.500 đồng/km, cao tương đương đường cao tốc xây mới.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, nếu theo tính toán của các chuyên gia giao thông, với mức thu 1,9 tỉ đồng mỗi ngày thì chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi triển khai thu phí, tức là chỉ trong giai đoạn I thì dự án này đã có thể hoàn vốn. Vì vậy, cần dừng thu phí để kiểm toán lại dự án này một cách minh bạch.

“Người dân đang thắc mắc tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, anh đầu tư lẹt đẹt, thảm lại tí mặt đường, có làm gì đâu. Làm mới hẳn như cao tốc Nội Bài – Lào Cai, mới hẳn như Cầu Giẽ - Ninh Bình….thì chúng tôi chấp nhận, không thắc mắc gì cả, nhưng ông cơi nới 1 tí thôi rồi rải thảm lên, thu như thế là người ta thắc mắc, nghi ngờ về tính minh bạch”– CHỦ TỊCH HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ -

Những chiêu trò “ma quái” của BOT

Sau những phản ứng của người dân, nhiều chủ đầu tư dự án BOT đã “giải nhiệt” bằng cách giảm phí. Nhưng, đáng nói là “chiêu trò” giảm phí khi dân phản ứng nhưng âm thầm tăng thời gian thu như một kiểu hoán đổi không theo một quy định, bộ luật nào đã và đang khiến người dân càng mất niềm tin vào các dự án BOT này.

Dự án BOT tuyến tránh Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, người dân phản ứng đến mức cực đoan không phải là không có nguyên do.

Ở dự án này, theo tìm hiểu, tổng số vốn đầu tư dự án hơn 1.386 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ có gần 208 tỉ đồng, xấp xỉ 15% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Rõ ràng, nhà đầu tư huy động vốn rất ít nhưng được thu lợi nhuận 12%/năm trên tổng vốn đầu tư từ năm 2015 đến khi đủ hoàn vốn cũng như lợi nhuận.

Điều mà người dân phản ứng mạnh nhất ở dự án BOT Cai Lậy là sự điều chỉnh về vị trí đặt trạm ở trên QL1 thay vì đặt ở tuyến đường tránh. Phương án tài chính này đã giúp chủ đầu tư hoàn vốn nhanh và dễ hơn.

Thế nhưng, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đây chính là biến tướng đáng sợ của nhiều dự án BOT khác chứ không riêng gì tuyến tránh Thị xã Cai Lậy.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, người dân bức xúc như vậy thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý.

“Tôi không đi trên đường BOT mà anh cứ đặt trạm thu phí và mức thu BOT thì không chấp nhận được”, ông Thanh gay gắt.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây chỉ rõ, Bộ GTVT triển khai đầu tư theo hình thức BOT trong lĩnh vực giao thông thời gian qua đã cho thấy nhiều dấu hiệu bất cập, nhất là việc chỉ định thầu.

Theo thống kê của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2011 – 2015, toàn quốc có 71 dự án BOT giao thông thì 100% đều chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, dù trong số đó không ít nhà đầu tư yếu kém về năng lực, không đáp ứng đúng yêu cầu của dự án. Thế nhưng, Bộ GTVT vẫn chưa thể trả lời câu hỏi vì sao họ lại được chỉ định thầu?


"Thu phí BOT như kiểu trấn lột"

Tại buổi Tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Viện PLD) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột; người dân không đi trên đường BOT thì không thể thu phí; không thể đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác.

"Vấn đề đầu tiên là thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được, phải sửa ngay điều này. Trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí, không thể trấn lột người dân được", ông Dũng gay gắt phân tích.

Từ những phân tích trên, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng cần phải đưa những trạm BOT bất hợp lý về đúng vị trí.
“BOT thời gian qua như cái hộp đen, tù mù không ai biết gì cả và rất dễ nảy sinh tiêu cực. Bây giờ chỉ có minh bạch tất cả các dự án để dân biết, giám sát và thực hiện. Nếu vẫn còn những mù mờ như vừa qua thì việc dân phản ứng là điều tất yếu"– ĐBQH DƯƠNG TRUNG QUỐC -

BOT có gì phải bí mật?


Phân tích thêm về nguyên nhân của những bức xúc, các chuyên gia cho rằng hầu hết các dự án BOT hiện nay đang vướng phải những bất cập, đó là từ những lỗ hổng chính sách tạo ra sự thiếu sự minh bạch.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: tất cả bức xúc của các dự án BOT đều có căn nguyên chung là chúng ta thiếu luật về BOT và hầu hết dự án BOT gây bức xúc là các dự án chỉ định thầu.

Việc cần làm là phải cấm đưa những điều khoản bảo mật vào trong hợp đồng BOT. Về nguyên tắc, hợp đồng BOT là hợp đồng hành chính nhà nước, không thể giải quyết như hợp đồng dân sự thông thường, các bên có thể thỏa thuận bảo mật với nhau mà phải đảm bảo nguyên tắc của quản lý hành chính Nhà nước.

“Điều vô lý ở các hợp đồng BOT là có ghi điều khoản “bí mật”. Một hợp đồng kinh tế thì có gì mà phải bí mật. Chỉ có “ma” thì mới thích bóng tối”, TS Nguyễn Sỹ Dũng nêu quan điểm.

Việc Bộ GTVT và nhà đầu tư “xuống thang” họp với các đơn vị liên quan và chốt phương án giảm phí cho các trạm BOT vẫn chỉ là “chiêu trò”, bởi nhiều người nghi ngờ mấy hôm nữa Bộ GTVT lại cho phép nhà đầu tư BOT này tăng thêm năm thu. Chuyện giảm phí được xem như hoán đổi và mục tiêu chỉ làm yên lòng dân chứ chưa xử lý dứt điểm sự vô lý về đặt trạm bởi người dân không sử dụng dịch vụ vẫn phải mất tiền.


Bộ GTVT sẽ rà soát, điều chỉnh cho phù hợp

Ngay khi vừa nhậm chức, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn các địa biểu Quốc hội về BOT và các vấn đề của ngành giao thông như đầu tư cao tốc Bắc – Nam, xây dựng sân bay Long Thành, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao….

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay cách đây 3-4 năm, Bộ GTVT đã dành rất nhiều tâm huyết cụ thể hoá Nghị định 108 để phát triển giao thông. Qua triển khai, Bộ cũng thấy nhiều vấn đề cần phải rút ra bài học kinh nghiệm.

"Trong thời gian sắp tới, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, nếu cần thiết thì chúng ta nâng cấp các nghị định, nghị quyết về BOT hiện nay lên thành pháp lệnh, luật PPP (đối tác công-tư). Lúc đó thì chúng ta sẽ thực hiện PPP, trong đó có BOT theo đúng khuôn khổ pháp luật".

Bộ trưởng Bộ GTVT thẳng thắn: "Có làm thì có đúng, có sai. Tuy nhiên, cái tâm của ngành giao thông là vì sự nghiệp chung, không vì lợi ích nhóm, lợi ích tư túi. Những cá nhân nào có vấn đề này thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý".


Chính phủ đang chấn chỉnh quyết liệt

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về quan điểm của mình trước những dư luận khác nhau về các dự án theo mô hình BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông tại nghị trường chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã nhìn ra những bất cập trong hình thức này và đang quyết liệt chấn chỉnh.

Thủ tướng khẳng định, tầm quan trọng của việc xã hội hóa nguồn lực đã được thể hiện trong tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa 13 về phát triển hạ tầng ở Việt Nam.

"Chúng ta đã có bước phát triển hạ tầng tốt vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, đã thu hút được đến 200.000 tỷ vốn xã hội vào lĩnh vực này, cái được là phải khẳng định".

"Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chúng ta đã thấy những bất cập mà tôi chỉ nêu một số ý lớn".

Trước hết là bất cập trong quy hoạch hệ thống BOT, chúng ta chưa làm tốt điều này, triển khai ồ ạt dẫn đến chồng chéo. Có những tuyến làm dư luận bất bình, những tuyến gây bức xúc xã hội về số trạm thu phí, số km đặt trạm, giá phí...

Bên cạnh cơ chế, thì thể chế về BOT còn nhiều bất cập, bên cạnh đó cũng thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nên có nhiều sai phạm diễn ra. Hiện, Chính phủ đang kiểm tra chấn chỉnh quyết liệt.

"Đặc biệt, những công trình BOT phải được đấu thầu công khai, rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, giảm chi phí cho xã hội, chứ không phải chỉ định thầu, ảnh hưởng đến công trình", Thủ tướng cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định chủ trương đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT là để giải quyết một điểm nghẽn của nền kinh tế. Để cụ thể chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã rất quan tâm hoàn thiện và xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật triển khai chủ trương này.

“Chúng ta phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về BOT, đây là trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội để chúng ta đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư theo hướng Chính phủ phải đánh giá tổng kết việc thực hiện trong thời gian vừa qua. Chính phủ phải sửa đổi những quy định bất hợp lý, còn nhiều hạn chế trong thực tiễn để tiếp tục thực hiện hình thức này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.



Thực hiện: Phi Long - Bình Cận - Công Hùng
http://magazine.vov.vn/20171127/bot/index.html

1 nhận xét:

  1. Nuốt vào không được thì LÔN ra ,đừng cố ,nguy nhiểm lắm .Mình chỉ bảo kê khi tình hình êm dịu ,còn dân kêu quá thì đúng bài là phải ngoảnh mặt làm ngơ ,chứ có hợp đồng giấy tờ văn bản bằng chứng gì đâu mà sợ nhỉ ! Hay là bị nó chụp hình ghi âm quay phim rồi ?!

    Trả lờiXóa