Vác bao tải tiền đi chợ, cân tiền để mua bánh
03/11/2016 Thay vì phải đếm từng đồng, nhiều cửa hàng ở nước này đã chuyển sang cân tiền. Lạm phát tại Venezuela đã khiến cho đồng Bolivar mất giá đến nỗi mỗi lần mua bán phải mang cả bao tải tiền.
Đếm tiền bằng cân
Tờ Bloomberg đăng tải hình ảnh những cọc tiền được đặt trên bàn cân tại một cửa hàng chế biến thức ăn sẵn ở thủ đô Caracas của Venezuela. Khách hàng tới mua đều mang cả vài cọc tiền đem cân vì đồng tiền mất giá. Người bán không có thời gian để đếm vì quá mất nhiều thời gian. Chủ cửa hàng Humberto Gonzalez chia sẻ: “Thật buồn, ở thời điểm này pho mát có giá trị hơn mọi thứ”.Ông đóng gói hàng bao tải tiền để giấu kỹ trong quán, sau đó đem ra ngân hàng. Ông ví mình như một kẻ buôn ma túy luôn phải nơm nớp lo sợ.
Jose Marcano, một nhân viên công sở cũng đang cảm thấy bế tắc. Ông dành hàng giờ liền mỗi tuần mang các bao tải tiền di chuyển trên xe máy. Trong khi đó, các ATM không hoạt động. Ông lao trên đường bất chấp vấn đề an ninh, trộm cướp luôn rình rập.
Trước khi bắt đầu hành trình đi siêu thị đầy gian khổ, những khuôn mặt mệt mỏi phải xếp hàng dài ở ngân hàng chờ tới lượt rút tiền, bởi số lượng máy ATM ngày càng giảm trong khi hạn mức rút được áp dụng. Chính phủ đã cho phép người dân sử dụng thẻ ngân hàng trong các giao dịch tại cửa hàng tiện ích và hiệu thuốc để giảm bớt rủi ro.
Tại Venezuela, tình trạng siêu lạm phát diễn ra nghiêm trọng, chính phủ nước này từ chối cung bố số liệu về chỉ số giá tiêu dùng định kỳ. Một quốc gia giàu có về giàu mỏ như Venezuela đang phải trải qua giai đoạn khó khăn siêu lạm phát như thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ nhất ở Đức, Nam tư những năm 1990 hay Zimbabwe cách đây một thập niên.
Từng là một trong những đồng tiền mạnh nhất thế giới, đồng Bolivar trở thành phiền toái với người dân. Khi đi siêu thị, người dân phải vác theo những túi tiền lớn. Họ cầm hàng bọc tiền khi đi mua một món đồ.
Tại các cửa hiệu, nhân viên thu ngân phải dùng tới những thùng lớn để đựng tiền bởi những ngăn kéo thông thường không còn đủ sức chứa.
Lạm phát tới 1.500%
Theo nhiều ước tính khác nhau, tỷ lệ lạm phát năm 2016 ở Venezuela dao động từ 200-1.500%. Chính phủ Venezuela đến nay vẫn từ chối in tiền mệnh giá lớn hơn. Tờ 100 Bolivar, mệnh giá lớn nhất chỉ tương đương chưa đầy 1/10 USD.
Hàng bao tải tiền mặt được cất giữ trong nhà
Tuần trước, chính phủ đã đưa ra kế hoạch đấu thầu in những tờ tiền có mệnh giá lớn hơn, gồm tờ 500, 1.000, 5.000, và 10.000 Bolivar, thậm chí là cả tờ 20.000 Bolivar. Yêu cầu tiền mới phải được in kịp cho đợt thưởng dịp Giáng sinh.
Thông thường những yêu cầu in tiền phải mất 4-6 tháng mới hoàn thành, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào trúng thầu. Để giảm thiểu chi phí và thời gian, chính phủ chỉ yêu cầu đổi màu, không thay đổi thiết kế và thêm vào đó những số 0 để tăng mệnh giá.
Theo nhà kinh tế học Steve Hanke, việc đổi tiền là một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Venezuela đang phải đầu hàng. Không ai muốn làm điều này nhưng giờ đây họ buộc phải làm.
Người Venezuela đang phải sống trong nghịch cảnh có hàng đống tiền mặt mà không mua nổi thứ gì. Số liệu từ ngân hàng trung ương, mặc dù nhu cầu tăng lên đối với máy rút tiền, số lượng của chúng đã giảm. Hai năm trước, một máy ATM vài ngày mới phải bổ sung tiền thì nay phải nạp thêm tiền chỉ sau vài giờ. Nhiều thị trấn không có một chiếc máy ATM nào và 40% dân số không có tài khoản ngân hàng.
Nam Hải
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/vac-bao-tai-tien-di-cho-can-tien-de-mua-banh-337317.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét