Trung Quốc “đòi” chủ quyền Hawaii và toàn bộ Thái Bình Dương?
Tin đồn về yêu sách trên biển mới đây nhất của Trung Quốc gồm 251 đoạn mở rộng ra toàn bộ Thái Bình Dương đã tạo sự chú ý lớn chưa từng có tại hội nghị đại học Yale (Mỹ) hồi tháng 5/2016, Harry J.Kazianis, Giám đốc Nghiên cứu quốc phòng tại National Interest vừa có bài phân tích về vấn đề này.
Tấm bản đồ 251 đoạn gần như bao trọn toàn bộ Thái Bình Dương
Những thăng trầm không bao giờ kết thúc về Biển Đông - điểm nóng địa chiến lược nóng nhất hành tinh này là đề tài của hội nghị tại Đại học Yale cuối tháng 5 vừa qua. Các kênh này gồm các học giả tầm cỡ thế giới thúc đẩy các nghiên cứu mới nhất về các yêu sách lãnh thổ, phản đối tuyên bố và các thách thức chiến lược quanh vùng biển quan trọng này.Và dẫu cho không có những phiên hỏi đáp nóng hay những buổi thuyết trình tranh biện nảy lửa giữa các thành viên tham dự, nhưng tin đồn về yêu sách trên biển mới đây nhất của Trung Quốc gồm 251 đoạn mở rộng ra toàn bộ Thái Bình Dương đã tạo sự chú ý lớn chưa từng có.
Theo như thông tin trên trang web Elitereaders, Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền với Hawaii và phần lớn Micronesia. Các đại biểu dự hội nghị bắt đầu giận dữ chia sẻ bài viết thông qua các kênh truyền thông xã hội. Các thành viên tham dự đỏ mặt tía tai tranh biện về bản chất của các tuyên bố này ngay khi họ thấy bài báo.
Ông Harry J.Kazianis cho biết, nhiều người tự hỏi nếu đây đơn giản là một chiến lược đàm phán về vai trò của Trung Quốc, thì một mưu đồ được dàn dựng một cách hết sức cẩn thận chỉ để tạo ra những tuyên bố thái quá trên Biển Đông có vẻ ít ỏi, dường như Bắc Kinh phải tuyên bố toàn bộ Thái Bình Dương thì mới thật xứng tầm.
Bên lề hội nghị, một nhà làm phim Việt Nam đã quay một bộ phim tài liệu về Biển Đông và hỏi tác giả suy nghĩ gì về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Không có khả năng để thấu hiểu chiều sâu hoặc kiểm tra tình hình thực tế, tác giả đã bày tỏ hi vọng rằng thông tin này sẽ được minh chứng là không đúng sự thực, nhưng nếu Trung Quốc đủ liều lĩnh để tuyên bố như thế, nước này sẽ chỉ càng củng cố cách suy nghĩ rằng Trung Quốc đang trở thành kẻ bắt nạt cả thế giới bằng cách sử dụng “cuộc chiến bản đồ” ở một cấp độ mới.
Nội dung của bài báo này rất thú vị: “Trong một động thái làm leo thang căng thẳng toàn cầu, bộ giáo dục Trung Quốc đã đưa ra một bản đồ thế giới mới trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Thái Bình Dương, bao gồm cả Hawaii và phần lớn Micronesia.
Theo như Tân Hoa Xã, bộ giáo dục nước này cũng đặt vấn đề trực tiếp yêu cầu các thiết bị giáo dục và cơ quan chính phủ thay thế bản đồ thế giới đã lỗi thời bằng bản đồ mới này”.
Cho dù Mỹ vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào, Tổng thống Micronesia Manny Mori đã gọi bản đồ này là vô lý và buộc tội Trung Quốc đã có hành vi “cưỡng bức trên bản đồ".
Bài báo viết tiếp: “Lãnh thổ mới của Trung Quốc cũng bao gồm cả đảo Clarion của Mexico và đảo Clipperton của Pháp, những nơi được quyền hoàn toàn tự chủ. Tuy nhiên, những phần thuộc sở hữu của Mỹ trong khu vực sẽ được kết hợp lại để tạo nên một tỉnh Xinmeiguo. Các nước láng giềng mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ đặt câu hỏi về tính hợp lệ của tấm bản đồ này và phản đối đường biên giới do nước này tự mở rộng. Quả thực đường chín đoạn của Trung Quốc bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông đã là đề tài gây tranh cãi rất nhiều.
Nhưng lãnh đạo Bộ giáo dục Trung Quốc đã bảo vệ bản đồ 251 đoạn mới bằng cách chỉ ra vài tài liệu từ thời nhà Thanh cho thấy các quần dảo Caroline, Bắc Mariana và Marshall nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc trước đây.
“Nghiên cứu về các thành phần lãnh thổ của Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn", quan chức bộ giáo dục cho biết.
Tại thời điểm in ấn, các bằng chứng đã được tìm thấy cho rằng nhà Minh đã từng kiểm soát một phần rộng lớn Nam Cực. Bộ giáo dục Trung Quốc cũng cho rằng bộ sẽ ngay lập tức bắt tay in ấn bản đồ mới đã được chỉnh sửa”.
Chuyên gia Harry J.Kazianis giống như nhiều học giả khác tại hội nghị cho rằng khả năng đó cũng rất có thể xảy ra. Nếu Trung Quốc đã có gan thử tuyên bố đòi chủ quyền với đảo Okinawa của Nhật Bản, tại sao không thử yêu sách luôn một thể.
Có lẽ ai cũng bị sốc khi nhìn thấy tấm bản đồ dạng này nhằm phục vụ kiểu "chiến tranh bản đồ" của Trung Quốc
Nhưng ông Kazianis đã gạt cú sốc và sự kinh ngạc sang một bên và bình tĩnh tìm hiểu chân tướng vấn đề. Bên cạnh những kích động rõ ràng như các tỉnh và các yêu sách lãnh thổ mới tại Nam Cực, chỉ mất vài phút tra Google, tác giả nhận ra bài báo không phải là bản gốc, trên thực tế nó được viết vào năm 2014 cho một trang web của một cơ quan gọi là “bộ hòa hợp”.
Theo chuyên gia Kazianis, cho dù bản đồ và bài báo là một nỗ lực gây cười của bất kỳ ai thì cũng tồn tại một vấn đề lớn hơn ở đây. Đó là việc Trung Quốc sử dụng bản đồ, hộ chiếu và các phương pháp kiểu chiến tranh bản đồ khác để hỗ trợ tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với Đài Loan và “đường chín đoạn” ở Biển Đông và các nơi khác là một phần của các công cụ của nước này.
Thực tế không ai tại hội nghị kinh ngạc (về sự lố bịch của yêu sách) đã cho thấy nhận thức hiện nay đã ăn sâu rằng Trung Quốc trên trường quốc tế là một nước luôn hướng đến việc thay đổi nguyên trạng mà không cần biết cái giá phải trả là gì. Tiếng tăm như một quốc gia càn liều là một thứ khó thay đổi trong chính trị quốc tế và đó là điều mà Trung Quốc nên ghi nhớ, ông Kazianis kết luận.
Đặng Phương Thảo
(VietTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét