Hòn Thiên Nga bị mất đầu: Nối đầu hay vớt đều khó
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn vịnh Bái Tử Long, việc vớt đầu hòn Thiên Nga rất phức tạp vì khối lượng tảng đá nặng hàng trăm tấn.
Hòn Thiên Nga sau khị bị mất nửa phần thân trên - Ảnh: Fb Cấn Đình Loan
Xung quanh thông tin hòn Thiên Nga trên vịnh Bái Tử Long (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị rơi mất đầu, chiều ngày 18/7, chia sẻ với báo Đất Việt, ông Trần Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn vịnh Bái Tử Long cho biết: "Về cơ bản hòn Thiên Nga bị mất đầu là do mất trọng lực nên bị trượt lở.
Vì là đá vôi phân loại nên không được gắn kết chặt chẽ, khi đổ xuống thường bị vỡ vụn, không bảo giờ còn nguyên khối. Về khía cạnh tham mưu, chúng tôi đã báo cáo cơ quan chức năng còn phương án cụ thể thế nào thì chờ cơ quan chủ quản. Có thể phải mời cả chuyên gia vào phân tích".
Theo ông Hiến: "Việc vớt đầu Thiên Nga này lên cũng rất phức tạp vì khối đá nặng hàng trăm tấn, nếu vớt lên mà đắp lại bằng xi măng sẽ không còn được tự nhiên như lúc ban đầu. Tuy nhiên, về việc này sẽ có khảo sát cụ thể còn thời gian nào thì chưa thể nói trước được. Hiện đầu Thiên Nga bị rơi ở mức tương đối sâu, khoảng 7-8 mét."
Ai là chủ quản?
Cùng ngày, ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cho biết: "Hòn Thiên Nga không nằm trong vùng di sản, do đó đối tượng quản lý không thuộc thành phố Hạ Long. Đây không nằm trong vùng lõi mà cũng không nằm trong vùng đệm. Còn việc sạt lở, không chỉ có hòn Thiên Nga mà 1 số hòn núi khác trong Vịnh cũng vậy.
Hòn Thiên Nga có kết cấu tự nhiên là phân lớp được xếp ngang, dọc, nghiêng. Trong quá trình tự nhiên, mưa gió rồi tác động của môi trường đều có thể dẫn đến sạt trượt. Đây là các lớp đá tự xếp lên nhau, nếu xếp ngang thì sẽ trụ lại, còn xếp nghiêng thì sẽ tự động trượt được."
Cũng theo ông Huy: "Đây là 1 diễn biến tự nhiên của địa chất, khối lượng đá rất lớn nên nếu đắp lên liệu có rơi nữa không. Khi mà kết cấu tự nhiên bám vào sẽ khác với việc mình đắp bê tông, mà nếu mang bê tông ra khu vực Vịnh còn sợ ảnh hưởng đến môi trường. Hơn nữa, vấn đề này nên gọi cho bên thành phố Cẩm Phả, vì đây là nằm ngoài vùng lõi".
Ông Vũ Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cũng cho biết: "Hòn Thiên Nga ở vịnh Bái Tử Long thuộc sự quản lý của Cẩm Phả, Hạ Long không quản"
Trong khi đó, khi phóng viên liên hệ về việc này, ông Phạm Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả cho biết: "Tôi chưa nắm được thông tin này cũng như chưa nhận được báo cáo gì từ phía cơ sở. Việc này thuộc Cục đường sông đường biển Việt Nam, Cẩm Phả không quản lý khu vực đó, đây có thể thuộc ban quản lý Vịnh hay di tích hoặc do tỉnh Quảng Ninh quản lý".
Ông Bùi Xuân Hẹn, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TP Cẩm Phả cũng cho rằng: "Vịnh Bái Tử Long nằm trên vịnh Hạ Long, Cẩm Phả không có".
Như báo chí đã đưa tin ngày 15/7, trên trang facebook cá nhân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan chia sẻ hai bức ảnh trước và sau khi đỉnh của hòn Thiên Nga biến mất cùng sự tiếc nuối.
Hòn Thiên Nga nổi tiếng với hình thù giống như một con thiên nga đang bập bềnh trên sóng nước, gồm có ba vạt đá lớn: Hai khối đá ở trên tạo thành hình cái đầu và cổ con "Thiên Nga", khối đá lớn tạo thành thân "Thiên Nga", đuôi chính là đám cây xanh bám trên vách đá.
Thanh Giang
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hon-thien-nga-bi-mat-dau-noi-dau-hay-vot-deu-kho-3314260/
Ô hay. Thật đúng là ĐỒNG ĐỔ CHO CỐT, CỐT ĐỔ CHO ĐỒNG. Xin hỏi các quan lớn nhỏ: Thế cái... "hòn" này nó không phải là di sản của nhà nước mà các ông đang đóng vai những quan chức của nó á ?
Trả lờiXóaHết sách.