Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Thằng Tứn

Thằng Tứn
Nguyễn Hiếu Nhân (*)

Ảnh: Nguyễn Hiếu Nhân
(TBKTSG) - Trời chiều, nắng xiên khoai khó chịu. Tứn cắm đầu chạy giò không. Nó băng ngang đường, vội chẳng nhìn trước sau. Nó chạy tưng tưng, ngụp lặn theo từng mô đất dẫn vào đồng, vội vì đã đến giờ cùng cha đưa vịt chạy đồng về chuồng.

Đàn vịt chẳng phải của nhà nó. Cha nó là người chăn vịt thuê. Lương mỗi tháng ba triệu rưỡi, chủ bao cơm hai bữa. Trước đây mẹ nó lãnh phần nấu cơm cho người giữ vịt, gia đình thêm được mớ tiền, giờ lại phải nghỉ nhà vì đang ẵm thằng em của Tứn mới hai tháng tuổi. Đủ tiêu không? Mình hỏi cha Tứn - “Dằn túi năm trăm ngàn, còn nhiêu phần bả!”. “Dzậy đẻ gì dữ. Định để bả ở nhà cho dễ bề... hén!”, mình đùa. - “Chớ tối giữa đồng lấy gì dzui!”. Cha Tứn vừa nói vừa cười. Gặp thứ dữ rồi! Mình nghĩ trong bụng.

Dăm ba tháng, ba nó mới được chăn vịt đồng nhà. Chăn vịt đồng nhà là đồng gần nhà, chứ cha mẹ nó chẳng có cục đất chọi chim. Gia đình hai bên nghèo khó, nên sau khi cưới, vợ chồng dắt díu vào đây làm “thợ đụng”. Nghề “thợ đụng” là đụng đâu làm đó, hái ớt, nhổ cỏ mướn, vác phân bón, sạ lúa, nhổ dàn cơi (là nhổ mấy cây lúa mọc cao hơn bạn bè)... cho đến ngày gặp được người thuê giữ vịt.

Ba mươi sáu tuổi, cắn răng làm mướn từ 15 tuổi mà lòng không vui, cho đến ngày được phong cấp tướng quân của đàn vịt, mới vui. Cha thằng Tứn mặt mày cũng bảnh, chỉ có làn da hết chỗ đen, khô quắt nhăn nheo vì nắng nên trông già trước tuổi.

Nuôi vịt chạy đồng sẽ giảm chi phí thức ăn hơn vịt nhà hơn một nữa, nhờ vào hạt thóc rơi, lúa sót, côn trùng, ốc trên đồng... Chừng ba tháng thì vịt thịt xuất chuồng, vịt nuôi đẻ thì lâu hơn, khoảng 7-8 tháng bắt đầu “rớt hột” (đẻ). Nuôi tốt thì ngày một trứng, khoảng 2-3 năm thì phải gầy giống, tạo đàn vịt mới. Mấy con vịt mẹ hết thời, lên đường vào lò... quay!

Cánh đồng vịt tới tá túc được chủ vịt thương lượng với chủ ruộng, “mua” trước. Chủ ruộng chỉ cho đàn vịt vào đồng sau khi cắt lúa rồi “nổi lửa lên em”, đốt chân gốc rạ, tạo phân hữu cơ cho vụ mới. Người giữ vịt phải bơm nước vào cánh đồng trơ gốc rạ đen thùi lùi, cho vịt dễ kiếm mồi.

Thằng Tứn còn đi học. “Lớp mấy?”, mình hỏi. Rụt rè, cậu bé đưa bốn ngón tay. Không hỏi tiếp, mình chạy lúp xúp theo cha nó , hỏi “sao mà đặt tên con lạ hén?”. Đang đi, cha Tứn đứng lại giải bày: - “Chèn ơi! Lạ gì. Theo vịt chạy đồng miết, mẹ nó sanh tui có dzìa được đâu, nhờ cậu nó làm giấy (khai sanh). Dặn ghi giùm tên Tứn (Tuấn - theo phát âm miền Nam), cho nó tứn tú (tuấn tú). Dặn kỹ lắm, nhưng tới khi dzìa nhà, nó dzậy đó. Nhiều người kêu làm lại, mà thôi. Nó học lên ngon lành thì đổi”.

Nhìn thằng nhỏ, thấy mà thương, học sao khá nổi khi mà buổi tối nó cũng phải ra đồng giữ vịt để cha được ngủ nhà. Chí khổ. Tứn ơi là Tứn.

Chiều rớt nhanh. Tứn trên đường ra bến kênh tắm đợt cuối cùng trong ngày. Cầu mong em có giấc ngủ an lành giữa khách sạn ngàn sao giữa đồng. Đã dợm bước lui về, mình tần ngần rồi cũng hỏi: - “Muốn đổi thành tên Tuấn không con?” - “Dạ muốn!”, giọng Tứn chắc nịch.

Có những việc mình làm được, như giúp Tứn đổi tên.

(*) Nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, Đồng Tháp

http://www.thesaigontimes.vn/146857/Thang-Tun.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét