Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

14 bệnh viện hết tiền trả lương: Tại dân ít ốm

14 bệnh viện hết tiền trả lương: Tại dân ít ốm
Theo vị đại diện Sở tài chính tỉnh Đắk Lắk, tình trạng 14 bệnh viện hết tiền trả lương là do người dân ít ốm nên nguồn thu bị giảm. Xung quanh thông tin Sở Y tế Đắk Lắk xác nhận hiện có 14 bệnh viện của tỉnh thiếu tiền trả lương cho bác sĩ, cán bộ, công nhân viên, chiều ngày 8/12, chia sẻ với báo Đất Việt, ông Huỳnh Tấn Nam - trưởng phòng tài chính hành chính sự nghiệp- Sở tài chính tỉnh Đắk Lắk cho biết:
Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, một trong 14 bệnh viện nợ lương. Ảnh: TTO
"Thông tin này đúng như báo chí phản ánh, hiện ngành tài chính đang giải quyết. Xảy ra tình trạng này là do nguồn thu đang hụt, dù chi theo ngành dọc nhưng nguồn thu giảm nên tiền để chi trả lương không đủ. Không phải do chi tiêu quá mức cũng không phải số cán bộ, viên chức quá đông. Số lượng cán bộ, viên chức là đúng với chỉ tiêu của tỉnh giao".

Nói thêm về nguyên nhân 14 bệnh viện hết tiền trả lương, ông Nam nói: Đây là do bệnh nhân ít, hay nói cách khác là người dân Đắk Lắk ít ốm nên ít đến bệnh viện. Hơn nữa, các dịch vụ của bệnh viện, giá viện phí chưa theo kịp, chưa điều chỉnh kịp thời nên đang bị thấp hơn so với các bệnh viện ở các tỉnh khác. Bộ y tế đã đưa ra các dịch vụ cho bệnh viện nhưng tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa áp dụng. Chính vì vậy nên bệnh viện thu không đảm bảo để chi trả.

Ông Nam cho biết thêm: Hiện tại có 1 số bệnh viện thiếu ít bệnh nhân nhưng cũng có những bệnh viện đang thiếu rất nhiều bệnh nhân. Các phòng, khoa trong bệnh viện đều trống. Bệnh viện xây dựng đầy đủ là để đảm bảo chỗ khám cũng như nơi điều trị cho bệnh nhân được đầy đủ. Xây dựng bệnh viện như vậy nhưng cũng không mong muốn người dân bị ốm bệnh, mà chỉ là trường hợp phòng thôi.

Theo ông Nam: Hiện Sở tài chính đang nghiên cứu để trình từ nguồn cải cách tiền lương của tỉnh. Sở yêu cầu các bệnh viện cung cấp số liệu để tổng hợp gửi cho UBND tỉnh để xem xét cho bên ngành y tế tỉnh, nhằm giải quyết tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong tháng 12 này. Việc chi trả lương đầy đủ sẽ sớm được giải quyết, không để tình trạng này kéo dài.

Cũng theo vị trưởng phòng, nguồn chi thường xuyên của ngành y tế trong tỉnh Đắk Lắk không thiếu mà chỉ thiếu tiền lương.

Hết tiền

Như thông tin báo chí đã đưa, sáng 7/12, tại Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, một số bác sĩ, nhân viên tỏ ra lo lắng bởi cho tới nay họ chưa được nhận lương tháng 11, không biết có tiếp tục bị nợ lương tháng 12/2015 hay không.

“Đến kỳ nhận lương, chúng tôi được phòng kế toán tài chính thông báo hết tiền, khất đến tháng sau mới có. Chúng tôi không hiểu tại sao mà đến nay nguồn lương lại hết?” - một bác sĩ thắc mắc.

Một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột thừa nhận có việc hiện nay bệnh viện còn nợ khoảng 1,5 tỉ đồng tiền lương tháng 11/2015 của 277 người lao động.

Đại diện phòng tài chính kế toán - thừa ủy quyền giám đốc bệnh viện cho biết bệnh viện thiếu tiền lương do “thu không đủ chi”.

Theo vị này, dự toán tổng thu năm 2015 của bệnh viện được giao là 61 tỉ đồng, dự trù sẽ trích lại 6,65 tỉ đồng trong quỹ cải cách tiền lương để chi lương.

Tuy nhiên, thực tế nguồn thu của bệnh viện hụt so với dự trù khá lớn (tổng thu chỉ đạt hơn 54,7 tỉ đồng), nên tiền để chi lương chỉ còn hơn 3,5 tỉ đồng. Do đó, lương chỉ đủ trả cho các cán bộ, bác sĩ, nhân viên trong biên chế đến hết tháng 10/2015.

Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, cả 14 bệnh viện đang nợ lương người lao động đều cùng chung tình trạng này. Tổng số tiền lương còn nợ tháng 11 và 12/2015 là hơn 15 tỉ đồng.

Ông Trần Vũ Sơn - phó phòng tài chính kế toán Sở Y tế Đắk Lắk cho biết theo quy định, trong tổng thu của mỗi bệnh viện, sau khi trừ các chi phí như mua thuốc men, vật tư y tế (chiếm phần lớn) để phục vụ bệnh nhân thì tổng số tiền còn lại được sử dụng theo tỉ lệ: 65% dành cho chi thường xuyên, lập quỹ; 35% còn lại đưa vào quỹ cải cách tiền lương, dùng khi có sự thay đổi về tiền lương.

Tuy nhiên, do nguồn thu năm 2015 của tỉnh có khó khăn nên UBND tỉnh yêu cầu dùng 35% trong quỹ cải cách tiền lương để chi lương cho cán bộ, bác sĩ.

Theo ông Sơn, dự toán năm 2015 mà UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho 14 bệnh viện nêu trên phải thu là gần 311,6 tỉ đồng, trong đó 35% dành cho quỹ cải cách tiền lương sẽ khoảng 35 tỉ đồng. Thế nhưng, ước tính đến hết tháng 12/2015, 14 bệnh viện chỉ thu gần 282 tỉ đồng. Như vậy quỹ chi tiền lương chỉ còn gần 20 tỉ đồng, tức là thiếu hơn 15 tỉ đồng tiền lương so với dự toán.

Tú Nhi
(Đất Việt)
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/14-benh-vien-het-tien-tra-luong-tai-dan-it-om-3294482/

1 nhận xét:

  1. Buồn cười thật ! Theo quy định nhà nước thì trật tự chi là: Đầu tiên phải là chi nộp ngân sách nhà nước, tiếp theo là chi tiền lương, tiền công. Sau đó mới là chi nghiệp vụ chuyên môn, chi mua sắm sửa chữa, xây dựng, chi tiếp khách...Thiếu tiền lương của người lao động ở đây, trước hết là do ban lãnh đạo và bộ máy kế toán tài vụ các bệnh viện không tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước.

    Trả lờiXóa