Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

GDP tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua

GDP tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua. Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành sáng nay, Bộ trưởng KH&ĐT Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, kinh tế năm 2015 tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua. Con số được nhấn mạnh khi ông nêu Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015.

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành sáng 28/12. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Vinh cho biết, trước những khó khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân, năm 2015 đất nước đã đạt được những kết quả quan trọng.

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà cho sự phát triển 5 năm tới.

Trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH 2016, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, dự kiến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2016 là khoảng 6,7%.

Đề cập chỉ tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi cho các bộ, ngành, địa phương thảo luận: Năm nay đã tăng trưởng gần 6,7% rồi, năm tới có nên nâng chỉ tiêu lên cao hơn 6,7% không?

Trên đà kết quả đạt được, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ủng hộ Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% cho năm 2016.

Ngăn chặn âm mưu can thiệp


Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, nhóm dự thảo thứ 8 là nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. 


Dự thảo Nghị quyết do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Bám sát định hướng đối ngoại của Đại hội Đảng 12, nhằm mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước…

Tiếp tục thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ; kiên trì thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; cùng các nước ASEAN đẩy mạnh vận động thực hiện đầy đủ DOC và sớm hình thành COC.

Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động, âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước.

Hà Nội, TP.HCM đồng loạt nêu vấn đề giao thông


Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.


Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Đức Chung cho hay, bình quân hàng tháng trên địa bàn thành phố đăng ký mới 18-22 ngàn xe máy, 6-8 ngàn ôtô.

Dự kiến vào năm 2018 khi các dòng thuế đối với ôtô được miễn giảm, vào năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể lượng ôtô của khối lực lượng vũ trang và các tỉnh vào Hà Nội và 7 triệu xe máy.

Chủ tịch TP Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép thành phố và chỉ đạo các bộ ban ngành trung ương phối hợp với thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.

"Nếu không có giải pháp mạnh mẽ ngay từ bây giờ thì trong vòng 4-5 năm nữa, vấn đề giao thông sẽ vô cùng phức tạp", ông Nguyễn Đức Chung nói.

Cũng tại hội nghị, nêu vấn đề về giao thông, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án giao thông lớn trên địa bàn TP như tuyến xe buýt nhanh, làm đường hướng tâm...

TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cơ chế tạo vốn, bảo lãnh, tạo điều kiện phát hành trái phiếu đô thị.

Chung Hoàng
http://m.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/281376/gdp-tang-truong-cao-nhat-trong-8-nam-qua.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét