Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Tập Cận Bình đến Việt Nam để gặp ai?

Tập Cận Bình đến Việt Nam để gặp ai?
Tuấn Khanh - Trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam, từ sau 1975 đến nay, không có một lãnh đạo nào của Bắc Kinh đến Việt Nam được thật sự chào đón, ngoài những sự xếp đặt mang tính mị nhau, qua lại, cấp Bộ, cấp chính phủ. Rất khác với các lãnh tụ từ các nước phương Tây, luôn được người dân chờ đón, xin được bắt tay đầy thân thiện. Thậm chí tháng 11/2000, khi đương kim tổng thống Mỹ Bill Clinton đến, người Sài Gòn tự mình từng xếp hàng dài nhiều cây số để vẫy chào. Ở Hà Nội, người dân vây quanh ông, náo nhiệt, với sự hâm mộ không khác dành cho những nghệ sĩ nổi tiếng nhất.

Cuộc viếng thăm 2 ngày của ngài Chủ tịch Trung Quốc đang tạo nên một bối cảnh khá lạ lùng ở Việt Nam. Bên ngoài những cái bắt tay và nụ cười ngoại giao giả tạo của các nhà lãnh đạo hai bên, là hừng hực chuyện biển đảo của người Việt Nam đang mất dần, lãnh hải, lãnh thổ thu hẹp dần. Và hơn nữa là nhân dân thì sôi sục với trái tim yêu nước, dõi nhìn xem kẻ cướp đang được đón vào quê hương, mang theo những âm mưu gì.

Bất kỳ ai có chút quan tâm thời sự, cũng đều nhận ra việc họ Tập đến Việt Nam lúc này, cũng chỉ nhằm tạo hòa hoãn, với mục đích cuối cùng là làm chủ vùng biển có nhiều thương thuyền mang hàng hóa qua lại, trị giá đến 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Và với tương lai của một quốc gia đói khát năng lượng như Trung Quốc, trữ lượng tiềm năng ở biển Đông đến khoảng 11 tỷ thùng dầu và hơn 100 ngàn tỷ mét khối khí đốt, đủ sức làm bừng cháy tham vọng sở hữu của Bắc Kinh.

Thường thì một nhà lãnh đạo công du, họ đến để bắt tay với chính quyền sở tại, đồng thời bắt tay với người dân ở đất nước mà họ đến. Trong trường hợp Tập Cận Bình, lúc này, ông ta chỉ có được những cái bắt tay từ chính quyền, còn với người dân tích cực với đất nước Việt Nam, ông đang chỉ nhận được những lời chất vấn và xua đuổi, ghẻ lạnh.

Trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam, từ sau 1975 đến nay, không có một lãnh đạo nào của Bắc Kinh đến Việt Nam được thật sự chào đón, ngoài những sự xếp đặt mang tính mị nhau, qua lại, cấp Bộ, cấp chính phủ. Rất khác với các lãnh tụ từ các nước phương Tây, luôn được người dân chờ đón, xin được bắt tay đầy thân thiện. Thậm chí tháng 11/2000, khi đương kim tổng thống Mỹ Bill Clinton đến, người Sài Gòn tự mình từng xếp hàng dài nhiều cây số để vẫy chào. Ở Hà Nội, người dân vây quanh ông, náo nhiệt, với sự hâm mộ không khác dành cho những nghệ sĩ nổi tiếng nhất.

Lịch sử hơn 400 năm của Trung Hoa, qua sách Đông Chu Liệt Quốc, cũng cho thấy âm mưu xâm chiếm nhau, hãm hại nhau của các tay lãnh đạo từ đời nhà Chu đến nhà Tần là vô số kể, đặc biệt luôn được che lấp bằng nụ cười hữu nghị và những món lợi tức thì trước mắt. Hầu hết mưu kế đều nhắm vào việc bắt tay với những kẻ lãnh đạo ươn hèn, sẳn sàng vị lợi phụ quốc, sẳn sàng bán nước cầu vinh.

Sách lược truyền đời từ thời nhà Tần thống nhất đất nước, đối với bên ngoài là viễn giao cận công, vẫn được nhiều đời của các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc nối tiếp. Trung Quốc có thể hòa hoãn với Mỹ, hòa hoãn với Úc, với Anh… trong bối cảnh chưa thuận lợi, nhưng họ sẽ không bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính các quốc gia lân cận. Thống trị Việt Nam làm bàn đạp, và có được toàn bộ biển Đông là điều mà Tập Cận Bình không bao giờ từ bỏ. Chỉ khác rằng đối sách hôm nay của Tập Cận Bình rất mới mẻ, là tiến công bằng 16 chữ vàng hữu nghị. Tiến công bằng tình huynh đệ cộng sản được xây lên từ những nấm mồ Việt Nam, của các liệt sĩ chống xâm lược từ phương Bắc và ngư dân vô tội.

Nhiều ngày nay, tin tức cho thấy nhân dân Việt Nam không chào đón Tập. Hàng triệu người chắc vẫn còn y nguyên nỗi đau Hoàng Sa, cuộc chiến 1979, xâm lược đảo Gạc Ma, cắm dàn khoan vào lãnh hải, bắt cóc và đâm giết ngư dân... Theo tổng kết của báo Lao Động, mỗi tháng có 4 tàu cá và hơn 50 ngư dân bị tàu Trung Quốc cố ý tấn công. Thật khó mà đưa tay chào đón họ Tập lúc này mà không cảm thấy hổ thẹn vì là con dân Việt.

Rõ ràng, Tập Cận Bình không đến để gặp nhân dân Việt Nam - người chủ đất nước - như đảng cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố. Lời mời của đảng cộng sản Việt Nam với Tập Cận Bình lúc này, trở thành riêng tư và mới thật cô đơn làm sao. Quả là đang có rất nhiều khác biệt về “ý đảng – lòng dân” trong việc đối diện với kẻ xâm lược vào lúc này.

Sự xuất hiện của họ Tập chỉ có một giá trị: khiến cho những người Việt yêu nước mình tập hợp lại, gần nhau hơn, lớn mạnh hơn, và khác biệt hơn.

Năm 1998, khi Đức giáo hoàng John Paul II đến Cuba và hội đàm trực tiếp trên truyền hình với Fidel Castro, ngài đã trao cho nhà lãnh đạo độc tài này một danh sách hơn 200 tù nhân chính trị, và nói rằng mình mong mỏi được nhìn thấy họ sớm được tự do. Nhưng đến tận tháng 12/2014, Cuba mới thả hết đợt tù nhân chính trị cuối cùng của mình. Quả là một thời gian rất dài cho mục đích vì con người.

Đợt viếng thăm này của họ Tập, ai trong hàng ngũ lãnh đạo Hà Nội sẽ dám lên tiếng khước từ các gói quà kinh tế, các chính sách hữu nghị riêng cho chế độ, và nói thẳng rằng Bắc Kinh nên dừng xâm lấn, âm mưu và giết hại ngư dân Việt trên biển? Một gợi ý nhỏ của Đức Giáo Hoàng John Paul II đã mất gần 20 năm mới thành hiện thực, nếu hôm nay các nhà lãnh đạo ở Hà Nội không trực diện tuyên bố, nhân danh tổ quốc, nhân dân, danh dự, trách nhiệm… thì bao lâu nữa, người Việt mới hết bỏ xác trên biển?

Họ Tập sẽ gặp và nói trước Quốc hội Việt Nam, chắc chắn là bằng giọng điệu của tên nhà giàu nhiều vũ khí, để trấn áp và thuyết phục một cuộc quy hàng không văn bản. Quy hàng nhân danh hòa bình, ổn định, hữu nghị, kể cả tặng kèm theo vị ươn hèn và nhục nhã trên đầu lưỡi của những kẻ cúi đầu. Liệu Quốc hội Việt Nam, vốn hay ngủ gật và giải tán về sớm vì thờ ơ trước tình hình đất nước, có thật sự bừng tình vì vai trò là người đại diện cho nhân dân, để nói lên sự thật, sự tức giận trước kẻ xâm lược không? Xin hãy để lịch sử ghi lại và phán xét.

Tuấn Khanh Blog
(RFA)
Tuấn Khanh
https://anhbasam.wordpress.com/2015/11/04/5684-tap-can-binh-den-viet-nam-de-gap-ai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét