Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Vào nhà nước, đi đâu cũng gặp… họ hàng

Vào nhà nước, đi đâu cũng gặp… họ hàng
Người ta tận dụng mọi ưu đãi, cơ hội, các mối quan hệ để có thể chen một chân vào bộ máy nhà nước, vì sao? Câu chuyện “cả họ làm quan” ở một huyện nọ cũng như sự thăng tiến ngoạn mục của một số hạt giống có “gen chính trị” cho thấy chúng ta đang có một lỗ hổng khá lớn trên con đường hướng tới một nhà nước pháp quyền thực sự.
Người ta tận dụng mọi ưu đãi, cơ hội, các mối quan hệ để có thể chen một chân vào bộ máy nhà nước. Ảnh: VietNamNet. Trên thế giới, mặc dù công chức được xem là ổn định trong nghề nghiệp, nhưng mức lương do nhà nước chi trả thì không quá cao so với mặt bằng xã hội. Ngoài một vài ưu đãi về nhà cửa hay phương tiện dành cho những vị trí cao cấp, về mặt luật pháp, họ không được phép hưởng thêm các khoản thu nhập khác khi đã được nhà nước trả lương.

Tuy lương công chức ở nước ta đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng đem so sánh với các biến động về giá và thị trường lao động thực tế, có thể nói rằng nó tương đối thấp, thậm chí nếu chỉ trông chờ vào nguồn lương này thì nhiều gia đình công chức hiện nay khó mà đủ sống!

Biết là vậy, nhưng tại sao người người cố gắng thành công chức, nhà nhà chạy vạy vào biên chế? Người ta tận dụng mọi ưu đãi, cơ hội, các mối quan hệ để có thể chen một chân vào bộ máy nhà nước, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bất chấp hoàn cảnh và phớt lờ các quy luật trong kinh tế như chi phí, cơ hội, lợi nhuận và hiệu suất, hiệu quả…

Với những cán bộ thuộc diện làng nhàng, không có đủ tiền và quyền lực để “bố trí, sắp xếp” cho con cái mình một vị trí ổn thỏa nào đó, họ chọn biện pháp xin về hưu non hòng giữ một suất biên chế cho con cái. Đây là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay khiến nhiều cơ quan, đơn vị trên cả nước đa phần chỉ ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành.

Với những người có khả năng thực thụ, con đường ngắn nhất chính là tham gia vào các đợt thi tuyển công chức, nơi họ luôn gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt và có thể nói là thiếu công bằng từ những đối tượng thuộc diện “hậu duệ” vốn có sự hiểu biết tốt hơn về hệ thống và các thủ tục hành chính do đã được trực tiếp trải nghiệm. Phần còn lại là những người sử dụng sự trợ giúp của đồng tiền với mức giá hàng trăm triệu đồng tùy từng vị trí công việc.

Việc nhiều người cố sống, cố chết để được làm người nhà nước với đồng lương ít ỏi và các chế độ đãi ngộ khiêm tốn có thể không cần phải bàn cãi nếu như động cơ thực sự của họ là muốn có điều kiện để cống hiến và phụng sự đất nước một cách trực tiếp nhất. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn vào kết quả của quá trình “hậu duệ hóa đội ngũ công chức” hiện nay, có thể đưa ra một vài nhận định sau:

Thứ nhất, nó phản ánh và tái khẳng định một tính cách cố hữu của phần đa dân chúng Việt Nam, đó là ngại thay đổi, an phận và ngại ra biển lớn. Với đồng lương công chức ít ỏi và công việc không có nhiều biến chuyển, nhiều người vẫn có thể hài lòng với cuộc sống hiện tại mà không dám đương đầu với rủi ro để tự giúp mình thay đổi.

Thứ hai, khi ai đó bỏ ra mấy trăm triệu đồng để có được một chức danh “quèn” trong hệ thống nhà nước, họ hiểu rất rõ rằng nếu cứ làm việc đúng chuyên môn và chức phận như hiện thời, thì có đến vài chục năm nữa số tiền mà họ đã chi ra cũng không thể hòa vốn được. Sao nghịch lý vậy? Vấn đề nằm ở chỗ người ta ước mong một ngày kia mình sẽ được trọng dụng và đề bạt, và việc thu hồi vốn và làm giàu chỉ là vấn đề thời gian.

Như vậy, trong tâm khảm nhiều người, tham nhũng được xem như là chuyện tất yếu và không có gì phải xấu hổ cả. Khi đó, mối họa này nghiêm trọng hơn tất thảy những gì dân tộc Việt đã trải qua.

Thứ ba, đối với các vị trí công chức có khả năng ra quyết định, họ phấn đấu không hẳn chỉ vì niềm đam mê quyền lực. Cái đích đến của mỗi người trong đó chính là để trở thành “chủ tài khoản” của những chương trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước trong đầu tư công.

Để có thể hạn chế các thất thoát trong đầu tư công, cơ chế “kiểm soát & cân bằng” thường được sử dụng với mục đích không để quyền lực tập trung quá nhiều vào một cá nhân hay một nhóm người. Ở chiều nằm ngang đó chính là mô hình “tam quyền phân lập” mà Mỹ là nước đầu tiên áp dụng; còn ở chiều nằm dọc, đó là cơ chế phi tâp trung hóa.

Hậu duệ và các mối quan hệ phức tạp trong hệ thống quản lý nhà nước - đã được minh chứng từ bài học của các nước láng giềng như Philippines được xem là đã làm vô hiệu hóa vai trò và khiến cơ chế “kiểm soát và cân bằng” thất bại bởi một lý do rất đơn giản “nơi đâu tôi cũng có người nhà”

Lại thêm một lần nữa, chúng ta đang làm những chuyện rất ngược! Để có thể bẻ lái theo chiều thuận, có lẽ chúng ta cần phải thay đổi rất nhiều, từ tâm thức đến giá trị xã hội nền tảng, triết lý phát triển đến quản trị xã hội và cải cách thế chế.

Trần Văn Tuấn
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/270486/vao-nha-nuoc--di-dau-cung-gap--ho-hang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét