Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Trung Quốc tổ chức Đại lễ Duyệt binh vì cái gì?

Trung Quốc tổ chức Đại lễ Duyệt binh vì cái gì?
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chào mời lãnh đạo các nước đến Bắc Kinh để “xem” Trung Quốc duyệt binh quy mô lớn vào ngày 3 tháng 9 năm 2015, gọi là nhân dịp kết thúc chiến tranh thế giới thứ II. Ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ còn có lời mời ông Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga rằng: “Trung Quốc nhiệt liệt chào đón các lãnh đạo và đội hình quân đội Nga tham gia sự kiện tháng 9 ở Bắc Kinh”. Ông Putin hay lãnh đạo Việt Nam thì đương nhiên rồi, còn ông Obama cũng được mời và nhiều người khác nữa. Chỉ riêng ông Thủ tướng Nhật Bản thì không biết Trung Quốc có “nhã ý” mời hay không?
Tranh chấp Trung-Nhật tại quần đảo Senkakư 
của Nhật Bản mà TQ gọi là Điếu Ngư
Nhiều người biết Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (Hồng quân trước đây) không hề là đội quân góp phần đáng kể gì trong việc đánh thắng Phát xít Nhật trong thế chiến II ngay trên đất nước Trung Quốc của họ, mà nay Tập Cận Bình long trọng làm lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng Phát xit? Chuyện đại sự quốc gia mà nghe ra, cứ như chuyện của “những người thích đùa”. Vậy Bắc Kinh tổ chức duyệt binh quy mô lớn rất tốn kém nhằm mục đích gì? Để trả lời câu hỏi này, xin điểm qua một số sự kiện lớn xẩy ra trước và trong thế chiến thứ II liên quan đến chủ đề này.

Năm 1921, dưới sự giúp sức của Liên Xô, đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời với 300 đảng viên ban đầu. Thực tế lúc đó, vì lực lượng của đảng CSTQ rất non trẻ và yếu ớt nên Liên Xô ủng hộ cả lực lượng của Cộng sản và lực lượng của Quốc Dân đảng bởi vì tại thời điểm đó, lực lượng của Quốc Dân đảng đã có 150.000 thành viên. (Sau này, trong thành phần của đảng Cộng sản thì số đảng viên xuất thân từ Quốc dân đảng khá nhiều. Nếu chúng ta chú ý sẽ thấy một số bài báo gần đây bắt đầu nhắc tới “lý lịch khó hiểu” của ông Giang Trạch Dân là từ những hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ, nhưng vì mục đích chính trị, người ta có thể đưa ông này lên Tổng Bí thư và cũng vì mục đích ấy, người ta có thể đấu tố và bỏ tù ông vì những khuất tất như thế).

Chính Liên Xô đã giúp Quốc dân đảng thành lập Học viện Chính trị để đào tạo nguồn nhân lực cho Quốc dân đảng. Bản thân Tưởng Giới Thạch lúc đó được đưa sang Liên Xô đào tạo về quân sự và năm 1923, Tưởng Giới Thạch về nước thành lập trường Võ bị Hoàng Phố. Dù vậy, Tưởng Giới Thạch không hề nể mặt “thầy” Liên Xô mà luôn coi Cộng sản là thù địch.


Máy bay Trung Quốc thám sát quần đảo Senkaku của Nhật Bản

Trong các năm 1926-1928, Quốc dân đảng đã tiến hành cuộc chiến tranh “Bắc phạt” quy mô lớn nhằm quét sạch các thế lực quân phiệt ở các địa phương phía Bắc Trung Quốc, kết thúc “Chính phủ Bắc Dương” và các lực lượng còn lại của Viên Thế Khải, hoàn toàn thống nhất Trung Quốc vào cuối năm 1928. Trên thực tế thì vào thời kỳ đó, lực lượng của Cộng sản hết sức nhỏ yếu, về quân sự chủ yếu là lực lượng du kích chỉ được trang bị vũ khí thô sơ và hoạt động phân tán.

Năm 1932, người Nhật xâm chiếm và thành lập “Mãn Châu quốc” với ý định thôn tính Trung Quốc lâu dài. Cũng từ đây, Quốc dân đảng cùng lúc tiến hành hai cuộc chiến: cuộc chiến tranh chống người Nhật và cuộc chiến với cộng sản. Tưởng Giới Thạch đã từng tuyên bố trước các tướng lĩnh rằng: “Nhật Bản chỉ là bệnh ngoài da. Cộng sản mới là Tâm bệnh”! Và do đó, trong một chừng mức nhất định, Tưởng Giới Thạch tìm cách kiềm chế không để người Nhật mở rộng vùng chiếm đóng đồng thời ưu tiên giệt “giặc trong”. Vị thế của Trung Hoa Dân Quốc lúc đó đã được coi như một cường quốc quân sự và so sánh lực lượng giữa Quốc Dân và Cộng Sản là hết sức chênh lệch. Nguy cơ lực lượng cộng sản non trẻ bị tiêu diệt là hết sức rõ ràng.

Trong bối cảnh ấy, ngày 12 tháng 12 năm 1936 đã xảy ra “Sự biến Tây An”. Tưởng Giới Thạch bị thuộc tướng của mình là Trương Học Lương bắt cóc. Họ Trương nguyên là Thống soái phụ trách Mãn Châu, nhưng được Tưởng Giới Thạch giao toàn quyền cho Trương chỉ huy Tập đoàn quân Đông Bắc đánh dẹp lực lượng Hồng quân của đảng CSTQ tại Thiểm Tây sau cuộc “Vạn lý trường chinh”. Vạn lý trường chinh thực chất là một cuộc rút quân quy mô khoảng 10 vạn người khỏi sự truy diệt của Quốc dân đảng đi lên vùng núi cao hiểm trở của tỉnh Thiểm Tây. Khi đến Thiểm Tây, lực lượng chỉ còn lại khoảng 8-9 ngàn người và đương nhiên là riêng lực lượng Hồng quân cũng bị tổn thất nặng nề. Người ta dự đoán rằng trước tình thế bị bao vây và nguy cơ bị tiêu diệt như vậy, thông qua công tác tình báo, phía đảng CSTQ và các cố vấn Liên Xô đã tìm mọi cách mua chuộc và mua chuộc được tướng Trương Học Lương nên Trương đã bắt tay với cộng sản, bắt cóc Tưởng Giới Thạch, ép Tưởng và Quốc Dân đảng ký thỏa thuận “không chống lại quân cộng sản” vào ngày 24/12/1936 để “cùng chống Nhật”. Cái gọi là “Quốc Cộng hợp tác” ra đời như thế và kéo dài chỉ được 2 năm trên danh nghĩa, kết thúc vào năm 1938. Dù sao thì thỏa thuận này cũng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho phía Cộng sản vừa tránh được hiểm họa diệt vong khi phải tiếp tục giao tranh với quân Quốc dân đảng vừa có thời gian xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng. Ngoài lực lượng du kích tham chiến tại các địa bàn do người Nhật chiếm đóng thì suốt thời gian “hợp tác”, quân Cộng sản cũng hầu như tránh né mọi cuộc đối đầu trực tiếp với quân Nhật mà chú tâm xây dựng cơ sở của họ ở nông thôn gắn với “Cải cách ruộng đất” nên càng được nông dân ủng hộ. Ngược lại, Trung Hoa Dân quốc từ chỗ xuất hiện như một cường quốc quân sự thì ngày càng kiệt quệ do chiến tranh với quân đội Nhật, do thiên tai, do nội chiến và cả do chia rẽ nội bộ.

Cho đến tháng 11/1937, Quốc dân đảng đã tiến hành 22 trận đánh quy mô lớn nhằm vào lực lượng chiếm đóng Nhật Bản, trong đó trận lớn nhất là “trận chiến Thượng Hải” từ tháng 8-11/1937 với 70 vạn quân của Tưởng Giới Thạch và hơn 20 vạn quân của Nhật Bản tham chiến. Ngoài ra còn có sự tham gia của cả Hải, Lục, Không quân (Riêng phía Trung Quốc của Tưởng lúc đó chưa có lực lượng Hải quân). Nhưng cuối cùng thất bại vẫn thuộc về phía quân Quốc dân đảng. Trong số 32 vạn người thương vong chủ yếu là dân thường và quân đội của Quốc dân đảng. Cũng vào năm 1937, nhờ “thượng sơn quan hổ đấu” là chủ yếu nên thế và lực của Cộng sản tăng lên một cách nhanh chóng: Chỉ sau 15 năm, quân đội chính quy của CSTQ đã đạt con số 1,2 triệu người gắn với gần 2 triệu dân quân du kích địa phương. Chính quyền Cộng sản đã kiểm soát 1/4 lãnh thổ và 1/3 dân số.

Năm 1937, Nhật không những đã chiếm được Thượng Hải trong trận chiến Thượng Hải nói trên mà còn tấn công vào Vũ Hán, trung tâm chính trị, kinh tế và quân sự của Quốc dân đảng và chiếm được Vũ Hán vào 10/1938 buộc Quốc dân đảng phải rút về Trùng Khánh lập “Thủ đô lâm thời”. Dù chiến thắng nhưng Nhật cũng bị tổn thất khá nặng nề và gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý các vùng đất chiếm đóng nên Nhật đề nghị đàm phán với chính phủ Tưởng Giới Thạch, nhưng Tưởng Giới Thạch từ chối vì ông đòi hỏi người Nhật “hãy rút về giới tuyến trước năm 1937” mới đàm phán. Nhật lại tiếp tục tấn công vào Trùng Khánh gây tổn thất lớn cho Quốc dân đảng. Đến năm 1939, quân Nhật bắt đầu bị thất bại nặng nề ở Trường Sa (Thủ phủ tỉnh Hồ Nam) và Quảng Tây, tạo ra thế phản công có lợi cho Quốc dân đảng. Nhưng do phạm phải những sai lầm về chiến lược, do phải đương đầu cùng lúc với hai trận tuyến (ngay trong năm 1939, quân của Hạ Long đã xóa sổ cả lữ đoàn quân Tưởng Giới Thạch) và những khó khăn trong chính nội bộ đảng Quốc dân, nên Tưởng Giới Thạch không những không giữ được vị thế của “cường quốc quân sự” ban đầu mà dần dần suy yếu cả về thế và lực.

Năm 1941, Ngoài các địa bàn đã chiếm được những năm trước, Nhật đã chiếm hầu hết vùng duyên hải phía Đông Trung Quốc và Việt Nam. Sau vụ Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) vào năm 1941, Chính phủ của Tưởng Giới Thạch chính thức tuyên chiến với Nhật Bản, cuộc chiến Trung Nhật (lần thứ 2) trở thành một phần của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II. Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô tiếp tục giúp đỡ quân Tưởng trong cuộc chiến này. Nhưng phần do đã kiệt sức trong những năm trước bởi cuộc chiến với Nhật, với phiến quân của Bắc Dương, một phần lại còn phải tiếp tục đánh nhau với quân của Cộng sản nên khả năng tác chiến của quân của Chính phủ Tưởng giới Thach bị nhiều hạn chế. Trước tình hình này, tại hội nghị quân Đồng minh họp ở Yalta (Crimea) từ 04-11 tháng 2 năm 1945, gồm Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng Bí thư kiêm Tổng Tư lệnh Hồng Quân Liên Xô Joseph Stalin, không có đại diện của Trung Quốc tham dự đã quyết định cho phép quân đội Liên Xô tiến vào Mãn Châu tiêu diệt quân Nhật Bản. (Trên thực tế thì nghị trình của hội nghi Yalta chủ yếu là bàn việc thỏa thuận phân chia ảnh hưởng của “hai phe” sau khi cuộc chiến kết thúc, chủ yếu là ở châu Âu. Riêng châu Á, Liên Xô đồng ý nhận lãnh tuyên chiến với Nhật, nhưng với điều kiện trước hết Hội Quốc liên (LHQ sau này) phải cho tách Mông Cổ (Ngoại Mông) khỏi Trung Quốc và công nhận nền độc lập của Mông Cổ). Sau khi đập tan đạo quân Nhật ở Mãn Châu, toàn bộ kho vũ khí, khí tài quân sự, kể cả vũ khí hạng nặng như xe tăng, đại bác và các phương tiện chiến tranh cũng như khối lượng rất lớn lương thực thực phẩm thu được của Nhật, Liên Xô đã quyết định “viện trợ tại chỗ” cho người anh em đồng chí là quân đội của đảng CSTQ, tạo ra bước đột biến về sức mạnh quân sự cho quân đội của CSTQ chứ không phải từ thiên tài nào của Mao Trạch Đông cả.

Không những thế, Liên Xô mà đại diện là tướng Malinovsky không bàn giao lại vùng đất Mãn Châu cho Chính phủ hợp pháp của Trung Quốc lúc đó là Chính phủ Quốc dân đảng mà đã trì hoãn việc chuyển giao và ngầm tạo điều kiện cho Hồng quân Trung Quốc tiến vào tiếp quản, càng tạo điều kiện và thanh thế cho phe Cộng sản sau khi Đồng minh rút đi.

Sau khi Nhật buộc đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện ngày 2/9/1945, kết thúc chiến tranh thế giới thứ II trên toàn vùng châu Á thì bên trong nước Trung Hoa, cuộc chiến giữa Quốc dân đảng và Cộng sản vẫn tiếp tục khi so sánh lực lượng thay đổi nhanh chóng như đã nói ở trên. Kết cục là Chính phủ Tưởng Giới Thạch phải chạy ra đảo Đài Loan như chúng ta đã biết.



Hai tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản ngày 15-8-2012 “khóa” tàu chở các nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ đảo Uotsuri thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Yomiuri Shimbun.

Như vậy thì chúng ta đã rõ ông Tập Cận Bình bày ra cuộc Duyệt binh quy mô lớn và mời khách khắp cả năm Châu đến dự lễ Duyệt binh ngày 3/9 này là để làm gì rồi. Nói như một số phóng viên phương Tây, chắc chắn ông ta muốn nhân dịp này khoe với thiên hạ nhiều loại vũ khí mới như xe tăng Type 99 A2, tên lửa HQ-101, thậm chí có thể có cả tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31 hay tên lửa JL-2 mới tinh phóng từ tàu ngầm cùng nhiều loại tàu bay và vũ khí xâm lược khác ... Cũng là dịp để “rung cây” dọa những kẻ yếu bóng vía, trong đó có chủ đích nhằm mục tiêu vào chủ quyền biển-đảo của Nhật Bản chăng? Mời các anh chị em theo dõi những diễn biến trước và sau cuộc duyệt binh này để xem Trung Quốc định làm gì và sẽ làm được gì.

Đây là lễ kỷ niệm chiến thắng Phát xít, kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II hay là để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mới với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Tập Cận Bình?

Vào năm 1955, với cuồng vọng vô hạn độ của mình về mọi phương diện, Mao đã hơn một lần muốn dựng lại chủ thuyết “Biển lịch sử” bằng cách nêu lại “đường lưỡi bò” (lưỡi Rồng) mà Tưởng Giới Thạch bịa ra vào năm 1947. Ngày nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc một lần nữa khẳng định lại “đường lưỡi bò”, chiếm khoảng 75-80% diện tích biển Đông là “biển lịch sử” của Trung Quốc, là việc “bất khả tranh nghị”! Thái độ ngạo mạn này làm chúng ta nhớ lại lịch sử 2 ngàn năm trước khi Đế quốc La Mã (Đế quốc Roma) không chỉ thiết lập ra một đường biên giới trên bộ dài tới 56.000 dặm (trên dưới 100.000 km) bao trùm lên lãnh thổ khoảng 40 quốc gia ngày nay, mà còn tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Địa Trung hải chạy từ Tây Ban Nha qua Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Đông, Vịnh Ba Tư cho tới Bắc Phi. Thủa đó, các nhà độc tài La Mã cũng gọi Địa Trung hải là “Biển của chúng ta” hoặc “Biển lịch sử của chúng tôi” (!?).

Giọng lưỡi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đối với biển Đông nghe ra cũng na ná với những gì mà những kẻ xâm lược cổ đại đã nói, đã làm và đã thất bại thảm hại. Với cách chiếm biển, xây đảo nổi và lập các căn cứ quân sự trên vùng biển không hề là chủ quyền của mình, tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải đang quyết liệt xây dựng Trung Quốc thành một “Đế chế biển”. Và với tham vọng và hành động như đã từng xẩy ra trong những năm gần đây, không dẫn đến chiến tranh trên quy mô lớn mới là chuyện lạ. Không ngẫu nhiên, trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây, ông Thủ tướng Úc đã ví thái độ và hành động vô trách nhiệm của Tập Cận Bình ở biển Đông giống với cách mà Hitler đã làm ngay trước khi cuộc chiến tranh thế giới thứ II nổ ra.

* NGUYỄN THÁI NGUYÊN (Tác giả gửi BVB)
(Blog Bùi Văn Bồng)
http://bongbvt.blogspot.com/2015/08/trung-quoc-to-chuc-ai-le-duyet-binh-vi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét