Phá giá tiền và ‘tử huyệt’ khó hồi phục của TQ
Một hậu quả nghiêm trọng mà lãnh đạo Trung Quốc chịu hy sinh là niềm tin của nhà đầu tư, đối tác nước ngoài... về dài hạn. Đây sẽ là một “tử huyệt”, khó hồi phục.
thế giới. Ảnh minh họa, nguồn: China Daily
Đầu năm nay, một người bạn cũ từ Thượng Hải ghé qua California thăm. Anh là đại gia có tiếng, liên quan đến nhiều dự án rầm rộ, từ công nghệ cao, sản xuất hàng gia công đến bất động sản, chứng khoán. Dĩ nhiên, sự thành công theo kiểu của anh dựa vào một mạng lưới quan hệ rất chặt chẽ với chính quyền địa phương. Trong khi đó, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đang lan rộng khắp nước, nhất là từ khi Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang bị bắt.Trong bữa ăn, hai vợ chồng tỏ vẻ lo âu, thiếu thần sắc. Dù tôi cũng đang bị cái bệnh suy thận hành hạ, nhưng ngoài việc sụt cân, tôi vẫn nghĩ mình may mắn hơn khi so với cặp tỷ phú đô la này. Sau những cập nhật về tin tức, bạn bè, cùng thời sự nóng bỏng của Trung Quốc, anh đi thẳng vào vấn đề... Anh đã chuyển ra khỏi Trung Quốc gần 40 triệu USD nhưng các tài sản khác còn kẹt lại trong nước vẫn lên đến cả chục tỷ. Anh hỏi có cách gì để “internationalize” (quốc tế hóa) các tài sản này để đặt chúng ngoài tầm tay của chính quyền. Niêm yết sàn chứng khoán Âu, Mỹ... có khả thi?
Tôi không thể tiết lộ chi tiết những chiến lược và chiến thuật tái cấu trúc của một khách hàng; nhưng nói về vĩ mô, tôi nói với anh là “time is running out” (sắp hết thời gian) cho anh, trong một bối cảnh Trung Quốc sẽ còn đối mặt nhiều biến động trong vài năm tới.
Tôi nói đây chỉ là cảm nhận (perception) của một doanh nhân; không phải là một dự đoán (prediction) chính xác về bất cứ kịch bản nào. Nhưng chắc “thánh nhân đãi kẻ khù khờ” nên cái miệng ăn mắm muối, nói bậy bạ của tôi, lại thể hiện một tiên tri “chó ngáp phải ruồi”, khá hiện thực, nhất là trong vài tháng qua, với sự sụp đổ của sàn chứng khoán Trung Quốc và sự phá giá của đồng nhân dân tệ.
Trước hết, xin nói rõ hơn về khác biệt giữa “dự đoán” và “cảm nhận”. Dự đoán từ các chuyên gia, giới hàn lâm... thường dựa vào số liệu, sự kiện, phân tích rồi dự phóng theo nguyên lý khoa học (định lượng hay định phẩm- quantitative or qualitative). Cảm nhận cũng dựa trên vài yếu tố đó, nhưng pha trộn khá nhiều cái trực giác mà người làm ăn gọi là “gut feeling”, một rủi ro có thể đẩy bạn lên cao hay chôn bạn xuống bùn.
Và tôi giải thích với người bạn Thượng Hải của tôi những nguyên nhân tôi cho rằng “time is running out” cho anh ta và có lẽ cho khá nhiều nền kinh tế trên thế giới. Hôm nay, cập nhật thêm tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay, tôi có thể kết luận hơi “gây sốc” với cảm nhận của mình.
Thứ nhất, tôi nghĩ rằng cái gọi là “cuộc chiến tiền tệ” chỉ là một thủ thuật mà các lãnh đạo kinh tế thế giới vẫn dùng hàng ngày, dưới nhiều hình thức khác nhau. Âu Mỹ Nhật... thường kết tội Trung Quốc là cố tình giữ tỷ giá nhân dân tệ quá thấp, rối quá cao... để thu lợi cho cán cân thương mại. Nhưng chính các quốc gia này cũng đã hành xử tương tự khi cần.
Sự phá giá của tiền Trung Quốc trong tuần qua chỉ là một cú đánh bắt buộc của chính quyền để cứu những công ty xuất khẩu và tạo thế cạnh tranh về giá cả. Tuy vậy, tôi nghĩ là chính sách này sẽ bị giới hạn nhiều về hiệu quả vì các nước có mặt hàng xuất khẩu tương tự cũng biết phá giá bản tệ của mình để giữ thị phần.
Sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc trong tỷ giá cũng giống như những can thiệp vào thị trường chứng khoán... nó có thể giúp ổn định trong một thời gian ngắn, không thể áp dụng lâu dài. Một hậu quả nghiêm trọng mà lãnh đạo Trung Quốc chịu hy sinh là niềm tin của nhà đầu tư, đối tác nước ngoài... về dài hạn. Đây sẽ là một “tử huyệt” , khó hồi phục, khi so với bong bóng tài sản (chứng khoán, bất động sản, hàng tồn kho...) hay so với nợ công địa phương, nợ xấu, tín dụng đen...
Thứ 2, ảnh hưởng lớn hơn có thể làm phần lớn dân số trên thế giới “nghèo” đi một chút là đồng USD sẽ tăng giá mà cơ quan Fed không cần phải hạ lãi suất. Một vài chỉ dấu khiến tôi dự đoán tỷ giá nhân dân tệ với USD sẽ “xuống” thêm khoảng 12% cho đến cuối 2016. Các bản tệ khác của Châu Á cũng sẽ mất khoảng 7% giá trị trong thời gian này (so với USD). Riêng Việt Nam, tình huống này có thể khiến những số nợ thanh toán bằng USD sẽ chịu thêm phí tổn và ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Thứ 3, có thể nói lần này Trung Quốc sẽ xuất khẩu “giảm phát” toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa sẽ không tăng trưởng dù giá có rẻ hơn chút đỉnh, vì người dân đã bị giảm thu nhập và nạn thất nghiệp sẽ gia tăng. Kỳ vọng vào đầu tàu Mỹ cũng sẽ không hiện thực vì hiện nay, kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu mệt mỏi. Dow Jones và chỉ số S&P đang chờ một điều chỉnh mạnh, có thể đến với việc “nổ bong bóng IT” của Silicon Valley.
Tuy không tệ hại và sâu đậm như cuộc khủng hoảng kinh tế của Châu Á năm 1997 hay thế giới năm 2007, kinh tế toàn cầu sẽ chuyển qua một chu kỳ suy thoái, rất khác biệt với những năm go-go của thập niên vừa rồi. Giống như các cuộc khủng khoảng trước đây, các dự án FDI và dòng tiền IDI sẽ ngưng chảy về các kinh tế mới nổi; mà tìm chỗ trú ẩn an toàn ở Âu, Mỹ, Nhật.
Thứ 4, khó tiên đoán hơn là những biến động có thể xảy ra ở Trung Quốc. Trước đây, chỉ những vụ cướp đất, ô nhiễm, thực phẩm độc hại, khoảng cách giàu nghèo... đã tạo nên những cuộc phản kháng khắp nơi, thì giờ chuyện mưu sinh đủ ăn đủ chơi... có thể còn tác động lớn đến mức nào?
***
Bữa ăn tối đó, tôi và người bạn Thượng Hải tình cờ gặp một quản lý quỹ đầu tư Mỹ khi chúng tôi ra về. Sau phần giới thiệu, ông Mỹ hỏi tôi, “anh thấy các khoản đầu tư ở Trung Quốc của tôi có an toàn không?” Tôi cười, nửa đùa nửa thật, “Stay out of China” (Đừng dính vào)...
Alan Phan
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/256571/pha-gia-tien-va--tu-huyet--kho-hoi-phuc-cua-tq.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét