Con nhà vô phúc!
Blog Ông Giáo Làng - Cái chết là quy luật của muôn đời với muôn loài, chẳng ai có thể cưỡng nổi. Mỗi người, tùy theo tín ngưỡng, tôn giáo có những quan niệm khác nhau về cái chết. Có người coi chết là hết, là trở về với cát bụi; có người coi chết chỉ là kết thúc cuộc đời ở kiếp người để đầu thai sang một kiếp khác với hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn; lại cũng có người lo lắng chết đi, không biết sẽ được lên Thiên đường nơi hằng tồn tại cuộc sống đầy hoan lạc hay phải xuống Địa ngục sống chung với vạc dầu, quỷ sứ. …Nhưng dù lý giải về cái chết ra sao, mỗi người đều có những ý nguyện cuối cùng, thể hiện cái ước muốn sau hết trước khi từ giã cõi đời. Người bình thường thì là vài lời trăng trối với cháu con trước khi nhắm mắt, người có chút chữ nghĩa thường ghi lại bằng giấy mực. Tờ giấy ghi lại tâm nguyện cuối cùng ấy được gọi là Di chúc, hay Chúc thư. Với các bậc đế vương, những nguyện vọng ấy được gọi là Di Chiếu. Dù là vài lời trăng trối, hay Chúc thư, Di chiếu, tựu trung cũng thường nói tới ba việc.
Trước hết là thể hiện nguyện vọng của người chết về cách thức lo chuyện tang ma. Nguyễn Khuyến đã di chúc bằng thơ cho con cháu, thể hiện đúng nguyện vọng của con người suốt đời sống thanh bạch và hóm hỉnh nhưng luôn coi trọng khí tiết nhà Nho:
Việc tống táng lăng nhăng qua quýt,
Cúng cho thầy một ít rượu hoa
Đề vào mấy chữ trên bia
Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu.
Điều thứ hai Di chúc thường nói tới là việc phân chia gia sản (với người bình thường) hoặc người được kế vị (với các bậc vương giả). Có điều này, anh em con cháu còn sống sẽ hạn chế những bất hòa, tranh cạnh; đất nước sẽ tránh cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt.
Và cuối cùng là những lời căn dặn con cháu cùng những người còn sống về lẽ ăn ở trong đời, những hoài bão ước mong người chết chưa thể thực hiện muốn con cháu nối gót….
Dù là của các bậc vương giả hay những kẻ nghèo hèn, những tâm nguyện trước khi chết ấy bao giờ cũng được coi là tuyệt đối thiêng liêng, là bất khả xâm phạm và những người còn sống phải thực hiện bằng mọi giá. Bởi vì những Di chúc, Di chiếu này thường được làm từ nhiều năm trước, những điều ấy đã được người chết suy ngẫm, cân nhắc đắn đo tới từng câu từng chữ, thậm chí có thể tới từng dấu chấm dấu phẩy, có khi còn lắng nghe ý kiến của con cháu, lại tham khảo thêm ý kiến của những người hiểu biết đáng tin cậy. Thêm nữa, người Việt ta có truyền thống coi “nghĩa tử là nghĩa tận”. Một chút gì của người đã khuất bao giờ cũng được người còn sống vô cùng trân trọng. Những ước nguyện ấy sao con cháu có thể coi thường?
Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng như thế. Dù Di chiếu hay Di chúc cũng vẫn có khi bị coi như một trò chơi. Ngay như bậc đế vương, cũng có những Di chiếu bị xuyên tạc. Trong lịch sử, điển hình người ta thường nói tới Di chiếu của Tần Thủy Hoàng đã bị Triệu Cao cùng Hồ Hợi làm giả để tìm cách thao túng chính sự, để có thể tự tung tự tác “chỉ hươu nói ngựa”. Những kẻ như Triệu Cao, Hồ Hợi bị người đời lên án là “loạn thần nghịch tử”.
Người dân thường cũng có những đứa con bất hiếu dám tìm cách làm trái lời Di chúc của ông cha để giành quyền lợi cho mình, cho những người thuộc phe nhóm với mình. Từ đó dẫn tới cảnh anh em cốt nhục tương tàn.
Tôi hiểu biết hạn hẹp, suy nghĩ nông cạn, không dám bàn tới Di chiếu và việc thực hiện Di chiếu của các bậc đế vương.
Chỉ nhớ lại sinh thời Bố tôi, mỗi khi nghe ai nhắc tới những kẻ dám làm trái lời Di chúc của Ông Cha, dẫn tới cảnh anh chị em chia đàn xẻ nghé, Cụ chỉ đưa ra một lời bình phẩm:
- Con nhà vô phúc!
Bao nhiêu năm rồi, chỉ nhớ lại cái giọng của Cụ khi nói những lời ấy, tôi vẫn còn xanh cả mắt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét