'Chém lợn', ăn thịt chó mới hợp... truyền thống?
Đa dạng văn hóa và lựa chọn của chủ thể văn hóa cần được tôn trọng, đó là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, có lẽ họ cũng nên lắng nghe ý kiến đánh giá từ bên ngoài và có điều chỉnh sao cho phù hợp với bối cảnh thời đại. Có như thế, các giá trị mà họ tin tưởng mới có sức lan tỏa đến cộng đồng rộng lớn hơn.
Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) mới đây bày tỏ quan điểm cho rằng nên bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh cũng như một số nghi lễ có lối đối xử tàn bạo đối với động vật, nhất là khi có sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em. Ý kiến này nhận được nhiều quan điểm khác nhau từ công luận, người ủng hộ có, người phản đối có.
Bài viết này là quan điểm cá nhân của một người làm công tác nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, phát triển. Mục đích của nó là góp thêm cách nhìn, nhận định về đâu đó những thực hành văn hóa cũ, có thể không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Truyền thống là gì?
Để đưa ra cách hiểu thấu đáo, tường tận thế nào là văn hóa truyền thống là việc làm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức mà khuôn khổ một bài báo không làm nổi. Tuy nhiên, cách hiểu mang tính ngầm định chung nhất là khi nói đến truyền thống hay văn hóa truyền thống, người ta nói đến những thực hành, tập quán mang đủ các giá trị “chân, thiện, mĩ”, mang tính phổ quát, đại diện chung cho một cộng đồng cụ thể.
Nói một cách dân dã thì đó là những thực hành mang tính nhân văn, có giá trị giáo dục, hướng người ta đến cái đẹp, cái thiện. Những giá trị này còn nguyên vẹn trong hiện tại và được cộng đồng chấp nhận. Khái niệm cộng đồng ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng, thường là tộc người, dân tộc hay chí ít cũng là một vùng địa lí. Có thể lấy ví dụ như khi ra nói về truyền thống hiếu học, chống ngoại xâm của người Việt Nam.
Đối với những thực hành văn hóa từng phổ biến một thời, giờ cơ bản không còn nữa, khái niệm “tục, phong tục, tập quán” thường được sử dụng hơn. Việc không phổ biến nữa xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bị chi phối bởi các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau. Có thể kể ra nhiều ví dụ về dạng này: tục ăn trầu, tục đa thê hay tập quán du canh du cư…
Trong khá nhiều trường hợp, tục, lệ, hay phong tục có thể phổ biến trong một cộng đồng nhỏ hơn như làng bản, dòng họ, nhóm xã hội, nghề nghiệp. Chính vì thế, khi đề cập đến thực hành văn hóa phổ biến của làng nào đó, người ta thường sử dụng những khái niệm này thay vì truyền thống. Dĩ nhiên, sự phân biệt này chỉ có tính tương đối, trong một số trường hợp, truyền thống và phong tục, tục lệ có thể được dùng với ý nghĩa tương đồng.
Tục lệ có luôn luôn đúng?
Xã hội loài người luôn vận động với nhiều sắc màu khác nhau. Mỗi giai đoạn phát triển gắn với những thực hành, giá trị, chuẩn mực cụ thể. Có những tục lệ đã và đang còn nguyên giá trị, được cộng đồng lưu giữ, nhưng cũng không ít đã mai một, thậm chí biến mất bởi không còn phù hợp nữa. Ví dụ điển hình nhất là tục đốt pháo mỗi dịp hiếu, hỉ hay mừng năm mới vốn từng phổ biến nhưng đã chấm dứt gần 2 thập kỉ nay.
Đưa ra đánh giá một tục lệ cụ thể nào đó dĩ nhiên là một việc không dễ, cần cái nhìn từ nhiều chiều kích. Rõ ràng quan điểm của chủ thể hay người thực hành tục lệ đó là vô cùng quan trọng, không thể bỏ qua, bởi họ là người hiểu hơn ai hết ý nghĩa cũng như chịu tác động trực tiếp của tục lệ đó.
Tuy nhiên, trong một thế giới phẳng ngày nay, những chủ thế văn hóa đó cũng cần phải thận trọng xem xét, đánh giá lại một cách khách quan tục lệ của mình, lắng nghe ý kiến từ bên ngoài, xem xét tính chất lan tỏa từ việc thực hành tục lệ ấy đến các cộng đồng xung quanh, nhất là khi họ cũng tham dự vào những thực hành ấy chí ít với tư cách người quan sát. Liệu có khôn khéo không nếu cứ khư khư bao biện đây là tục lệ, truyền thống mà bỏ qua ý kiến từ bên ngoài? Câu chuyện ồn ào về tục ăn thịt chó ở xứ ta thời gian vừa qua là một ví dụ.
Đừng nhân danh truyền thống
Suốt nhiều thập kỉ, vì các lí do khác nhau, khá nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian không có điều kiện tổ chức nay “nở rộ” khắp nơi. Tuy nhiên, việc phục dựng các thực hành văn hóa cần cẩn trọng và có những thay đổi nếu cần thiết, bởi lẽ truyền thống không phải được tạo ra sau một đêm và bất biến. Trái lại, nó được hình thành, hun đúc, đổi mới trong suốt chiều dài lịch sử. Chính vì thế, truyền thống cần phải được coi là “tài sản” chung của cả cộng đồng, phải liên tục được tiếp biến, làm mới cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của thời đại.
Việc khư khư duy trì máy móc các tục lệ cũ sẽ đem lại hệ quả tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Có thể nhìn thấy điều này qua tục lệ của nhiều tộc người ở nước ta: tục kết hôn sớm hay tục “nối dây” ở nhiều dân tộc thiểu số; tục đốt pháo hay “ngăn sông, cấm chợ” trong kết hôn, tục thách cưới… ở nhiều làng Việt. Chính vì lẽ đó, nhiều tục lệ không phù hợp đã được bãi bỏ hoặc cách điệu như tục săn đầu người, hút thuốc phiện, đa thê ở người Việt cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác?
Giống như nhiều người, tôi không ủng hộ và không muốn chứng kiến cảnh chém đầu lợn, đâm trâu… trong bất kì lễ hội nào. Thiết nghĩ, nếu luận giải rằng đó là cách truyền tải thông điệp giáo dục thế hệ sau về tinh thần thượng võ hay bất cứ lí do nào khác thì thiếu gì cách? Ý nghĩa của thông điệp này có mất đi không nếu ta biến các thực hành này ở dạng mô phỏng, tượng trưng hoặc đơn giản hơn là thay thế những con vật thật bằng hình nộm với chất liệu phù hợp?
Tôi còn nhớ trước đây, trước mỗi lần thịt vật nuôi trong nhà những dịp lễ tết, bố mẹ tôi thường lẩm nhẩm mấy câu với đại ý “thôi thì kiếp này mày là…; tao hóa kiếp cho mày để kiếp sau lên làm người”…
Rồi gần đây, trong một chương trình truyền hình giới thiệu về kĩ năng sinh tồn trên kênh Discovery, tôi cũng chứng kiến cảnh người ta âu yếm, vuốt ve, bày tỏ lòng biết ơn con vật trước khi kết liễu chúng làm thức ăn. Những người làm chương trình đã vô cùng khôn khéo khi không quay và đưa cảnh này lên truyền hình. Người xem vẫn hiểu, nào cần máu me hay tiếng kêu thảm thiết, ánh mắt bi thương của con vật tội nghiệp.
Đã đến lúc chúng ta nên dừng việc “nhân danh truyền thống” mà bảo thủ trước nhu cầu đổi mới. Sẽ khó lòng “hội nhập” để “hóa Rồng” nếu truyền thống vẫn được khư khư đem ra như con ngáo ộp để biện giải cho cách nhìn thiển cận.
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/219940/-chem-lon---an-thit-cho-moi-hop----truyen-thong-.html
Nước VN cái gì xấu xa không bỏ được thì nhà nước ghép hai từ văn hoá vào là dân chịu thua, như văn hoà ẩm thực ăn thịt chó, chém lợn, văn hoá không từ chức, văn hoá tham nhũng v.v
Trả lờiXóaĐường lối chính trị mập mờ, không biết VN sẽ đi về đâu. Theo Tàu hay theo Hồi giáo cực đoan ?
Trong sách Hội hè đình đám của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh, NXB TP. HCM xuất bản năm 1999, có viết về Hội chém lợn khi xưa ở làng Niệm Thượng tục gọi là làng Ném, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc). Trong Hội này diễn ra vào ngày mùng 6 tết, cũng chém 2 con lợn như tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bây giờ.
Trả lờiXóaCó điều trong sách viết rõ Thần tích của làng Niệm Thượng ngày xưa là Thành Hoàng họ Lý, gọi là Lý Công, nguyên là một tên ăn cướp, một hôm đi ăn cướp bị dân làng vây bắt, trốn ở núi Nghè gần làng Niệm Thượng, đói quá gặp con lợn ở đâu chạy tới chém đứt đôi con lợn ăn thịt sống. Không biết Lý Công chết ra sao, chỉ thấy chép gặp giờ linh nên được người dân thờ làm Thành Hoàng.
Tục chém lợn của làng Niệm Thượng xưa với Thành Hoàng là Lý Công nguyên là tên ăn cướp như theo sách đã dẫn của nhà văn Toan Ánh, và lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng ngày nay với truyền thuyệt vị tướng công Đoàn Thượng thời Lý, có gì khác và giống nhau không?
Các nhà nghiên cứu văn hóa ngày nay, cổ vũ cho lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng bây giờ nên xem lại gốc gác của thôn Ném Thượng và Thần tích của thôn. Nếu lỡ thôn Ném Thượng ngày nay chính làng Niệm Thượng ngày trước, và Thành Hoàng Lý Công chém lợn là tên cướp và vị tướng Đoàn Thượng thời Lý mà là một, thì không còn cách gì mà biện minh cho lễ hội này được nữa.
http://nguoidongbang.blogspot.com/2015/02/chem-lon-o-bac-ninh-thanh-hoang-la.html
Tôi ủng hộ tác giả bài viết. Những tập tục xưa mang tính chất man rợ như Lễ chém lợn;. Hội đâm trâu; Trò chọi chó; Tục "nối dây"; Hủ tục tảo hôn, thách cưới... nên bỏ. Nước ta không thiếu gì những tập tục hay, đẹp giàu tính nhân văn, thượng võ v.v... sao không đem ra xử dụng và phát huy. Điều này đòi hỏi người "cầm chịch", trước tiên là cơ quan văn hóa nhà nước, rồi đến bộ máy công quyền ở các địa phương. Người dân khắc trông vào đấy mà noi theo. Và như vậy thì những hủ tục nói trên dần sẽ biến mất.
Trả lờiXóa