Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Nhà trường, công trường và… thị trường!

Nhà trường, công trường và… thị trường!
Thật là kinh hoàng nếu nhìn ở góc độ tuy mới 7 – 8 tuổi nhưng các em đã ý thức rằng kẻ làm quan (dù chỉ là lớp trưởng của một lớp tiểu học) thì được quyền nhận biếu xén và kẻ là dân (học sinh) thì phải có trách nhiệm cống nạp…
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Thông tin các lớp trưởng được “trả lương” qua hình thức giảm 50% học phí và tiền học thêm tại một trường THPT ở Tiền Giang đã gây sửng sốt trong dư luận, đặc biệt là với thế hệ học sinh của thế kỉ trước. Sửng sốt vì từ bao lâu, cái chức lớp trưởng vốn là niềm vinh dự cho những ai học giỏi, đạo đức tốt, có uy tín trong tập thể, được bạn bè và giáo viên tín nhiệm đề cử. Ngoài phần trách nhiệm thì ở đây còn là một vinh dự, một niềm tự hào nên được đa số các học sinh mong muốn.

Một sự mong muốn vô tư, trong sáng bởi đây là một “chức” cần nhiều hi sinh, đóng góp… chứ tuyệt nhiên không phải là một cái chức để sinh lợi, dù nguồn lợi đó là nhỏ, rất nhỏ.

Thế nhưng nếu được “trả lương”, nó lại mang một “thông điệp” nhuốm mùi vật chất là có đi, có lại, có làm, có hưởng. Dù đây là mối quan hệ mang tính tất yếu trong tất cả các cơ quan, doanh nghiệp nhưng hoàn toàn xa lạ với môi trường giáo dục phổ thông. Từ đó, tiếng nói của lớp trưởng không còn “thiêng” như trước đây.

Nó càng “tệ hại” hơn nếu như xuất hiện tư tưởng “ăn thì phải làm” từ các học sinh.

Viết đến đây chợt nhớ lại câu chuyện do một vị nguyên là đại biểu Quốc hội khoá X kể lại rằng cạnh nhà ông có cậu bé đang học lớp 2 (tức là 7 – 8 tuổi). Mỗi buổi sáng, cậu thường xin mẹ 5 ngàn đồng ăn quà. Thế nhưng mấy bữa liền, cu cậu nằng nặc đòi xin 7 ngàn đồng. Người mẹ dỗ dành, tra hỏi mãi, cu cậu mới khai lý do là “biếu bạn lớp trưởng để khỏi bị mách cô giáo khi mắc lỗi”.

Một chuyện tưởng chừng như rất đơn giản nhưng đằng sau nó ẩn chứa một thông điệp hết sức đáng lo ngại. Thứ nhất, hành vi của hai cậu bé tuy vô thức nhưng đã chứa đựng đầy đủ hành vi của một tội hình sự có tên là “hối lộ và nhận hối lộ” với mức án có thể là rất cao.

Thứ hai, thật là kinh hoàng nếu nhìn ở góc độ tuy mới 7 – 8 tuổi nhưng các em đã ý thức rằng kẻ làm quan (dù chỉ là lớp trưởng của một lớp tiểu học) thì được quyền nhận biếu xén và kẻ là dân (học sinh) thì phải có trách nhiệm cống nạp.

Cái tư duy đưa và nhận vật cống nạp đã hình thành như một bản năng từ thủa ấu thơ chính là nguy cơ tiềm tàng, hủy hoại nền tảng đạo đức thế hệ mai sau.

Trở lại với chuyện “trả lương” cho lớp trưởng, theo mình không nên áp dụng tư duy “bổng lộc” bởi nó hoàn toàn có thể là mầm mống cho những tiêu cực sau này của thế hệ tương lai.

Nhà trường là một môi trường đặc biệt, cần lắm sự vô tư, trong sáng, đóng góp, cống hiến… Nó tuyệt nhiên không phải là công trường và càng không phải là thị trường, phải không các bạn?
Tác giả: Bùi Hoàng Tám
http://dantri.com.vn/blog/nha-truong-cong-truong-va-thi-truong-1036025.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét