Khi 90 triệu người cùng quyết... làm quan!
Đa số sĩ tử trong các cuộc thi đều mong mình may mắn thi đậu để được làm Quan chứ không phải vì mục đích cao cả hay quốc gia đại sự. Do khi làm quan, đôi lúc “cả họ được nhờ” nên phần đông mọi người cố gắng học thuộc lấy một “bồ chữ”để theo đuổi mục đích riêng của mình, làm giàu cho gia đình mình, rạng danh dòng họ mình. Học để “cả họ được nhờ”
Nhìn qua các thống kê, có thể thấy tinh thần hiếu học của dân ta ít nước nào theo kịp. Quả là đáng khâm phục cho một đất nước ngày nào còn khắp nơi “Bình dân học vụ” nhưng chỉ hơn nửa thế kỷ sau đã có tới gần 30 ngàn Tiến Sĩ, khoảng 120 ngàn Thạc Sĩ và mỗi năm ra lò hơn 400 ngàn người tốt nghiệp ĐH-CĐ (năm sau cao hơn năm trước).
Hiếu học là vậy, nhưng có vẻ cái sự học này chưa phát huy hiệu quả. Bằng chứng là tuy người người đi học, nhà nhà đi học sau đại học nhưng vẫn hiếm thấy bóng dáng các sản phẩm chất lượng cao mang tên “trí tuệ Việt”.
Do đặc thù lịch sử, Việt Nam từng chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho vốn có chủ trương tìm về cái cũ, cái ngày xưa tươi đẹp nên không chú trọng hay khuyến khích mọi người nghĩ ra cái mới hay cải cách, đổi mới. Cũng vì vậy nên giáo đồ của họ đa số chỉ quan tâm đến học thuộc lòng, nhớ lấy những gì quan trọng để khi cần thì mang ra đối đáp, thi thố.
Dần dần khái niệm "học để làm người" và tìm ra ý nghĩa cuộc sống đã trở thành xa xỉ. Thay vào đó, đa phần quen học vẹt, học để kiếm cơm (theo cách nói của cụ Phan Khôi), và để thoát nghèo bền vững hay biến một người đang là nông dân trở thành trí thức.
Trong xã hội đó, đa số sĩ tử trong các cuộc thi đều mong mình may mắn thi đậu để được làm Quan chứ không phải vì mục đích cao cả hay quốc gia đại sự. Do khi làm quan, đôi lúc “cả họ được nhờ” nên phần đông mọi người cố gắng học thuộc lấy một “bồ chữ” để theo đuổi mục đích riêng của mình, làm giàu cho gia đình mình, rạng danh dòng họ mình chứ ít ai quan tâm đến cái chung hay phụng sự đất nước.
Tâm lý đó vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến mục đích học của nhiều người Việt ngày nay. Rất nhiều người coi bằng Tiến Sĩ là cái ngưỡng cao nhất của học tập. Họ sẽ dừng việc học lại một khi có tấm bằng trong tay.
Văn hóa trọng sĩ khiến cho nhiều người coi việc học là đích đến chứ không phải tiến trình. Ở một số nước, người ta coi việc học là mục tiêu suốt đời nên họ cặm cụi học tập và tận tụy nghiên cứu hàng ngày để lần lượt cho ra đời các phát minh, sáng chế làm lợi cho nhân loại.
Nghề đi học
Nước ta cũng có nhiều người đi học suốt đời nhưng phần đa là do học mãi mà chưa lấy được bằng hoặc chưa biết làm gì nên cứ đi học – vì dù sao thì việc học luôn được coi trọng trong một đất nước “hiếu học” như Việt Nam.
Không thiếu người suốt đời theo đuổi hết khóa này đến khóa khác, bằng này đến bằng khác (do được ưu đãi về học bổng) và tạo nên một hiện tượng “nghề đi học”. Xét về quyền thì họ không sai, nhưng nếu nhìn rộng ra thì những người làm nghề này tuy có bằng cấp và kiến thức tốt nhưng lại không làm lợi cho xã hội vì họ không làm việc theo đúng nghĩa.
Cũng bởi vì cách tiếp cận trong giáo dục của chúng ta đang có vấn đề, nên hậu quả là “thầy” quá nhiều nhưng không biết hoặc không có cơ hội làm việc theo đúng nghĩa, trong khi đó thợ có tay nghề cao lại thiếu cho dù nhu cầu xã hội rất cao.
Nếu nhìn nhận theo quan điểm quản trị thì để một xã hội vận hành hiệu quả, không cần quá nhiều nhà quản lý (mà chỉ cần tinh nhuệ) hay nhà khoa học (ít nhưng hiệu quả), mà cần nhiều hơn những người thợ có tay nghề cao trong các nhà máy, xí nghiệp.
Cùng với những nông dân cần cù nơi đồng ruộng, họ mới chính là những người trực tiếp làm ra sản phẩm, vật chất cho xã hội, góp phần trực tiếp và có ý nghĩa thực tiễn nhất thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Họ cần mẫn, cặm cụi làm việc mà không hề kêu ca về lương thấp và các chế độ phụ cấp nghèo nàn. Với họ, hạnh phúc đơn giản là được làm việc, có thu nhập để nuôi sống bản thân, chăm sóc gia đình và trông đợi một tương lai tươi sáng.
Một đất nước muốn phát triển thì cơ cấu ngành nghề cần được điều chỉnh phù hợp để lao động với hàm lượng trí tuệ cao cần chiếm ưu thế, nhưng điều kiện cần và đủ của Việt Nam cho vấn đề này vẫn chưa đến.
Trước mắt, hàng năm chúng ta vẫn phải sống nhờ vào 40 triệu tấn thóc, 6-7 triệu tấn cafe cùng các sản phẩm nông nghiệp khác. Lao động phổ thông vẫn đang là nguồn lực quan trọng để tạo ra hàng hóa xuất khẩu góp phần cân bằng cán cân mậu dịch của đất nước. Và trong số mấy chục nghìn doanh nghiệp nhỏ đa số được sở hữu và quản lý bởi những người chưa bao giờ tốt nghiệp ĐH kia, một lượng lớn lao động đang ngày đêm làm việc để góp phần nuôi sống mấy triệu cử nhân cùng hơn một trăm ngàn thạc sĩ, tiến sĩ trên toàn quốc.
Đến bao giờ sự hiếu học của dân ta mới phát huy được thế mạnh và đóng góp xứng tầm cho phát triển? Có rất nhiều điều cần bàn đến ở đây liên quan đến “Triết lý giáo dục”, “cơ chế sử dụng nhân tài”, cùng các biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu và ứng dụng KHKT của nước nhà?
Nhưng, đó cũng là khi mỗi người đi học không chỉ để hành nghề, để làm quan hay để thoát nghèo mà còn để biết cách ngồi lại cùng nhau, biết chia sẻ, cảm thông, tôn trọng sự khác biệt thông qua vận dụng lối tư duy phản biện để cùng nhau làm việc vì mục tiêu chung.
Trần Văn Tuấn
(Tuần Việt Nam)
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/218615/khi-90-trieu-nguoi-cung-quyet----lam-quan-.html
Lối nói : 90 triêu người quyết làm quan là một sự vu không bỉ ổi. Vi đâu nhiều người muốn làm quan? Liệu người dân có đẻ ra cơ chế tham nhũng cho đám quan lại.
Trả lờiXóaThật là vô lạ,i vô lương khi đổ vấy cho dân chúng!