Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Việt Nam có muốn bước khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc?

Việt Nam có muốn bước khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc?
Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là thị trường chào đón các sản phẩm nông sản nhiệt đới của Việt Nam nếu ta kiểm soát tốt chất lượng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nền kinh tế Việt Nam phải bước ra khỏi sự lệ thuộc đối với Trung Quốc, kể cả lĩnh vực nông nghiệp.
Dưa hấu có thể là một trong những sản phẩm vì 
lệ thuộc nên nhiều lần bị thối hỏng ở cửa khẩu
PV: - Hiện nay Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam nhập rất nhiều thuốc trừ sâu, nguyên vật liệu cũng như thức ăn chăn nuôi, hoa quả... Vậy theo bà làm thế nào để ngành nông nghiệp Việt Nam dần tự chủ được?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Cũng như các ngành khác, ngay cả về nông sản chúng ta cũng phải xác định trong nhóm hàng này thì việc phân chia giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài như thế nào.
Về thị trường nước ngoài thì có những thị trường nào có thể mua chứ không nhất thiết là nông sản nhiệt đới của Việt Nam chỉ có thể bán ở Trung Quốc.
Chúng ta còn rất nhiều thị trường khác. Ở đây có thể người ta đòi hỏi chuẩn mực cao hơn, phẩm chất hàng cao hơn và những người sản xuất cũng phải sẵn sàng nâng cấp sản phẩm của mình.
Đây cũng chính là hướng tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay chúng ta đang đặt ra để sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn và người nông dân hoặc người sản xuất cuối cùng có thể đạt được lợi ích nhiều hơn trong việc bán sản phẩm của mình.
Còn về chiều nhập khẩu, như tôi đã phân tích có rất nhiều ngành mà bây giờ đến lúc các ngành công nghiệp trong nước của Việt Nam có thể và cần phát triển được. Hoặc là chúng ta có thể thu hút đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực làm các sản  phẩm trung gian đó để đỡ phải lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
PV: - Thưa bà nhưng để tìm thị trường mới xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản không phải dễ, và chúng ta cần bao nhiêu thời gian để thực hiện điều đó?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: - Tôi khó có thể nói thời gian một cách chung chung vì nó phụ thuộc rất nhiều vào các mặt hàng, sản phẩm khác nhau.
Về nông sản, Việt Nam có Hiệp định EPA với Nhật Bản trong đó Nhật Bản giảm thuế cho Việt Nam gần như tuyệt đối trong đó thị trường nông sản Nhật Bản mở cửa cho Việt Nam.
Điều kiện ở đây là sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường Nhật Bản.
Cho nên câu trả lời ở đây có thể thấy nếu Việt Nam thay đổi được, kiểm soát được tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm thì riêng thị trường Nhật Bản cũng đã có một dung lượng đủ lớn để xuất khẩu sang. Hay như Hàn Quốc cũng là một điều kiện tương tự mà cũng có nhiều nhu cầu về nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có.
Khi TPP mở ra thì Việt Nam gần như là nước nông sản nhiệt đới duy nhất cung cấp nhiều sản phẩm. Tất nhiên còn có Malaysia nhưng sản phẩm của nước này diện hẹp hơn so với Việt Nam trong khối TPP. Do vậy đây cũng là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu nhưng cái chính là Việt Nam vẫn phải tự giải đáp bài toán của mình là không phải bán trên cơ sở nguyên liệu thô giá rẻ, chất lượng tồi mà phải bán sản phẩm chất lượng cao, cố gắng có giá trị gia tăng cao hơn, vì lợi ích của chính mình.Trong trường hợp đó thì tìm thị trường hoàn toàn không khó.
PV: Vậy theo bà những vấn đề cấp bách hiện nay Việt Nam cần phải làm là gì để chúng ta nhanh chóng chủ động?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: - Khắc phục tình trạng kinh tế hiện nay là thực hiện tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế mà Thủ tướng đã nói rõ trong thông điệp đầu năm cũng như có khá nhiều chỉ thị, nhiều văn bản đưa ra rồi.
Nếu không thực hiện tái cơ cấu, cải cách thể chế thì nền kinh tế của Việt Nam nếu không có sức ép của Trung Quốc cũng không tự mình thoát ra khỏi tất cả các bế tắc hiện nay.
Đây chính là vấn đề cốt lõi nhất. Muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc của bất cứ ai thì nội lực của mình phải mạnh lên. Mình phải đứng được trên đôi chân của mình mà muốn như vậy thì phải thay đổi cách thức phát triển.
Tất cả các đề án tái cơ cấu kể cả doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại, đầu tư công cũng như nông nghiệp và các cấu phần khác thì cũng đã nói tương đối rõ rồi. Cái chính bây giờ là tổ chức thực hiện mà thôi.
Tôi nghĩ đây là biện pháp vừa mang tính trước mắt vừa mang tính chất lâu dài vì nó tạo nền tảng cho sự phát triển theo cách thức mới.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bích Ngọc (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét