Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Vì bảo thủ, viển vông, yếu mềm mới ra cơ sự này!

Đọc cho vui, chẳng có nội dung gì mới.
Vì bảo thủ, viển vông, yếu mềm mới ra cơ sự này!
Người ta bảo rằng giá như nhà em biết căn cơ làm ăn gây dựng cơ nghiệp đàng hoàng, dạy dỗ con cháu nên người không bao giờ phụ thuộc vào thằng anh thì đâu đến nỗi. Vì bảo thủ, viển vông, yếu mềm mới ra cơ sự này.

Đừng để “cáo gửi chân”
Tại một thôn làng nọ có hai nhà kia giậu liền giậu, sân liền sân, kết nghĩa anh em như môi với răng. Nhà anh là dân xã hội lại có vai vế nên lúc nào cũng hổ báo cáo chồn, cậy giàu có mà hống hách, coi thiên hạ như rơm rác, coi giời bằng vung. Tính nết bẩn thỉu lại tham lam thấy người khác có cái gì hay là mưu mô chiếm đoạt cho bằng được. Ăn cắp khoa học kĩ thuật của người khác đã thành thần, rồi đem về cải trang mẫu mã đi chút xíu, nhận là sản phẩm của mình, không biết liêm sỉ là gì.

Nhà anh giàu có nhưng đông con, luôn toan tính chuyện lấn bờ xén cõi của người em. Còn người em tuy không lấy gì làm khá giả nhưng vẫn dặn những người trong gia đình “ăn ở như bát nước đầy” với nhà anh. Nhưng đáng tiếc nhà anh lớn hơn lại rắp tâm tìm cách hất đi bát nước tình nghĩa ấy.

Nhà anh ngoài miệng thì luôn nói ngon nói ngọt nào là tôi tử tế lắm, tốt nhất trần đời… nhưng trong bụng thì luôn bày trò để thôn tính nhà của người em. Rồi cũng chẳng lừa được ai, cuối cùng thì cũng cháy nhà ra mặt chuột. Môi vẫn cứ hở và răng vẫn cứ lạnh.
Bằng chứng là nhà anh đã rất nhiều lần cướp đất nhà em, cụ thể và rõ ràng nhất là năm 1974 thì cướp đảo, năm 1979 cũng nện cho một trận nhừ tử với cái lí lẽ là nhằm “dạy cho một bài học”, năm 1988 lại cắn nhà em một miếng. Và chắc chắn với bản tính không bao giờ thay đổi thì nhà anh vũ phu, hiểm ác, thâm độc và tham lam sẽ còn nện nhà em nhiều cú đau hơn nữa. Còn nhà em thì chịu nhẫn nhục, càng nhẫn nhục bao nhiêu thì thằng anh càng được thể lên nước mặt.

“Cạnh nhà giàu đau răng ăn cốm, gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn”. Mới đây, trong một đêm trăng thanh gió mát nhân lúc nhà em không để ý nhà anh đem một chiếc cọc ra cắm ngay vào ao nhà em và buộc quanh đó là rất nhiều thuyền bè của hắn, khi nhà em phát hiện ra không những hắn không rút cọc về mà lại cho gia nhân ra đánh đuổi và dọa nạt nhà em không những thế hắn còn to mồm tuyên bố đây là đất nhà hắn và hắn muốn làm gì thì làm. “Tức nước vỡ bờ” nhà em la làng lên tổ dân phố. Dân làng thấy ngang tai trái mắt xúm vào bệnh vực nhà em. Hai nhà hàng xóm bên cạnh tuy không bị ảnh hưởng nhưng cũng lo sợ một ngày nào đó nhà anh cũng đem một chiếc cọc cắm ngay vào bờ ao nhà họ chính vì vậy họ cũng lên tiếng giúp đỡ nhà em.

Trước tình hình căng thẳng của làng xã để tránh xung đột, tổ dân phố cũng chỉ biết khuyên nhà em hãy giữ bình tĩnh, viết một bản cáo trạng gửi lên hương hội để hương hội đứng ra giải quyết yêu cầu nhà anh rút cọc về.

Nhà em lúc này họp bàn gia đình để suy xét có nên viết bản cáo trạng gửi lên hương hội để vạch trần hành động ăn cướp của nhà anh hay không? Nếu cứ chần chừ thì đến lúc nào đó rồi cũng phải giương hai mắt ếch lên nhìn thằng anh khốn kiếp cướp đi tất cả những tài sản quý giá mà không làm gì được. Người ta bảo rằng giá như nhà em biết căn cơ làm ăn gây dựng cơ nghiệp đàng hoàng, dạy dỗ con cháu nên người không bao giờ phụ thuộc vào thằng anh thì đâu đến nỗi. Vì bảo thủ, viển vông, yếu mềm mới ra cơ sự này.

Dân Vũ
(Nguyễn Tán Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét