Khó cô lập được Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chứng tỏ ông là người khó có thể bị làm mất mặt. Người ta tưởng rằng nhà lãnh đạo Nga này sẽ trở thành "kẻ bị ruồng bỏ", bởi Nga đã bị khai trừ khỏi câu lạc bộ các quốc gia giàu có và các nước trong câu lạc bộ này đã nhất trí không tham gia hội nghị cấp cao của G-8 dự kiến tổ chức tại Sochi (Nga). Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn tỏ ra hoàn toàn thoải mái.
Tổng thống Nga Putin
Những nỗ lực do Mỹ dàn xếp nhằm cô lập Nga vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến Moscow bị loại khỏi G-8. Tuy nhiên, khi các nhà lãnh đạo thế giới cùng có mặt tại Pháp vào ngày 6-6 để dự lễ kỷ niệm 70 năm D-Day (ngày quân đồng minh đổ bộ bãi biển Normandy của Pháp, bắt đầu chiến dịch giải phóng châu Âu khỏi Đức quốc xã) thì sự hiện diện của ông Putin sẽ rất được chú ý. Các nhà lãnh đạo của 3 nước châu Âu then chốt gồm Pháp, Anh và Đức sẽ không tìm cách "tấn công" ông Putin, ngược lại, họ sẽ lần lượt gặp gỡ tay đôi với ông. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chạm trán với người mà ông từng so sánh như "một cậu học sinh ủ rũ ngồi cuối lớp học". Máu của người Nga đã đổ xuống khắp mặt trận phía Đông trong Thế chiến II, do đó không thể loại bỏ Nga ra khỏi lễ kỷ niệm D-Day.Tuy nhiên, theo các quan chức, không giống như Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Obama sẽ không có các cuộc hội đàm chính thức với ông Putin, mặc dù hai nhà lãnh đạo này đã điện đàm nhiều lần kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine nổ ra.
Ông Hollande là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên "phá vỡ hàng ngũ" khi mời ông Putin tham gia hội đàm tại Paris vào ngày 5-6 - ngày ông sẽ ăn tối cùng Tổng thống Mỹ. Chính phủ Anh cũng xác nhận ông Cameron sẽ gặp gỡ ông Putin tại Normandy. Và Thủ tướng Đức Merkel ngày 3-6 cho biết sau một trong số những cuộc điện đàm thường xuyên giữa bà và nhà lãnh đạo Nga, bà cũng sẽ trực tiếp gặp gỡ ông Putin.
Theo một nghĩa nào đó, hoạt động ngoại giao náo nhiệt này cho thấy, mặc dù Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và quan hệ giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin đang ở mức lạnh nhạt nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, song việc cô lập ông Putin luôn là điều rất khó thực hiện. Trong bối cảnh ông Putin đang rút quân khỏi biên giới với Ukraine và một Chính phủ mới tại Kiev đã sẵn sàng, các nhà lãnh đạo phương Tây có thể đang hy vọng rằng việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Paris vào ngày 5-6 sẽ là cơ hội tốt để xoa dịu tình hình thông qua đối thoại.
Anh và Đức có thể sẽ đánh mất nhiều thứ nếu cuộc khủng hoảng tại Ukraine trở nên trầm trọng hơn bởi hai nước có các lợi ích kinh tế to lớn liên quan tới Nga, và Pháp muốn chống lại sức ép của Mỹ buộc nước này hủy việc bán hai tàu chở trực thăng cho Nga.
Đầu năm 2014, các quan chức cấp cao của Mỹ lập luận rằng việc khai trừ Nga khỏi G-8 sẽ là một đòn trừng phạt hiệu quả trong bối cảnh nhà lãnh đạo Nga muốn tìm kiếm sự tôn trọng của quốc tế và trở thành người có ảnh hưởng trên toàn cầu. Tuy nhiên, ngày 3-6, khi cùng ông Obama tới Ba Lan, dường như các quan chức này đang tìm cách tận dụng tối đa tuần làm việc bận rộn của ông Putin. Họ nói rằng ông Hollande đã thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine bằng việc mời Tổng thống đắc cử Petro Poroshenko tới dự lễ kỷ niệm D-Day. Tổng thống Obama đã kêu gọi ông Putin gặp gỡ nhà lãnh đạo mới của Ukraine. Họ cũng chỉ ra rằng trong bữa tối 4-6, các cường quốc sẽ tìm cách truyền tải một thông điệp mà ông Putin sẽ thường xuyên phải nghe trong những ngày tới. Một quan chức cấp cao Mỹ nói với hãng tin AFP: "Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi đang theo sát các đối tác của chúng tôi" trong vấn đề khủng hoảng tại Ukraine, nhằm bác bỏ quan điểm cho rằng sự đoàn kết của phương Tây đang rạn nứt.
Tổng thống Obama cam kết sẽ nói chuyện thẳng thắn với ông Putin. Ông nói: "Ông Putin có thể đưa ra quyết định, bắt đầu rút quân đội khỏi biên giới, sử dụng ảnh hưởng của mình để buộc các phần tử ly khai ngừng hoạt động. Ông ấy có thể gặp gỡ Tổng thống mới đắc cử của Ukraine, công nhận rằng đây là một cuộc bầu cử hợp pháp. Đó là điều tôi sẽ nói với ông Putin nếu tôi chính thức gặp ông ấy. Đó cũng là điều tôi đã nói riêng với ông ấy. Tôi mong muốn và hy vọng rằng ông David Cameron và Francois Hollande cũng sẽ nhấn mạnh những điều này với ông Putin".
Thanh Phương
Xem video Putin dự D - Day đúng thật y như Đức bị Đồng minh quây ở Noocmandi vậy.Và nếu thấy bà Merkel đại diện cho nước Đức( thất bại từ nơi này 1945 ) ngồi bàn bạc với ông Putin đại diện nước Nga (thắng trận 1945 ) về Ukraine thì thấy rõ lịch sử đã đổi chỗ ngồi thắng - thua từ lúc nào không biết . Vì sao luật đời lại trớ trêu đến thế ???
Trả lờiXóa