Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Trả lời bạn đọc: Lại chuyện giầu nghèo và tăng trưởng GDP

Trả lời bạn đọc: Lại chuyện giầu nghèo và tăng trưởng GDP
Bác quanlychatluong khi đọc bài "Trả lời bạn đọc: Viện trợ nước ngoài - Thật và Ảo" lại đặt cho tôi một loạt câu hỏi (xem trong bài trên hoặc ở cuối bài này). Nghĩ đã tư vấn thì tư vấn cho chót, dù những điều bác nêu cũng không đòi hỏi học thuật nhiều, bác có thể tự tra trên mạng nhưng xin vẫn viết bài này trả lời:
Dự báo tăng trưởng 2014 của các khu vực
1. Về đề nghị cho thêm phần Search vào blog để bạn đọc dễ dàng tìm bài mình thích: Tôi đã cho bên cạnh, nhưng dường như tác dụng của nó quá thấp trong khi có nó thì tốc độ đọc trang chậm lại đáng kể. 
Để tìm bài cũ trong blog này, tôi cần nhớ vài từ trong tên bài hoặc trong nội dung bài, sau đó vào google đánh cụm từ: “toithichdoc + vài từ trong tên bài hoặc trong nội dung bài”, thông thường bài sẽ hiện ra ngay. Dùng blog có cái hay này, vì có thể tìm bài cũ rất nhanh, trong khi nếu chúng ta lưu trên máy tính cá nhân thì mỗi lần tìm là một lần rất vất vả.


2. Về GDP theo bình quân đầu người và tốc độ tăng trưởng GDP: Đây là những khái niệm quá cơ bản và đơn giản với tất cả sinh viên ngành kinh tế hay khoa học xã hội, do đó tôi không muốn và rất khó giải thích cho bác hiểu vì sách đã viết rất rõ rồi. Tôi có một bài cũ viết năm 2007 để giảng có các bộ, địa phương, xin trích ra đoạn viết về GDP để bác tham khảo:

2.1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Định nghĩa: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. GDP là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng nhất, dùng để đo kết quả sản xuất xã hội của đất nước. Qua chỉ tiêu GDP nhận biết được năng lực sản xuất của một quốc gia.


Định nghĩa GDP trong nước và quốc tế đều như nhau. Chỉ khi đi vào tính toán cụ thể mới phát sinh các quy định khác nhau tùy nhận thức của ngành thống kê mỗi nước.
Tổng sản phẩm trong nước được tính theo ba phương pháp: phương pháp sản xuất, phương pháp chi tiêu và phương pháp thu nhập.

Theo phương pháp sản xuất, tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ từ nước ngoài. Giá trị tăng thêm của từng ngành và từng thành phần kinh tế được tính bằng giá trị sản xuất trừ đi chi phí trung gian.

Theo phương pháp sử dụng (còn gọi là sử dụng tổng sản phẩm trong nước) tổng sản phẩm trong nước là tổng của tiêu dùng cuối cùng, tích luỹ tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ (+ xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ – nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ). Vì có chênh lệch nhỏ trong ước lượng tổng sản phẩm trong nước theo phương pháp sản xuất và tiêu dùng cuối cùng cũng như trong cơ sở dữ liệu nên trong sử dụng tổng sản phẩm trong nước còn có khoản mục “sai số thống kê”, là số chênh lệch giữa hai phương pháp.

Theo phương pháp thu nhập, tổng sản phẩm trong nước tính theo phương pháp thu nhập bằng tổng các yếu tố sau: thu nhập của người lao động từ sản xuất; thuế, trợ cấp sản xuất; khấu hao tài sản cố định; thặng dư, thu nhập hỗn hợp.

Tổng sản phẩm trong nước được tính theo giá thực tế và giá so sánh.

Nghiên cứu tăng trưởng GDP có ý nghĩa rất quan trọng trong phân tích chính sách kinh tế vì GDP là một trong những chỉ tiêu then chốt đo lường thành tựu kinh tế của một nước. GDP được thể diện dưới nhiều hình thức: giá trị tuyệt đối, giá trị tương đối, chỉ số phát triển, GDP đầu người, GDP theo giá hiện hành và theo giá cố định, GDP theo đô la Mỹ...

Nhờ các hình thức tính khác nhau, có thể so sánh thành tựu kinh tế năm nay với năm trước, giữa nước ta với các nước khác, từ đó đánh giá được kết quả sản xuất tốt hay xấu, mức sống của dân cư nước ta so với quốc tế... Phân tích GDP cũng kích thích các nhà kinh tế nghiên cứu tại sao nền kinh tế lại phát triển nhanh hay chậm như vậy, và đề ra các chính sách để cải thiện tình hình.

2.2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế

Để tính tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, GDP được tính theo giá so sánh (là giá bình quân của một năm được chọn làm gốc). Công thức tính tốc độ tăng trưởng như sau:

           GDP t  - GDP t-1
g =      -----------------
                   GDP t-1

Trong đó: g là tốc độ tăng trưởng

GDP t  là tổng sản phẩm trong nước năm t theo giá so sánh

GDP t-1 là tổng sản phẩm trong nước năm t-1 theo giá so sánh

2.3. Tính chỉ số phát triển GDP

Chỉ số phát triển GDP là một khái niệm tương tự như chỉ số giá, nó phản ánh tiến triển của GDP theo thời gian so với một năm gốc được chọn làm năm cơ sở. Năm cơ sở thường là năm đầu tiên khi bắt đầu dãy số liệu. Để tính chỉ số phát triển GDP, chỉ cần lần lượt chia số liệu GDP theo giá so sánh của tất cả các năm cho GDP năm cơ sở rồi nhân kết quả với 100.

Ví dụ GDP năm 1996 là 213833, năm 1997 là 231264, năm 1998 là... Để tính chỉ số phát triển GDP theo năm gốc là năm 1996, lần lượt chia tất cả các số này cho 213833 rồi nhân kết quả với 100, sẽ có chỉ số phát triển GDP qua các năm thời kỳ 1996-1999 lần lượt là 100; 108,15; 114,39 và 119,85.

2.4. GDP bình quân đầu người theo đồng Việt Nam

Đây là chỉ tiêu nhằm đánh giá tổng hợp trình độ phát triển và mức sống hay thu nhập bình quân của dân cư một nước. Chỉ tiêu này được đo bằng tỷ số giữa GDP tính theo giá hiện hành với tổng số dân cư thường trú. Mặc dù được sử dụng rộng rãi trong so sánh quốc tế, song chỉ tiêu này cũng có một số mặt hạn chế. Một mặt, đo lường dân cư và GDP của các nước thường chưa chính xác do nguồn thông tin hạn chế, nhất là đối với các nước đang phát triển. Mặc khác, khi chuyển đổi GDP tính theo nội tệ sang một đơn vị tiền chung để so sánh quốc tế, thường là sang đồng đô la Mỹ, có vấn đề về lựa chọn tỷ giá nào cho phù hợp. Những khó khăn này đến này vẫn chưa có phương pháp xử lý hiệu quả.

GDP bình quân đầu người theo đồng Việt Nam được tính bằng cách lấy GDP theo giá thực tế chia cho dân số bình quân năm (hoặc dân số tại thời điểm 1/7 hàng năm).
                                               GDP năm nghiên cứu theo giá thực tế
GDP bình quân đầu người = -----------------------------------------
                Dân số bình quân trong năm nghiên cứu


2.5. GDP bình quân đầu người theo đô la Mỹ

GDP bình quân đầu người theo đô la Mỹ được xác định bằng cách lấy GDP bình quân đầu người theo đồng Việt Nam chia cho tỷ giá bình quân năm giữa đồng tiền Việt Nam và đồng đô la Mỹ. Vì tỷ giá có thể được xác định theo nhiều cách khác nhau, trong đó có tỷ giá theo giá thị trường (NER) và tỷ giá theo so sánh sức mua tương đương (PPP) nên cũng có thể có nhiều con số khác nhau về GDP bình quân đầu người theo đô la Mỹ.

Theo Niên giám thống kê 2006 của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2005 của Việt Nam theo tỷ giá bình quân là 639 USD, trong khi của Singapore là 26.881 USD, Brunây 25.751 USD, Malaixia 5.009 USD, Thái Lan 2.721 USD, Indonexia 1.279 USD, Philippin 1.155 USD, Lào 480 USD, Campuchia 404 USD và Mianma 199 USD.

Nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương, GDP bình quân đầu người năm 2005 của Việt Nam theo tỷ giá bình quân là 3.112 USD, trong khi của Singapore là 28.428 USD, Brunây 24.946 USD, Malaixia 11.126 USD, Thái Lan 8.563 USD, Indonexia 4.446 USD, Philippin 4.865 USD, Lào 2.095 USD, Campuchia 2.254 USD và Mianma 1.539 USD.

3. Về kinh tế vi mô: 

Các lý thuyết về kinh tế vi mô thường khá nhàm chán và không được nhiều người quan tâm vì mỗi nội dung của nó chỉ phù hợp với từng đối tượng có nhu cầu. Vả lại, để phát triển quốc gia thì vấn đề quản lý, kiểm soát vĩ mô đóng vai trò quyết định chứ không phải vi mô. Mặt khác, tôi cũng khá bận rộn, nên không thể viết cho bạn đọc về kinh tế vi mô được. Ngay đối với kinh tế vĩ mô, tôi cũng không viết mà chỉ đăng lại những bài viết cũ với mục tiêu giúp các bạn trẻ có thêm tài liệu để nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của người đi trước, nhất là tham khảo cách phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô như thế nào.

Tài liệu về kinh tế vi mô cũng rất nhiều, nhưng đều chuyên biệt cho từng lĩnh vực chứ không tổng hợp như kinh tế vĩ mô. Vì vậy mới nói chỉ có nhà kinh tế vĩ mô (hiểu toàn cục nền kinh tế) chứ không có nhà kinh tế vi mô (hiểu toàn cục tất cả các loại doanh nghiệp). Do vậy, bác thích nghiên cứu về loại vi mô cụ thể nào thì phải tự tìm lấy để đọc.

Một điều hơi buồn là sách, tạp chí và các tài liệu chuyên sâu trong nước quá ít để các bác tham khảo. Một số thì quá lạc hậu so với thời cuộc; ví dụ những quan hệ vi mô trong điều kiện hội nhập, thương mại quốc tế sâu sắc như hiện nay hầu như chưa được mô tả trong các sách, tài liệu lưu ở các thư viện Việt Nam. Ngay ở nhiều trung tâm kinh tế lớn của thế giới, vào các thư viện cũng buồn vì sách mới ít quá, không cập nhật kịp thời tình hình. Có thể nói nguồn thông tin tốt nhất để nghiên cứu chuyên sâu là các tạp chí ra hàng tháng, nhất là tạp chí của các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ILO, WTO, OECD...

Nhiều người cho rằng trên mạng internet có đủ cả. Đây là nhận định sai lầm, là nhận định của ếch ngồi đáy giếng. Thực tế tuyệt đại đa số tài liệu trên internet là những kiến thức phổ thông, dành cho sinh viên đang học đại học. Còn để nghiên cứu sâu, nhất là để vận dụng được vào thực tế, phải đọc từ sách, tạp chí hoặc mua trên internet (vào các trang phải trả tiền). Nhắc lại câu tôi đã từng viết trên blog này: Khi công bố công khai các kết quả nghiên cứu, người công bố luôn giấu đi một vài điểm cốt lõi mà thiếu chúng người đọc không thể sử dụng được kết quả nghiên cứu đó. Để làm gì vậy ? Để bắt người đọc phải liên hệ với tác giả xin mua bản quyền công nghệ và qua đó tác giả có thể kiếm được tiền bán công nghệ.

4. Về giầu nghèo trên thế giới:

4.1. Tại sao các nước tư bản chủ nghĩa giầu thế ? Có nhiều cách giải thích khác nhau xuất phát từ các góc nhìn khác nhau, nhưng theo tôi có mấy điểm chính sau:

(1) Do các nước này có hàng trăm năm cướp bóc thuộc địa đem về chính quốc đầu tư nên chính quốc đã có nền kinh tế phát triển với cơ sở hạ tầng rất tốt ngay từ cuối thế kỷ 19.

(2) Các nước này đã và đang câu kết với nhau tiếp tục áp đặt một trật tự kinh tế thế giới có lợi cho mình trong khi chèn ép, bóc lột các nước yếu thế hơn.

(3) Mô hình kinh tế TBCN là mô hình phát triển theo lo gic tự nhiên, phù hợp với lịch sử phát triển của nhân loại, với đặc điểm xã hội và nhân văn, nên đã khai thác được tiềm năng sáng tạo của người lao động. Do đó ngay từ thế kỷ 16, 17 và liên tục đến tận ngày nay, các nước theo con đường này đã tạo ra những thành tựu to lớn về tổ chức, quản lý và công nghệ, lần lượt làm nên các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật làm thay đổi hoàn toàn đời sống nhân loại.

Ngược lại những nước cố duy trì phương thức quản lý phong kiến (Trung Quốc, Việt Nam), hay áp đặt một mô hình XHCN không tưởng (thiếu tự nhiên, do ý định chủ quan của một vài cá nhân) thì đều thất bại, cụ thể là không làm được cái gì ra hồn, nhất là về sáng tạo ra cái mới thì rất kém, chủ yếu là sao chép, điều chỉnh. Đặc biệt, các hệ tư tưởng phát triển lớn, các ý tưởng khoa học và công nghiệp lớn (ô tô, tivi, máy tính, internet, điện thoại di động...) đều chỉ sinh ra tại các nước tư bản vì đó là thế giới cho phép con người tự do thể hiện suy nghĩ, chính kiến của mình dù đó có thể ngược lại với toàn xã hội.

Cách đây ba thập kỷ, nhà thơ Việt Phương khi giảng bài cho chúng tôi thường nói: Trong một xã hội dân chủ và thượng tôn pháp luật, có ba hình thức làm giầu, từ loại kém nhất đến loại cao cấp nhất: Làm ra tiền bằng sức lao động, làm ra tiền bằng tiền (bỏ tiền ra đầu tư kiếm thêm tiền) và làm ra tiền bằng trí tuệ. 

Chỉ ở các nước tư bản người ta mới thấy và thực sự kính trọng những người làm ra tiền từ trí tuệ.

Trong khi chỉ riêng ở những nước thiếu dân chủ và thiếu thượng tôn pháp luật như ở các nước phong kiến hay XHCN độc tài mới có hình thức thứ 4: Làm ra tiền bằng quyền lực; cứ chiếm được quyền, có quyền là có tiền và có tất cả.

4.2. Dĩ nhiên, đúng như bác nói, thằng tư bản chúng nó giàu thế vì chúng biết chỉ có xây dựng mô trường hoạt động thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp tư nhân của bản thân chúng nó thì chúng mới thành nhà tư bản được. Nhưng vì là xã hội dân chủ, vì đã trải qua những chặng đường phát triển từ thế kỷ 16, 17 đến nay, chúng biết nếu một mình mình ăn cả thì người công nhân sẽ chết đói và không còn sức lao động làm giàu cho chúng; hơn nữa chúng còn biết nếu không nuôi công nhân tốt thì họ sẽ phá hoại nhà xưởng... nên ngày nay chúng hết sức ưu ái giai cấp công nhân.

Có lẽ cống hiến lớn nhất của Mác là vạch trần bản chất của chủ nghĩa tư bản, qua đó giúp các nhà tư bản nhận ra những điểm yếu chết người của mình để sửa chữa, nên dù có giãy chết mãi nhưng không thể chết. Mác đã chỉ ra yếu tố trung tâm của CNTB là cấu tạo hữu cơ của tư bản, tức tỷ lệ C/V phải cân đối, hài hòa, trong đó C là tiền nhà tư bản phải đầu tư vào tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc thiết bị... còn V là tiền nhà tư bản phải trả cho ngườ lao động để họ tồn tại và lao động được, để họ sinh đẻ và nuôi con lớn lên kế thừa họ tiếp tục làm giàu cho nhà tư bản. Do đó dù bản chất khát tiền, chúng vẫn luôn chú ý trả công cho người lao động theo đúng quy luật.

Chính vì vậy mà ở các nước tư bản, hệ số Gini (dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) thường là thấp nhất, tức là ở đó mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập là thấp nhất. Bác xem thêm ở đây:

Nếu như ở các nước tư bản, thằng tư bản cần cù qua lao động trí óc hoặc chân tay mà làm giầu, thành tư bản và tham gia vào guồng máy lãnh đạo xã hội thì ở các nước XHCN hay đa số các nước đang phát triển, tình hình lại khác. Quan chức lãnh đạo các nước này thường tay trắng đi lên, không biết làm giầu như thế nào, không biết vất vả như thế nào mới có thể làm giầu, nhưng lại có nhu cầu làm giầu thật nhanh, được hưởng thụ sung sướng như bọn tư bản giầu (bất chấp toàn dân đang nghèo đói). Do đó, chúng nghĩ ra con đường nhanh nhất là quốc hữu hóa, làm xây dựng các DNNN, ở đó, bằng quyền lực do chúng cướp đoạt được, chúng mặc sức rút tiền công ra sử dụng như tiền cá nhân. Càng phát triển DNNN, càng đầu tư nhiều vào đó thì càng rút được nhiều tiền ra bỏ túi cá nhân.

Dĩ nhiên, đúng như bác nói, làm thế thì tương lai của bọn quan chức sẽ sướng (nếu chế độ cứ tồn tại mãi), chỉ có đất nước thì chả có tương lai gì cả.

4.3. Ở các nước tư bản, Nhà nước do nhà tư bản và dân bầu ra nên là trọng tài theo dõi cuộc chơi (chia thu nhập) giữa nhà tư bản và người lao động. Ông nhà nước, căn cứ vào ý kiến của các đảng phái và người dân (qua trưng cầu, lấy ý kiến dân), tính toán ban hành luật lệ chơi sao cho hai bên đầu có lợi; có thế thì cuộc chơi mới kéo dài mãi được, CNTB mới giãy mà không thể chết được. Bác cũng biết đấy, hai bên chơi mà một bên bị lột sạch thì còn cuộc chơi làm sao tiếp tục được. Phải nuôi thằng bên kia để nó lúc nào cũng sống và chơi tiếp mới vui.

Còn ở mấy nước XHCN, Nhà nước có phải do dân bầu ra đâu. Nhà nước do mấy ông vô sản cướp được chính quyền lập ra, ăn chia lợi nhuận thế nào do mấy ông ấy quyết định. Mấy ông vô sản thế hệ đầu còn có học chứ càng về sau, được sống trong quyền lực và hưởng thụ, thì càng không có nhu cầu học; do đó thấy lợi là chúi mũi vào ăn, chẳng nhìn xa xem ăn tham thế thì liệu có bền không ? Thế nên ở ta, gần 40 năm đất nước thống nhất, tiền lương vẫn chỉ đủ sống được 10 ngày, y như trước (xem ở đây: 
Lương tối thiểu chưa bao giờ đủ sống).

4.4. Ở trên tôi đã nói rồi, ở các nước tư bản, hệ số Gini thường là thấp nhất, tức là ở đó mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập là thấp nhất. Mặt khác, ở các nước nghèo, nhất là tại các nước bị quản lý bởi chế độ độc tài, thu nhập toàn dân rất thấp nên ông chủ (người giầu) cũng chỉ được hưởng lãi ít, vẫn phải dành khá tiền nuôi người lao động. Ngược lại, ở các nước tư bản, do thu nhập rất cao, nên dù đã chia cho người lao động rất nhiều để họ sống thoải mái, chẳng kiện tụng đòi thêm gì nhiều, nhưng ông chủ vẫn còn lại số thu nhập làm lợi nhuận rất cao.

Viết dài quá rồi, tôi xin dừng ở đây.

Cám ơn bác đã quan tâm, chia sẻ.

Phần lớn các câu hỏi của bạn đọc, tôi chỉ trả lời ngắn gọn qua email, vì các bạn hỏi cụ thể vấn đề phát sinh khi học tập, nghiên cứu hay cần tư vấn chuyện gì đó.

Bác hỏi, nhưng tôi không biết email để trả lời qua email, viết vào phần bình luận dưới bài viết thì không đủ chỗ, đành làm một bài riêng công khai thế này vậy. Mong bác thông cảm.

Dưới đây là nguyên văn đoạn bác QLCL đề nghị tôi trả lời giúp:

1/ Đề nghị Bác cho thêm phần Search vào blog của mình để bạn đọc dễ dàng tìm bài mình thích, nhanh chóng.

2/ Tôi có đặt câu hỏi trên cả ở bên nhà anh Ngọc thì anh ấy bảo có 2 khái niệm tôi bị nhầm: GDP theo bình quân đầu người và tốc độ tăng trưởng GDP. Tôi chắc cái đầu là khái niệm cơ bản của GDP, còn cái thứ 2 thì tôi chịu, bác Mai có thể định nghĩa cho tôi về tốc độ tăng trưởng GDP là gì không ạ ? Ghi chú: tôi có thể tra cứu trên Google bằng tiếng Việt nhưng tôi không tin mấy ông TS của Việt Nam như ông Lê Thẩm Dương hay gì đó, đã bị anh Ngọc anh ấy mắng cho mà vẫn được viết sách và đăng báo thì botay với nền giáo dục VN rồi. Tra cứu bằng tiếng Anh thì tôi chịu vì tiếng chuyên ngành thì chả hiểu được.

3/ Tôi hay đọc trang của bác Alan, nên cũng ngấm thích kinh doanh, Bác Mai có thời gian rỗi Bác có thể viết cho bạn đọc về kinh tế Vi Mô được không ạ, hoặc bác có thể tìm hộ tôi đọc sách gì dạy về cơ bản Kinh tế Vi mô vừa dễ hiểu, đơn giản được không ạ ? Thanks Bác.

4/ Kinh tế Vĩ Mô thực ra tôi cũng không "care" lắm vì nó vượt tầm hiểu biết của mình nhưng ở VN thì tôi vẫn phải quan tâm để biết thực trạng nền kinh tế của cái xứ này nó khá không hay chuẩn bị xuống vực.

5/ Tôi không được ra nước ngoài như các Bác nên hiểu biết nông cạn, chỉ có thắc mắc thế này:

+ Thằng TB sao nước chúng nó giàu thế, có phải là chúng nó giành ưu tiên cho khối doanh nghiệp tư nhân không ạ ? Còn ở VN thì tư nhân chết sặc mà DNNN thì các quan cứ lấy tiền chùa mang về nhà nên cũng chả có tương lai gì cả.

+ Theo tôi hiểu, GDP của các nước TB thì phần lợi nhuận của Chủ cũng bị chia bớt cho dân nghèo nên thu nhập đầu người của họ rất cao, còn của các nước CS, phần Lợi nhuận rơi vào tay của Nhà nước, mà ông Nhà nước có quyền ban phát cho ai là quyền của ông ấy, nên thằng dân chả được hưởng cái gì của phần Lợi nhuận này nên cứ nghèo lại càng nghèo ? Tôi nói vậy có đúng chăng ?

+ Tuy nhiên tôi có một mâu thuẫn mà chưa trả lời được: Ở các nước TB họ có Luật Pháp, Có Đảng đối lập có Nhà nước can thiệp vào giới Chủ chỉ làm mục đích làm cho XH trở nên đỡ bất công: Lấy của thằng giàu chia bớt cho thằng nghèo nhưng tại sao 90 % tài sản của XH vẫn rơi vào tay của người giàu được nhỉ ? Trước tôi có đọc mấy trang lá cải trong nước, các ông TS nhà ta bảo là TB định nghĩa GDP sai với bản chất để mục đích che giấu đi phần lợi nhuận thật của giới chủ ? Tôi đang phân vân câu hỏi này.

Vì vậy tôi phải nghiên cứu kỹ GDP thực sự nó là cái gì ?

+ Thứ hai, nếu theo học thuyết CNXH của Mác, thì phần Lợi nhuận này là sẽ được chia Công bằng cho mọi người được hưởng. Nhưng thực sự phần Lợi Nhuận này Nhà nước đang nắm giữ tất cả, và Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng thì không bao giờ chia sẻ khoản lợi nhuận này cho nhân dân cả. Đây mới thực sự là bi kịch của các nước CS.

Với giả thuyết như vậy, thì tôi dám cá rằng các ông Lãnh đạo CS còn giàu gấp nghìn lần so với các tỷ phú của TB. Vì sao ? Vì họ chả làm gì cả mà vẫn có quyền lấy phần Lợi Nhuận của dân chúng đem và nhà mình (phần NHIỀU VÀ PHẦN TO NHÁ!) TRONG KHI NHỮNG NGƯỜI ĐÓNG GÓP CÔNG SỨC VÀO THÀNH QUẢ LAO ĐỘNG THÌ LÀ CHẲNG ĐƯỢC HƯỞNG !

Trong khi đó giới Chủ của TB phải trăm phương nghìn kế vừa giải quyết công ăn việc làm cho người lao động vừa giải quyết quyền lợi cho họ để họ không thưa kiện, vừa đóng thuế cho Nhà nước, vừa lo đối thủ cạnh tranh, vừa nghĩ cách tạo gia tăng lợi nhuận. Tính ra họ còn KHỔ HƠN QUAN CHỨC CS NHIỀU, thế mà họ vẫn giàu, thế mới tài !

Bạn đọc và Bác Mai có ai biết họ làm giàu kiểu gì thì chia sẻ cho tôi và mọi người với ! Thanks.

Đôi lời mạn đàm ! Chắc tôi phải chuyển qua nghiên cứu kinh tế mất.

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn Bác Mai ! Nhờ Bác ở bên nước ngoài giới thiệu hộ tôi vài cuốn :Kinh tế vi mô" có uy tín để tôi tìm mua. Sách VN là tôi không "care" vì họ dịch toàn có định hướng hoặc hiểu sai ý tác giả. Thanks Bác.

    Trả lờiXóa