Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Trả lời bạn đọc: Giầu nghèo và tăng trưởng GDP

Giầu nghèo và mục tiêu tăng trưởng GDP
Đọc bài "Trả lời bạn đọc: Viện trợ nước ngoài - Thật và Ảo", bạn Hoang Pham có nhận xét và hỏi: "Bài viết chi tiết quá. Bác Mai cho em hỏi là các nước phát triển và có mức sống cao như Thụy Sĩ chẳng hạn thì tăng trưởng GDP có quan trọng nữa không. Thu nhập bình quân đã rất cao rồi, dân số ổn định thì chỉ cần duy trì là tốt rồi phải không ạ?".

Dù đều đói nghèo và đem gạo nuôi nhau, nhưng Việt Nam
và Cu Ba kiên quyết sát cánh bên nhau cùng tiến lên CNXH.
Xin trả lời bạn như sau :
1. Người dân ở các nước giầu đều biết các nước khác còn nghèo lắm, nghèo đến mức không thể tưởng tượng được, do đó nếu cứ duy trì được mức sống hiện tại của họ, họ cũng hài lòng. Vì vậy ở đây sức ép phải tăng trưởng kinh tế nhanh không lớn như tại các nước nghèo. 

Mặt khác, là những nước đi tiên phong, nên người dân cũng không nghĩ ra được tới đây sẽ có nhu cầu gì. Phải có các nhà sản xuất nghĩ ra trước, làm ra rồi cung cấp trên thị trường thì người dân mới biết mà tiêu dùng. Ví dụ nghĩ ra internet thì sinh ra nhu cầu sử dụng internet. Khoảng chục năm nay các nhà sản xuất chưa nghĩ ra cái mới nên nhu cầu của dân tăng chậm lại, tạm thời vẫn loay hoay chơi với internet. 

Ngược lại, ở các nước nghèo, người dân nhìn sang các nước giầu, thấy vô số thứ ở đó người ta đang tiêu xài mà mình không có, nên có nhu cầu rất cao (hiệu ứng lan tỏa tiêu dùng), cần tăng trưởng kinh tế rất nhanh mới thỏa mãn; đó là còn chưa tính tới tốc độ tăng trưởng dân số cao. Do đó sức ép tăng trưởng GDP ở đây rất lớn.

2. Ở cả nước giầu lẫn nước nghèo, do nhu cầu của con người không có giới hạn (ví dụ đã có nhà thì muốn nhà đẹp hơn) nên để thỏa mãn ngày càng tốt hơn các nhu cầu đó thì nhất định vẫn phải có tăng trưởng GDP.

3. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn. Mải mê tăng trưởng GDP cao để thỏa mãn nhu cầu, con người đã khai thác gần như kiệt quệ mọi nguồn tài nguyên (đất, nước, khoáng sản…) của trái đất; hủy hoại hầu hết các loài sinh vật và thực vật, làm mất tính đa dạng rất cần thiết của trái đất. Tôi hay nói đùa sau này mọi loài vật sẽ biến mất, chỉ còn 4 loại được sống để làm thức ăn cho người là gà, lợn, bò và cá. Về cây cối, cũng sẽ chỉ giữ lại mấy loại ngũ cốc và rau con người quen ăn, còn lại sẽ chặt phá, tiêu diệt hết để lấy đất phục vụ con người và nuôi trồng mấy loại sinh vật, thực vật này.

Không những thế, mải mê tăng trưởng GDP cao đang tiềm ẩn nguy cơ làm biến đổi khí hậu toàn cầu, dẫn tới những tác nhân vật lý địa cầu có thể đưa con người tới chỗ diệt vong.

4. Vì vậy khoảng 30 chục năm nay, vấn đề cân bằng giữa tăng trưởng GDP với phát triển xã hội và bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo, phát triển môi trường sống đã được đặt ra và ngày càng trở lên quan trọng.

Ở các nước giầu, người ta càng nhận thức rõ điều đó. Do đó, vấn đề tăng trưởng GDP không còn là trọng tâm. Giờ đây cần có sự phát triển cân đối, hài hòa giữa 3 trụ cột : Kinh tế, xã hội và môi trường.

a) Về kinh tế, tiếp tục có một tốc độ tăng trưởng hợp lý 2-3% là đủ. Đây là mục tiêu quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất.

b) Về xã hội, bên cạnh mục tiêu xây dựng một nền văn hóa lấy tiêu chuẩn văn minh làm thước đo, có một mục tiêu cấp bách và quan trọng nhất là tạo càng nhiều công ăn việc làm cho người lao động càng tốt. Càng cung cấp đủ việc làm cho người lao động sẽ càng làm cho xã hội bình đẳng hơn, càng làm giảm số người nhàn rỗi sinh đạo tặc, sinh ra rượu chè, phá hoại.

Ở các nước giầu, giai cấp tư bản luôn sẵn sàng nuôi những người thất nghiệp, người không muốn lao động… để họ không bất mãn, không ra đường biểu tình, không đập phá… và để yên cho giới chủ làm giầu bằng sức lao động của những người muốn làm việc và đang làm việc cho chúng.

Ngược lại, người dân dù được giai cấp tư bản nuôi, nhưng họ vẫn muốn làm việc để cống hiến cho xã hội, để làm gương cho các thế hệ con cháu noi theo và để có thu nhập cao hơn, mức sống cao hơn người hưởng trợ cấp xã hội. Họ cũng không muốn bị giai cấp tư bản xem như những con lợn, con cừu đần độn cần phải nuôi để chúng không phá quấy xã hội.

Mặc dù về đạo lý, một tốc độ tăng trưởng kinh tế 2-3% là đủ. Nhưng vì quá trình tăng trưởng rất bất công, phân chia thành quả tăng trưởng bất hợp lý, ưu tiên quá đáng cho mục tiêu làm giầu của giai cấp thống trị... nên tốc độ tăng trưởng đó không tạo ra đủ công ăn việc làm. Vì vậy giới chủ đòi chính phủ phải làm sao để tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nữa (ví dụ mở rộng chính sách tài chính tiền tệ, được phép khai thác thêm mỏ, chặt rừng...) trong khi giới công đoàn đòi chính phủ phải ưu tiên chính sách điều tiết thu nhập kiên quyết hơn để giảm mạnh chênh lệch giầu nghèo, tạo cơ chế để sử dụng lao động nhiều hơn thay cho ưu tiên kiếm lợi nhuận cho chủ tư bản như hiện nay (ví dụ hạn chế phát triển siêu thị, tăng số lượng cửa hàng nhỏ của các cá nhân, quy định thời gian được phép sản xuất, bán hàng mỗi ngày, giảm số giờ lao động trong tuần để sử dụng thêm lao động...).

c) Về môi trường, đa số đã nhận thấy tầm quan trọng của nó, nhưng vì những hậu quả khủng khiếp do tàn phá môi trường chưa lớn và chưa trực tiếp nên có thể nói cả thế giới vẫn rất chủ quan. Các nước giầu ồ ạt khai thác tài nguyên của nước nghèo để tiêu xài trong khi vẫn bảo vệ chặt nguồn tài nguyên trong nước, do đó nước nghèo có bị vắt kiệt tài nguyên thì trước mắt nước giầu cũng chưa bị ảnh hưởng lớn, tài nguyên của họ vẫn còn. Hơn nữa họ dự báo biến đổi khí hậu sẽ gây ảnh hưởng rất nặng nề tới các nước nghèo, còn họ thì chỉ bị ảnh hưởng ít nên họ vẫn nhơn nhơ, mặc kệ nước nghèo; dành sức lo bảo vệ môi trường sống của mình trước đã.

Hiện nay, thứ tự ưu tiên phát triển 3 trụ cột trên là :

- Nước giầu : Trọng tâm là ưu tiên phát triển xã hội, giải quyết việc làm, tiếp đến là bảo vệ môi trường sống trong nước ; cuối cùng mới tính đến tốc độ tăng trưởng GDP

- Nước nghèo : Ưu tiên phát triển kinh tế để mong được tiêu xài sung sướng như nước giầu ; tiếp đến là giữ ổn định xã hội ; thừa tiền, thừa lao động mới tính đến bảo vệ, phát triển môi trường.

Trong khi ai cũng hiểu về đạo lý, phải coi bảo vệ, phát triển môi trường, giữ yên lành trái đất của chúng ta phải là mục tiêu quan trọng nhất, tiếp đến là phát triển xã hội, và cuối cùng mới là của cải vật chất tiêu dùng, tức là kinh tế.

Trước đây chúng ta chỉ tính toán của cải quốc gia làm ra trong mỗi kỳ (quý, năm), gọi là GDP. GDP chỉ đo lường các thành tựu kinh tế, phản ánh tăng trưởng kinh tế.

Để tính đến các mặt xã hội, người ta đã đề nghị thay vì tính GDP, phải tính HDI (Human Development Index), phản ánh phát triển kinh tế xã hội. HDI là tổng hợp của ba chỉ tiêu lớn: GDP, tuổi thọ và trình độ học vấn.

Giờ đây, để tính đến nhân tố môi trường, tức là xem phát triển kinh tế, xã hội như vậy có kèm theo tàn phá môi trường không, có phát triển môi trường không (ví dụ trồng thêm rừng, cải tạo làm sạch các nguồn nước, tăng thêm độ đa dạng sinh học…)… người ta đề nghị phải tính GDP xanh và HDI xanh.

Quá trình chuyển từ GDP sang HDI đã diễn ra hơn 40 năm, nhưng đến nay kết quả thu được chưa là bao nhiêu. Vậy thì từ HDI sang HDI xanh (chỉ tiêu này chưa biết sẽ được đặt tên là gì, đo lường thế nào) sẽ còn xa lắm, có lẽ phải đến hết thế kỷ XXI này mới thành hiện thực.

Nhưng dù sao, nếu hết thế kỷ XXI này chúng ta có HDI xanh thì vẫn còn sớm hơn là thấy chủ nghĩa xã hội thành công trên đất nước ta, vì mọi người đều biết bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa nói đến hết thế kỷ XXI này cũng chưa chắc đã nhìn thấy chủ nghĩa xã hội.

5 nhận xét:

  1. bác viết rất hay và rõ cho bọn lừa đọc được, thành bác

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bài viết hay của chú. Chúc chú năm mới sức khỏe ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn các bạn đã bình luận và động viên.
    Chúc tất cả các bạn và bạn đọc mọi sự đều tốt lành.

    Trả lờiXóa
  4. Bác đúng là giáo sư bình dân, rất hay.

    Trả lờiXóa