Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Thông cảm với Bộ trưởng Thăng về Tai nạn giao thông

Thông cảm với Bộ trưởng Thăng về Tai nạn giao thông
Có thể chê trách các bác Bộ trưởng giao thông nhiều vấn đề, nhưng riêng về tai nạn giao thông, tôi rất thông cảm với các bác ấy. Từ năm 1989-1990 sang Pháp học, được tiếp xúc với thông tin bên ngoài, tôi mới biết tai nạn giao thông trên thế giới cũng rất cao chứ không chỉ ở Việt Nam. 
Số người chết vì TNGT đường bộ 
tính trên 1 triệu dân (số năm 2008)
File:People killed in road accidents, 2008 (persons killed per million inhabitants)-fr.png
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2013 cả nước có khoảng 9900 người chết vì TNGT (riêng đường bộ 9600); chia cho dân số 89,7 triệu người, thì thấy tỷ lệ người chết vì TNGT ở ta là 110 người / triệu dân (riêng đường bộ 107 người / triệu dân). So với số liệu trong đồ thị trên, có thể thấy tỷ lệ người chết vì TNGT ở ta thấp hơn rất nhiều so với Hy Lạp, Ba Lan, Bungari, tương đương với Hungary, Slovakia, Slovenia, Tchèque, và chỉ cao hơn so với các nước công nghiệp phát triển.


Thực ra so với các nước công nghiệp phát triển sẽ làm khó cho bác Thăng. Các nước này đều có một hệ thống đường giao thông rất tốt, đường nào cũng được phân làn để mỗi xe đi một làn riêng, xe qua lại hầu như không phải chung đụng nhau trên đường; hệ thống đèn tín hiệu và biển báo giao thông thì tuyệt vời; luật giao thông được thực hiện khá nghiêm, mức phạt cũng rất nghiêm khắc ... 

Nhưng đặc điểm ấn tượng nhất là ý thức dân chúng khi tham gia giao thông rất cao; có nơi cực cao như Thụy Sĩ hay các nước Bắc Âu, ở đó thấy người đi bộ có ý định sang đường là lái ô tô dừng xe nhường ngay dù không biết người đó có thực sự muốn sang đường không.

Một đặc điểm khác là tại các nước công nghiệp, người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến; đây rõ ràng là cách đi lại an toàn nhất. Hơn nữa, nếu dùng phương tiện giao thông cá nhân, họ chủ yếu dùng ô tô, loại phương tiện giao thông an toàn hơn rất nhiều so với dùng xe máy hay xe đạp (đi chung với đường ô tô).

Mặc dù vậy, số người chết vì TNGT ở các nước này cũng khá cao. Ví dụ nước Pháp, một nước công nghiệp có hệ thống đường giao thông chủ yếu là bằng phẳng, đi lại không nguy hiểm, nhưng những năm 90, số người chết vì tai nạn giao thông cũng trên dưới 8 nghìn người, tính tỷ lệ người chết vì TNGT trên dân số cũng chẳng kém gì ta. Chỉ khoảng dăm năm gần đây, nhờ nhiều biện pháp, mới giảm được xuống khoảng 4000 người; tỷ lệ người chết vì TNGT khoảng 70 người / triệu dân, bằng 2/3 tỷ lệ này ở ta.

Thụy Sĩ, một nước giao thông phát triển hơn Pháp nhiều, Thế nhưng mỗi năm cũng có tới 300 người chết vì TNGT (dân số Thụy Sĩ gần 9 triệu người), tỷ lệ người chết vì TNGT khoảng 35 người / triệu dân, bằng 1/3 tỷ lệ này ở ta. Đây có lẽ là những mức thấp nhất thế giới.

Do vậy, căn cứ vào thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay ở nước ta, xét cơ cấu phương tiện giao thông ở nước ta, xét ý thức tham gia giao thông của người dân... thì có thể nói TNGT của ta cũng không phải là quá trầm trọng như báo chí vẫn đưa tin.

Những ngày Tết vừa qua, báo chí liên tục đăng tin về tình hình TNGT, nhưng với những số liệu đưa ra, tôi thấy số vụ tai nạn, số người chết và bị thương cũng không hơn ngày thường bao nhiêu. Rõ ràng đấy là một thành tích của ngành giao thông - công an, trong đó có công của bác Thăng.

Rất mừng vì bác Thăng đang nói ít, làm nhiều và có nhiều kết quả tích cực. Chân thành cám ơn những đóng góp gần đây của bác với đất nước, với xã hội.

Chúc bác và ngành giao thông luôn khỏe, hăng hái và làm việc có hiệu quả hơn nữa trong năm 2014 này. Đất nước sẽ ghi nhận và lịch sử sẽ lưu danh tên bác nếu bác thay đổi cơ bản được bộ mặt giao thông tệ hại tồn tại từ nửa thế kỷ nay ở nước ta.

Lại Trần Mai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét