GDP chạy đi đâu?
Bùi Trinh (TBKTSG Online) - Sự phát triển về số lượng trong nước như tăng lao động, tăng khai thác tài nguyên sắp bão hòa. Vì vậy, những chính sách khuyến khích tăng cung cần tập trung vào công nghệ và hiệu quả chứ không thể tập trung vào mở rộng sản xuất các ngành sử dụng nguyên liệu và lao động thô như trước.
Những người bán hàng rong như thế này chẳng được
lợi gì từ việc tăng trưởng GDP. Ảnh Uyên Viễn
Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trong giai đoạn 2000 - 2006 của Việt Nam vào khoảng 7,5% và lạm phát khoảng 5%. Đến giai đoạn 2007 – 2012 nền kinh tế chuyển sang chính sách quản lý cầu cuối cùng - hầu hết các chính sách đều can thiệp vào phía cầu cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất khẩu) như kích cầu tiêu dùng, đầu tư và hỗ trợ xuất khẩu. Ở giai đoạn này tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước giảm sút còn 5,9% và lạm phát trung bình tăng lên xấp xỉ 13%.Quan hệ Keynes – Leontief cho rằng khi các nhân tố ở phía cầu tăng lên sẽ kích thích (lan tỏa) đến sản xuất, từ đó lan tỏa tiếp đến thu nhập. Trong các yếu tố của cầu bao gồm nhu cầu cho sản xuất (intermediate demand) và nhu cầu cuối cùng (final demand), những nhu cầu này gồm sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê từ nhiều năm cho thấy khoảng 60% kim ngạch nhập khẩu là cho sản xuất, 30% cho tích lũy và chỉ khoảng trên dưới 10% nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Do đó, để nghiên cứu cấu trúc thực sự của sự lan tỏa từ cầu cuối cùng đến giá trị gia tăng và nhập khẩu cần xem xét nhu cầu cuối cùng nội địa (domestic final demand).
Tổ chức OECD cũng từng đề cập đến vấn đề này và đưa ra phương pháp để lượng hóa hàm lượng giá trị gia tăng được lan tỏa bởi xuất khẩu vào năm 2012. Trong một nghiên cứu của Robert Koopman và các đồng nghiệp về Trung Quốc, nước có lượng xuất khẩu khổng lồ, nhóm tác giả cũng đã lượng hóa hàm lượng giá trị gia tăng của xuất khẩu sản phẩm thô và giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu đã qua chế biến .
Kết quả tính toán từ hai bảng I/O 2000 và 2010 cho thấy mức độ lan tỏa từ nhu cầu cuối cùng nội địa đến sản xuất có sự thay đổi tương đối lớn và rõ rệt. Xét về tổng ảnh hưởng các yếu tố của cầu tiêu dùng (household consumption –C) và đầu tư thì sự lan tỏa đến sản xuất giảm mạnh, tương ứng là 14,1% và 17,1%, nhưng mức độ lan tỏa của xuất khẩu đến sản xuất lại tăng khá mạnh (11,7%).
Tuy nhiên, một điều cần cảnh báo là dù mức độ lan tỏa của xuất khẩu đến sản xuất tăng nhưng mức độ lan tỏa của xuất khẩu đến giá trị gia tăng giảm rất mạnh (13,3%). Điều này nói lên hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu ngày càng giảm và hầu như sản phẩm xuất khẩu chỉ là sản phẩm thô, hoặc là tài nguyên và sản xuất gia công. Như vậy có thể nói rằng xuất khẩu trong giai đoạn này chỉ là xuất khẩu hộ nước khác.
Về ảnh hưởng của đầu tư, tuy sự lan tỏa đến sản xuất giảm mạnh (17,1%) nhưng mức độ lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm ít hơn, chỉ khoảng 5,6%. Điều này cho thấy lượng tiền bỏ ra đầu tư có 17,1% không đến được với sản xuất, nếu không thì hiệu quả đầu tư của giai đoạn 2006-2011 cao hơn giai đoạn 2000-2005.
Một điều cần lưu ý rằng trong giai đoạn 2006-2011 cầu tiêu dùng lan tỏa đến sản xuất và giá trị gia tăng giảm sút rất mạnh tương ứng là 14,1% và 20,4%. Tuy nhiên mức độ lan tỏa của cầu đầu tư và tiêu dùng không làm tăng mức độ lan tỏa đến nhập khẩu hơn giai đoạn trước, phải chăng khi can thiệp vào phía cầu đầu tư và tiêu dùng (aggregate demand) không làm tăng sản xuất và thu nhập mà lại làm tăng giá?
Qua những tính toán nêu trên có thể thấy cơ cấu nền kinh tế đã thay đổi, và nhiều khả năng là thay đổi theo hướng chuyển từ trường phái Keynes (đường cung nằm ngang- tăng cầu làm tăng cung mà không tăng giá) sang gần hơn với trường phái cổ điển (đường cung thẳng đứng - tăng cầu chỉ làm tăng giá). Nó cũng phù hợp với xu hướng lạm phát trong những năm qua.
Một khả năng để lý giải điều này là sự phát triển về số lượng trong nước (tăng lao động, tăng khai thác tài nguyên) sắp bão hòa. Do đó, những chính sách khuyến khích tăng cung cần tập trung vào công nghệ và hiệu quả chứ không thể tập trung vào mở rộng sản xuất các ngành sử dụng nguyên liệu và lao động thô như trước. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không tăng nhiều là do điều hành chính sách tiền tệ và chi phí đẩy không tăng, nhưng tôi vẫn cho rằng tổng cầu giảm là nguyên nhân cơ bản kéo lạm phát xuống đồng thời làm giảm nhu cầu tín dụng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ trọng tổng cầu trên GDP giảm trên 10 điểm phần trăm, việc suy giảm tổng cầu cơ bản là giảm về đầu tư, trong khi cầu tiêu dùng dường như không thay đổi. Nếu nhìn GDP từ góc độ thu nhập, gồm thu nhập từ lao động, thu nhập từ vốn và thuế sản xuất, thì khoản nào trong ba khoản này tăng trưởng? Nếu tăng trưởng năm 2013 như vậy thì GDP chạy đi đâu? Nhìn vào chỉ tiêu xuất nhập khẩu theo sở hữu và một số học giả ở Fulbright thì phải chăng nó chạy vào khu vực FDI và chạy vào một số doanh nghiệp độc quyền? Trong cả hai trường hợp này thì việc tăng trưởng GDP dường như không còn ý nghĩa với người dân.
Như vậy, dù không hô hào gì, không có dự án rầm rộ gì nhưng cơ cấu về sở hữu đang dịch chuyển từ khu vực kinh tế trong nước sang khu vực FDI và tiền quy tụ vào một nhóm thiểu số trong cộng đồng dân cư? Ngoài ra việc gia tăng ở phía cầu có thể làm tăng GDP trong ngắn hạn nhưng kéo theo những bất ổn vĩ mô như lạm phát, thâm hụt thương mại và căng thẳng tỷ giá.
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/goctoasoan/109604/GDP-chay-di-dau?.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét